Hội đồng Đội Trung ương Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh là cơ quan do Ban Chấp hành Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh lập ra và lãnh đạo; với chức năng tham mưu cho Ban Chấp hành Trung ương Đoàn, Ban Thường vụ Trung ương Đoàn chỉ đạo, hướng dẫn Hội đồng Đội các cấp về công tác Đội và phong trào thiếu nhi; thực hiện công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục thiếu niên nhi đồng; phối hợp với các cơ quan Nhà nước và các tổ chức chính trị - xã hội, các lực lượng xã hội, các tổ chức quốc tế trong công tác xây dựng Đội và tham gia thực hiện Công ước của Liên Hiệp Quốc về Quyền trẻ em, Luật  bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em.
Hội đồng Đội Trung ương là cơ quan giúp Ban Bí thư, Ban Thường vụ, Ban Chấp hành Trung ương Đoàn thẩm định và quyết định các chương trình, nội dung tài liệu nghiệp vụ, giáo trình đào tạo, bồi dưỡng cán bộ phụ trách và chỉ huy Đội để ban hành thống nhất trong cả nước.
1. Chức năng
- Tham mưu cho Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Đoàn Trung ương Đoàn về công tác Đội và phong trào thiếu nhi; thực hiện công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục thiếu niên, nhi đồng. Hội đồng Đội Trung ương tham mưu cho Trung ương Đoàn thực hiện nhiệm vụ đại diện tiếng nói, nguyện vọng của trẻ em.
- Chỉ đạo và hướng dẫn Hội đồng Đội cấp dưới tổ chức thực hiện các chủ trương, nhiệm vụ của Đoàn về công tác Đội, phong trào thiếu nhi, bảo vệ, chăm sóc, giáo dục thiếu niên, nhi đồng.
- Phối hợp với các cơ quan Nhà nước và các tổ chức chính trị - xã hội, các lực lượng xã hội, các tổ chức quốc tế trong công tác xây dựng Đội và tham gia thực hiện Công ước quốc tế về quyền trẻ em, Luật Trẻ em, các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến trẻ em.
2. Nhiệm vụ
- Phụ trách công tác tổ chức và hoạt động của Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh, phát triển phong trào thiếu nhi theo đường lối của Đảng và chủ trương của Đoàn.
- Nghiên cứu, đề xuất với Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Trung ương Đoàn những chủ trương công tác Đội và phong trào thiếu nhi, bảo vệ, chăm sóc, giáo dục thiếu niên nhi đồng, chú trọng giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng xã hội, định hướng quá trình hình thành nhân cách cho các em từ tuổi nhi đồng; đổi mới hình thức sinh hoạt Đội, hoạt động thiếu nhi phù hợp với các loại hình trường, lớp và địa bàn dân cư
- Xây dựng kế hoạch, biện pháp tổ chức triển khai thực hiện các chủ trương của Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Trung ương Đoàn về công tác Đội và phong trào thiếu nhi; chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện điều lệ Đội, nghiệp vụ đối với Hội đồng Đội cấp dưới và nội dung phương hướng hoạt động của hệ thống các Cung, Nhà Thiếu nhi, Trung tâm hoạt động thanh thiếu nhi, trường Đội, điểm vui chơi dành cho trẻ em, hướng dẫn thiếu niên, nhi đồng đoàn kết, giúp đỡ nhau thực hiện quyền và bổn phận của trẻ em.
- Tổng kết, phổ biến, áp dụng những mô hình tiên tiến, phù hợp về công tác Đội và phong trào thiếu nhi. Báo cáo tình hình công tác Đội, phong trào thiếu nhi và hoạt động của Hội đồng Đội với Ban Chấp hành Đoàn Trung ương Đoàn.
- Phối hợp với các Ban chức năng, các cơ quan nghiệp vụ của Đoàn để thực hiện nhiệm vụ xây dựng Đội và phong trào thiếu nhi, công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục thiếu niên nhi đồng.
- Đại diện Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh tham gia các tổ chức liên quan đến công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em.
- Liên kết với các ngành, đoàn thể để thực hiện tốt nhiệm vụ xây dựng Đội và sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em.
- Tham gia giám sát việc chấp hành pháp luật về trẻ em, chủ động đưa ra những kiến nghị cần thiết đối với các cơ quan Nhà nước hữu quan để thực hiện nhiệm vụ đó; góp phần ngăn ngừa và xử lý các hành vi xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của thiếu nhi. 
- Quan hệ với các tổ chức thiếu nhi, các tổ chức trong nước và quốc tế vì sự phát triển của trẻ em.
- Tham gia giám sát và đưa ra những kiến nghị đối với Ban Chấp hành Đoàn và các cơ quan Nhà nước trong việc đào tạo, bồi dưỡng, thực hiện cơ chế, chính sách cho đội ngũ Giáo viên làm tổng phụ trách Đội và cán bộ phụ trách Đội trên địa bàn dân cư.
3. Quyền hạn
- Ban hành các văn bản, hướng dẫn thực hiện chương trình công tác Đội và phong trào thiếu nhi theo chủ trương của Ban Chấp hành Trung ương Đoàn.
-Kiểm tra, đánh giá việc thực hiện nhiệm vụ công tác Đội và phong trào thiếu nhi của Ban Chấp hành Đoàn, Hội đồng Đội và tổ chức Đội cấp dưới.
-Tổ chức các hội nghị, đại hội, liên hoan, gặp mặt của thiếu nhi, cán bộ phụ trách, các lực lượng tình nguyện vì trẻ em và hệ thống Cung, Nhà thiếu nhi, Trung tâm hoạt động thanh thiếu nhi.
-Đề nghị các cấp, các ngành và Đoàn Thanh niên tuyên dương, khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích trong công tác Đội và phong trào thiếu nhi; công tác bảo vệ, chăm sóc giáo dục thiếu niên nhi đồng; Quy định và thực hiện các hình thức khen thưởng của tổ chức Đội theo hướng dẫn của Hội đồng Đội Trung ương.
- Kiến nghị, đề xuất với các cơ quan Nhà nước, các ngành, đoàn thể xã hội bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em; chăm lo các hoạt động của tổ chức Đội và thiếu nhi. Đại diện bảo vệ quyền lợi, ngăn ngừa và kháng nghị những hành vi xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của thiếu nhi.
- Định kỳ tổ chức, kiểm tra việc triển khai thực hiện các chủ trương của Đoàn về công tác Đội và phong trào thiếu nhi; tham gia giám sát việc thực hiện Công ước của Liên hợp quốc về quyền trẻ em, Luật Trẻ em.
- Giúp Ban Thường vụ Đoàn Trung ương Đoàn phối hợp với Ban Thường vụ Đoàn cấp dưới quản lý chức danh chủ tịch Hội đồng Đội cấp dưới trực tiếp.
- Quyết định chương trình, nội dung đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ công tác Đội cho đội ngũ cán bộ phụ trách và cán bộ chỉ huy Đội; nghiên cứu, tổng kết kinh nghiệm công tác Đội và phong trào thiếu nhi.
- Hội đồng Đội Trung ương là cơ quan giúp Ban Bí thư, Ban Thường vụ, Ban Chấp hành Trung ương Đoàn thẩm định và quyết định các chương trình, nội dung tài liệu nghiệp vụ, giáo trình đào tạo, bồi dưỡng cán bộ phụ trách và chỉ huy Đội để ban hành thống nhất trong cả nước.
- Giúp Ban Thường vụ Đoàn Trung ương Đoàn theo dõi, hướng dẫn và chỉ đạo hệ thống các trung tâm hoạt động thiếu nhi, các cung, nhà thiếu nhi, điểm vui chơi dành cho trẻ em.
- Thay mặt cho tổ chức Đội Thiếu niên tiền phong Hồ Chí Minh trong mối quan hệ với các tổ chức quốc tế có liên quan tới trẻ em.