Do văn học thiếu nhi ngày càng bị mai một cả về số lượng và chất lượng. Đội ngũ nhà văn viết cho thiếu nhi chỉ được tính trên đầu ngón tay với những tác phẩm ít ỏi. Trong khi đó nhu cầu đọc của các em lại tăng dần, thiếu tác phẩm trong nước, các em tìm đến với những tác phẩm có xuất từ nước ngoài với đầy đủ hình hài nhân cách tốt, xấu, lai căng Á Âu lẫn lộn. Điều đó cũng là một phần tạo nên một bộ phận thanh thiếu niên ngày càng xa rời hóa truyền thống, hướng đến văn hóa ngoại nhập không chọn lọc, tạo lỗ hổng trong tầm hồn và dẫn đến suy đồi về đạo đức… Trước thực trạng đó, Hội đồng Đội Trung ương và Hội Nhà văn Việt Nam đã cùng phối hợp tìm hướng đi mới, tăng cường trong các hoạt động sáng tác văn học nhằm giáo dục, bồi dưỡng tâm hồn và phát triển văn hóa đọc dành cho thiếu nhi.
Qua năm mùa giải thưởng và 2 năm ký kết phối hợp chính thức giữa hai bên, một kết hướng đi mới và đúng lộ trình đã bắt đầu thể hiện bằng những tác phẩm cả của người lớn và trẻ em trong thể loại văn học dành cho thiếu nhi. Qua 5 kỳ sáng tác và xét giải, đã có hơn 5000 tác phẩm cả văn xuổi và thơ từ gần 3000 tác giả trên mọi miền Tổ quốc gửi về. Các tác phẩm tham dự giải thưởng có nội dung phong phú, phản ánh về mọi mặt của đời sống từ gia đình đến nhà trường và xã hội. Nhiều cây bút đã vượt lên tầm tuổi của mình, thể hiện cảm xúc cá nhân hướng đến những giá trị nhân văn sâu sắc.
 
Để việc phối hợp hiệu quả thiết thực, ngày 28/8/ 2015 Hội Đồng Đội Trung ương và Hội nhà văn Việt Nam đã cùng ngồi lại, chia sẻ ý kiến đóng góp xây dựng chương trình, tìm ra những thế mạnh và hạn chế để khắc phục cho chặng đường tiếp theo. Có thể nói rằng, sơ kết thể hiện rất khoa học bằng cách tổ chức tọa đàm, gồm đủ các thành phần: Đoàn thanh niên, Hội nhà văn, Bộ Giáo dục & Đào tạo, giáo viên dạy văn trong các nhà trường và các em học sinh...  Thông qua tọa đàm, các ý kiến nêu lên là một vấn đề cần được tháo gỡ trong thời gian tới.
 
Phát biểu tại chương trình sơ kết, đồng chí Nguyễn Long Hải Bí thư BCH Trung ương Đoàn, Chủ tịch Hội đồng Đội Trung ương cho rằng những nội dung đặt ra trong chương trình phối hợp đã được thực hiện, nhất 4 nội dung lớn đã được triển khai và đạt được nhiều kết quả cụ thể, như: Vận động các Nhà văn viết cho thiếu nhi; giao lưu tọa đàm với các Nhà văn; tổ chức Hội thi kể chuyện theo sách trong thiếu nhi hàng năm; Hội thi chúng em kể chuyện Bác Hồ; … có nhiều hoạt động đã được các địa phương tổ chức duy trì hàng năm và có sức lan tỏa lớn trong các em thiếu nhi. Đồng chí Nguyễn Long Hải nhấn mạnh: “Hoạt động xuyên suốt trong thời gian qua đó hai bên  tổ chức được 5 trại sáng tác, có thể nói mô hình trại sáng tác là nơi hội tụ tất các cả các hoạt động, như: Gặp gỡ, nói chuyện, trao đổi kinh nghiệm giữa các nhà văn với các em, sáng tác,… và không chỉ có ở cấp Trung ương mà có nhiều tỉnh, thành đã tổ chức trại sáng tác tại địa phương mình. Với mong muốn chương trình sơ kết 2 năm sẽ góp một phần tiếng nói để đưa sự nghiệp sáng văn học cho thiếu nhi vào những đóng góp tích cực của công tác giáo dục thế hệ trẻ trong thời gian tiếp theo….
 
Đại diện đối tượng chính đón nhận, đồng thời là chủ thể của những tác phẩm văn học dành dành cho thiếu nhi, các em học sinh cho rằng:Hiện nay, thư viện trong các nhà trường sách tham khảo nhiều hơn các truyện hay. Thời gian để các em đọc sách tham khảo choán hết thời gian đọc truyện, đọc các tác phẩm văn học. Hơn thế nữa, các em không còn thời gian để tham gia các CLB văn học hay sáng tác thơ văn…các em muốn đọc nhiều nhưng cần có thời gian và môi trường.
 
Một ý kiến khác , chính xác hơn là một câu hỏi cần định hướng của các nhà văn và các thầy cô giáo và anh chị phụ trách, đó là: Các em không biết phải viết theo khuôn mẫu hay viết theo cảm xúc của mình, viết thế nào thì đúng? Câu hỏi này đang là thực trạng đối với các em hcoj sinh hiện nay bởi một thời gian dài, cách dạy văn trong nhà trường góp phần "giết chết" văn học, bởi cách học cách dạy rập khuôn, vô tình làm hạn chế cảm nhận văn chương của học sinh. Không ít phụ huynh bắt con em mình học thuộc những bài văn mẫu trước mỗi giờ kiểm tra, thi học kì. Đó là một trong những nguyên nhân làm cho học sinh sợ học văn, đồng thời làm cho văn hóa đọc suy giảm. Cô Nguyễn Thị Huyền Hậu - giáo viên dạy văn trường THCS Nguyễn Tri Phương, Hà Nội cho rằng, khó khăn của giáo viên dạy văn hiện nay là phải đảm bảo phương pháp, kĩ năng, phục vụ cho việc thi cử của các em. Sự bó buộc là ở cách thi, cách kiểm tra. Nó làm bó hẹp cách dạy của giáo viên. Chẳng hạn như với tác phẩm này mình buộc phải dạy những ý như thế này để trẻ con cần biết mà đi thi, chứ không phải mình giảng theo cảm hứng nào đó của mình. Đôi khi trẻ con có những phát kiến bất ngờ mà mình không dám đồng ý hoặc không dám khuyến khích. Theo tôi, cái lớn nhất là có một cái khung cần phải theo, cứng quá, máy móc quá.
 
Nhà văn Nguyễn Trí Huân, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam cũng cho rằng, học văn trong nhà trường giúp cho các em học cách nhập vai, cảm nhận cuộc sống và thân phận con người. Để thay đổi cách học, cách dạy văn trong nhà trường cần có sự đối thoại. Nếu học văn không đem lại cảm xúc thì đó là một thất bại lớn của việc học văn và của nền giáo dục. Ông khẳng định: Học văn và dạy văn bắt đầu và khởi nguồn từ cảm xúc. Nếu không khởi nguồn từ cảm xúc sẽ không có gì hết. Người sáng tạo là nghệ sĩ, người dạy văn cũng phải mang phẩm chất của nghệ sĩ. Phải để cho các em độc lập suy nghĩ. Cũng giống như khi viết một tác phẩm văn học, phải để lại một khoảng để người đọc tiếp nhận, suy nghĩ thêm. Việc trao đổi, đối thoại với nhau là vô cùng bổ ích. Bên cạnh đó, tổ chức cho các em đọc sách là hết sức quan trọng, kích thích các em yêu văn hóa đọc…
 
Đại diện một tác giả quan tâm và có những tác phẩm dành cho thiếu nhi, nhà văn Nguyễn Phương Liên cho rằng: Các em hãy viết bằng chính cảm xúc của cá nhân mình thì mới tạo ra được những tác phẩm hay được.
 
Còn ở khía cạnh khích lệ cho các em viết, nhà văn Lê Phương Liên cho rằng: Lâu này tất cả các bậc lãnh đạo đếu quan tâm đến bồi dưỡng tâm hồn, giáo dục nhân cách và văn hóa cho trẻ bằng việc bồi dưỡng kiến thức về văn hóa nghệ thuật, trong đó có việc sáng tác các tác phẩm văn học dành cho thiếu nhi. Khi nào chúng ta coi văn học cho thiếu nhi là một bộ phận của nền văn học nước nhà thì khi đó nền văn học mới phát triển toàn diện được.
 
Là người có thâm niên gắn bó với các tác phẩm tuổi hồng, nhà báo Bích Ngọc – báo Thiếu Niên Tiền Phong cho rằng: Chúng ta hãy đón nhận các  tác phẩm của trẻ em và nâng đỡ các em, tạo sự khích lệ cho các em phát triển tài năng và niềm đam mê của tuổi thơ qua từng trang viết. Mong rằng các chi hội nhà báo, các CLB văn học trong nhà thiếu nhi và trường học mở rộng để ươm mầm tài năng văn học trẻ, đáp ứng nhu cầu cho thiếu nhi trong giai đoạn hiện nay.
 
Nhà văn Nguyễn Trí Huân cho rằng: Tương lai văn học thuộc về thiếu nhi, vậy sắp tới đây, cần có nhiều buổi đối thoại giữa các nhà văn với nhà trường và các em để cùng có một sự tháo gỡ toàn diện, mở ra con đường sáng tác văn học cho thiếu nhi rộng mở hơn!. Đối với Hội nhà văn tăng cường mảng văn học dành cho thiếu nhi ở mọi phương diện.
 
Cũng trong khuôn khổ buổi tọa đàm, ghi nhận những đóng góp của các cá nhân, tập thể, tại chương trình sơ kết, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh đã tặng Bằng khen của BCH Trung ương Đoàn cho 3 cá nhân, 3 tập thể vì đã có nhiều đóng góp trong phong trào sáng tác văn học cho thiếu nhi, giai đoạn 2013 - 2015; Hội Nhà văn Việt Năm cũng tặng Bằng khen của Ban chấp hành Hội cho 9 tập thể và 9 cá nhân có thành tích xuất sắc trong chương trình phối hợp và phát triển văn học thiếu nhi.

 

                                                                 Hà Dung