Cùng với sự phát triển đất nước, hoạt động bảo vệ chăm sóc, giáo dục trẻ em, đặc biệt là hoạt động thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em được Đảng, Nhà nước và toàn xã hội quan tâm. Dự thảo Luật trẻ em năm 2014 đã đưa ra nhiều quy định cụ thể nhằm thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em trong các hoạt động liên quan đến trẻ em. Trong Chương trình thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em và các vấn đề về trẻ em giai đoạn 2016-2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đã giao cho Trung ương Đoàn chủ trì, phối hợp với Bộ Lao động, Thương Binh và Xã hội, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Văn hóa Thể thao, Du lịch, Bộ Tư Pháp, Hội Bảo vệ quyền trẻ em tổ chức xây dựng thí điểm mô hình "Hội đồng trẻ em" tại ít nhất 05 tỉnh, thành phố.
Thực hiện Quyết định trên, Hội đồng Đội Trung ương phối hợp Cứu trợ trẻ em SAVE THE CHILDREN tổ chức Hội thảo “Xây dựng mô hình Hội đồng trẻ em" vào sáng ngày 9/12/2015 tại Hà Nội. Hội thảo với sự góp mặt đông đủ của đại diện lãnh đạo 5 bộ ngành liên quan cùng các nhà khoa học và các em thiếu nhi. Hội thảo lần này nhằm xác lập cơ sở lý luận và thực tiễn về việc xây dựng mô "Hội đồng trẻ em" phù hợp tâm lý trẻ em và đạt hiệu quả.
 
Nội dung chính của Hội thảo nêu bật được 4 nội dung cơ bản, đó là: Phân tích, đánh giá về vị trí, vai trò, sự cần thiết của mô hình “Hội đồng trẻ em” trong việc thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em; Cơ sở lý luận và thực tiễn của việc xây dựng mô hình “Hội đồng trẻ em” tại Việt Nam; Góp ý Đề cương xây dựng Khung mô hình “Hội đồng trẻ em” do Hội đồng Đội Trung ương đề xuất; Dự kiến, định hướng mô hình hoạt động “Hội đồng trẻ em" tại địa phương.
 
 
Về cơ sở thực tiễn, các chuyên gia nhận định rằng: Hiện nay, trên thế giới, mô hình “Hội đồng trẻ em” đã được nhiều nước áp dụng và đem lại những hiệu quả nhất định trong công tác thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em, giúp các em nói lên tiếng nói của mình về những vấn đề các em quan tâm. Tuy nhiên, để xây dựng mô hình “Hội đồng trẻ em” phù hợp với điều kiện thực tiện tại Việt Nam thì cũng đặt ra vấn đề cần phải có những nghiên cứu, đánh giá khách quan, toàn diện về tính khả thi, sự cần thiết, vai trò của Hội đồng trẻ em đối với trẻ em, đối với việc thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em tại địa phương.
 
Theo bà Phạm Thị Thủy, Phó trưởng phòng phụ trách phát triển và tham gia của trẻ em, Bộ Lao động Thương Binh và Xã hội cho biết: “Tại Việt Nam, trẻ em chiếm 1/3 dân số nên tiếng nói của các em rất quan trọng. Hiện nay, quan niệm truyền thống của chúng ta là người lớn bảo, trẻ em nghe đã không còn phù hợp; cần phải có sự tương tác giữa cha mẹ - con cái, giáo viên – học sinh. Hội đồng trẻ em sẽ là một kênh quan trọng để lấy ý kiến của trẻ em.
 
Dựa trênĐiều 12 và 13 của Công ước Quốc tế quyền trẻ em, các quan điểm về quyền trẻ em của Liên Hợp Quốc; Dựa trên điều 37 của Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam năm 2013 và Điều 20 Luật BVCSGDTE; dựa trên Điều 19,20,21,22 Nghị định 71/2011/NĐ – CP và Quyết định 1235 về Mô hình hội đồng trẻ em…để tổ chức các mô hình hội đồng trẻ em được hiệu quả.
 
Khi tham gia hội đồng này trẻ em sẽ được:
 
1. Góp phần cho phát triển cá nhân (kiến thức, kỹ năng)
 
2. Trẻ em học cách giải quyết vấn đề và quyết định một cách có trách nhiệm
 
3. Bảo vệ trẻ em tốt hơn
 
4. Chuẩn bị cho trẻ em trở thành công dân năng động và có ích
 
5. Giúp việc ra quyết định tốt hơn
 
6. Hướng tới phát triển một xã hội dân chủ, công bằng
 
7. Tác động lên các nhà hoạch định chính sách
 
8 Tạo cơ hội tham gia bình đẳng cho mọi trẻ em. Tạo điều kiện, khuyến khích trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt thực hiện các quyền được tham gia.
 
9. Tạo môi trường an toàn, thân thiện và khuyến khích trẻ em tham gia một cách chủ động.”
 
Chuyên gia cao cấp về truyền thông và quyền tham gia của trẻ em Nguyễn Lan Minh chia sẻ: “Các quan niệm của chúng ta về trẻ em, các vấn đề liên quan đến trẻ em đang ngày càng thay đổi theo chiều hướng tốt hơn. Việt Nam có sẵn một hệ thống chính trị hướng tới trẻ em rất tốt. Chúng ta cần dựa trên những cái đã làm rất tốt để lên khung cho chương trình này, xây dựng những tiêu chí của Hội đồng trẻ em sao cho phù hợp với thực tiễn và luật pháp ở Việt Nam.”
 
Đại diện chủ thể của mô hình này, em Trần Thị Thu Trang thiếu nhi tỉnh Quảng Ninh có mong muốn: Rất mong được tham gia là thành viên trong Hội đồng trẻ em để được bày tỏ nguyện vọng của mình tới các anh chị phụ trách, tới thầy cô giáo và các cô bác lãnh đạo. Em cũng rất muốn tiếng nói của các em được quan tâm, được người lớn lắng nghe, thấu hiểu và giúp đỡ…”
 
Về định hướng thực hiện mô hình này,  Đại diện Hội đồng Đội Trung ương, đồng chí Nguyễn Phú Trường – Phó Chủ tịch Thường trực đã đưa ra một số nội dung cơ bản như sau:
 
Về nguyên tắc thực hiện các quyền của trẻ em với mục đích đặt lợi ích tốt nhất của trẻ em và tôn trọng, lắng nghe, xem xét, phản hồi ý kiến, nguyện vọng của trẻ em. Trên cơ sở  thực hiện mô hình  sẽ tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức của thiếu nhi về Luật trẻ em, Công ước quốc tế về quyền trẻ em. Đồng thời xây dựng các mô hình phù hợp với tâm lý thiếu nhi; tổ chức các hoạt động cụ thể cho thiếu nhi tham gia đóng góp ý kiến trực tiếp vào các vấn đề liên quan đến trẻ em. Hoạt động cần được tuyên truyền rộng rãi, mang tính giáo dục cao, thu hút sự tham gia của thiếu nhi.
 
Về thời gian và tiến độ thực hiện, bên cạnh tổ chức 02 hội thảo tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, Hội đồng Đội và thành viên tham gia Mô hình sẽ làm việc với UBND các ỉnh lựa chọn thỉ điểm thành lập Hội đồng trẻ em. Dự  kiến Tổ chức Hội thảo đánh giá kết quả thực hiện mô hình điẻm vào năm 2017. Khung mô hình được đưa ra 2 phương án:
 
Phương án 1(Có sự tham gia của người lớn), gồm:
 
-  Chủ tịch danh dự: Mời đồng chí Chủ tịch HĐND tỉnh, thành phố
 
- Chủ tịch Hội đồng: Đồng chí Bí thư tỉnh, thành đoàn
 
- Phó chủ tịch Hội đồng: 02 em thiếu nhi
 
- Các Ủy viên: 30 em thiếu nhi đại diện cho các quận, huyện, thị, thành phố trên địa bàn
 
+ Cán bộ chỉ huy Liên - Chi đội: Dự kiến từ 10 - 15 em.
 
+ Thành viên các Câu lạc bộ quyền trẻ em, phóng viên nhỏ: Từ 03 - 05 em
 
Phương án 2(Chỉ trẻ em tham gia), gồm:
 
- Chủ tịch Hội đồng: 01 em thiếu nhi
 
- Phó chủ tịch Hội đồng: 02 em thiếu nhi, 01 đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực và 01 đồng chí Phó Chủ tịch.
 
- Các Ủy viên: 30 em thiếu nhi đại diện cho các quận, huyện, thị, thành phố trên địa bàn
 
+ Cán bộ chỉ huy Liên - Chi đội: Dự kiến từ 10 - 15 em.
 
+ Thành viên các Câu lạc bộ quyền trẻ em, phóng viên nhỏ: Từ 03 - 05 em
 
+ Thành viên các Đội tuyên truyền măng non, phát thanh măng non: từ 02 - 03 em.
 
+ Thiếu nhi thành phần khác …
 
Hội đồng Đội Trung ương, mong muốn những ý kiến góp ý, gợi mở của các nhà khoa học các địa diện ban ngành tại Hội thảo sẽ góp phần làm sáng tỏ nhiều vấn đề về mang tính chất nền tảng về cơ sở lý luận và thực tiễn để xây dựng mô hình "Hội đồng trẻ em tại Việt Nam" trong đó áp dụng vào thí điểm tại 5 tỉnh, thành phố: Hà Nội, Tp Hồ Chí Minh, Bình Định, Quảng Ninh, Yên Bái. Từ mô hình này sẽ mở ra hướng đi mới, cách làm mới của Trung ương Đoàn, Hội đồng Đội Trung ương trong việc thúc đẩy Quyền tham gia của trẻ em tại địa phương.
 
                                                         Đức Duẩn – Hà Dung