BAN CHẤP HÀNH TRUNG ƯƠNG

***

Số: 100 - QĐ/TWĐTN-CTTN  

ĐOÀN TNCS HỒ CHÍ MINH

 

Hà Nội, ngày 01 tháng 8 năm 2018

 


QUYẾT ĐỊNH

Về việc ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động

của Hội đồng Đội TNTP Hồ Chí Minh giai đoạn 2018 - 2023

-----

BAN THƯỜNG VỤ TRUNG ƯƠNG ĐOÀN TNCS HỒ CHÍ MINH

- Căn cứ Điều lệ Đoàn TNCS Hồ Chí Minh khóa XI;

- Căn cứ Quy chế hoạt động của Ban Chấp hành Trung ương Đoàn khóa XI ban hành kèm theo Quyết định số 38-QĐ/TWĐTN-BTC ngày 15/01/2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đoàn;

- Căn cứ Điều lệ Đội TNTP Hồ Chí Minh khóa XI;

- Căn cứ kết quả Hội nghị lần thứ tư, Ban Thường vụ Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh khóa XI;

- Xét đề nghị của Ban Công tác Thiếu nhi Trung ương Đoàn - Thường trực Hội đồng Đội Trung ương,

QUYẾT ĐỊNH

 

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế tổ chức và hoạt động của Hội đồng Đội TNTP Hồ Chí Minh giai đoạn 2018 - 2023. 

Điều 2. Giao Ban Công tác Thiếu nhi Trung ương Đoàn - Thường trực Hội đồng Đội Trung ương phối hợp với Ban Tổ chức Trung ương Đoàn, Ủy ban Kiểm traTrung ương Đoàn, Văn phòng Trung ương Đoàn giúp Ban Thường vụ Trung ương Đoàn theo dõi việc thực hiện Quy chế này.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký. Hội đồng Đội Trung ương,các cấp bộ đoàn, Hội đồng Đội các cấp, các đơn vị có tên tại Điều 2 căn cứ Quyết địnhthi hành.

 

 

Nơi nhận:

- Như Điều 3;

- Ban Tổ chức, Ban Dân vận,

  Văn phòng TW Đảng (để báo cáo);

- Các đ/c UV BTV TW Đoàn;

- Các đ/c UV HĐĐTW khóa VIII;

- Lưu VP.

TM. BAN THƯỜNG VỤ TRUNG ƯƠNG ĐOÀN

BÍ THƯ THỨ NHẤT

 

 

(đã ký)

 

 

Lê Quốc Phong

 

QUY CHẾ

Tổ chức và hoạt động của Hội đồng Đội 

Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh (Hội đồng Đội) giai đoạn 2018 - 2023

(Ban hành kèm theo Quyết định số 100 - QĐ/TWĐTN-CTTN 

ngày 01 tháng 8 năm 2018 của Ban Thường vụ Trung ương Đoàn khóa XI)

----

CHƯƠNG I
CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ,QUYỀN HẠN

 

Điều 1.Chức năng

1. Tham mưu cho Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Đoàn cùng cấp chỉ đạo về công tác Đội và phong trào thiếu nhi; thực hiện công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục thiếu niên, nhi đồng. Hội đồng Đội Trung ươngtham mưu cho Trung ương Đoàn thực hiện nhiệm vụ đại diện tiếng nói, nguyện vọng của trẻ em.

2. Chỉ đạo và hướng dẫn Hội đồng Đội cấp dưới tổ chức thực hiện các chủ trương,nhiệm vụ của Đoàn về công tác Đội, phong trào thiếu nhi, bảo vệ, chăm sóc, giáo dục thiếu niên,nhi đồng.

3. Phối hợp với các cơ quan Nhà nước và các tổ chức chính trị - xã hội, các lực lượng xã hội, các tổ chức quốc tế trong công tác xây dựng Đội và tham gia thực hiện Công ước quốc tế về quyền trẻ em, Luật Trẻ em, các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến trẻ em.

Điều 2. Nhiệm vụ

1. Phụ trách công tác tổ chức và hoạt động của Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh, phát triển phong trào thiếu nhi theo đường lối của Đảng và chủ trương của Đoàn.

2. Nghiên cứu, đề xuất với Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Đoàn những chủ trương công tác Đội và phong trào thiếu nhi, bảo vệ, chăm sóc, giáo dục thiếu niên nhi đồng, chú trọng giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng xã hội, định hướng quá trình hình thành nhân cách cho các em từ tuổi nhi đồng; đổi mới hình thức sinh hoạt Đội, hoạt động thiếu nhi phù hợp với các loại hình trường, lớp và địa bàn dân cư

3. Xây dựng kế hoạch, biện pháp tổ chức triển khai thực hiện các chủ trương của Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Đoàn về công tác Đội và phong trào thiếu nhi; chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện điều lệ Đội, nghiệp vụ đối với Hội đồng Đội cấp dưới và nội dung phương hướng hoạt động của hệ thống các Cung, Nhà Thiếu nhi, Trung tâm hoạt động thanh thiếu nhi, trường Đội, điểm vui chơi dành cho trẻ em, hướng dẫn thiếu niên, nhi đồng đoàn kết, giúp đỡ nhau thực hiện quyền và bổn phận của trẻ em.

4. Tổng kết, phổ biến, áp dụng những mô hình tiên tiến, phù hợp về công tác Đội và phong trào thiếu nhi. Báo cáo tình hình công tác Đội, phong trào thiếu nhi và hoạt động của Hội đồng Đội với Ban Chấp hành Đoàn cùng cấp và Hội đồng Đội cấp trên.

5. Phối hợp với các Ban chức năng, các cơ quan nghiệp vụ của Đoàn để thực hiện nhiệm vụ xây dựng Đội và phong trào thiếu nhi, công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục thiếu niên nhi đồng.

6. Đại diện Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh tham gia các tổ chức liên quan đến công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em.

7. Liên kết với các ngành, đoàn thể để thực hiện tốt nhiệm vụ xây dựng Đội và sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em.

8. Tham gia giám sát việc chấp hành pháp luật về trẻ em, chủ động đưa ra những kiến nghị cần thiết đối với các cơ quan Nhà nước hữu quan để thực hiện nhiệm vụ đó; góp phần ngăn ngừa và xử lý các hành vi xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của thiếu nhi. 

9. Quan hệ với các tổ chức thiếu nhi, các tổ chức trong nước và quốc tế vì sự phát triển của trẻ em.

10. Tham gia giám sát và đưa ra những kiến nghị đối với Ban Chấp hành Đoàn và các cơ quan Nhà nước trong việc đào tạo, bồi dưỡng, thực hiện cơ chế, chính sách cho đội ngũ Giáo viên làm tổng phụ trách Đội và cán bộ phụ trách Đội trên địa bàn dân cư.

Điều 3. Quyền hạn

1. Ban hành các văn bản, hướng dẫn thực hiện chương trình công tác Đội và phong trào thiếu nhi theo chủ trương của Ban Chấp hành Đoàn cùng cấp và Hội đồng Đội cấp trên.

2. Kiểm tra, đánh giá việc thực hiện nhiệm vụ công tác Đội và phong trào thiếu nhi của Ban Chấp hành Đoàn, Hội đồng Đội và tổ chức Đội cấp dưới.

3. Tổ chức các hội nghị, đại hội, liên hoan, gặp mặt của thiếu nhi, cán bộ phụ trách, các lực lượng tình nguyện vì trẻ em và hệ thống Cung, Nhà thiếu nhi, Trung tâm hoạt động thanh thiếu nhi.

4. Đề nghị các cấp, các ngành và Đoàn Thanh niên tuyên dương, khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích trong công tác Đội và phong trào thiếu nhi; công tác bảo vệ, chăm sóc giáo dục thiếu niên nhi đồng; Quy định và thực hiện các hình thức khen thưởng của tổ chức Đội theo hướng dẫn của Hội đồng Đội Trung ương.

5. Kiến nghị, đề xuất với các cơ quan Nhà nước, các ngành, đoàn thể xã hội bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em; chăm lo các hoạt động của tổ chức Đội và thiếu nhi. Đại diện bảo vệ quyền lợi, ngăn ngừa và kháng nghị những hành vi xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của thiếu nhi.

6. Định kỳ tổ chức, kiểm tra việc triển khai thực hiện các chủ trương của Đoàn về công tác Đội và phong trào thiếu nhi; tham gia giám sát việc thực hiện Công ước của Liên hợp quốc về quyền trẻ em, Luật Trẻ em.

7. Giúp Ban Thường vụ Đoàn phối hợp với Ban Thường vụ Đoàn cấp dưới quản lý chức danh chủ tịch Hội đồng Đội cấp dưới trực tiếp.

8. Quyết định chương trình, nội dung đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ công tác Đội cho đội ngũ cán bộ phụ trách và cán bộ chỉ huy Đội; nghiên cứu, tổng kết kinh nghiệm công tác Đội và phong trào thiếu nhi.

9. Hội đồng Đội Trung ương là cơ quan giúp Ban Bí thư, Ban Thường vụ, Ban Chấp hành Trung ương Đoàn thẩm định và quyết định các chương trình, nội dung tài liệu nghiệp vụ, giáo trình đào tạo, bồi dưỡng cán bộ phụ trách và chỉ huy Đội để ban hành thống nhất trong cả nước.

10. Giúp Ban Thường vụ Đoàn cùng cấp theo dõi, hướng dẫn và chỉ đạo hệ thống các trung tâm hoạt động thiếu nhi, các cung, nhà thiếu nhi, điểm vui chơi dành cho trẻ em.

11. Thay mặt cho tổ chức Đội Thiếu niên tiền phong Hồ Chí Minh trong mối quan hệ với các tổ chức quốc tế có liên quan tới trẻ em.

CHƯƠNG II
TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG

Điều 4. Hệ thống tổ chức của Hội đồng Đội

1. Hội đồng Đội được thành lập gồm 4 cấp

a. Cấp xã.

b. Cấp huyện.

c. Cấp tỉnh.

d. Cấp Trung ương.

2. Hội đồng Đội ở cấp nào do Ban Chấp hành Đoàn cấp đó lập ra và lãnh đạo. Nhiệm kỳ của Hội đồng Đội theo nhiệm kỳ của Ban Chấp hành Đoàn cùng cấp.

3. Đoàn khối, Đoàn ngành phân công cán bộ Đoàn phụ trách công tác thiếu nhi.

Điều 5. Cơ cấu và số lượng thành viên Hội đồng Đội các cấp

1. Cơ cấu

a. Cán bộ chủ chốt của Đoàn do Ban Chấp hành Đoàn cùng cấp cử ra để lãnh đạo Hội đồng Đội.

b. Đại diện lãnh đạo các ban ngành, đoàn thể có liên quan đến công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em.

c. Một số cán bộ chuyên trách, hoặc được phân công làm công tác thiếu nhi.

d. Đại diện lãnh đạo các Cung, Nhà thiếu nhi, Trung tâm Hoạt động Thanh thiếu nhi.

e. Đại diện lãnh đạo các ban chức năng, các cơ quan nghiệp vụ của Đoàn cùng cấp có quan hệ trực tiếp với công tác Đội.

f. Một số đại diện thường trực Hội đồng Đội cấp dưới.

g. Đại diện lãnh đạo trường sư phạm, trường phổ thông, một số giáo viên làm tổng phụ trách Đội trong trường học và một số chuyên gia liên quan đến công tác trẻ em.

h. Đại diện chuyên gia, nhà khoa học về công tác trẻ em, văn nghệ sỹ, trí thức, doanh nhân, gắn bó với công tác thiếu nhi.

i. Hội đồng Đội các cấp có thể mời cán bộ lão thành cách mạng, các cán bộ Đoàn, Đội đã trưởng thành có uy tín và kinh nghiệm làm thành viên danh dự tư vấn về công tác Đội; mời các nhà hoạt động khoa học, văn hoá nghệ thuật, hoạt động xã hội, thể dục thể thao… có khả năng và yêu mến trẻ em làm cộng tác viên.

2. Số lượng:

- Cấp xã, từ 7 - 9 đồng chí

- Cấp huyện, từ 11 - 19 đồng chí

- Cấp tỉnh, từ 19 - 25 đồng chí

- Cấp trung ương từ  29- 39 đồng chí

Điều 6. Chức danh, trách nhiệm và quyền hạn của các thành viên Hội đồng Đội

1. Chủ tịch

a. Là Bí thư hoặc Phó Bí thư Ban Chấp hành Đoàn có nănglực, kinh nghiệm về công tác Đội. Ở Trung ương là đồng chí Bí thư Trung ương Đoàn. 

b. Chịu trách nhiệm trước Ban Thường vụ, Ban Chấp hành Đoàn về hoạt động của Hội đồng Đội, công tác Đội và phong trào thiếu nhi cấp mình.

2. Các Phó Chủ tịch

a. Giúp việc cho Chủ tịch; được phân công trực tiếp phụ trách, theo dõi một số mặt công tác của Hội đồng Đội.

b. Thay mặt Chủ tịch giải quyết các công việc của Hội đồng Đội khi được ủy quyền.

3. Thường trực Hội đồng Đội

Chủ tịch và các Phó chủ tịch, Ủy viên thường trực có trách nhiệm chỉ đạo, điều hành và giải quyết công việc giữa hai kỳ họp Hội đồng Đội.

4. Các Ủy viên

a. Có quyền tham gia, bàn bạc vào các quyết định của Hội đồng Đội; kiểm tra, đánh giá hoạt động của tổ chức Đội thuộc cấp mình quản lý; có trách nhiệm thực hiện quyết định của Hội đồng Đội.

b. Có quyền được cung cấp tài liệu, thông tin về công tác Đội, phong trào thiếu nhi và các vấn đề liên quan đến trẻ em.

c. Các ủy viên là cán bộ chuyên trách ở cơ quan Hội đồng Đội được phân công phụ trách theo dõi một hoặc một số lĩnh vực, chương trình công tác của Hội đồng Đội.

d. Các ủy viên là đại diện các ngành, đoàn thể, các Ban chức năng, cơ quan nghiệp vụ của Đoàn có nhiệm vụ:

- Tích cực đóng góp xây dựng và tổ chức thực hiện các chủ trương công tác Đội và phong trào thiếu nhi phù hợp với chức năng của cơ quan mình.

- Tham gia nghiên cứu, chỉ đạo, thực nghiệm, hoàn thiện các chuyên đề, mô hình về lý luận và thực tiễn công tác Đội.

e. Tham gia đầy đủ các kỳ họp của Hội đồng Đội, có trách nhiệm trong thảo luận và quyết định các vấn đề liên quan đến công tác Đội và phong trào thiếu nhi, công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục thiếu niên nhi đồng.

f.Chịu trách nhiệm về chất lượng công tác Đội và phong trào thiếu nhi trong mảng, lĩnh vực được phân công.

Điều 7. Cơ quan chuyên trách Hội đồng Đội

1. Hội đồng Đội Trung ương, Hội đồng Đội cấp tỉnh có bộ máy giúp việc bao gồm các cán bộ chuyên trách công tác Đội ở cấp đó. Biên chế cán bộ do Ban Thường vụ Đoàn cùng cấp quyết định.

2. Cơ quan chuyên trách Hội đồng Đội Trung ương có văn phòng, có phương tiện hoạt động cần thiết, có tài khoản riêng. Các bộ phận chuyên môn của cơ quan chuyên trách Hội đồng Đội Trung ương được hình thành theo yêu cầu công tác, do Ban Bí thư Trung ương Đoàn quyết định theo đề xuất của Thường trực Hội đồng Đội Trung ương.

3. Ở quận, huyện, tỉnh, thành phố văn phòng Đoàn đảm nhiệm công việc hành chính của Hội đồng Đội. Ngân sách hoạt động của Hội đồng Đội được chủ động sử dụng cho công tác Đội và phong trào thiếu nhi.

4. Hội đồng Đội từ cấp huyện trở lên được sử dụng con dấu riêng, được mở tài khoản cấp 2 của Đoàn sau khi có chủ trương của Ban Thường vụ Đoàn cùng cấp.

Điều 8. Chế độ của cán bộ chuyên trách Hội đồng Đội

1. Phó Chủ tịch được phân công thường trực được hưởng phụ cấp như trưởng ban của Đoàn.

2. Ủy viên thường trực chuyên trách (nếu có) được hưởng phụ cấp như phó ban của Đoàn.

Điều 9. Nguyên tắc làm việc của Hội đồng Đội

Hội đồng Đội làm việc theo nguyên tắc tập trung, dân chủ.

Điều 10. Chế độ hội họp và thông tin báo cáo

1. Hội đồng Đội cấp xã, huyện, tỉnh họp thường kỳ 3 tháng một lần, cấp Trung ương 6 tháng một lần. Khi cần thiết họp bất thường do thường trực Hội đồng Đội quyết định.

2. Tài liệu dự thảo được gửi đến ủy viên Hội đồng Đội trước kỳ họp ít nhất 03 ngày.

3. Trước các kỳ họp Hội đồng Đội, thường trực Hội đồng Đội họp chuẩn bị nội dung, báo cáo kết quả chỉ đạo điều hành và thực hiện nhiệm vụ.

Điều 11. Chế độ đi công tác cơ sở

1. Ủy viên Hội đồng Đội chuyên trách thực hiện việc đi công tác cơ sở theo chế độ của cấp bộ Đoàn cùng cấp.

2. Ủy viên Hội đồng Đội không chuyên trách căn cứ chức năng nhiệm vụ và hoạt động ở cơ quan, địa phương mình để tham gia đi cơ sở. 

3. Ủy viên Hội đồng Đội đi công tác cơ sở phải có kế hoạch cụ thể,nắm bắt tình hình, chỉ đạo trực tiếp hoặc kiến nghị với Ban Thường vụ Đoàn hoặc Hội đồng Đội cấp trên để kịp thời chỉ đạo, giải quyết các vướng mắc, khó khăn tại cơ sở; việc tổ chức đi cơ sở phải đảm bảo thiết thực, hiệu quả, tiết kiệm, tránh hình thức.

CHƯƠNG III
MỐI QUAN HỆ CÔNG TÁC

Điều 12. Sự lãnh đạo của Ban Chấp hành Đoàn với Hội đồng Đội

1. Quyết định chủ trương công tác Đội và phong trào thiếu nhi theo phạm vi phụ trách.

2. Quyết định nhân sự của Hội đồng Đội.

3. Quyết định bổ nhiệm, miễn nhiệm các thành viên Hội đồng Đội theo nhiệm kỳ của Ban Chấp hành Đoàn.

4. Quyết định bổ nhiệm, miễn nhiệm Chủ tịch Hội đồng Đội cần có sự thống nhất ý kiến của Ban Thường vụ Đoàn cùng cấp với Chủ tịch Hội đồng Đội cấp trên.

5. Xây dựng bộ máy, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ phụ trách Đội, các Cung, Nhà thiếu nhi, Trung tâm hoạt động thiếu nhi, điểm vui chơi thiếu nhi.

6. Định kỳ kiểm tra (làm việc), đánh giá hoạt động của Hội đồng Đội.

7. Có trách nhiệm lựa chọn, bố trí cán bộ có năng lực làm công tác phụ trách Đội, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của các chi đội, liên đội, các Cung, Nhà thiếu nhi, Trung tâm hoạt động thanh thiếu nhi, trường đào tạo cán bộ Đội, điểm vui chơi thiếu nhi thuộc cấp mình quản lý.

Điều 13. Quan hệ công tác giữa Hội đồng Đội với các ban, đơn vị, các cơ quan nghiệp vụ của Đoàn

1. Hội đồng Đội chủ trì phối hợp với các ban, đơn vị, các cơ quan nghiệp vụ của Đoàn tham mưu cho Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Đoàn cùng cấp quyết định các chủ trương liên quan tới công tác Đội và phong trào thiếu nhi; công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục thiếu niên nhi đồng; chủ động phối hợp với các ban, đơn vị, các cơ quan nghiệp vụ của Đoàn thực hiện các chủ trương của Đoàn đối với công tác Đội và phong trào thiếu nhi

2. Trước khi các ban, đơn vị, các cơ quan nghiệp vụ của Đoàn đề nghịBan Chấp hành, Ban Thường vụ Đoàn quyết định những vấn đề có liên quan đến công tác Đội và phong trào thiếu nhi; công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục thiếu niên, nhi đồng cần trao đổi, thống nhất ý kiến với Thường trực Hội đồng Đội cùng cấp. 

Điều 14. Quan hệ công tác giữa Hội đồng Đội với các cơ quan Nhà nước, đoàn thể, tổ chức xã hội và các tổ chức quốc tế

1. Hội đồng Đội có quan hệ công tác với cơ quan Nhà nước, các đoàn thể, các tổ chức xã hội, các tổ chức quốc tế trong việc tổ chức các hoạt động Đội, xây dựng chính sách, đầu tư và huy động nguồn lực cho công tác Đội và phong trào thiếu nhi, công tác chăm sóc, giáo dục thiếu niên nhi đồng; tạo điều kiện cho hoạt động của Hội đồng Đội. 

2. Hội đồng Đội Trung ương phối hợp với các ngành trong việc trao đổi thông tin, kinh nghiệm, đào tạo bồi dưỡng cán bộ, thực hiện các chương trình, dự án liên quan đến trẻ em.

CHƯƠNG IV
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

 
Điều 15. Điều khoản thi hành

1. Các cấp bộ Đoàn và Hội đồng Đội các cấp có trách nhiệm thi hành Quy chế này.

2. Việc sửa đổi, bổ sung Quy chế về tổ chức và hoạt động của Hội đồng Đội Thiếu niên tiền phong Hồ Chí Minh do Ban Thường vụ Trung ương Đoàn quyết định.

3. Quy chế này có hiệu lực thực hiện từ ngày ký. Những quy định trước đây trái với Quy chế này đều bãi bỏ.

 

BANTHƯỜNG VỤ TRUNG ƯƠNG ĐOÀN

TẢI VĂN BẢN TẠI ĐÂY: /Data/upload/files/QD%20ban%20hanh%20QC%20HDDTW%20khoa%20VIII.PDF