1. Mục đích ý nghĩa, yêu cầu:
- Rèn luyện sự khéo tay và tinh mắt… cho người chơi
- Tạo không khí vui chơi sôi nổi, đoàn kết
- Trò chơi này thường dành cho các bạn trai.
2. Số lượng, đội hình, địa điểm chơi:
- Số lượng người chơi từ 2 - 3 em; một em cũng có thể chơi quay, nhiều người chơi thì chia thành nhiều nhóm.
- Sân chơi sạch sẽ, mát mẻ, nền đất phải cứng để các con quay có thể quay được.
3. Chuẩn bị dụng cụ chơi:
- Con quay làm bằng gỗ hay sừng hình nón cụt, có chân bằng sắt, đường kính từ 2 - 2,5cm.
- Một sợi dây dù hoặc thừng nhỏ dài từ 1 – 1,5m.
4. Hướng dẫn cách chơi:
- Chuẩn bị chơi: Người chơi dùng sợi dây quấn quanh con quay từ dưới lên trên, tư thế cầm sẵn con quay trên tay.
- Bắt đầu chơi: Khi nghe hiệu lệnh, người chơi cầm một đầu dây thả thật mạnh cho quay tít. Con quay của ai quay lâu nhất người đó thắng cuộc.
Có 2 cách chơi chính:
Cách 1 – Chơi “Bổ”: Một người chơi thả cho quay tít, những người chơi khác dùng quay của mình đánh bổ xuống sao cho trúng quay của bạn, đánh trúng là đạt, làm vỡ quay của bạn cũng không sao. Nếu có nhiều người đánh, ai chậm đến nỗi mà quay đã hết xoay mà vẫn còn bổ được là hết lượt.
Cách 2 – Chơi “Cứu”: Thường nhiều người chơi, có 2 kiểu chơi và người chơi chia làm 2 bên.
- Kiểu 1: Mỗi bên chọn một người cứu, những người chơi khác phải để quay của mình quay trong vòng tròn “bị giam”. Người “cứu” đánh quay của mình sao cho trúng quay của bạn cùng bên, nếu quay ấy bật lăn ra ngoài vòng tròn là cứu được bạn, bạn ấy sẽ tham gia “cứu” các bạn khác cùng bên. Bên nào sớm “cứu” nhau trước hết là được. Nếu bên nào “cứu” bạn mà lại trúng quay của bên kia thì bên ấy được lợi.
Trong khi “cứu” quay, quay của mình “bổ” xuống và phải xoay, nếu “vật mình” lăn kềnh ra hoặc “ngã chổng vó” không quay được dù chỉ là “gượng” quay một tý, thì phải vào “bị giam”.
- Kiểu 2: Mỗi bên chọn một người chơi bị giam, những người chơi khác “bổ” quay “cứu” quay của bạn bị giam.
5. Luật chơi:
- Trước khi chơi, có thể quy định kích cỡ của quay, phải kiểm tra loại quay nào có đinh nhọn dài quá, hoặc có thể phân loại quay sừng và quay gỗ chơi chung lẫn lộn hay chơi riêng.
- Chơi “bổ”:
+ Có thể chơi lần lượt mỗi người thả quay của mình cho người khác đánh bổ một lần. Hoặc cũng có thể quy định ai đánh bổ mà quay của mình không quay thì phải thay thế vị trí của bạn.
+ Nếu không chọn ai bị “bổ” trước thì thả quay quay, quay nào tít ít nhất, sớm ngã thì bị “bổ”.
- Dù chơi “bổ” hay chơi “cứu”, người chơi không được vội vàng, lộn xộn đến nỗi bổ quay vào nhau.
- Khi chơi “bổ”, có thể một người cắt cử các lượt người nhưng khi chơi “cứu”, đến bên nào bên ấy chỉ định thứ tự người vào đánh quay, không tranh giành nhau.