ĐỘI TNTP HỒ CHÍ MINH

HỘI ĐỒNG TRUNG ƯƠNG

***

Số:  23 - BC/HĐĐTW

 

Hà Nội, ngày  24  tháng  01 năm 2018

BÁO CÁO

Tổng kết hoạt động của hệ thống Nhà Thiếu nhi năm 2017

--------

Năm 2017, năm diễn ra Đại hội đại biểu Đoàn TNCS Hồ Chí Minh các cấp, Đại hội đại biểu Đoàn TNCS Hồ Chí Minh toàn quốc lần thứ XI; kỷ niệm 86 năm Ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh (26/3/1931 - 26/3/2017); 76 năm Ngày thành lập Đội TNTP Hồ Chí Minh (15/5/1941 - 15/5/2017); 70 năm Ngày Thương binh liệt sỹ (27/7/1947 - 27/7/2017), hệ thống Nhà Thiếu nhi cả nước đã có nhiều nỗ lực trong triển khai các nhiệm vụ công tác và đạt được những kết quả cụ thể như sau:

I. CÔNG TÁC THAM MƯU, CHỈ ĐẠO

1. Trung ương

Hội đồng Đội Trung ương đã ban hành Chương trình hoạt động của hệ thống Nhà thiếu nhi với các trọng tâm nhằm nâng cao chất lượng hoạt động, tạo điều kiện cho thiếu nhi được tham gia học tập, vui chơi giải trí, bồi dưỡng và phát triển năng khiếu. Việc xây dựng mô hình và thí điểm các hoạt động Đội theo chức năng, nhiệm vụ của hệ thống Nhà Thiếu nhi đã tiếp tục được cụ thể hóa, triển khai đồng bộ với chương trình công tác Đội và phong trào thiếu nhi năm học. Các hoạt động kỷ niệm ngày lễ lớn, chào mừng sự kiện chính trị lớn của đất nước cũng được Hội đồng Đội Trung ương chỉ đạo cơ sở triển khai sôi nổi, tiêu biểu như: Kỷ niệm 70 năm ngày Thương binh liệt sỹ với các đơn vị tăng cường các hoạt động tuyên truyền, giáo dục trong thiếu nhi, tổ chức các hoạt động văn hóa văn nghệ theo chủ đề “Màu hoa đỏ” nhằm tuyên truyền trong thiếu nhi các ca khúc ca ngợi sự hy sinh cao đẹp của các anh hùng, liệt sĩ, ca ngợi tình yêu quê hương, đất nước; tích cực vận động thiếu nhi tham gia cuộc thi sưu tập và tìm hiểu tem với chủ đề “70 năm Ngày Thương binh liệt sĩ trên con tem bưu chính”[1]; chỉ đạo hệ thống Nhà Thiếu nhi toàn quốc tổ chức các hoạt động chào mừng Đại hội Đoàn các cấp, tổ chức chương trình nghệ thuật "Măng non tiến bước lên Đoàn” chào mừng thành công Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ XI...[2]

Bên cạnh đó, Hội đồng Đội Trung ương đã chỉ đạo các đơn vị tăng cường công tác bồi dưỡng năng khiếu, kỹ năng cho thiếu nhi thông qua cuộc thi vẽ tranh “Mizuiku - Em yêu nước sạch”, giải bơi toàn quốc“Đường đua xanh”… Hướng dẫn, chỉ đạo hệ thống Nhà thiếu nhi tham gia, tổ chức thành công nhiều chương trình quy mô cấp toàn quốc và khu vực như: Trại huấn luyện Kim Đồng dành cho cán bộ nghiệp vụ Nhà Thiếu nhi toàn quốc, Trại sáng tác thơ văn tuổi học trò năm 2017, Liên hoan Tiếng kèn Đội ta, Liên hoan nghệ thuật thiếu nhi khu vực phía Bắc; Liên hoan múa rối, Liên hoan thiếu nhi dân tộc, Liên hoan Búp sen hồng, Liên hoan câu lạc bộ đội, nhóm và trò chơi dân gian, Liên hoan kỹ năng thanh thiếu nhi khu vực phía Nam...

Trong xây dựng chính sách pháp luật và các chương trình, dự án hỗ trợ cho công tác thiếu nhi, Hội đồng Đội Trung ương đã chỉ đạo các Nhà Thiếu nhi tăng cường công tác tuyên truyền về Luật Trẻ em, trong đó tập trung tuyên truyền về phòng chống xâm hại trẻ em, tai nạn thương tích và phòng chống đuối nước ở trẻ em; tham mưu phê duyệt và triển khai Đề án “Hỗ trợ trang thiết bị cho các Nhà thiếu nhi khu vực, địa bàn khó khăn năm 2017”.

Công tác thông tin, tuyên truyền trong năm 2017 được duy trì có hiệu quả. Website http://thieunhivietnam.vn tiếp tục cập nhật, đăng tải nhiều tin bài về hoạt động của hệ thống Nhà Thiếu nhi các cấp, kịp thời cập nhật các chủ trương công tác lớn của Trung ương tới cơ sở.

2. Các tỉnh, thành phố

Đoàn Thanh niên, Hội đồng Đội các cấp đã chỉ đạo, định hướng, hỗ trợ hoạt động của hệ thống Nhà Thiếu nhi một cách đồng bộ, chặt chẽ, góp phần nâng cao chất lượng công tác Đội, phong trào thiếu nhi trong và ngoài nhà trường, đa dạng các hình thức hoạt động cho thiếu nhi, nhất là trong dịp hè.

Các Cung, Nhà Thiếu nhi, Trung tâm hoạt động thanh thiếu nhi đã nghiên cứu, tham mưu cho Đoàn Thanh niên, Hội đồng Đội các cấp xây dựng, thí điểm, chuyển giao các mô hình hoạt động Đội có hiệu quả đến cơ sở; chủ động triển khai chương trình công tác năm theo định hướng của Hội đồng Đội Trung ương và nhiệm vụ chính trị tại địa phương; tích cực xã hội hóa, thu hút nguồn lực hỗ trợ cho hoạt động của đơn vị, tạo ra nhiều sân chơi mới hấp dẫn, bổ ích; là nòng cốt cho các hoạt động của thiếu nhi tại địa phương.

Trong năm, Đoàn Thanh niên, Hội đồng Đội các tỉnh, thành phố đã tổ chức các đoàn kiểm tra, nắm bắt gắn với khảo sát, hướng dẫn hoạt động của hệ thống Nhà Thiếu nhi các cấp. Công tác kiểm tra, giám sát được triển khai thường xuyên, góp phần phát hiện, nhân rộng kịp thời những mô hình hay, cách làm hiệu quả; định hướng, hỗ trợ cơ sở vật chất, tổ chức hoạt động đối với Nhà Thiếu nhi cấp huyện.

Hoạt động của Ban Chủ nhiệm Câu lạc bộ Giám đốc các Nhà Thiếu nhi hai miền Nam - Bắc tiếp tục được đẩy mạnh theo hướng chủ động, tích cực và hiệu quả. Ban Chủ nhiệm Câu lạc bộ đã định kỳ tổ chức các Hội nghị giao ban, thường xuyên tổ chức các hoạt động giao lưu, hỗ trợ các đơn vị khó khăn.

II. KẾT QUẢ ĐẠT ĐƯỢC

1. Các hoạt động lớn trong năm 2017

Các hoạt động chào mừng Đại hội đại biểu Đoàn TNCS Hồ Chí Minh các cấp, Đại hội đại biểu Đoàn TNCS Hồ Chí Minh toàn quốc lần thứ XI gắn với kỷ niệm 86 năm Ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh; 76 năm Ngày thành lập Đội TNTP Hồ Chí Minh đã được các Cung, Nhà thiếu nhi, Trung tâm hoạt động Thanh thiếu nhi các tỉnh, thành phố chủ động thực hiện, phối hợp với Hội đồng Đội các cấp tổ chức nhiều hình thức phong phú, đa dạng, nội dung sâu sắc tạo không khí vui tươi, phấn khởi trong cán bộ phụ trách và các em thiếu nhi.[3] Trong năm, 100% Nhà Thiếu nhi cả nước tổ chức, tham gia biểu diễn trống kèn, nghệ thuật chúc mừng Đại hội Đoàn TNCS Hồ Chí Minh các cấp và các sự kiện lớn tại đia phương. 

Các hoạt động kỷ niệm 70 năm ngày thương binh, liệt sỹ (27/7/1947 - 27/7/2017) được  các  Nhà Thiếu nhi quan tâm, tổ chức gắn với các hoạt động trong dịp hè với nhiều hình thức đa dạng, rộng khắp, thu hút đông đảo thiếu nhi và phụ trách tham gia. Các đơn vị đã tổ chức tốt và hiệu quả các chương trình về nguồn, tìm hiểu về địa danh, khu căn cứ, địa chỉ đỏ, nơi các anh hùng liệt sĩ đã chiến đấu, hy sinh. Tổ chức chương trình nghệ thuật “Màu hoa đỏ”, vẽ tranh về các nhân vật lịch sử, các buổi sinh hoạt truyền thống, toạ đàm, diễn đàn, các buổi nói chuyện, gặp gỡ các nhân chứng, nhân vật về lịch sử ra đời và ý nghĩa của Ngày Thương binh - Liệt sĩ và vai trò, trách nhiệm của thế hệ trẻ Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc.[4]

Năm 2017, các hoạt động cấp khu vực của Cung, Nhà thiếu nhi, Trung tâm hoạt động thanh thiếu nhi đã diễn ra sôi nổi, quy mô lớn, chuẩn bị công phu, thu hút sự tham gia đông đảo của các đơn vị, thể hiện được tinh thần giao lưu, học hỏi, góp phần nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống Nhà Thiếu nhi các cấp:

Tại khu vực phía Bắc, Liên hoan “Tiếng kèn Đội ta” được tổ chức tại Thái Bình với gần 1.000 thiếu nhi của các Đội Nghi lễ từ 26 đơn vị tham gia. Liên hoan nghệ thuật được tổ chức tại Hà Nội với sự tham gia của hơn 700 em đến từ 26 tỉnh, thành phố. Liên hoan là chương trình có chất lượng, mang tính nghệ thuật cao, để lại ấn tượng tốt đẹp cho các đại biểu và thiếu nhi tham dự.

Ở phía Nam, các hoạt động cấp khu vực diễn ra sôi nổi, thu hút sự tham gia không chỉ của các tỉnh phía Nam mà còn cả một số tỉnh khu vực phía Bắc. Các Liên hoan được chuẩn bị công phu, đạt chất lượng cao về chuyên môn và có nhiều hoạt động xã hội ý nghĩa: Liên hoan Múa rối lần thứ IX tại Đồng Nai với gần 300 diễn viên của 16 đơn vị tham gia; Liên hoan Văn hóa thiếu nhi dân tộc lần thứ VI tại Kiên Giang qui tụ gần 1.500 phụ trách và thiếu nhi của 34 đoàn thuộc 23 tỉnh, thành phố tham gia, Liên hoan Búp sen hồng lần thứ XXIII tại thành phố Hồ Chí Minh thu hút 72 đoàn (34 cấp tỉnh, 38 cấp huyện) và gần 3.700 thiếu nhi và phụ trách tham gia. Bên cạnh đó, các hoạt động khác như Liên hoan Câu lạc bộ, đội, nhóm và trò chơi dân gian lần thứ III tại Tiền Giang, Liên hoan kỹ năng thanh thiếu nhi lần thứ II tại Bình Phước đều được tổ chức thành công, góp phần nâng cao chất lượng hoạt động của Nhà thiếu nhi các cấp.

2. Nghiên cứu, hướng dẫn, bồi dưỡng phương pháp hoạt động Đội ngoài giờ lên lớp và ngoài nhà trường, góp phần xây dựng tổ chức Đội vững mạnh

Năm 2017, Nhà Thiếu nhi các cấp đã tiếp tục phát huy tốt chức năng nghiên cứu, tổng kết, hướng dẫn, bồi dưỡng phương pháp công tác Đội ngoài giờ lên lớp và ngoài nhà trường, nhiều hoạt động cụ thể đã được tổ chức gắn với từng hoạt động chuyên môn; đầu tư, nghiên cứu tổ chức nhiều hoạt động góp phần thúc đẩy chất lượng hoạt động Đội, phong trào thiếu nhi trong và ngoài nhà trường; hỗ trợ tích cực cho Hội đồng Đội các cấp trong công tác bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ công tác Đội cho đội ngũ cán bộ phụ trách và chỉ huy Đội, xây dựng các đội nhóm nòng cốt và phát triển kỹ năng cho thiếu nhi.

Nhằm bồi dưỡng, nâng cao kỹ năng, nghiệp vụ công tác Đội và chuẩn hóa đội ngũ cán bộ, Hội đồng Đội Trung ương đã tổ chức Trại huấn luyện Kim Đồng dành cho cán bộ nghiệp vụ Nhà Thiếu nhi toàn quốc tại Đà Nẵng. Trại diễn ra trong 7 ngày, với sự tham gia của 77 trại sinh, là những cán bộ nghiệp vụ thiếu nhi của 30 tỉnh, thành phố trên cả nước. Các hoạt động của Trại huấn luyện được thiết kế theo hình thức kết hợp lý thuyết và thực hành; cùng với sự chia sẻ kinh nghiệm từ những mô hình hoạt động có hiệu quả, sáng tạo của các đơn vị và đội ngũ giảng viên được chú trọng về chất lượng giúp cho các trại sinh hoàn thành 25 môn thi cá nhân và 12 hoạt động tập thể theo quy định chuẩn Huấn luyện viên cấp I Trung ương.

Công tác bồi dưỡng, tập huấn kỹ năng, nghiệp vụ công tác Đội cho đội ngũ cán bộ phụ trách và chỉ huy Đội trong năm 2017 được các đơn vị đầu tư, chú trọng với nhiều hình thức mới. Ngoài các lớp tập huấn kỹ năng, nghiệp vụ công tác Đội theo hình thức truyền thống, các Trại Huấn luyện theo mô hình của Trại Huấn luyện Kim Đồng đã được các đơn vị nghiên cứu, vận dụng phù hợp với điều kiện thực tế tại đơn vị, đảm bảo tính sáng tạo, hiệu quả và nâng cao chất lượng của công tác huấn luyện. Đội ngũ cán bộ nghiệp vụ, huấn luyện viên kỹ năng của các Nhà Thiếu nhi đã được Hội đồng Huấn luyện Trung ương bồi dưỡng, chuẩn hóa theo định chuẩn và công nhận danh hiệu Huấn luyện viên cấp I và cấp II Trung ương. Năm 2017, hệ thống Nhà Thiếu nhi cả nước đã tổ chức được hơn 297 trại huấn luyện, 269 lớp tập huấn cho cán bộ phụ trách Đội và cán bộ chỉ huy Đội.

Việc duy trì, xây dựng và phát triển các Câu lạc bộ phụ trách Đội, Câu lạc bộ Chỉ huy Đội trong các Nhà Thiếu nhi đã được các đơn vị quan tâm triển khai. Tính đến tháng 12/2017, cả nước đã có 309 câu lạc bộ phụ trách và câu lạc bộ chỉ huy Đội sinh hoạt tại các Nhà Thiếu nhi với hơn 9.000 thiếu nhi và cán bộ phụ trách tham gia. Hoạt động của các Câu lạc bộ này đã góp phần nâng cao chất lượng và năng lực công tác của đội ngũ cán bộ phụ trách thiếu nhi trên địa bàn dân cư, giáo viên làm tổng phụ trách Đội và cán bộ Ban Chỉ huy của các liên đội, chi đội.

Hoạt động của Đội Nghi lễ tại các Nhà Thiếu nhi tiếp tục duy trì và hoạt động hiệu quả. Hiện nay, 100% Nhà Thiếu nhi cấp tỉnh đã thành lập và duy trì tốt hoạt động của Đội Nghi lễ, xây dựng Đội Nghi lễ chuẩn theo quy định của Nghi thức Đội TNTP Hồ Chí Minh. Hệ thống Nhà Thiếu nhi cấp huyện cũng chủ động tham mưu với cấp ủy, chính quyền địa phương, xã hội hóa nguồn lực để đầu tư trống kèn cho các Đội Nghi lễ nhằm đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của thiếu nhi và phục vụ các hoạt động chính trị của địa phương. Hoạt động của các Đội Nghi lễ trong các Nhà Thiếu nhi đã được các cấp, các ngành ghi nhận, đánh giá cao. Các lớp tập huấn về trống, kèn thường xuyên được đơn vị tổ chức, góp phần nâng cao chất lượng hoạt động của Đội Nghi lễ tại các Liên đội.

Năm 2017, nhiều mô hình hoạt động Đội có hiệu quả đã được các đơn vị nghiên cứu, tổng kết và tham mưu cho Hội đồng Đội các cấp triển khai, nhân rộng tại cơ sở. Tiêu biểu là các mô hình về huấn luyện kỹ năng như "Em là chiến sỹ”,  "Học kỳ công an”, sân chơi sáng tạo khoa học, các sân chơi cuối tuần, diễn đàn trẻ em… Các hoạt động trên không chỉ trang bị các em những kỹ năng hữu ích trong cuộc sống, là địa chỉ vui chơi bổ ích, an toàn cho thiếu nhi, mà còn góp phần không nhỏ vào việc định hướng các nhu cầu vui chơi giải trí lành mạnh cho trẻ em.

Việc xây dựng, duy trì hoạt động của các đội, nhóm nòng cốt đã được các đơn vị quan tâm nhằm phát huy vai trò của các em trong tổ chức, triển khai và tham gia các hoạt động Đội tại cơ sở. Câu lạc bộ Phóng viên nhỏ, câu lạc bộ Quyền trẻ em, các đội phát thanh măng non tiếp tục được định hướng, duy trì tốt các hoạt động của mình. Các mô hình này đã góp phần phát huy vai trò tự quản, phát huy quyền tham gia của các em, là diễn đàn để các em thể hiện tiếng nói, đóng góp xây dựng hoạt động Đội và phong trào thiếu nhi phù hợp với lứa tuổi và nhu cầu của các em.

Ngoài các hoạt động tại chỗ, hầu hết các đơn vị đã chủ động trong việc hỗ trợ các đơn vị Nhà Thiếu nhi cấp huyện, thường xuyên tổ chức giao ban định kỳ với các Nhà Thiếu nhi cấp huyện để tăng cường nắm bắt hoạt động cũng như triển khai, định hướng, giới thiệu các mô hình hoạt động hiệu quả cho Nhà Thiếu nhi cấp huyện. Tiêu biểu như: Nhà Thiếu nhi thành phố Hồ Chí Minh, Nhà Thiếu nhi Khánh Hòa, Nhà Thiếu nhi tỉnh Kiên Giang, Nhà Thiếu nhi Cà Mau, Nhà Thiếu nhi Long An...

3. Tổ chức các hoạt động văn hoá, văn nghệ, thể dục thể thao, vui chơi, giải trí, tạo môi trường giáo dục thiếu nhi phát triển toàn diện

Năm 2017, hệ thống Nhà Thiếu nhi toàn quốc đã tiếp tục mở rộng nhiều loại hình vui chơi giải trí, tổ chức đa dạng các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao phù hợp với nhu cầu và nguyện vọng của thiếu nhi, thu hút hơn 5 triệu lượt thiếu nhi đến tham gia hoạt động, vui chơi giải trí, góp phần thực hiện tốt chức năng tập hợp thiếu nhi ngoài nhà trường.

Các hoạt động văn hóa văn nghệ chào mừng Đại hội Đoàn các cấp, Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ XI được diễn ra sôi nổi tại khắp các đơn vị với sự chuẩn bị công phu, hấp dẫn, thu hút đông đảo các em thiếu nhi tham gia. Các hoạt động chào năm mới, mừng Đảng mừng xuân, kỷ niệm các ngày lễ lớn của đất nước, của Đảng, của dân tộc, kỷ niệm ngày Thương binh liệt sĩ, ngày thành lập Đoàn, thành lập Đội, ngày sinh nhật Bác, ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam và các sự kiện lớn của địa phương... cũng được các đơn vị tổ chức thường xuyên, tạo sân chơi bổ ích, giúp các em thiếu nhi được giao lưu, học hỏi và thể hiện tài năng, nâng cao tri thức của mình, đồng thời góp phần giáo dục truyền thống cách mạng, bồi dưỡng và khơi dậy lòng tự hào dân tộc, tinh thần yêu nước trong thiếu nhi, nâng cao công tác tuyên truyền, giáo dục của tổ chức Đội.

Các cuộc thi đàn và hát dân ca, trò chơi dân gian, biểu diễn thời trang, liên hoan múa rối, dân vũ, tuyên truyền măng non được các đơn vị đẩy mạnh, thường xuyên tổ chức theo các chủ đề, chủ điểm gắn với kỷ niệm các ngày lễ của đất nước và trong dịp hè vừa góp phần gìn giữ, phát huy những giá trị nghệ thuật truyền thống vừa tạo cơ hội cho các em tiếp cận được những bộ môn nghệ thuật mới, hấp dẫn, phù hợp với thiếu nhi. Đội nghệ thuật măng non được các đơn vị đặc biệt quan tâm đào tạo, bồi dưỡng, thường xuyên xây dựng các chương trình nghệ thuật có chất lượng cao đảm bảo phục vụ biểu diễn chào mừng các sự kiện lớn của địa phương, đất nước, phục vụ thiếu nhi khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa, các khu vực khó khăn[5].

Hoạt động thể dục, thể thao tại Nhà Thiếu nhi các cấp được duy trì và tổ chức có hiệu quả thông qua việc đầu tư, nâng cấp phòng tập, bố trí đội ngũ cán bộ giảng dạy, huấn luyện viên có trình độ chuyên môn cao. Nhiều câu lạc bộ được thành lập và hoạt động sôi nổi, thu hút đông đảo các em thiếu nhi tham gia như: cờ vua, cầu lông, bóng bàn, võ thuật… Các hoạt động thi đấu thể thao với các bộ môn như: bóng đá mini, bóng bàn, cầu lông, đá cầu, cờ vua, Taekwondo, biểu diễn võ thuật, bơi lội thường xuyên được các đơn vị tổ chức.

Năm 2017, nhiều đơn vị Nhà Thiếu nhi đã mở các lớp dạy bơi miễn phí, tổ chức các lớp tập huấn kỹ năng cứu đuối; đầu tư, xã hội hóa bể bơi di động nhằm đẩy mạnh công tác phổ cập bơi cho thiếu nhi, tăng cường các hoạt động tuyên truyền, phòng chống đuối nước và tai nạn thương tích do đuối nước gây ra trong thiếu nhi. Hoạt động của các Câu lạc bộ bơi lội đã diễn ra sôi nổi trong thời gian hè, thu hút đông đảo thiếu nhi tham gia. Giải bơi thiếu nhi “Đường đua xanh” do Hội đồng Đội Trung ương tổ chức có sự tham gia của 20 đơn vị Nhà Thiếu nhi cấp tỉnh và cấp huyện với nhiều thành tích cao, được dư luận xã hội đánh giá cao.

Các Nhà Thiếu nhi luôn quan tâm nghiên cứu, tìm hiểu để duy trì và mở rộng các loại hình vui chơi, giải trí phù hợp với nhu cầu, nguyện vọng của thiếu nhi; tích cực đẩy mạnh hoạt động phối hợp với các đơn vị trên địa bàn, xã hội hóa công tác đầu tư để tăng cường chất lượng và đa dạng về hình thức, chủng loại các phương tiện phục vụ các hoạt động vui chơi, giải trí cho các em. Bên cạnh việc tiếp tục duy trì và nâng cấp các phương tiện vui chơi giải trí ngoài trời như: nhà hơi, xe lửa, tô tượng… nhiều đơn vị đã mạnh dạn đầu tư các trò chơi mới, phù hợp, hấp dẫn đối với thiếu nhi; tăng cường các hoạt động tại điểm vui chơi cộng đồng, các sân chơi lưu động tại các khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo. Các hoạt động trải nghiệm sáng tạo được tổ chức thường xuyên nhằm hỗ trợ các em tinh thần ham học hỏi, say mê nghiên cứu, từng bước tiếp cận với khoa học sáng tạo nhằm phát triển tư duy, trí tuệ và năng lực nghiên cứu cho các em.[6]

Việc tổ chức các sân chơi cuối tuần, sân chơi cộng đồng theo chủ đề, chủ điểm cho thiếu nhi đã được các đơn vị tổ chức thường xuyên như: Hội thi em yêu lịch sử Việt Nam, Hướng dẫn viên nhỏ tuổi.... Các sân chơi này đã góp phần làm mới và phong phú thêm các hoạt động ngoại khóa, giáo dục ngoài giờ cho thiếu nhi đồng thời hỗ trợ thiếu nhi phát triển toàn diện.

Hoạt động giáo dục bồi dưỡng kỹ năng cho thiếu nhi được hệ thống Nhà Thiếu nhi tiếp tục triển khai, duy trì với nhiều mô hình hay, hấp dẫn, thu hút đông đảo thiếu nhi tham gia như: Trại hè kỹ năng, Trại hè Trải nghiệm thiên nhiên, Sân chơi khoa học, mô hình Học kỳ trong quân đội, Học làm chiến sĩ công an... Thực hiện chỉ tiêu thi đua năm 2017, hệ thống Nhà Thiếu nhi đã tổ chức được hơn 200 trại hè, trại sáng tác và 379 lớp huấn luyện kỹ năng cho 56.324 thiếu nhi. Các lớp học kỹ năng, trại huấn luyện kỹ năng thực hành xã hội, các buổi tọa đàm, tư vấn pháp luật, diễn đàn trẻ em được nhân rộng và hoạt động có hiệu quả từ cấp tỉnh xuống các cơ sở, vừa tạo ra các địa chỉ vui chơi bổ ích, an toàn cho thiếu nhi, vừa góp phần vào việc định hướng vui chơi giải trí lành mạnh và thực hiện các quyền, giúp các em phát triển toàn diện.[7]

Công tác tập hợp thiếu nhi thông qua các cuộc thi vẽ tranh, sưu tập tem bưu chính, triển lãm mỹ thuật, các ngày hội, cuộc thi nhằm tuyên truyền, nâng cao kiến thức về an toàn giao thông, bảo vệ môi trường, bảo vệ nguồn nước, phòng chống bạo lực học đường… cho thiếu nhi tiếp tục được các đơn vị quan tâm tổ chức, nhiều đơn vị đã đạt giải cao trong các cuộc thi do Hội đồng Đội Trung ương tổ chức: Nhà Thiếu nhi Tỉnh Bắc Giang, Nhà Thiếu nhi Tỉnh Hải Dương, Nhà Văn hóa thiếu nhi Việt Đức, Nhà Thiếu nhi Thành phố Đà Nẵng, Nhà Thiếu nhi Tỉnh Bến Tre, Nhà Thiếu nhi Tỉnh Sóc Trăng…

Câu lạc bộ thơ, văn, trại sáng tác văn học được các đơn vị duy trì có hiệu quả. Các đơn vị đã tổ chức nhiều hoạt động thiết thực giúp các em có những cảm nhận, sáng tạo mới trong sáng tác như: thăm quan, sinh hoạt chuyên đề, nói chuyện với các nhà thơ, nhà văn… Các tập san, trang tin tiếp tục được ban biên tập tại các đơn vị quan tâm đổi mới về nội dung và hình thức thể hiện, ngày càng gần gũi với thiếu nhi, thực sự trở thành người bạn của các em; vừa khuyến khích khả năng sáng tác của các em vừa giới thiệu mô hình hoạt động hiệu quả tại cơ sở, góp phần xây dựng Đội vững mạnh.

Việc xây dựng văn hóa đọc và thói quen đọc sách cho thiếu nhi được các đơn vị quan tâm thông qua các hoạt động cải tạo khu vui chơi đọc sách, bổ sung thêm các đầu sách; tổ chức ngày hội đọc sách, vườn tri thức, mở phòng đọc miễn phí… Ngoài ra, các đơn vị còn thường xuyên tổ chức các tủ sách, túi sách lưu động, đưa sách đến phục vụ thiếu nhi tại các điểm trường, các xã, các điểm văn hoá, vui chơi ở các khu dân cư, tặng sách cho thiếu nhi miền núi, khu vực khó khăn. Mô hình câu lạc bộ đọc sách tiếp tục được mở rộng nhằm động viên, khuyến khích, hình thành thói quen đọc sách trong thiếu nhi.[8]

4. Phát hiện, bồi dưỡng năng khiếu cho thiếu nhi

Công tác phát hiện, bồi dưỡng năng khiếu cho thiếu nhi luôn được xác định là thế mạnh của hệ thống Nhà Thiếu nhi các cấp. Trong năm qua, hoạt động này được tổ chức đa dạng, mang tính chuyên nghiệp, nhiều bộ môn mới được thành lập đã thu hút sự tham gia của đông đảo các em thiếu nhi, tạo môi trường thuận lợi để các em thể hiện khả năng, phát triển năng khiếu của mình. Tính đến tháng 12/2017, hệ thống các Nhà Thiếu nhi đã tổ chức được hơn 8.000 lớp năng khiếu, thu hút trên 215.000 lượt thiếu nhi tham gia[9].

Các Nhà Thiếu nhi trên cả nước đã xây dựng nhiều mô hình đào tạo phù hợp, đổi mới trong công tác tuyển sinh và phương pháp giảng dạy, đồng thời phối hợp với các cơ sở Đội tuyển chọn những hạt nhân nòng cốt để có kế hoạch bồi dưỡng, phát triển. Các bộ môn đào tạo, bồi dưỡng năng khiếu đa dạng, vừa duy trì các lớp học năng khiếu về các loại hình nghệ thuật, thể dục thể thao mang tính truyền thống của văn hoá dân tộc, trò chơi dân gian như: các lớp hát dân ca, loại nhạc cụ dân tộc như đàn bầu, sáo trúc, đàn tranh, đàn nguyệt, võ thuật... vừa bổ sung các bộ môn mới, bắt kịp với xu hướng của thiếu nhi: khiêu vũ thể thao, hiphop, múa đương đại…  Trong mỗi khóa học có kiểm tra, đánh giá, tổng kết, xếp loại, khen thưởng những học viên xuất sắc. Công tác quản lý lớp học được nghiên cứu, lấy ý kiến phụ huynh và học sinh để tiếp tục đổi mới về phương pháp, nội dung và hình thức quản lý, phát huy tối đa sức sáng tạo của giáo viên và học sinh[10].

Công tác phát hiện năng khiếu thông qua các cuộc thi văn nghệ, thể dục thể thao là phương thức được các đơn vị duy trì có hiệu quả và tiếp tục được đổi mới như: tổ chức các buổi gặp mặt, nói chuyện giữa thiếu nhi với các văn, nghệ sỹ nổi tiếng và các cựu cán bộ làm công tác thiếu nhi để ôn lại truyền thống, tiếp nối niềm tin và nhiệt huyết cho thế hệ trẻ.[11] Các tác phẩm tranh thiếu nhi cũng như các giải cao mà các đơn vị đạt được trong các cuộc thi, các chương trình nghệ thuât thường xuyên được biểu diễn trong các chương trình, sự kiện của địa phương, đất nước là minh chứng rõ nét nhất cho việc thực hiện tốt chức năng phát hiện và bồi dưỡng năng khiếu của hệ thống Nhà thiếu nhi toàn quốc.

Các hoạt động hỗ trợ, bồi dưỡng năng khiếu cho thiếu nhi tại vùng sâu, vùng xa, các khu vực khó khăn không có Nhà Thiếu nhi đã được các đơn vị quan tâm, triển khai thực hiện thông qua hoạt động của Câu lạc bộ phụ trách, Câu lạc bộ Khăn hồng tình nguyện tại các Nhà Thiếu nhi và các cuộc liên hoan văn nghệ tại cơ sở. Nhiều Nhà Thiếu nhi cấp tỉnh thường xuyên tổ chức các hoạt động về với thiếu nhi vùng sâu, vùng xa, cử các giáo viên năng khiếu hỗ trợ cho các đơn vị cấp huyện.

Mô hình đào tạo các lớp “mầm non năng khiếu”, “bán trú năng khiếu” của một số đơn vị tổ chức thí điểm đã được nhiều đơn vị nhân rộng triển khai, bước đầu thu được kết quả tích cực, được phụ huynh và các đơn vị giáo dục đánh giá cao. Các bé được chăm lo toàn diện về sức khỏe, phát hiện và đào tạo năng khiếu cũng như nâng cao hiểu biết về thế giới xung quanh.[12] Việc chọn cử những giáo viên, cộng tác viên giỏi chuyên môn, vững nghiệp vụ giảng dạy cho các em luôn được các đơn vị quan tâm nhằm đáp ứng yêu cầu ngày càng cao trong công tác đào tạo, bồi dưỡng năng khiếu cho thiếu nhi. Các hoạt động dự giờ, trao đổi phương pháp, kinh nghiệm giảng dạy, thống nhất, hoàn chỉnh bộ tài liệu chuẩn cho các lớp năng khiếu phù hợp với lứa tuổi của thiếu nhi đã được các đơn vị chú trọng triển khai thực hiện.

Cơ sở vật chất phục vụ cho các lớp đào tạo, bồi dưỡng năng khiếu cho thiếu nhi được nhiều đơn vị đầu tư như: phòng học đàn và các bộ môn nhạc cụ dân tộc, phòng học tin học và khai thác công nghệ thông tin, các dụng cụ, đồ dùng học tập các môn thể thao, nghệ thuật… Thực hiện Đề án “Hỗ trợ trang thiết bị cho các Nhà thiếu nhi khu vực, địa bàn khó khăn năm 2017”, Hội đồng Đội Trung ương đã tham mưu cho Ban Bí thư Trung ương Đoàn triển khai hỗ trợ trang thiết bị cho 15 Nhà Thiếu nhi cấp huyện để phục vụ các lớp bồi dưỡng năng khiếu cho thiếu nhi.  Các trang thiết bị được hỗ trợ đa dạng về chủng loại góp phần chuẩn hóa các tiêu chí về cơ sở vật chất, trang thiết bị cho hệ thống Nhà thiếu nhi trong toàn quốc; đi sâu tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao, vui chơi, giải trí phù hợp với đặc điểm dân tộc, vùng, miền, thu hút được thiếu nhi tham gia hoạt động. Đồng thời, giảm bớt sự chênh lệch về mức hưởng thụ các sản phẩm văn hoá và tham gia sinh hoạt văn hoá tinh thần vui chơi, giải trí của trẻ em ở thành thị và trẻ em ở vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế khó khăn.

5. Các hoạt động quốc tế và công tác xã hội, nhân đạo, từ thiện

Hoạt động giao lưu quốc tế tiếp tục được các đơn vị chú trọng, mở rộng, chủ động giao lưu, học tập, tình đoàn kết hữu nghị trong các hoạt động hợp tác, trao đổi kinh nghiệm với các nước trong và ngoài khu vực[13]. Các đơn vị đã xây dựng kế hoạch trao đổi kinh nghiệm, tổ chức các hoạt động đón tiếp, giao lưu với các nước bạn sang thăm và làm việc với các đơn vị tại địa phương thông qua các hoạt động biểu diễn văn nghệ và tọa đàm. Trung ương Đoàn, Hội đồng Đội Trung ương tổ chức Trại hè hữu nghị thiếu nhi Việt Nam - Lào năm 2017. Một số đơn vị còn chủ động đăng ký kết nghĩa với các đơn vị giảng dạy nước ngoài để nâng cao công tác đào tạo, bồi dưỡng của đơn vị.

Trong năm qua nhiều đồng chí lãnh đạo, cán bộ Nhà Thiếu nhi các cấp đã tham gia các đoàn đại biểu phụ trách và thiếu nhi Việt Nam đi học tập, giao lưu, trao đổi kinh nghiệm về công tác thiếu nhi với các nước: Nhật Bản, Lào, Trung Quốc… Thông qua chương trình các đại biểu đã được trao đổi kinh nghiệm, học tập cách quản lý, mô hình hoạt động của các trung tâm vui chơi, giải trí dành cho thanh thiếu nhi, tìm hiểu nền văn hóa, di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh của các nước. Các tỉnh có đường biên giới đã tổ chức tốt các hoạt động giao lưu, kết nghĩa, xây dựng mối quan hệ đoàn kết, hữu nghị với phụ trách và thiếu nhi các nước có chung đường biên giới.

Công tác xã hội, nhân đạo được hệ thống Nhà Thiếu nhi quan tâm, thường xuyên tổ chức các hoạt động biểu diễn văn hóa, văn nghệ, vui chơi giải trí miễn phí; miễn giảm học phí các môn năng khiếu cho thiếu nhi có hoàn cảnh khó khăn; thường xuyên duy trì tổ chức lớp học tình thương, tặng vé xem phim, vé bơi lội miễn phí dành cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn. Năm 2017, Nhà Thiếu nhi các tỉnh, thành phố đã hỗ trợ đài truyền hình Việt Nam tổ chức chương trình “Cặp lá yêu thương” nhằm giúp đỡ thiếu nhi các gia đình có hoàn cảnh khó khăn như: Nhà Thiếu nhi Phú Thọ, Cung Văn hóa Thanh thiếu nhi Bắc Ninh, Nhà Thiếu nhi tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Trung tâm Hoạt động Thanh thiếu nhi tỉnh Đồng Tháp… Bên cạnh đó, tại các hoạt động lớn của hệ thống, các đơn vị tham gia đã tích cực đóng góp, ủng hộ kinh phí để thực hiện công tác xã hội: Các Nhà Thiếu nhi khu vực phía Nam đã vận động quyên góp tiền để xây dựng mới 2 công trình “Vì đàn em thân yêu” cho hai tỉnh Gia Lai và Cà Mau trị giá 40 triệu đồng. Nhà Thiếu nhi các quận, huyện của Thành phố Hồ Chí Minh hỗ trợ 50 triệu cho thiếu nhi tỉnh Hà Giang. Nhiều Nhà Thiếu nhi đã triển khai xây dựng, trao tặng Ngôi nhà Khăn Quàng đỏ cho thiếu nhi có hoàn cảnh khó khăn như: Nhà Thiếu nhi tỉnh Đồng Nai, Nhà Thiếu nhi tỉnh Khánh Hòa….

Công tác tham mưu trong việc huy động nguồn lực, tổ chức các hoạt động xã hội dành cho trẻ em ở vùng sâu, vùng xa được tổ chức hiệu quả ở các Nhà Thiếu nhi trong cả nước, góp phần xã hội hoá công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em. Các hoạt động xã hội không chỉ dừng lại ở việc thăm hỏi, tặng quà… mà nhiều đơn vị còn giúp đỡ thiếu nhi vùng sâu, vùng xa nâng cao kiến thức về tin học, ngoại ngữ, âm nhạc như: Nhà Thiếu nhi tỉnh Hà Giang, Cung Văn hóa Thiếu nhi tỉnh Quảng Ninh, Nhà Thiếu nhi tỉnh Đồng Nai... Tính đến tháng 12/2017, hệ thống Cung, Nhà Thiếu nhi, Trung tâm hoạt động Thanh thiếu nhi toàn quốc đã huy động được gần 95 tỷ đồng để hỗ trợ thiếu nhi có hoàn cảnh khó khăn. [14]

6. Công tác tổ chức bộ máy, cán bộ, cơ sở vật chất

Công tác củng cố, xây dựng bộ máy tổ chức hệ thống Nhà Thiếu nhi được tăng cường. Các đơn vị đã tiến hành rà soát chất lượng, từ đó điều chỉnh, phân công nhiệm vụ phù hợp với khả năng, năng lực của cán bộ, thực hiện đúng quy trình bổ nhiệm cán bộ, duy trì hoạt động thường xuyên của các đoàn thể tại các đơn vị.

Nhằm đáp ứng yêu cầu ngày càng cao và đổi mới hoạt động, công tác tổ chức bộ máy, cán bộ được lãnh đạo các đơn vị chú trọng kiện toàn, nâng cao chất lượng đội ngũ chuyên trách. Đội ngũ lãnh đạo của hệ thống Nhà Thiếu nhi ngày càng được trẻ hóa, chất lượng được nâng lên rõ rệt, có trình độ quản lý và chuyên môn cao, phần lớn đều trưởng thành từ phong trào, có trình độ đại học và sau đại học. Các hoạt động nâng cao trình độ, năng lực quản lý cho đội ngũ lãnh đạo từ các phòng được các đơn vị chú trọng; thường xuyên cử cán bộ tham gia học tập trong các khóa học quản lý, tham gia trại huấn luyện Kim Đồng. Các hoạt động rà soát, đánh giá, phân loại cán bộ được thực hiện tốt; đội ngũ cộng tác viên thường xuyên được bổ sung, đáp ứng yêu cầu công việc. Nhiều đơn vị đã xây dựng quy chế làm việc, quy chế chi tiêu nội bộ và quản lý tài sản, thường xuyên thực hiện chế độ thông tin, báo cáo theo quy định; tổ chức sắp xếp các phòng làm việc, lớp năng khiếu, khu vui chơi giải trí hợp lý, hiệu quả, đảm bảo an toàn. Đời sống vật chất và tinh thần cho cán bộ, cộng tác viên cũng được các đơn vị chú trọng, đảm bảo đúng quyền lợi cho người lao động, xây dựng nội bộ đoàn kết trong cơ quan. Công tác đào tạo, bồi dưỡng đoàn viên, công đoàn viên ưu tú tạo nguồn giới thiệu cho Đảng được các đơn vị chú trọng.

Là đơn vị đặc thù thường xuyên tổ chức các hoạt động phong trào, phục vụ các sự kiện mang tính chính trị tại địa phương, nhiều đơn vị đã được đầu tư, vận động xã hội hóa để sửa chữa, trang bị cơ sở vật chất cho đơn vị. Nhiều đơn vị đã chủ động khai thác các nguồn lực xã hội và công tác xã hội hóa các hoạt động phục vụ nhu cầu vui chơi, giải trí cho thiếu nhi, phạm vi quy mô nâng cao chất lượng hoạt động, tăng cường các hoạt động mang tính sáng tạo hiện đại như các hoạt động khoa học kỹ thuật, công nghệ thông tin; chủ động tham mưu và xã hội hóa, vận động các đơn vị hỗ trợ kinh phí nâng cấp sửa đổi và đầu tư mới nhiều hạng mục phục vụ cho các hoạt động của đơn vị.[15]

Thực hiện Nghị quyết số 39 - NQ/TW ngày 17/4/2015 của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, trong năm 2017, một số Nhà Thiếu nhi được sáp nhập vào Trung tâm hoạt động Thanh thiếu niên như : Nhà Thiếu nhi Yên Bái sáp nhật vào Trung tâm hoạt động Thanh thiếu nhi tỉnh Yên Bái, các Nhà thiếu nhi cấp huyện của tỉnh Hà Giang sáp nhập vào Trung tâm Văn hóa huyện.

III. ĐÁNH GIÁ CHUNG

1. Ưu điểm

Năm 2017, hệ thống các Nhà Thiếu nhi cả nước đã hoạt động sôi nổi, tiếp tục khẳng định là thiết chế văn hóa không thể thiếu của thiếu nhi. Các đơn vị không ngừng đổi mới và đa dạng các hình thức tổ chức trong công tác tập hợp, phát hiện, bồi dưỡng năng khiếu cho thiếu nhi, giúp các em hình thành, phát triển và hoàn thiện nhân cách... Công tác tuyên truyền, giáo dục truyền thống được quan tâm, đẩy mạnh; các hoạt động phối hợp, xã hội hóa, vận động nguồn lực để tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao, hỗ trợ các em trong đời sống tiếp tục đổi mới, duy trì thường xuyên, kịp thời, tiếp tục khẳng định chức năng là trung tâm giáo dục ngoài nhà trường, góp phần thực hiện có hiệu quả công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục thiếu niên, nhi đồng.

Hệ thống Nhà Thiếu nhi toàn quốc đã bám sát chương trình công tác năm của Hội đồng Đội Trung ương, chú trọng tổ chức các hoạt động gắn với thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu công tác đã đề ra. Các hoạt động tập trung, hoạt động cấp khu vực và toàn quốc được triển khai với quy mô lớn, đầu tư dàn dựng công phu, giới thiệu nét đặc trưng riêng của từng đơn vị, thể hiện được tinh thần giao lưu, học tập, chia sẻ nhiều kinh nghiệm chuyên môn trong công tác thiếu nhi thông qua các hoạt động, tạo dư luận xã hội tốt, để lại dấu ấn cho thiếu nhi. Chất lượng hoạt động của các đơn vị khá đồng đều, đảm bảo thực hiện các yêu cầu, nhiệm vụ của địa phương, đơn vị. Các đơn vị luôn chủ động giao lưu, gắn kết các thành viên, các đơn vị, chia sẻ học tập, hỗ trợ lẫn nhau trong công tác chuyên môn nghiệp vụ, góp phần nâng cao chất lượng hoạt động trong toàn hệ thống.

Đội ngũ cán bộ công tác tại Nhà thiếu nhi thường xuyên được học tập, nâng cao trình độ. Ban chủ nhiệm câu lạc bộ nghiệp vụ hai miền Nam, Bắc hoạt động hiệu quả, có sự gắn kết, thể hiện rõ vai trò, trách nhiệm, tính chủ động trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ và mục tiêu hoạt động của Câu lạc bộ. Các đơn vị đã phát huy tốt vai trò nòng cốt trong việc tổ chức các hoạt động tại địa phương và nâng cao hiệu quả sử dụng, phát huy tối đa công năng của các cơ sở vật chất tại các đơn vị. Các đơn vị đăng cai hoạt động cấp toàn quốc và khu vực với tinh thần trách nhiệm cao đã tích cực, chủ động chuẩn bị tốt các điều kiện đảm bảo để tổ chức thành công các chương trình, thu hút sự tham gia và hưởng ứng đông đảo của các đơn vị và các em thiếu nhi.

2. Tồn tại, hạn chế

Trong năm 2017, việc sáp nhập, chuyển đổi Nhà Thiếu nhi thành Trung tâm hoạt động thanh thiếu nhi ở một số đơn vị đã làm ảnh hưởng đến các hoạt động chăm lo, phát triển và bồi dưỡng năng khiếu cho thiếu nhi tại địa phương, hạn chế trong quá trình sử dụng cơ sở vật chất, các thiết chế vui chơi dành cho thiếu nhi. Một số địa phương duy trì mô hình giám đốc kiêm nhiệm dẫn đến tình trạng thiếu thời gian nghiên cứu và phát triển hoạt động của đơn vị.

Cơ sở vật chất của một số đơn vị xuống cấp, chưa đáp ứng được yêu cầu học tập và sinh hoạt ngày càng cao của thiếu nhi. Nhiều đơn vị chỉ có Nhà Thiếu nhi cấp tỉnh, chưa có Nhà Thiếu nhi cấp huyện, đơn vị có Nhà Thiếu nhi cấp huyện thì bị sáp nhập với trung tâm văn hóa nên sân chơi cho các em ở vùng sâu, vùng xa ngày càng thiếu, tạo sự chênh lệch giữa thiếu nhi thành thị và nông thôn... Các điểm vui chơi, trung tâm bồi dưỡng năng khiếu tư nhân ngày càng phát triển tạo áp lực cho các đơn vị trong thu hút, tập hợp thiếu nhi.

Việc đầu tư xây dựng và định hướng hoạt động hệ thống Nhà Thiếu nhi ở một số đơn vị còn yếu, chưa phát huy hết tiềm năng của các Cung, Nhà Thiếu nhi, Trung tâm hoạt động Thanh thiếu nhi. Các hoạt động cấp khu vực vẫn có tình trạng đơn vị đăng ký nhưng không tham gia, nội dung tham gia không đúng quy định gây khó khăn cho đơn vị đăng cai hoạt động.

Đội ngũ cán bộ Nhà Thiếu nhi dù được quan tâm, nhưng ở nhiều đơn vị còn thiếu, chưa đủ để thực hiện các nhiệm vụ của đơn vị. Kinh phí tự chủ của các đơn vị còn hạn chế, nguồn thu chủ yếu thông qua các lớp tuyển sinh năng khiếu; các khoản nộp thuế của các đơn vị chưa có sự thống nhất.

Nơi nhận:

- Ban Bí thư TWĐ (để báo cáo);

- Bộ VHTT&DL, Bộ GD&ĐT

- Thường trực HĐĐTW;

- HĐĐ các tỉnh, thành phố;

- Cung, NTN, TTHĐTTN các tỉnh, thành phố;

- Lưu VP HĐĐTW.

TM. HỘI ĐỒNG ĐỘI TRUNG ƯƠNG

PHÓ CHỦ TỊCH THƯỜNG TRỰC

(đã ký)

Nguyễn Phạm Duy Trang



[1] Các đơn vị triển khai tốt hoạt động kỷ niệm 70 ngày Thương binh liệt sỹ: NTN Yên Bái, Trung tâm VHTTTTN tỉnh Tuyên Quang, Cung VHTN Quảng Ninh, Trung tâm HĐTTN Vĩnh Phúc, Cung VHTN Hải Phòng, NVHTN TP Nam Định, NTN thành phố Tam Kỳ, Quảng Nam, NTN thành phố Hồ Chí Minh, NTN tỉnh Sóc Trăng, TT SHTTN tỉnh Trà Vinh…

[2] Nhà Thiếu nhi Đà Nẵng tổ chức chương trình nghệ thuật "Măng non tiến bước lên Đoàn" và Ngày hội "Mổ heo đất giúp bạn đến trường", trao học bổng cho thiếu nhi có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn thành phố; Hội đồng Đội tỉnh Nghệ An phối hợp với Nhà Thiếu nhi huyện Quỳ Hợp tổ chức chương trình nghệ thuật chào mừng thành công Đại hội với chủ đề “Măng non tiến bước lên Đoàn”, tuyên dương, khen thưởng các tập thể và cá nhân đội viên, phụ trách Đội đã có nhiều thành tích trong công tác Đội và phong trào thiếu nhi 5 năm qua.

 

[3]NTN Kim Đồng (Cao Bằng) tổ chức chương trình Mừng sinh nhật Đội, NTN Bà Rịa - Vũng Tàu tổ chức Ngày hội đội viên Bà Rịa - Vũng Tàu lớn lên cùng đất nước, NTN Đồng Nai tổ chức cuộc thi “Lá thư gửi Đoàn” gửi đến các tổ chức Đoàn, chào mừng Đại hội Đoàn các cấp, NTN Kiên Giang tổ chức Ngày hội thiếu nhi vui khỏe - Tiến bước lên Đoàn…

[4] NTN Thái Nguyên tổ chức cho thiếu nhi tham gia viếng nghĩa trang liệt sỹ, tặng quà cho gia đình chính sách, Cung VHTN Quảng Ninh tổ chức đêm nhạc “Sáng mãi những người anh hùng”, TT HĐTTN Hà Tĩnh tổ chức Hành trình về nguồn, Nhà Thiếu nhi Quảng Bình tổ chức hành trình về nguồn  tại Nghĩa trang liệt sỹ Trường Sơn, địa đạo Vĩnh Mốc, mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp, nhiều đơn vị tổ chức thành công chương trình nghệ thuật Màu hoa đỏ: Cung VHTN Hải Phòng, Cung thiếu nhi Hà Nội, NTN Ninh thuận, TT HĐTTN Vĩnh Long, Nhà Thiếu nhi Đồng Nai thăm và tặng quà cho 70 gia đình chính sách với tổng giá trị hơn 75 triệu đồng…

[5] NTN Kiên Giang tổ chức Liên hoan Em yêu làn diệu dân ca và sáng tác tiểu phẩm, kịch bản tuyên truyền năm 2017, NTN Hà Giang tổ chức Liên hoan nghệ thuật Măng non miền cực Bắc, Ninh Bình tổ chức chương trình giao lưu nghệ thuật với chủ đề “Thiếu nhi Ninh Bình với nhạc sỹ Trương Quang Lục”, NTN thành phố Nam Định tổ chức Liên hoan tiếng hát vàng anh, NTN Việt Đức phối hợp tổ chức hội thi Tiếng hát sơn ca, NTN Đồng Nai tổ chức hội thi Tiếng hát vàng anh, Phú Yên tổ chức cuộc thi “Chinh phục cùng bước nhảy”, NVHTN thành phố Tam Kỳ (Quảng Nam) tổ chức cuộc thi Tìm kiếm tài năng nghệ thuật thiếu nhi…

 

[6] CTN Hà Nội tổ chức chường trình trình diễn thời trang “Chào hè 2017” và “Sắc thu 2017”, Ngày hội Khoa học kỹ thuật dành cho thiếu nhi thủ đô với chủ đề “Giáo dục STEM và hướng tới cuộc cách mạng công nghiệp 4.0”, NTN Bình Thuận tổ chức cho thiếu nhi tham gia cuộc thi sáng tạo các mô hình vật dụng từ rác thải, NTN TP Hồ Chí Minh tổ chức Liên hoan CLB Sáng tạo kỹ thuật các NTN toàn thành …

[7] NTN An Giang tổ chức chương trình Học từ thiên nhiên, NTN Đà Nẵng tổ chức Ngày hội kỹ năng Tổng phụ trách Đội, Nhà Thiếu nhi tỉnh Gia Lai tổ chức 09 kỳ sinh hoạt “Ngày Kỹ năng” cho CLB BCH, thu hút hơn 800 đội viên của 50 Liên đội trên địa bàn thành phố Pleiku tham gia; NTN Lâm Đồng tổ chức Hội trại Khăn quàng đỏ cho 191 chỉ huy đội và 502 phụ trách, các đơn vị: Quảng Ninh, Thừa Thiên Huế, Đồng Nai, Trà Vinh... tổ chức tốt chương trình Học kỳ trong quân đội

[8] NTN Sơn La duy trì tốt hoạt động của CLB bạn đọc, luân chuyển hơn 2000 đầu sách trong năm, NTN BÌnh Dương tổ chức quầy sách lưu động vào các ngày cuối tuần, TT HTSHTTN tỉnh Tây Ninh phối hợp tổ chức Ngày hội đọc sách miễn phí cho thanh thiếu nhi tỉnh, NTN Cà Mau ra mắt phòng đọc sách với hơn 10.000 đầu sách

[9]Cung Thiếu nhi Hải Phòng mở thêm bộ môn: nhảy hiện đại, thiết kế thời trang, NTN Hưng Yên, Phú Thợ mở thêm lớp MC nhí, NVHTN Việt Đức (Nghệ An) mở thêm bộ môn nhảy Zumba; NTN Thái Nguyên thu hút hơn 1400 em tham gia học tập (tăng 200 em so với năm 2016), NTN Bình Thuận mở 215 lớp với 30 môn năng khiếu thu hút 4.386 em tham gia, TT HĐTTN Phú Yên mở 48 lớp/47 bộ môn năng khiếu trong dịp hè, NTN Khánh Hòa mở hơn 400 lớp giảng dạy 25 bộ môn, thu hút 10.000 lượt thiếu nhi …

[10] Cung Thiếu nhi Hà Nội tổ chức Hội thảo “Phương pháp kỷ luật tích cực trong giáo dục trẻ”, NVHTN Việt Đức (Nghệ An) tổ chức sinh hoạt chuyên đề “Nâng cao chất lượng đào tạo các bộ môn năng khiếu”…

[11] Cung VHTN Hải Phòng tổ chức hoạt động ngoại khóa “Thiếu nhi với nghệ thuật truyền thống”, TT HĐTTN Đồng Tháp tổ chức Hội thi vẽ tranh thiếu nhi với chủ đề “sống hài hòa với thiên nhiên”, TTVHTTTTN Tuyên Quang tổ chức Liên hoan thiếu nhi hát dân ca và trình diễn trò chơi dân gian, NTN Quảng Trị tổ chức cuộc thi hùng biện tiếng anh với chủ đề “Để thế giới tốt đẹp hơn”, Nhà Thiếu nhi Bến Tre tổ chức Hội thi “Tìm kiếm tài năng tuổi thơ xứ Dừa”, NTN Bình Dương tổ chức hội thi “Nét đẹp tuổi thơ - Búp bê xinh ngoan”…

[12] Nhà Văn hóa Thiếu nhi Việt Đức duy trì hoạt động nhóm lớp bán trú với 130 học sinh, Nhà Thiếu nhi Sơn La phối hợp với trường mầm non Chiềng Lề (thành phố Sơn La) mở 7 lớp năng khiếu cho học sinh, Nhà Thiếu nhi tỉnh Sóc Trăng duy trì lớp mầm non Kitty với 850 lượt học sinh trong năm 2016; Cung Thiếu nhi tỉnh Lạng Sơn duy trì lớp mầm no n năng khiếu với 195 trẻ, Nhà Thiếu nhi tỉnh Kiên Giang duy trì hoạt động của trường mẫu giáo Lê Hồng Phong, Trường mầm non Tinh Hoa thuộc Trung tâm hoạt động Thanh thiếu nhi tỉnh Phú Yên tổ chức Hội thi giáo viên dạy giỏi bằng giáo án điện tử, Nhà Thiếu nhi An Giang thành lập 02 CLB tời trang nhí và phát triển năng khiếu cho học sinh trường mầm non Sen Hồng để bổ sung lực lượng vào các CLB năng khiếu hiện có của NTN…

[13] Cung Thiếu nhi Hà Nội tham gia Hội trại công nghệ thông tin ASEAN 2017 tại Philippines, chọn cử thiếu nhi đón và tặng hoa nguyên thủ các nước sang thăm Việt Nam, Trung tâm HĐTTN Ninh Bình tổ chức tốt chương trình giao lưu, lửa trại giữa thiếu nhi Ninh Bình với thiếu nhi Nga, Nhà Thiếu nhi Đà Nẵng thực hiện tốt các hoạt động chào mừng nhân tuần lễ cấp cao APEC, TT HĐTTN Đồng Tháp giao lưu với đoàn công tác Cộng hòa Liên bang Đức về công tác giáo dục đâò tạo và công tác xã hội, NTN Khánh Hòa thực hiện tốt các nội dung được phân công tại Trại hè thiếu nhi Việt Nam - Lào. ….

[14] NTN Hòa Bình hỗ trợ 35 triệu đồng cho thiếu nhi bị ảnh hưởng lũ lụt, NTN Quảng Trị hỗ trợ 21 triệu đồng cho thieus nhi khó khăn huyện Hướng Hóa và huyện Đakrông, NTN Gia Lai mở 02 lớp học tình thương cho 70 thiếu nhi có hoàn cảnh khó khăn trong tỉnh; NTN An Giang tổ chức ra mắt mô hình “Gian hàng 5K” với phương châm ai thừa đến ủng hộ, ai thiếu đến lấy hoặc mua với giá 5.000đ/sản phẩm; NTN Bà Rịa - Vũng Tàu tổ chức có hiệu quả chương trình “Bát cơm yêu thương”, NTN Tiền Giang đăng cai tổ chức trại hè ước mơ hồng cho 450 thiếu nhi có hoàn cảnh khó khăn tinh An Giang, Bạc Liêu, Đồng Tháp, Kiên Giang, Vĩnh Long, Tiền Giang, NTN Tiền Giang sử dụng nguồn thu sự nghiệp xây dựng hồ bơi di động cho thị xã thiếu nhi thị xã Bình Xuân và thị xã Gò Công trị giá 60 triệu đồng; Trung tâm HĐTTN tỉnh Phú Yên nhận đỡ đầu 7 em học sinh có hoàn cảnh khó khăn với tổng giá trị 18 triệu đồng, Trung tâm SHTTN Trà Vinh tổ chức 10 hoạt động tặng quà, hỗ trợ cho thiếu nhi có hoàn cảnh khó khăn với tổng trị giá 305 triệu đồng, …

[15] Cung thiếu nhi Lạng Sơn đầu tư mua mới bộ đồ chơi liên hoàn lâu đài ngoài trời trị giá 65 triệu đồng, NTN Việt Đức trang bị hệ thống camera, giàn đèn ánh sáng sân khấu… trị giá trên 600 triệu đồng, NTN Lâm Đồng đầu tư, mua sắm trang thiết bị với tổng giá trị hơn 400 triệu đồng, NTN Đồng Nai vận động xây dựng thư viện thông minh tròng NTN Xuân Lộc trị giá hơn 400 triệu đồng, ….