Sáng 28/8/2015, tại trụ sở Hội Nhà văn Việt Nam, Hội đồng Đội Trung ương phối hợp Hội Nhà văn Việt Nam, Báo Thiếu niên Tiền phong, Nhà xuất bản Kim Đồng tổ chức Hội nghị sơ kết 2 năm thực hiện chương trình phối hợp liên tịch giữa Trung ương Đoàn với Hội Nhà văn Việt Nam và Tọa đàm "Hành trình 70 năm văn học thiếu nhi". Đây là dịp để các nhà quản lý, các nhà văn, nhà thơ nhìn lại chặng đường 70 năm văn học dành cho thiếu nhi cũng như tổng kết, đánh giá quá trình triển khai thực thực hiện Chương trình liên tịch số 02 CTPH - TWĐ - HNVVN ngày 20 tháng 3 năm 2013 giữa Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh với Hội Nhà văn Việt Nam về “Tăng cường các hoạt động sáng tác văn học nhằm giáo dục, bồi dưỡng tâm hồn và phát triển văn hóa đọc cho thiếu nhi”.

Tới dự Hội nghị và buổi tọa đàm có đồng chí Nguyễn Long Hải, Bí thư Trung ương Đoàn, Chủ tịch Hội đồng Đội Trung ương, nhà văn Nguyễn Trí Huân, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, Nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn, Nhà văn Lê Phương Liên. Cùng tham dự còn có những Cây bút trẻ đã đạt giải thưởng Cây bút tuổi hồng trong 5 năm qua.

(Anh Nguyễn Long Hải, Bí thư Trung ương Đoàn, Chủ tịch Hội đồng Đội TƯ phát biểu tại Hội nghị)   

  Các đại biểu tham gia Hội nghị đã cùng nhau trao đổi, thảo luận về kết quả triển khai thực hiện Chương trình phối hợp về việc“Tăng cường các hoạt động sáng tác văn học nhằm giáo dục, bồi dưỡng tâm hồn và phát triển văn hóa đọc cho thiếu nhi” trong hơn 2 năm qua. Các ý kiến đóng góp đã gợi mở cho Ban Tổ chức Hội nghị nhiều giải pháp thiết thực, hiệu quả, góp phần từng bước đổi mới, nâng cao chất lượng các tác phẩm văn học dành cho thiếu nhi.

Thành quả đáng tự hào là qua 5 năm tổ chức Trại sáng tác thơ văn tuổi học trò và Lễ trao giải Cây bút Tuổi hồng tại 5 tỉnh thành: Hà Nội, Đồng Nai, Hà Tĩnh, Huế và Quảng Ninh đã có hơn 5.000 tác phẩm gồm cả văn xuôi và thơ từ gần 3.000 tác giả trên khắp mọi miền Tổ quốc gửi về. Đây là các tác phẩm đã được thẩm định, được đăng tải và xuất bản  bởi các cơ quan báo chí và Nhà xuất bản từ Trung ương đến địa phương. Các tác phẩm tham dự giải thưởng có nội dung vô cùng phong phú, phản ánh về mọi mặt đời sống từ gia đình đến nhà trường và xã hội. Nhiều cây bút đã vượt lên tầm tuổi của mình, thể hiện được sự đồng cảm với những thân phận thiếu may mắn, những cảm xúc cần được sẻ chia, những yêu thương cần được nâng đỡ để hướng tới giá trị nhân văn, đến cái đẹp cao thượng của tình người. Cũng qua 5 đợt tổ chức trao thưởng, nhiều cây bút đến từ các vùng sâu, vùng xa được phát hiện, nâng đỡ và trưởng thành như: Vũ Hương Nam (Đắc Lắc);Dương Thị Phương (Quảng Trị); Lê Hà Anh Thy (Hậu Nghĩa, Long An); Hồ Thị Khánh Ngân (TP Pleiku, tỉnh Gia Lai); Vũ Phương Thảo(Thái Nguyên); Vũ Hương Mai (Vũng Tàu); Võ Thị Thu Hà(Phú Yên); Trịnh Minh Anh(Hải Dương); Nguyễn Đông Phương (Quảng Ngãi)  Hiếu Minh (Phú Yên)...

Đặc biệt phải kể đến một lực lượng hùng mạnh, sung sức của các cây bút đến từ các thành phố lớn. Có những tác giả tham dự bằng cả bộ tiểu thuyết như Nguyễn Bình(Hà Nội) với bộ tiểu thuyết “Cuộc chiến của hành tinh Phantom”; Nguyễn Hoàng Trâm Anh (Hà Nội) với ba tập truyện ngắn: “Thư gửi người thiên cổ”; “Nếu một ngày thiếu bạn”; “Tình yêu của tôi”; Nguyễn Đan Thi (Hà Nội) với các tập truyện ngắn: “Nụ cười của thiên thần”; “Nào cùng hát lên giai điệu của gió”; Ngô Gia Thiên An(Hà Nội) với tập thơ: “Những ngôi sao lấp lánh”

Phần thứ hai của chương trình là buổi tọa đàm, gặp gỡ, trao đổi, giao lưu giữa các nhà văn, nhà thơ viết cho thiếu nhi như: Nhà văn Nguyễn Trí Huân, Nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn, Nhà văn Lê Phương Liên, Nhà văn Đỗ Hàn...với các giáo viên, các cây bút tuổi học trò và biểu dương, khen thưởng các cá nhân, tập thể đã có nhiều đóng góp trong phong trào sáng tác văn học cho thiếu nhi. Nội dung cuộc trao đổi nhằm phát huy vai trò của các nhà văn, nhà thơ viết cho thiếu nhi, đánh giá thực trạng chất lượng các tác phẩm văn học dành cho thiếu nhi hiện nay. Đề xuất, kiến nghị các giải phải pháp thiết thực góp phần nâng cao chất lượng các tác phẩm sáng tác văn học dành cho thiếu trong giai đoạn mới. Bên cạnh đó tiếp tục định hướng các hoạt động phối hợp trong thời gian tới nhằm tiếp tục tăng cường các hoạt động sáng tác văn học nhằm giáo dục, bồi dưỡng tâm hồn và phát triển văn hóa đọc cho thiếu nhi.

Nhân chương trình sơ kết, cuốn sách tuyển tập truyện ngắn và thơ mang tên Gọi tuổi thơ về của các tác gia đoạt giải Cây bút Tuồi hồng cũng sẽ được ra mắt như là một trái ngọt đầu mùa báo hiệu những lứa quả ngọt cho những mùa sau.

Hoa Duẩn