1. Mục đích ý nghĩa, yêu cầu:
- Góp phần rèn luyện sự khéo léo nhanh nhẹn và tính cẩn thận, tỉ mỉ… cho người chơi.
- Tạo không khí vui chơi sôi nổi, thư giãn.
2. Số lượng, đội hình, địa điểm chơi:
- Số lượng người chơi từ 4 – 5 người, nếu đông chia thành nhiều nhóm chơi. Ngồi vòng tròn xung quanh nhau cùng chơi.
- Địa điểm chơi: Chọn chỗ bằng phẳng, sạch sẽ để chơi.
3. Hướng dẫn cách chơi:
- Chuẩn bị chơi:
+ Mỗi người tự chuẩn bị 10 hòn sỏi, hòn đá cuội hay hạt gấc… rải ra nền sân chơi. Mỗi hòn sỏi được coi là một “cua”.
+ “Oẳn tù tì” chọn ra một người làm người làm “cái” và thứ tự chơi của các bạn khác cùng chơi.
- Bắt đầu chơi:
+ Người làm cái được đi trước, bốc tất cả số sỏi của mình và các bạn rồi tung lên để rơi xuống nằm rải rác; úp hai bàn tay vào nhau, các ngón tay đan vào nhau thành một khối, chỉ để hai ngón tay duỗi thẳng làm “càng cua”. Dùng hai “càng cua” đó cắp từng “cua” (hòn sỏi) để sang một bên làm của riêng, trong khi cắp không được chạm tay vào các “cua” (hòn sỏi) khác, nếu chạm thì mất lượt đi, để các bạn khác được đi.
+ Cuộc chơi cứ tiếp diễn cho đến khi hết “cua” thì thôi, mỗi bạn tự đếm số “cua” của mình, ai nhiều “cua” hơn là thắng. Chơi lại từ đầu cho đến khi không muốn chơi nữa thì thôi.
4. Luật chơi:
- Từng người chơi phải vơ hết số “cua” trên sân để tung lên cho rơi tự nhiên xuống, không được tung lại lần thứ hai.
- Phải đan tất cả các ngón tay vào nhau và khép chặt lại, chỉ được duỗi hai ngón tay trỏ để làm hai “càng cua”.
- Trong khi “cắp cua” mà để chạm càng (ngón tay) vào con “cua” khác là bị mất lượt, bạn khác tiếp tục được chơi.
- Nếu đang “cắp cua” mà để “cua” rơi thì cũng mất lượt đi.
- Hết một ván thì tất cả người chơi tự đếm “cua”, ai nhiều “cua” hơn là thắng, người thắng được làm cái trong ván chơi tiếp theo.