Uất hận tràn đầy, chí sĩ yêu nước Phan Bội Châu đã phải thốt lên:
Nghĩ lắm lúc bầm gan tím ruột
Vạch trời cao mà tuốt gươm ra!
Cho đến đầu thế kỷ XX, nhiều lớp cha ông chúng ta đã "tuốt gươm ra" vùng lên trong các cuộc khởi nghĩa quyết giành lại độc lập, tự do cho dân tộc nhưng đều bị đế quốc, phong kiến dìm trong biển máu. Nguyên nhân cơ bản của mọi thất bại ấy là do chưa có đường lối đúng, chưa có một tổ chức chặt chẽ đảm đương vai trò lãnh đạo.
Giữa lúc đó, vào năm 1911, ở tuổi 20, người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành - Bác Hồ kính yêu của chúng ta xuống tàu thủy tại Bến Nhà Rồng (thành phố Sài Gòn) đi ra nước ngoài với ý thức tìm hiểu các nước, kể cả nước Pháp rồi sẽ "Trở về nước đi vào quần chúng, thức tỉnh họ, tổ chức, đoàn kết và huấn luyện để đưa họ đấu tranh giành quyền tự do, độc lập".
Bác đã đến Pháp, đi qua nhiều nước châu Phi, đến Mỹ, Anh rồi trở lại Pháp vào cuối năm 1917 lấy tên mới là Nguyễn ái Quốc. Tại Paris, Người kết bạn với nhiều nhà hoạt động chính trị, xã hội, văn hóa... nổi tiếng. Người lập ra các tổ chức yêu nước của người Việt Nam và các thuộc địa khác của Pháp, xuất bản báo "Người cùng khổ" gửi về nước để thức tỉnh đồng bào và thực hiện cuộc đấu tranh bằng nhiều hình thức chống lại chính sách cai trị khắc nghiệt của đế quốc Pháp. Sau khi được đọc bản "Sơ thảo lần thứ nhất Luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa" của Lênin, Bác Hồ hoàn toàn tin theo Lênin. Tại Đại hội Đảng xã hội Pháp, tháng 12-1920, Bác đã bỏ phiếu tán thành việc gia nhập Quốc tế III, trực tiếp tham gia thành lập Đảng Cộng sản Pháp và trở thành người cộng sản Việt Nam đầu tiên.
Một ngày đẹp trời cuối tháng 6 năm 1923, Bác Hồ đặt chân lên đất nước Lênin, chuẩn bị dự Đại hội Quốc tế cộng sản lần thứ 5 sẽ khai diễn tại Matxcơva. Trong thời gian chuẩn bị, Bác đi thăm nhiều nơi để tìm hiểu xã hội Liên Xô về các mặt trong đó Người rất chú ý đến vấn đề thiếu niên, nhi đồng.
Tác giả Trần Dân Tiên trong tác phẩm "Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch" có đoạn kể lại: "...Vì ông Nguyễn rất yêu trẻ con nên ông nghiên cứu kỹ vấn đề nhi đồng ở Liên Xô. Lúc mới đẻ, mỗi đứa trẻ được giúp tiền may quần áo, được uống sữa lọc trong chín tháng không mất tiền. Mỗi tuần thầy thuốc đến thăm nhiều lần... Nhờ sự săn sóc như thế, trẻ em lớn lên tươi đẹp như hoa hồng mùa xuân. Đến tám tuổi trẻ em bắt đầu đi học. Học sinh mỗi buổi sáng được ăn một bữa không mất tiền... Ngoài trường học thì có Đội thiếu nhi chăm sóc các em. Nói tóm lại, cái gì tốt nhất đều dành cho trẻ em. Nếu nước Nga chưa phải là thiên đường cho tất cả mọi người thì nước Nga đã là một thiên đường của trẻ em. Thiên đường của trẻ con này làm cho ông Nguyễn không quên Tổ quốc Việt Nam. Ông cũng muốn làm cho chúng sung sướng, mạnh khỏe như trẻ em Liên Xô...".
Cuối năm 1924, Bác Hồ đến Quảng Châu (Trung Quốc) với trách nhiệm nặng nề đối với phong trào cách mạng ở Đông Dương và châu á. Người khẩn trương tìm hiểu tình hình và tìm cách bắt liên lạc với những thanh niên Việt Nam yêu nước đang có mặt tại đây.
Giữa năm 1925, Bác Hồ sáng lập ra tổ chức Việt Nam cách mạng thanh niên và cùng các đồng chí khác mở nhiều lớp huấn luyện chính trị đưa thanh niên trong nước ra học. Bác kể rằng: "Năm 1925, Hội thanh niên cách mạng đồng chí thành lập nhằm chuẩn bị điều kiện để tổ chức Đảng Cộng sản Việt Nam. Ngay sau khi thành lập, Hội đã lo đến việc tổ chức và lãnh đạo đoàn thể riêng của thanh niên cách mạng. Hội đã chọn 8 em Việt kiều ở Xiêm (nay là Thái Lan) đưa sang Quảng Châu để bồi dưỡng thành hạt nhân của Đoàn thanh niên sau này". Đây là sự kiện có ý nghĩa đặc biệt đối với sự ra đời của Đoàn và của Đội ta. Bác Hồ vừa giao trách nhiệm cho Tổng bộ Việt Nam cách mạng thanh niên vừa trực tiếp cử người về nước và cử đồng chí Hồ Tùng Mậu sang Xiêm (tức Thái Lan ngày nay). Khi đến vùng Trung Bộ nước Thái, đồng chí Hồ Tùng Mậu bắt liên lạc với một sĩ phu yêu nước là cụ Đặng Thúc Hứa mà bà con Việt kiều ở Thái lúc này thường gọi là cụ Tú Đặng. Mọi việc được thu xếp nhanh chóng. Nhóm thiếu niên được chọn do một cơ sở của cụ Tú Đặng bí mật đưa về Băng Cốc. Tất cả đều được hóa trang thành người Hoa kiều. Người dẫn đường cùng 8 thiếu niên xuống chiếc tàu biển mang tên Di Hòa thuộc một công ty thương mại của Anh quốc. Họ nói tiếng Hoa và tiếng Anh khá trôi chảy vì trước đây họ đã học ở Hoa Anh học hiệu Phi Chít. Hai ngày sau cả đoàn đến Quảng Châu và liền được gặp Bác. Tám thiếu niên ấy người ít tuổi nhất 12, người lớn tuổi nhất là 15. Để giữ bí mật và xác định mối quan hệ họ hàng với Bác Hồ, tất cả đều lấy họ Lý, theo họ của Bác lúc này với tên họ mới là Lý Thụy, hoặc gọi Bác bằng bí danh là đồng chí Vương. Tám thiếu niên họ Lý gồm:
1. Lý Tự Trọng tên thật là Lê Văn Trọng.
2. Lý Văn Minh " Đinh Chương Long
3. Lý Thúc Chất " Vương Thúc Thoại
4. Lý Anh Tợ " Hoàng Tự
5. Lý Nam Thanh " Nguyễn Sinh Thản
6. Lý Trí Thông " Ngô Trí Thông
7. Lý Phương Đức " Ngô Hậu Đức
8. Lý Phương Thuận " Nguyễn Thị Tích.
Hai thiếu niên sau cùng (thứ 7 và thứ 8) là nữ.
Từ giữa năm 1925 cho đến giữa năm 1926, tám thiếu niên này được Bác Hồ tổ chức thành một lớp học riêng vừa để tiếp tục nâng cao trình độ văn hóa vừa học chính trị theo một chương trình phù hợp.
Ngày 22-7-1926, từ Quảng Châu, Bác đã viết thư gửi ủy ban Trung ương Đội Thiếu niên Tiền phong Lênin (Liên Xô) nói rõ: "Chúng tôi có tại đây (Quảng Châu, Trung Quốc) một nhóm thiếu niên Việt Nam. Tuổi các em từ 12 đến 15. Đó là các thiếu niên cộng sản đầu tiên của nước Việt Nam. Khi chúng tôi nói với các em về cuộc cách mạng Nga, về Lênin và về các bạn, những người Lêninnít Nga trẻ tuổi thì các em rất sung sướng và đòi hỏi được đến với các bạn để thăm các bạn, học với các bạn và cũng như các bạn để trở thành những người Lêninnít trẻ tuổi chân chính. Chúng tôi đã hứa với các em là sẽ viết thư cho các bạn về vấn đề này. Và giờ đây tôi đã làm việc ấy. Chúng tôi hy vọng rằng các bạn sẽ không từ chối tiếp nhận 3 hay 4 bạn nhỏ Việt Nam của các bạn có phải không?..." Đề nghị trên của Bác Hồ đã được Trung ương Đoàn TNCS Lênin và ủy ban Trung ương Đội Thiếu niên Tiền phong Lênin (Liên Xô) đáp ứng một cách nồng nhiệt. Tuy nhiên, liền sau đó tình hình chính trị ở Quảng Châu diễn biến phức tạp nên chủ trương gửi các thiếu niên Việt Nam sang Liên Xô học tập không thực hiện được.
Phái phản động trong Quốc dân đảng do Tưởng Giới Thạch cầm đầu đã thi hành chính sách đàn áp, khủng bố những người cộng sản Trung Quốc và Việt Nam. Tám thiếu niên Việt Nam cùng nhiều đồng chí khác dần dần bị bắt. Đảng Cộng sản Trung Quốc tích cực giúp họ mời luật sư nổi tiếng Tạ Anh Bá bảo vệ cho họ. Nhờ vậy, sau nhiều tháng thẩm vấn, phái phản động buộc phải thả các đồng chí Việt Nam bị bắt cùng tất cả các thiếu niên nêu trên. Lúc này, các thiếu niên đều đã trở thành đoàn viên TNCS. Trước tình hình hết sức khó khăn do phái phản động tăng cường khủng bố, tám đoàn viên TNCS theo hướng dẫn của các đảng viên đã tùy hoàn cảnh, điều kiện thực hiện nhiệm vụ cách mạng của mình. Một số về nước hoạt động như Lý Tự Trọng (1929-1931) và sau này là Lý Phương Thuận. Một số di chuyển về nông thôn hoặc vào các nhà máy tham gia công tác vận động quần chúng trên đất nước bạn. Một số tìm đường sang Liên Xô tiếp tục học tập theo chủ trương của Bác Hồ trước đây.
Khi khởi nghĩa Quảng Châu (còn gọi là Quảng Châu công xã) nổ ra, các đồng chí Việt Nam và các đoàn viên TNCS thuộc lớp đầu tiên này đã tích cực tham gia vào các đơn vị tự vệ công nhân của bạn làm nhiệm vụ bảo vệ nhà máy, chống đàn áp và tuyên truyền, vận động quần chúng phản ánh tình cảm cách mạng gắn bó giữa nhân dân hai nước Việt - Trung và lý tưởng quốc tế chủ nghĩa trong sáng của những người cộng sản trẻ tuổi.
Năm 1929, Lý Tự Trọng về nước hoạt động. Anh đã bắn chết tên mật thám Pháp ngay trên đường phố Sài Gòn để bảo vệ đồng chí mình và trở thành tấm gương tiêu biểu cho tinh thần bất khuất với lời nói đanh thép trước tòa án đế quốc Pháp: "Tôi hành động có suy nghĩ, tôi hiểu việc tôi làm. Con đường của thanh niên chỉ là con đường cách mạng, không có con đường nào khác". Theo dõi hành động anh hùng của Lý Tự Trọng, ngày 21-2-1931 Bác Hồ đã gửi thư cho Bộ Phương Đông Quốc tế cộng sản báo tin này và đề nghị Bộ Phương Đông yêu cầu Đảng Cộng sản Pháp tổ chức các hoạt động, kể cả biểu tình đòi trả tự do cho Lý Tự Trọng. Song bất chấp mọi sự phản đối của dư luận bọn đế quốc vẫn sát hại anh. Lý Tự Trọng hi sinh kiên cường giữa tuổi 17 để lại cho chúng ta bản "Tuyên ngôn" bất diệt về con đường cách mạng của các thế hệ trẻ Việt Nam.
Vào thời gian này, Bác Hồ trở lại Hương Cảng để chủ trì hội nghị hợp nhất thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam. Do một sơ suất từ bên ngoài, Bác bị mật thám Anh bắt giữ. Cùng bị bắt với Bác có Lý Phương Thuận (một trong tám thiếu niên đã giới thiệu ở trên) đang hoạt động tại đây với tên gọi là Lý Tam (hoặc cô Ba). Lý Phương Thuận đã giữ vững tinh thần cách mạng, không hề khai báo gì với cảnh sát Anh. Vụ án Tống Văn Sơ (tên mới của Bác Hồ lúc này) làm chấn động dư luận tại Hương Cảng và cả ở Anh, Pháp (mật thám Pháp vận động nhà cầm quyền Anh trao Bác cho chúng). Luật sư nổi tiếng Lôdơbai đã vượt qua nhiều khó khăn cứu thoát Bác Hồ ra khỏi nhà tù và vợ chồng ông đã hết lòng giúp Bác trở lại Liên Xô.
Đại chiến thế giới lần thứ hai nổ ra. Phát xít Đức tập trung binh lực tấn công Liên Xô hòng tiêu diệt nước XHCN đầu tiên trên thế giới. Sư đoàn quốc tế chống phát xít thành lập ở Matxcơva bao gồm những người cộng sản trẻ tuổi ở nhiều nước đang học tập, công tác tại Liên Xô.
Lý Nam Thanh, Lý Thúc Chất, Lý Anh Tợ... cùng các đồng chí Việt Nam khác tình nguyện tham gia Sư đoàn quốc tế bảo vệ Liên Xô. Đó là ba trong số "tám cháu hiếm hoi từ bước đầu ấy" do Bác Hồ giáo dục, rèn luyện giờ đây đã trở thành cán bộ, chiến sĩ chiến đấu ngoan cường vì nghĩa vụ Quốc tế cao cả. Cả ba đồng chí đã vĩnh viễn nằm lại trên quê hương V.I. Lênin vĩ đại tại trận địa phía Nam Matxcơva. Nhà nước Liên Xô đã tặng thưởng ba đồng chí huân chương cao quý: Huân chương Vệ quốc hạng Nhất.
Trang đầu trong cuốn biên niên sử của Đội ta mở ra như thế đó. Từ "Các thiếu niên cộng sản đầu tiên" Bác Hồ và các đồng chí của Người đã bồi dưỡng, rèn luyện trở thành "Tám đoàn viên hiếm hoi buổi ban đầu". Đó là những mầm non của cách mạng, là những tấm gương tiêu biểu cho thế hệ trẻ Việt Nam, mãi mãi là niềm tự hào của chúng ta. Những thiếu niên cộng sản và đoàn viên thanh niên cộng sản vẻ vang ấy mãi mãi xứng đáng với lòng tin yêu và sự tôn vinh của các thế hệ thanh thiếu niên nước ta cũng như cả dân tộc ta.
Tại buổi lễ trọng thể kỷ niệm 35 năm ngày thành lập Đoàn, Bác Hồ dạy: "Là người theo dõi tổ chức thanh niên từ bước đầu hiếm hoi chỉ có tám cháu, ngày nay trông thấy có hàng triệu đoàn viên, thanh niên, hàng triệu cháu bé nhi đồng phát triển mơn mởn như hoa nở mùa xuân. Với một thế hệ thanh niên hăng hái và kiên cường, chúng ta nhất định thành công trong sự nghiệp bảo vệ miền Bắc, giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc. Vì vậy, Bác rất tự hào, sung sướng và thấy mình như trẻ lại, thấy tương lai của Tổ quốc ta vô cùng vững chắc và vẻ vang...".
*
* *
Ngày 3-2-1930, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời đảm đương sứ mệnh cao cả lãnh đạo giai cấp công nhân và toàn thể nhân dân ta đấu tranh giành giải phóng dân tộc và giai cấp. Từ đó, phong trào thanh thiếu nhi nước ta ngày càng phát triển mạnh mẽ. Tổ chức Đội từng bước được hình thành. Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ nhất (khóa I) tháng 10 năm 1930 đã ban hành một văn kiện hết sức quan trọng về công tác thanh niên trong đó đã đề cập đến việc tập hợp thiếu nhi vào các tổ chức Thiếu niên cách mạng, Hồng nhi đoàn... và giao cho Đoàn phụ trách.
Sau khi Đảng ta ra đời, từ tháng 6 đến tháng 8 năm 1930, cả nước nổ ra nhiều cuộc đấu tranh lớn mà tiêu biểu là phong trào Xô viết Nghệ - Tĩnh. Các chi bộ Đảng ở hai tỉnh này đã tập hợp được 513 đội viên thiếu niên cách mạng. Các đội viên chia thành từng tổ dưới sự hướng dẫn của các đảng viên và đoàn viên làm nhiệm vụ giao thông liên lạc, canh gác. Riêng ở Phong Nẫm (huyện Thanh Chương - Nghệ An) có hơn 20 đội viên thiếu niên cách mạng hoạt động dưới sự hướng dẫn của đồng chí Lê Cảnh Nhượng, Bí thư chi bộ Đoàn địa phương. Ngoài việc canh gác, làm giao liên, các đội viên còn tham gia học tập quân sự do các "xích vệ đội" tổ chức, hướng dẫn và hăng hái thực hiện các công việc như rải truyền đơn, treo cờ Đảng. ở xã Nam Trung (huyện Nam Đàn) đã ra đời tổ chức thiếu nhi lấy tên là Đội Đồng Tử quân. Ngày 12-9-1930, các đội viên Đồng Tử quân đã cùng cha anh tham gia thành lập chính quyền Xô viết ở địa phương. Cũng vào thời gian này tại Thái Bình, Đội Đồng Tử quân huyện Tiền Hải được thành lập. Các đội viên đã tham gia tích cực vào hàng ngũ những bà con nông dân đi đấu tranh đòi giảm thuế, chống địa chủ cướp đất.
Đến thời kỳ 1936-1939, thực hiện chủ trương chuyển hướng hoạt động của Đảng, Đoàn Thanh niên Dân chủ đã tổ chức nhiều lớp học chữ quốc ngữ cho thiếu nhi qua đó tập hợp thiếu nhi vào các hình thức tổ chức văn hóa, văn nghệ như các Đội kịch, Đội ca nhạc, Đội bóng... Hai tờ báo công khai của Đoàn ở Hà Nội và Sài Gòn là "Thế giới" và "Mới" đã có nhiều bài viết về công tác vận động thiếu nhi.
Trước sức mạnh đấu tranh của các tầng lớp nhân dân, theo lệnh chính phủ Pháp, toàn quyền Đông Dương đã phải ra một nghị định nêu rõ kể từ ngày 1-11-1936 "Cấm bắt đàn bà, trẻ em làm việc ban đêm". Vào thời gian này ở một số tỉnh như Hà Đông, Nam Định, Hải Phòng,v.v... nhiều tổ chức Hồng nhi đoàn được thành lập, nhiều đội viên hoạt động rất hăng hái trong các đội kịch, đội múa, hoặc các ban đồng ca do tổ chức Đoàn Thanh niên Dân chủ hướng dẫn.
Bước sang năm 1941, tình hình thế giới và trong nước diễn biến ngày một khẩn trương và phức tạp. Phát xít Nhật nhảy vào Đông Dương, nhân dân Đông Dương chịu cảnh "một cổ hai tròng" dưới ách thống trị tàn bạo của Nhật - Pháp nên ngày một bần cùng, đói khổ... do vậy ngày càng nhanh chóng giác ngộ cách mạng.
Tháng 1 năm 1941, lãnh tụ Nguyễn ái Quốc bí mật về nước ở vùng Pác Pó (Cao Bằng) để trực tiếp lãnh đạo phong trào cách mạng Việt Nam. Đây là một sự kiện hết sức quan trọng trong tiến trình phát triển của cách mạng nước ta. Tháng 5 năm 1941, Hội nghị lần thứ 8 của Trung ương Đảng do lãnh tụ Nguyễn ái Quốc với tư cách là đại diện của Quốc tế cộng sản triệu tập và chủ trì. Hội nghị chủ trương tổ chức ra các đoàn thể cứu quốc và thành lập Việt Nam độc lập Đồng minh (gọi tắt là Việt minh). Hội nhi đồng cứu quốc ra đời ở Nà Mạ (vùng Pác Bó) và được gia nhập Mặt trận Việt Minh.
Ngày ấy là 15-5-1941, ngày lịch sử vẻ vang của Đội ta. Vào dịp này, Bác Hồ kính yêu viết bài "Kêu gọi thiếu nhi" thể hiện tình cảm yêu thương và sự chăm sóc ân cần của Người đối với các cháu. Bài "Trẻ con" mở đầu bằng một đoạn đầy xúc động:
"Trẻ em như búp trên cành,
Biết ăn ngủ, biết học hành là ngoan,
Chẳng may vận nước gian nan,
Trẻ em cũng bị bận thân cực lòng"...
Bác khẳng định:
"Kẻ lớn cứu quốc đã đành
Trẻ em cũng phải ra giành một vai.
Bao giờ đuổi đuổi Nhật, Tây,
Trẻ em ta sẽ là bầy con cưng"
Và trong bài "Trẻ chăn trâu" Bác đã kêu gọi thiếu nhi:
"Cùng nhau đánh đuổi Nhật, Tây.
Anh em ta mới có ngày vinh hoa.
"Nhi đồng cứu quốc" Hội ta,
ấy là lực lượng, ấy là cứu sinh.
ấy là bộ phận Việt Minh,
Dân mình khắc cứu dân mình mới xong.
Ai nghe mà chẳng động lòng,
Khá thương con trẻ mục đồng Việt Nam".
Những lời thơ thật giản dị nhưng chứa chan tình yêu nước, nghĩa đồng bào đã được nhanh chóng lan truyền trong thiếu nhi Nà Mạ và cả vùng Hà Quảng. Từ các em biết chữ đến các em chưa biết chữ được bè bạn trong tổ chức truyền miệng cho đã thuộc lòng bài thơ "Kêu gọi thiếu nhi" của Bác.
Sau Hội nghị Trung ương lần thứ 8, đội ngũ cán bộ cách mạng do Bác Hồ và Đảng ta đào tạo, bồi dưỡng trước đó được phân công toả về các địa phương trong cả nước để cùng các cán bộ, đảng viên vận động phong trào cách mạng với một quyết tâm rất cao: "Trong lúc này, nếu không giải quyết được vấn đề dân tộc giải phóng, không đòi được độc lập, tự do cho toàn thể dân tộc thì chẳng những toàn thể quốc gia, dân tộc còn chịu mãi kiếp ngựa trâu, mà quyền lợi của bộ phận giai cấp đến vạn năm cũng không đòi lại được" (Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ 8 tháng 5 - 1941).
Trong số cán bộ nói trên anh Đức Thanh được Bác Hồ giao cho nhiệm vụ tổ chức Đoàn Thanh niên Cứu quốc Hà Quảng và Hội Nhi đồng Cứu quốc. Anh là người trực tiếp soạn thảo Điều lệ Đoàn và Hội Nhi đồng trình Bác cho ý kiến sửa chữa rồi tổ chức in ngay trong hang Cốc Bó, nơi Bác Hồ đặt cơ quan của Đảng và Tổng bộ Việt Minh. "Máy in" là những phiến đá, một kiểu in theo cách viết chữ ngược bằng mực lên các phiến đá được mài nhẵn. Giấy in là loại giấy được làm bằng bột cây dó gọi là giấy dó sản xuất tại địa phương.
Anh Đức Thanh tuyên truyền, giác ngộ được một số thanh niên trong vùng như các anh Phục Hưng, Phục Quốc, Bát Ngư... bồi dưỡng các đồng chí này trở thành những đoàn viên rồi giao nhiệm vụ cho các anh tìm các thiếu niên dũng cảm, tin cậy để tổ chức vào Hội Nhi đồng Cứu quốc.
Vào giữa năm 1941, ở Nà Mạ có nhiều người được vào Hội bí mật. Họ kín đáo kể cho nhau nghe về một "Ông già cách mạng" có tên là Thu Sơn. Đôi khi họ còn gọi ông với tên gọi rất thân mật như người trong họ tộc là "Ông Ké". Cụ Thu Sơn hay Ông Ké, Ông già cách mạng, chính là Bác Hồ kính yêu đang có mặt ở vùng này.
Nhận nhiệm vụ của anh Đức Thanh giao cho, nhiều lần anh Bát Ngư nói chuyện với Nông Văn Dền, một thiếu niên hoạt bát, chịu khó và dũng cảm rất căm thù tội ác của giặc Pháp và bọn lính trên đồn. Dền rất căm giận và tỏ ý muốn theo giúp anh Bát Ngư. Dền đoán là anh Bát Ngư đang làm việc gì đó để đánh Tây, chống bọn thống lý, phìa tạo. Đôi lần anh Bát Ngư nhờ Dền đưa lá thư cho anh Phục Quốc, anh Phục Hưng... bảo là phải đi ngay mặc dù đêm đã xuống. Dền chẳng ngần ngại gì cả. Anh Bát Ngư rất ưng ý và quyết tâm đưa Dền đến gặp anh Đức Thanh để nghe anh ấy nói thêm về những điều mới lạ, về "Ông già cách mạng", về Đoàn thanh niên.
*
* *
Và rồi, đúng một tháng sau, Dền đã chép lại bản Điều lệ Hội Nhi đồng Cứu quốc và trao cho bốn bạn thân thiết nhất cùng có nguyện vọng gia nhập Hội. Thế là tất cả đã sẵn sàng. Hôm nay mỗi người một con dao cài ở thắt lưng, một bó dây, một mo cơm. Như thường lệ, họ rủ nhau vào rừng đào củ, kiếm củi. Ai mà biết được họ đi đâu? Anh cán bộ đã gặp Dền, đưa Dền đến trước cái hang dơi bí ẩn, nơi anh dựng cái lán nhỏ để ăn ở và làm việc cách mạng khi cần, còn hàng ngày anh vẫn ở với dân, sinh hoạt với dân, cuốc đất với các anh thanh niên. Hang dơi bí ẩn chính là nơi anh cất giấu tài liệu và chưa một lần nào Dền được vào.
Chiếc lán nhỏ nép mình dưới tán cây rậm rạp đây rồi, nó là cái chòi để giữ ngô hoặc là nơi dừng chân của người đi săn thú, kiếm củi... khó mà nghĩ rằng đây là "Trụ sở", là "Hội trường" mà anh Đức Thanh cùng các đồng chí của mình đã nhiều lần cùng nhau khai hội bàn về các công việc của đoàn thể. Còn cái hang dơi bí ẩn kia, nơi trú ngụ của vô vàn chú dơi lại là cái kho lưu giữ tài liệu, lương thực mà cái miệng của nó lúc nào cũng được che lấp bởi các bụi cây rậm rạp có lẽ chỉ có anh Thanh mới đi lại dễ dàng không hề lo ngại rắn rết.
Bây giờ trăng đã lên cao, chung quanh tĩnh mịch lạ thường. Tháng năm rồi mà đêm vẫn còn sương và se lạnh... Dền tiến đến và chuyển cho anh Đức Thanh phong thư nhỏ dán kín của anh Bát Ngư. Anh Đức Thanh gom một ít củi khô và đốt lên ngọn lửa, tất cả ngồi quây quanh. Trên chiếc hòm gỗ, anh đặt cuốn Điều lệ Hội Nhi đồng Cứu quốc và lá cờ đỏ sao vàng.
- Các em đã đọc Điều lệ, còn chỗ nào chưa hiểu?
Các bạn thay nhau hỏi, anh trả lời rành rọt cho từng câu hỏi. Trả lời xong, anh đặt cuốn Điều lệ lại chỗ cũ và cầm lá cờ mở rộng trước mặt các em nói:
- Đây là lá cờ Tổ quốc. Màu đỏ tượng trưng cho sức mạnh chiến đấu, truyền thống quật cường của ông cha, ngôi sao vàng là ngôi sao dẫn đường chỉ lối cho chúng ta đấu tranh đi đến cuộc đời hạnh phúc, ấm no.
Từ nay trở đi chúng ta chiến đấu dưới lá cờ này, không sợ gian khổ, không sợ hy sinh, mọi người đều gắng sức làm sao cho nước nhà được độc lập, tự do. Dân ta được ấm no, hạnh phúc...
Trước khi các hội viên tự mình đọc lời thề trong lễ kết nạp, anh Đức Thanh đề nghị mỗi bạn chọn cho mình một tên mới, tên cách mạng nhằm đảm bảo nguyên tắc bí mật.
Thật là một việc mới lạ, các bạn nhỏ cứ nhìn nhau lúng túng. Anh Đức Thanh hiểu ý bèn nói ngay:
- Thôi được, anh sẽ giúp các em, chọn cho mỗi người một "bí danh" nhé, bí danh là tên bí mật đấy, nói thế cho dễ hiểu. Bây giờ anh đề nghị tìm bí danh cho các bạn gái trước.
- Nhà hai em ở gần suối, thế thì hai em mỗi người lấy một tên suối, một tên hoa; Xậu là Thanh Thủy. Thanh Thủy là nước suối trong xanh; còn Nì là Thủy Tiên. Thủy Tiên hiểu là hoa tiên bên suối.
Tất cả đều reo lên:
- Tên cách mạng hay thật!
Anh Đức Thanh cùng cười rất vui, tiếp tục đặt bí danh cho các bạn trai. Hai bạn ngồi cạnh Dền, anh Thanh đặt cho Thàn bí danh là Cao Sơn và Tinh bí danh là Thanh Minh.
Đến lượt Nông Văn Dền, anh Đức Thanh suy nghĩ một lúc rồi nói: Dền sẽ lấy tên nói lên một tinh thần gan dạ, tính cứng rắn của em. Vậy tên em là Kim Đồng. Kim Đồng có thể hiểu là một chú bé gang thép. Nào các bạn thấy có được không?
Bốn bạn nhỏ, trừ Dền, đều đồng thanh:
- Phải đấy, Dền giỏi lắm, tên đó đúng với Dền.
Anh Đức Thanh khơi cho đống lửa cháy bùng lên, soi tỏ gương mặt trang nghiêm của mọi người. Anh đứng dậy, hai tay từ từ nâng cao lá cờ Tổ quốc. Lá cờ đỏ thắm càng thắm đỏ hơn lên trước ánh lửa. Năm bạn nhỏ đứng dậy, từng người, từng người đọc lời thề.
Đó là năm Hội viên Hội Nhi đồng Cứu quốc đầu tiên (sau này gọi là đội viên) của Đội ta, năm bông hoa tươi đẹp được Bác Hồ kính yêu và Đảng Cộng sản Việt Nam trực tiếp chăm lo ân cần, được Đoàn Thanh niên Cứu quốc do các anh Đức Thanh, Bát Ngư, Phục Quốc... dìu dắt hàng ngày.
Chẳng bao lâu sau, cả Nà Mạ, Hà Quảng và cả tỉnh Cao Bằng, số lượng đội viên lên đến hàng trăm. Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ 8 và các Nghị quyết của Ban Thường vụ Trung ương Đảng về những nhiệm vụ trọng yếu trong thời kỳ cách mạng mới đầy khó khăn, thử thách nhằm tới đích là giành lại chính quyền về tay nhân dân trong đó có việc xây dựng, phát triển tổ chức Đội được triển khai rộng khắp như ở huyện Vĩnh Tường (Vĩnh Phúc ngày nay) vào cuối năm 1941 đã xuất hiện nhiều cơ sở Hội nhi đồng. Riêng ở Nà Mạ năm đội viên đầu tiên hoạt động rất tích cực, anh Đức Thanh tổ chức lớp học văn hoá cho các bạn theo lời căn dặn của Bác Hồ. ít lâu sau hầu hết các đội viên đều biết chữ, đều thuộc lòng bài "Lịch sử nước ta" do Bác Hồ soạn bằng văn vần giản dị dễ nhớ, để khơi dậy lòng yêu nước nồng nàn của nhân dân ta trước hết là của thanh thiếu nhi.
"... Quốc Toản là trẻ có tài,
Mới mười sáu tuổi ra oan trận tiền,
Mấy lần đánh thắng quân Nguyên,
Được phong làm tướng cầm quyền binh nhung.
Thật là một đấng anh hùng,
Trẻ con Nam Việt nên cùng noi theo.
Một chiều thu tháng 8, Kim Đồng vừa đi đưa bức thư sang bên Pài Cốc về thấy anh Ngư Mạn đã đợi dưới chân cầu thang nhà sàn. Anh ghé sát vào tai Kim Đồng:
- Có một ông già cho gọi em lên đấy.
- Anh có biết ai không?
Anh Ngư Mạn ra hiệu và nói:
- Bí mật, không hỏi, không nói được.
Kim Đồng hồi hộp theo anh Ngư Mạn leo lên ngọn đồi rậm rạp sau bản. Đến trước cửa hang Nục én, anh dặn Kim Đồng chờ đó. Lát sau Kim Đồng thấy anh Đức Thanh tới, anh dẫn Kim Đồng vào một lối tắt... Bỗng Kim Đồng thấy một "Ông Ké" đang ung dung ngồi trên tảng đá xem sách. Trên khuôn mặt gầy, đôi mắt sáng lên trông thật hiền. Vẫn đang còn lúng túng vòng tay trước ngực chưa kịp chào, Kim Đồng đã nghe "Ông Ké" hỏi:
- Cháu là Kim Đồng, thiếu nhi cứu quốc ở đây phải không?
Kim Đồng khẽ đáp "Vâng ạ". Ông Ké vẫy tay Kim Đồng lại ngồi bên rồi hỏi:
- Đọc chữ được chưa cháu?
- Thưa được rồi ạ.
Ông Ké bảo Kim Đồng kể chuyện hoạt động của Đội cho ông nghe rồi có lời khen làm cho Kim Đồng bạo dạn hơn lên. Ông dặn phải chăm học, biết đọc chữ nhưng còn phải biết làm toán. Ông còn dặn học cũng phải giữ bí mật vì Tây và cai Tổng biết nó bắt ngay, nó nghi cách mạng tổ chức dạy học, chúng muốn dân mình ngu dốt để áp bức, cai trị mãi.
Khi mặt trời đã lặn, Kim Đồng thấy một người lạ xuất hiện với chiếc tay nải. Người đó dọn ra một "mâm cơm". Cơm gói trong lá chuối khô và một cái hộp sắt đựng thức ăn, đó là thịt rang mặn với ít ớt cay. Ông Ké xoa đầu Kim Đồng bảo cách mạng thành công thì đi học tiếp mới trở thành cán bộ như các anh này, này. Ông chỉ vào anh Đức Thanh, anh Ngư Mạn và người mới mang cơm đến.
Sẩm tối, anh Đức Thanh dặn Kim Đồng:
- Bây giờ chúng ta chuẩn bị đưa đường cho "Ông già cách mạng". Lúc này Kim Đồng mới thấy bàng hoàng vì rằng nãy giờ mình đã được ở bên "Ông già cách mạng" mà lâu nay đã nghe thấy...
Anh Đức Thanh giao cho anh Ngư Mạn cái súng ngắn, chiếc đèn pin và bảo Kim Đồng cùng anh Ngư Mạn dẫn đường. Hai người phải đi cách nhau mười bước. Lúc nào anh Ngư Mạn bấm đèn ra đằng sau, tức thì Kim Đồng phải quay lại nhanh chóng báo cho anh biết... Đi sau cùng là người mang cơm đến lúc chiều.
Tất cả im lặng lên đường. Kim Đồng len lỏi bám theo anh Ngư Mạn, căng mắt trong đêm đen để khi có động nhìn được ánh đèn của anh Ngư Mạn.
Chuyến đưa đường cho "Ông già cách mạng" yên ổn hoàn toàn. Sau này, anh Đức Thanh nói với Kim Đồng:
- Chúng ta đã hoàn thành một nhiệm vụ quan trọng.
- Kim Đồng sung sướng nhìn anh và thốt lên:
- Em mong được gặp "Ông già cách mạng" lần nữa.
Nhưng, người anh hùng nhỏ tuổi, người đội viên thuộc lớp đầu tiên ấy chẳng bao giờ được gặp ông nữa. Anh đã hy sinh anh dũng để hoàn thành một nhiệm vụ quan trọng khác. "Anh Kim Đồng ơi! Khi anh qua đời, gương anh sáng ngời!".
Từ 5 đội viên đầu tiên năm 1941, đến thời gian trước Cách mạng Tháng Tám, tổ chức Đội đã được xây dựng ở những trung tâm chính trị, kinh tế lớn trong cả nước.
Tại Hà Nội, vào khoảng tháng 8 năm 1943, được ảnh hưởng của phong trào yêu nước trong các trường học, một tổ chức thiếu niên yêu nước Trần Hưng Đạo được thành lập (trên địa bàn quận Ba Đình hiện nay). Đội gồm hơn 10 đội viên do anh Tô An làm đội trưởng. Đội Trần Hưng Đạo đã tổ chức nhiều hoạt động như rải truyền đơn tố cáo tội ác của thực dân Pháp, kêu gọi đồng bào đứng lên đấu tranh, treo cờ đỏ gây thanh thế cho cách mạng...
Vào mùa xuân năm 1944, Ban Việt Minh xã Hoàng Động, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam tổ chức ra Đội Thiếu nhi Cứu quốc bí mật Ngọc Động. Hình thức bên ngoài là các đội đá bóng, đá cầu, đội ca hát... nhưng bên trong là hoạt động cách mạng, tuyên truyền, cổ động cho Việt Minh. Anh Phong Nhã, đoàn viên thanh niên cứu quốc được giao nhiệm vụ phụ trách Đội. Lãnh đạo Việt Minh cấp trên lúc này là các đồng chí Phạm Văn Hoan, Trần Quyết...
Đến tháng 4 năm 1945, khi phong trào cứu quốc do mặt trận Việt Minh thành phố lãnh đạo phát triển mạnh, nhiều cơ sở của Đoàn Thanh niên Cứu quốc Hoàng Diệu (tức Hà Nội) ra đời cũng như sự phát triển của các đoàn thể Công Hội, Hội Phụ nữ... anh Tô An được trao nhiệm vụ phụ trách Đội Thiếu nhi Cứu quốc Nguyễn Thái Học. Trong Ban phụ trách Đội Nguyễn Thái Học còn có các anh Huy Du, Quân Sỹ, Đỗ Anh Dũng, Đỗ Mạnh Thường, Phong Nhã (lúc này anh Phong Nhã đã lên Hà Nội hoạt động). Đội Thiếu nhi Cứu quốc Nguyễn Thái Học hoạt động rất mạnh, ngoài việc tuyên truyền cách mạng còn giúp lực lượng du kích nội thành, giúp Đội danh dự phát hiện bọn tề ngụy gian ác, bọn mật thám... để cảnh cáo, răn đe nhằm hạn chế những hoạt động phá hoại cách mạng của chúng.
*
* *
Dưới ngọn cờ của Đảng, phong trào cách mạng trong cả nước ngày càng phát triển mạnh mẽ, rộng khắp. Đến cuối năm 1944, để chuẩn bị xây dựng quân đội cách mạng của nước ta, Bác Hồ đã chỉ thị thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân và giao cho đồng chí Văn, tức Đại tướng Võ Nguyên Giáp phụ trách. Ngày 22-12-1944, Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân chính thức thành lập ở Cao Bằng. Trong số 34 chiến sĩ trẻ tuổi ấy có các anh mới qua tuổi thiếu niên như anh Liên, anh Thế Hậu... Sau ngày thành lập, Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân đã lập chiến công tiêu diệt hai đồn địch là Phai Khắt và Nà Ngần.
Trong chiến công đầu này có sự góp phần tích cực của một đội viên thiếu niên đó là Bé Hồng làm nhiệm vụ trinh sát.
Đồn Phai Khắt nằm chênh chếch phía Tây cách nhà Hồng non nửa cây số. Sáng nào, chiều nào, nhìn lên, Hồng cũng thấy lính xếp hàng trước sân. Tên đồn trưởng cầm roi gõ lên lưng, lên đầu từng người, rồi hô giật một tiếng; tất cả lính đứng im phăng phắc; xong, bồng súng chào, rồi giải tán.
Thằng quan Tây ác hiểm có tiếng. Giữa ban ngày, nó ra chợ, đi ngông nghênh, xem có chị nào đẹp, bắt ngay về đồn... Nó vào nhà ai thì y như là có tai vạ đến đó; ít nhất cũng mất với nó đấu nếp, con gà.
Hồng ghét cay ghét đắng thằng đồn, nhưng mỗi lần gặp nó, vẫn thấy sợ. Hai tên cai, một tên mặt mày như cú mèo, hai con mắt xanh lẻo, đi đâu cũng nhìn soi mói. Một tên mặt thuổng dài như mặt ngựa, chưa có một đám cúng, giỗ nào ở trong làng mà vắng hắn...
Đồn Phai Khắt có từ bao giờ Hồng không biết, chỉ nhớ là lúc Hồng biết chạy ra khỏi hàng giậu trước nhà, đã thấy nó lù lù trước mặt. Từ đó, mỗi lúc Hồng khóc vòi mẹ, mẹ doạ:
- Nín đi, thằng tây đồn xuống nó bắn chết!
Hồng lớn lên, bắt đầu biết được nhiều chuyện thì cũng biết thêm tội ác của cái đồn Tây.
Năm Hồng mười ba tuổi, anh Đạo, anh của Hồng bị bắt lên đồn. Mẹ lo quá, phát ốm. Hồng nghe loáng thoáng là anh Đạo bị bắt vì chúng nghi anh Đạo vào Hội cứu quốc. Hồng hỏi mẹ mãi "Cứu quốc" là gì, mẹ không nói. Sau lúc anh Đạo được thả về, mẹ mới bảo:
- Thằng Đạo nó vào Hội Cứu quốc để cùng với anh em bắt hết bọn đồn để cho dân khỏi khổ.
ít lâu sau anh Đạo giới thiệu Hồng vào Hội Nhi đồng Cứu quốc và đưa Hồng gặp một anh giải phóng quân.
Anh giải phóng quân dặn dò tỉ mỉ, giao nhiệm vụ xong xuôi, rồi ôm Hồng vào lòng.
Anh cầm lấy tay Hồng:
- Bao giờ không còn đồn Phai Khắt nữa, anh sẽ về nhà Hồng chơi. Hồng sẽ được gặp rất nhiều anh bộ đội.
Từ hôm ấy, ngày nào Hồng cũng đi lên đồn bán bánh hai ba lần.
Đồn Phai Khắt đối với Hồng không còn xa lạ gì nữa. Bây giờ thì Hồng có thể làm nhiệm vụ của anh giải phóng quân giao cho rồi. Bọn đồn đã tin Hồng. Qua con mắt của chúng, Hồng chỉ là một đứa trẻ con bán bánh nghèo đói, ngốc nghếch, không biết gì.
Hôm đó, một loạt súng nổ ran trên đồn Khai Phắt, tin truyền về bộ đội ta đã chiếm xong đồn.
Bà con tập hợp, hoan hô bộ đội giải phóng quân. Đồng bào hân hoan đứng nghe đồng chí chỉ huy nói chuyện. Đồng chí giải thích chính sách của Mặt trận Việt Minh, hô hào đồng bào đoàn kết cứu nước...
Mẹ Hồng cảm động, sung sướng nhìn con. Hồng gọi to:
- Mẹ ơi! Anh giải phóng quân của con đây này!
Anh bộ đội tung mũ lên trời hoan hô bà con quanh vùng đến mừng chiến thắng với bộ đội. Bỗng như sực nhớ ra điều gì, Hồng kéo tay anh giải phóng quân chạy về phía đồng chí chỉ huy:
- Anh cho em đi theo bộ đội! Anh hứa rồi mà!
Anh giải phóng quân gật đầu, kéo Hồng cùng chạy tới.
- Phải báo cáo với đồng chí Văn đã.
Hồng không rõ đồng chí Văn là ai nhưng không dám hỏi.
Anh giải phóng quân đứng nghiêm báo cáo:
- Thưa đồng chí! Bé Hồng đây là người đã giúp đỡ chúng ta rất đắc lực trong việc điều tra đồn này, như đã báo cáo với đồng chí trước đây... Nay bé Hồng có nguyện vọng xin đi theo bộ đội! Xin báo cáo để đồng chí xét...
Lúc anh bộ đội báo cáo, Hồng đứng cạnh anh và nhìn không chớp mắt đồng chí Văn. Đồng chí Văn mặc áo tây, quần bó ống gọn gàng, đội mũ phớt và đeo súng lục. Khác với điều lo lắng của Hồng, đồng chí Văn nhìn Hồng bằng cặp mắt hiền từ âu yếm. Rồi đồng chí đến bên Hồng, đặt hai bàn tay lên hai vai bé nhỏ của Hồng:
- Em rất đáng khen! Ban chỉ huy đã đồng ý nhận em vào đơn vị.
Đồng chí Văn ra lệnh cho bộ đội rút đi, sau khi đã bố trí kế hoạch khai báo kỹ càng cho nhân dân.
Gần đến ngày Cách mạng Tháng Tám bùng nổ, Đội Thiếu nhi Nguyễn Thái Học phát triển cơ sở ra nhiều địa bàn trong thành phố Hà Nội. Cùng với Đội Nguyễn Thái Học đã hình thành thêm nhiều Đội Thiếu nhi Cứu quốc khác như Đội Hoàng Văn Thụ, Đội Mai Hắc Đế... Ngày 19-8-1945, thiếu nhi Cứu quốc Hà Nội đã cùng cha anh góp phần tham gia chiếm các công sở, trong đó có trại Bảo an binh.
Ngày 2-9-1945 đã cùng nhân dân Thủ đô dự mít tinh lịch sử, nghe Bác Hồ đọc Tuyên ngôn độc lập. Tháng 11 -1945 nhiều đội viên đã được vào thăm Bác Hồ tại Bắc Bộ phủ, được Bác tặng hai câu thơ:
"Bác khuyên các bạn nhi đồng.
Sao cho xứng mặt con rồng cháu tiên"
Năm 1945, tình hình trong nước và trên thế giới chuyển biến hết sức nhanh chóng. Hồng quân Liên Xô đại thắng quân phát xít Đức và tiến thẳng đến Béclin và chỉ trong thời gian ngắn sau đã tiêu diệt toàn bộ đội quân Quan Đông của phát xít Nhật.
Trước tình hình khẩn cấp đó, từ ngày 13 đến ngày15 - 8 -1945, Hội nghị toàn quốc của Đảng họp ở Tân Trào (Tuyên Quang). Hội nghị nhận định: "Cơ hội rất tốt giành quyền độc lập cho ta đã tới" và quyết định phát động toàn dân vùng lên Tổng khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân trước khi quân Đồng minh tiến vào Đông Dương giải giáp quân đội Nhật.
Tiếp sau Hội nghị toàn quốc của Đảng, Đại hội Quốc dân cũng họp tại Tân Trào vào ngày 16-8-1945 thông qua 10 chính sách lớn của Việt Minh, thông qua lệnh Tổng khởi nghĩa và bầu ra ủy ban Dân tộc giải phóng Trung ương tức Chính phủ lâm thời do Bác Hồ kính yêu làm Chủ tịch. Đồng chí Vũ Oanh (sau này trở thành ủy viên Bộ Chính trị Trung ương Đảng) và anh Vũ Quang (sau này trở thành Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn và ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng) đại diện cho thanh niên ta dự Đại hội Quốc dân Tân Trào.
Chiều ngày 16-8-1945, đoàn đại biểu nhân dân Tân Trào đem gạo, bò, gà... đến mừng Đại hội. Đồng bào bị đế quốc, phong kiến bóc lột đến tận xương tủy nên ai nấy đều tiều tụy, rách rưới. Đáng thương nhất là các em thiếu nhi đi theo đoàn. Tất cả đều gầy gò, vàng vọt. Nhớ lại hồi còn ở Pác Bó, Bác thường đến nhà đồng chí Dương Đại Lâm. Nhà có nhiều cháu nhỏ bị chốc lở, tanh tưởi mà không có thuốc chạy chữa. Bác đun nước ấm, rửa sạch chỗ lở rồi lấy tro bếp nóng gói lại ấp lên đầu cho các cháu. Được rửa sạch và làm theo cách đó, ít lâu sau các cháu đều khỏi. Dân bản gọi "Ông Ké" là thầy thuốc. Bác Hồ chữa bệnh cho các cháu bằng cả tấm lòng thương yêu và luôn mong cho các cháu khỏe mạnh, khôn lớn. Tại Đại hội Tân Trào hôm ấy, Bác đến gần các cháu đi cùng với đoàn đại biểu nhân dân, chỉ vào chúng và nói với các đại biểu Đại hội "Nhiệm vụ của chúng ta là phải làm sao cho các em bé có cơm no, có áo ấm, được đi học, không lam lũ mãi thế này". Chúng tôi đều cảm động. Câu nói ấy về sau này Bác thường nhắc nhở luôn.
Mệnh lệnh khởi nghĩa được truyền đi từ Tân Trào. Đảng Cộng sản Đông Dương và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra lời hiệu triệu đồng bào và chiến sĩ cả nước nổi dậy giành chính quyền. Chủ tịch Hồ Chí Minh kêu gọi: "Giờ quyết định cho vận mệnh dân tộc đã đến. Toàn quốc đồng bào hãy đứng dậy, đem sức ta mà tự giải phóng cho ta".
Hơn hai mươi triệu đồng bào cả nước ta đã đứng lên tiến hành cuộc Tổng khởi nghĩa long trời lở đất giải phóng toàn bộ đất nước, giành chính quyền về tay nhân dân.
Hàng triệu thiếu niên, nhi đồng từ Bắc đến Nam cùng cha anh rầm rộ xuống đường giương cao cờ đỏ sao vàng, khua vang tiếng trống, cất lên những bài ca cách mạng hào hùng, phấn khởi chào đón cuộc Cách mạng Tháng Tám vĩ đại thành công.
Ngày 2-9-1945, tại Quảng trường Ba Đình (Hà Nội) trước cuộc mít tinh của một biển người, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ lâm thời đọc bản Tuyên ngôn độc lập lịch sử, tuyên bố trước nhân dân Việt Nam và nhân dân thế giới: Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà ra đời.
Sau khi giành được độc lập, biết bao khó khăn, thách thức hết sức to lớn đặt ra cho nhân dân và Chính phủ ta. ở miền Nam, ngày 23-9, thực dân Pháp nổ súng đánh chiếm Sài Gòn nhằm thực hiện âm mưu xâm lược và cai trị nước ta một lần nữa. ở miền Bắc và miền Trung, nạn đói khủng khiếp đã làm cho hơn 2 triệu đồng bào trong đó gồm mấy chục vạn thiếu niên, nhi đồng (chủ yếu là ở Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ) bị chết đói một cách thảm thương. 50% ruộng đất ở đồng bằng Bắc Bộ phải bỏ hoang, sản xuất công nghiệp đình đốn, tài chính khánh kiệt, kho bạc trống rỗng, thuốc men, hàng hoá và cả vũ khí cho quân đội... tất thảy đều vô cùng thiếu thốn, 95% nhân dân mù chữ do chế độ cai trị khắc nghiệt của đế quốc, phong kiến để lại.
Trước tình hình đó, ngày 3-9-1945, Bác Hồ triệu tập phiên họp đầu tiên của Chính phủ và nêu lên 6 việc cấp bách phải làm ngay. Bác kêu gọi toàn dân hãy ra sức "Chống giặc ngoại xâm, chống giặc đói và chống giặc dốt", trong tình hình vận mệnh Tổ quốc như "nghìn cân treo trên sợi tóc".
Mặc dù bận rộn trăm công nghìn việc lớn lao của đất nước, của nhân dân, đối nội và đối ngoại... nhưng Đảng và Bác Hồ luôn dành cho thiếu nhi sự quan tâm đặc biệt. Nhân ngày khai trường đầu tiên dưới chế độ Dân chủ Cộng hoà, Bác đã gửi bức thư tâm huyết cho các cháu học sinh trong cả nước. Mở đầu bức thư Bác viết: "Ngày hôm nay là ngày khai trường đầu tiên ở nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Bác đã tưởng tượng thấy trước mắt Bác tất cả cảnh nhộn nhịp, tưng bừng của ngày mở trường khắp nơi... Các cháu được hưởng sự may mắn đó là nhờ sự hy sinh của biết bao đồng bào. Vậy các cháu nghĩ sao? Các cháu phải làm thế nào để đền bù lại công lao to lớn của những người đã không tiếc thân và tiếc của để giành lại nền độc lập cho nước nhà". Với tất cả tình cảm của người bác, người ông, Bác Hồ ân cần căn dặn: "Các cháu hãy nghe lời Bác, lời của một người lúc nào cũng ân cần mong mỏi cho các cháu được giỏi giang... Non sông Việt Nam có trở nên vẻ vang hay không, dân tộc Việt Nam có được vẻ vang sánh vai các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần rất lớn ở công học tập của các cháu". Và Bác khuyên nhủ: "Ngoài giờ học ở trường các cháu nên tham gia vào Hội Nhi đồng Cứu quốc để tập luyện cho quen với đời sống chiến sĩ và để giúp đỡ một vài việc nhẹ nhàng trong cuộc giữ gìn đất nước". Bức thư của Bác Hồ đã được thiếu nhi cả nước học tập và tổ chức tuyên truyền, phổ biến rộng rãi. Hàng vạn bức thư của các cháu từ Cà Mau, Đồng Tháp Mười đến Lạng Sơn, Bắc Cạn... kính gửi lên "Già Hồ" hứa tuân theo lời Bác dạy.
Tết Trung thu năm 1945 là Tết Trung thu phấn khởi, tưng bừng nhất của thiếu nhi nước ta trong không khí độc lập, tự do. Nhớ đến các cháu, Bác Hồ lại viết thư cho các cháu: "Hôm nay Tết Trung thu là của các cháu, mà cũng là một cuộc biểu tình của các cháu để tỏ lòng yêu nước và để ủng hộ nền độc lập... Các cháu phải thương yêu nước ta. Mong các cháu mai sau lớn lên thành những người dân xứng đáng với nước độc lập, tự do.
Ba má các cháu đã sắm cho các cháu nào đèn, nào trống, nào hoa và nhiều đồ chơi khác, các cháu vui vẻ nhé!
Cái cảnh trăng tròn, gió mát, hồ lặng, trời xanh của trung thu lại làm cho các cháu vui cười, hớn hở. Các cháu vui cười, hớn hở, Bác Hồ cũng vui cười, hớn hở với các cháu".
Thực hiện chỉ thị của Bác Hồ, năm ấy các cấp Đảng, chính quyền và Đoàn thanh niên trong cả nước, kể cả nhiều địa phương bị giặc Pháp tạm chiếm đóng ở Nam Bộ đã tổ chức một đêm rằm rất vui vẻ, rất náo nhiệt cho thiếu nhi. ở Hà Nội, tiếng trống ếch vang lên khắp nơi quanh hồ Hoàn Kiếm, trước Phủ Chủ tịch, tại ấu trĩ viên (Cung thiếu nhi ngày nay)... Đài phát thanh "Tiếng nói Việt Nam" truyền đi nhiều lần trên làn sóng thư gửi thiếu nhi của Bác Hồ.
Để giúp các cháu thiếu niên, nhi đồng thực hiện tốt việc xây dựng Đội, Bác Hồ đã cho gọi anh Phong Nhã là người phụ trách thiếu nhi của Hà Nội đến gặp Người. Bác hỏi: - Các cháu thiếu nhi Hà Nội hoạt động như thế nào?
- Dạ thưa, chúng con đang tổ chức các cháu lại, hướng dẫn các cháu vui chơi, ca hát, tập thể dục, tập quân sự...
- Như thế là tốt. Thế các chú đã lo cho các cháu học tập như thế nào?
Anh lúng túng, chưa biết phải báo cáo thế nào. Bác nói ngay:
- Các chú cần chăm lo cho các cháu học tập, chớ cho các cháu đi tuần hành nhiều vừa bêu nắng vừa bị bụi bặm.
Anh Phong Nhã hứa với Bác sẽ tích cực thực hiện lời Bác căn dặn. Bác tỏ ý bằng lòng rồi hỏi tiếp:
- Thế các chú đã tổ chức cho các cháu bán báo, đánh giày, đánh mũ vào Đội chưa?
- Dạ thưa, gần đây chúng con có ý định tổ chức trẻ em mồ côi ở hai nơi là Dục Anh đường và Bảo Anh đường. Nghe vậy, Bác nói:
- Tổ chức Đội ở mấy nơi đó là cần thiết, song chưa cấp bách bằng việc tổ chức Đội cho trẻ em bán báo, đánh giày, đánh mũ, các cháu này đang sống tự lập, cần được dìu dắt...
Thực hiện lời chỉ bảo của Bác, ít lâu sau Đội Thiếu nhi bán báo Hoàng Văn Thụ thu hút thêm nhiều em nghèo khổ, lang thang, bán báo, đánh giày, mũ, bán quà vặt để sinh nhai và giúp đỡ gia đình đồng thời làm nhiệm vụ theo dõi địch, bảo vệ cách mạng, làm liên lạc. Sau này chính đội bán báo đó là nòng cốt của đội giao thông liên lạc dũng cảm mang tên Hoàng Cường của Thủ đô ta.
Tháng 11 năm 1945, sau khi tiếp đoàn đại biểu thanh niên cứu quốc từ Nam Bộ ra Hà Nội do đồng chí Huỳnh Tấn Phát dẫn đầu, Bác Hồ ủy nhiệm cho đồng chí Phạm Văn Đồng thay mặt Đảng và Tổng bộ Việt Minh giao nhiệm vụ cụ thể để xây dựng, củng cố, phát triển tổ chức Đoàn, Đội để tham gia công cuộc kháng chiến, kiến quốc.
Thực hiện lời kêu gọi chống giặc ngoại xâm của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, thanh thiếu niên Sài Gòn, Chợ Lớn và cả Nam Bộ không sợ hy sinh xương máu đã nhất tề đứng lên anh dũng bước vào cuộc kháng chiến lâu dài, gian khổ.
Đêm 23-9-1945, một đơn vị thanh niên cảm tử Sài Gòn trong đó có một số thiếu niên gan dạ làm nhiệm vụ liên lạc đã bảo vệ các đồng chí cán bộ của Trung ương Đảng, Xứ ủy và ủy ban rút ra khỏi thành phố an toàn để tiếp tục chỉ đạo cuộc kháng chiến.
Tấm gương Lê Văn Tám tẩm xăng vào người làm cây đuốc sống đốt cháy kho xăng giặc được các cơ quan thông tin của ta phổ biến rộng rãi gây xúc động lớn và cổ vũ mạnh mẽ tinh thần chiến đấu của nhân dân, nhất là thanh thiếu niên Sài Gòn, Chợ Lớn cũng như Nam Bộ trong phong trào yêu nước chống giặc ngoại xâm. Những tin tức về các trận đánh ở Tân Định (ngày 24-9-1945) diệt trên 100 tên địch; trận tấn công bất ngờ trại lính Pháp trên đường Divuê (Hùng Vương ngày nay); trận đột kích phá Khám lớn Sài Gòn giải phóng tù chính trị còn lại; trận đột nhập nhà tên Dờlinhông diệt nhiều sĩ quan giặc... gây nên thanh thế lớn cho quân dân ta. Đặc biệt trận phục kích tại cầu chữ Y của Đội Thanh niên xung phong cảm tử do hai anh em Đoàn Tiến và Đoàn Dũng chỉ huy ngày 30-9-1945 diệt 2 xe vận tải chở đầy lính Pháp làm cho đồng bào Sài Gòn, Chợ Lớn và nhân dân cả nước thêm nức lòng, làm cho kẻ thù thêm nao núng tinh thần.
Sách "Miền Nam giữ vững thành đồng" của tác giả Trần Văn Giàu kể lại câu chuyện: Tại đầu đường Galiêni một tổ du kích đánh lựu đạn diệt 10 tên địch, ta có 2 chiến sĩ hy sinh. Một thiếu niên đi rải truyền đơn kêu gọi lính địch nổi lên phản đối chẳng may bị bắt. Viên sĩ quan Anh hỏi:
- Mày không sợ chết à?
Thiếu niên đó trả lời:
- Người sung sướng là được chết cho Tổ quốc.
Suy nghĩ một lúc, cảm phục tinh thần yêu nước nồng nàn của em, viên sĩ quan Anh liền ra lệnh thả em.
Ở Biên Hoà, được sự giúp đỡ của các anh thanh niên cảm tử, một nhóm thiếu niên gồm gần 30 người cùng nhau tập hợp thành lập Đội Thiếu niên xung phong cảm tử Biên Hoà. Các đội viên tổ chức các nhóm nhỏ làm công tác liên lạc, trinh sát, giúp đỡ du kích trừ gian, diệt ngụy.
Hướng về Nam Bộ kháng chiến, cả miền Bắc và miền Trung tổ chức rầm rộ những "Ngày Nam Bộ", "Vũ khí cho Nam Bộ...". Phong trào "Nam tiến" để sát cánh cùng tuổi trẻ và nhân dân Nam Bộ đánh giặc sôi nổi khắp nơi. Tỉnh nào, thành phố nào cũng thành lập các đơn vị "Nam tiến". Tại Hà Nội, tấm gương người thiếu niên dũng cảm trốn trong toa chở than của đoàn tàu "Nam tiến" để cùng các anh Vệ quốc quân tham gia giết giặc đã hy sinh oanh liệt với chiếc bát sắt luôn đeo bên mình đã được truyền đi khắp các đơn vị và nhanh chóng đến với tuổi trẻ và đồng bào Thủ đô. Đồng đội gọi người chiến sĩ thiếu niên ấy là "Chiến sĩ Bát Sắt". Sau này, trong cuộc kháng chiến chống Pháp, thiếu niên Hà Nội đã lập Đội thiếu niên tình báo chiến đấu trong lòng địch với tên gọi "Đội Bát Sắt" để noi gương anh.
Trên mặt trận "Chống giặc đói", thực hiện lời kêu gọi của Bác Hồ kính yêu: "Tăng gia sản xuất! Tăng gia sản xuất ngay, tăng gia sản xuất nữa; đó là khẩu hiệu của chúng ta ngày nay. Đó là cách thiết thực của chúng ta để giữ vững quyền tự do, độc lập", thanh thiếu niên cả nước ra sức khai hoang vỡ đất, tận dụng mọi diện tích để trồng các loại cây lương thực ngắn ngày. Học sinh các trường, kể cả tiểu học lập các đội "Tăng gia tự túc", "Tăng gia và tiết kiệm", "Đội trồng khoai", "Đội trồng sắn"... cứ sau giờ học là tiến thẳng đến mảnh đất tăng gia. Đi đôi với việc sản xuất cây lương thực ngắn ngày là phong trào chăm sóc đàn gia cầm của thiếu nhi khắp các tỉnh miền Bắc. Thiếu niên tích cực tham gia cuộc vận động "Ngày đồng tâm cứu đói" (tức là mỗi tuần chọn 1 ngày để cả nhà dành một bơ gạo bỏ vào hũ gạo cứu đói).
Trên mặt trận chống giặc dốt, Chủ tịch Hồ Chí Minh dạy: "Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu. Vì vậy, tôi đề nghị mở một chiến dịch để chống nạn mù chữ". Người nhắc nhở toàn dân hăng hái tham gia dạy và học chữ quốc ngữ. "Những người đã biết chữ hãy dạy cho những người chưa biết chữ", những người chưa biết chữ hãy gắng sức mà học cho biết" và Người giao nhiệm vụ này cho tuổi trẻ. "Công việc này mong anh chị em thanh niên sốt sắng giúp đỡ". Thực hiện lời dạy của Bác Hồ kính yêu, tổ chức Đoàn các cấp đã tập trung huy động lực lượng thầy, cô giáo trẻ, học sinh, sinh viên (từ lớp lớn cấp tiểu học cho đến trung, đại học) tham gia vào đội ngũ những chiến sĩ diệt dốt. Trên khắp đất nước ta, các lớp bình dân học vụ được tổ chức từ thành phố, thị xã đến các vùng nông thôn xa xôi. Đêm đến, ở các làng mạc, bà con đốt đuốc, thắp đèn đến lớp; ở các thành phố, thị xã điện bừng sáng trong các trường, ở các trụ sở của các cơ quan (dành địa điểm cho nhân dân đến học). Học viên gồm các lứa tuổi khác nhau từ cụ già đến thiếu niên. Thầy giáo, cô giáo cũng gồm các lứa tuổi khác nhau. Có không ít những thiếu niên được các anh cán bộ phân công dạy chữ cho các bác, các cô chú trong thôn xóm. Riêng ở Hà Nội, tháng 10 năm 1945 đã có ngay hơn 2000 học sinh, sinh viên, thiếu niên tình nguyện tham gia làm "Chiến sĩ diệt dốt" thường xuyên. Sau một năm (tháng 10 năm 1945 đến tháng 10 năm 1946), ở Hà Nội đã có 95.665 người tham gia làm "Chiến sĩ diệt dốt" trong đó phần lớn vẫn là thanh, thiếu niên; cả nước tổ chức được 74.957 lớp học, kết quả giúp cho 2.500.000 người biết đọc, biết viết. Tại Nam Bộ, ở những địa phương giặc Pháp chưa đánh chiếm được, theo sự hướng dẫn của cán bộ, phong trào thiếu nhi chống mù chữ phát triển rất mạnh. Bài hát "Gieo ánh sáng" được phổ biến rộng rãi trong các em. Trước hết các em lo xoá mù chữ cho chính mình. Sau khi đã được "Sáng mắt, sáng lòng" các em lại lo gieo ánh sáng cho người khác. Kết quả to lớn trên mặt trận diệt dốt nêu trên có sự đóng góp đắc lực của hàng vạn thiếu niên từ Bắc đến Nam.
Cuối năm 1945, đội thiếu nhi Mai Hắc Đế do anh Nguyễn Hữu Lâm phụ trách đã tổ chức một cuộc diễu hành lớn để chống lại các hoạt động chống phá cách mạng của bọn Việt Cách, Việt Quốc. Đi đầu cuộc diễu hành là đội trống ếch rất oai hùng xuất phát từ đường Bà Triệu tiến đến vườn hoa Chí Linh. Hoà với tiếng trống là tiếng hô đả đảo bọn phản động. Nhiều bậc cao niên ở Hà Nội lúc ấy gọi tiếng trống của đội Mai Hắc Đế là tiếng trống cách mạng của thiếu nhi Việt Nam. Có một đội viên rất hăng hái trong đội trống sau này trở thành đại tá nhạc sĩ nổi tiếng trong quân đội, đó chính là nhạc sĩ Huy Thục, đội viên đội thiếu nhi Mai Hắc Đế.
Đầu năm 1946, mặc dù tình hình chiến sự ngày càng phức tạp, nhất là ở Nam Bộ và cực Nam Trung Bộ do thực dân Pháp ra sức thực hiện chiến tranh xâm lược nước ta lần nữa, nhưng để thực hiện quyền làm chủ của nhân dân và đập tan sự xuyên tạc của kẻ thù, Chính phủ và Chủ tịch Hồ Chí Minh quyết định tổ chức tổng tuyển cử trong cả nước để bầu ra Quốc hội đầu tiên của đất nước và xây dựng Hiến pháp của nước Việt Nam độc lập.
Hàng triệu thiếu niên tay cầm cờ, hoa tham gia cổ động cho cuộc bầu cử hết sức rầm rộ này. Với băng, cờ, biểu ngữ và tiếng trống ếch khua vang, từng đoàn thiếu nhi xuống đường đầu đội mũ ca lô bằng vải và cả bằng giấy cất cao tiếng hát những bài ca cách mạng vận động đồng bào đi bỏ phiếu. Đặc biệt ở các tỉnh Nam Bộ, mặc dù việc vận động nhân dân đi bầu cử gặp khó khăn nhưng nhiều thiếu niên đã luồn lách sâu vào các vùng bị giặc tạm chiếm phân phát truyền đơn kêu gọi đồng bào tham gia bầu cử. Tại Bến Tre, hàng trăm đội thiếu nhi kéo đi cổ động cho ngày bầu cử khắp các xóm, ấp từ sáng đến chiều (Bến Tre được Trung ương cho tranh thủ thời gian tổ chức bầu cử sớm để sẵn sàng chuẩn bị chống giặc). Thiếu nhi Nam Bộ còn tích cực tham gia cuộc vận động "Tuần lễ vàng". Lời cổ động mộc mạc từ các em làm xúc động lòng người:
Có vàng đổi súng đánh Tây
Cùng nhau quyên góp hỡi ai có vàng.
Sau "Tuần lễ vàng" đến "Tuần lễ đồng thau", thiếu nhi các tỉnh Nam Bộ chia ra thành từng nhóm nhỏ lặn lội khắp nơi để thu gom đồng thau của bà con đóng góp vì các em hiểu rằng các công binh xưởng của ta đang rất cần đồng để đúc đạn.
Ngày 6-1-1946 là ngày hội lớn của nhân dân và thanh thiếu niên nước ta. Sáng sớm tinh mơ, tiếng trống ếch và tiếng hát, tiếng hô khẩu hiệu của các Đội thiếu niên đã vang lên nhịp nhàng khắp các địa phương trong cả nước. Đồng bào theo chân các Đội thiếu niên đến các địa điểm bỏ phiếu để làm nhiệm vụ công dân của một nước độc lập sau hơn 80 năm mất nước. Bác Hồ kính yêu ứng cử ở Thủ đô Hà Nội được cử tri tín nhiệm cao nhất với 98,4% số phiếu bầu. Đại biểu Quốc hội trẻ nhất là anh Nguyễn Đình Thi mới bước vào tuổi 21, là nhà thơ, nhạc sĩ, là một cán bộ Đoàn đã từng hoạt động và rất gắn bó với phong trào thanh thiếu nhi.
Đảng, Bác Hồ kính yêu và Chính phủ ta rất hoan nghênh những đóng góp tích cực của phong trào thiếu nhi nước ta vào công cuộc kháng chiến và kiến quốc, góp phần không nhỏ vào công cuộc chống giặc ngoại xâm, chống giặc đói, chống giặc dốt cũng như xây dựng chính quyền cách mạng qua các hoạt động trong cuộc bầu cử Quốc hội.
Ngày 19-5-1946, mừng sinh nhật lần thứ 56 của Bác Hồ kính yêu, một cuộc diễu hành lớn chưa từng có của thiếu nhi toàn thành phố Hà Nội thay mặt cho thiếu nhi cả nước với trống rung, cờ mở và hát ca vang lừng từ nhiều địa điểm ở nội, ngoại thành kéo về hội tụ tại Phủ Chủ tịch trong niềm hân hoan phấn khởi, vui tươi to lớn.
Bác Hồ kính yêu đã dành những giờ phút hết sức quý hiếm của Người để gặp mặt các cháu. Bác xuất hiện giữa rừng hoa, rừng cờ, giữa hàng vạn thiếu niên với tình cảm thương yêu, trìu mến vô hạn. Bác căn dặn các cháu phải chăm học, vâng lời bố mẹ, cố gắng giũp đỡ bố mẹ trong công việc gia đình và tùy theo sức của mình góp phần vào sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc. Tiếng hô "Bác Hồ muôn năm", "Việt Nam độc lập muôn năm" vang động không ngớt... Bác Hồ ân cần tặng thiếu nhi Thủ đô một cây bách tán và dặn các cháu đem về trồng ở ấu Trĩ viên. Đây là món quà đầy ý nghĩa của Bác không những với thiếu nhi Thủ đô mà còn đối với thiếu nhi cả nước.