ĐỘI TNTP HỒ CHÍ MINH

HỘI ĐỒNG TRUNG ƯƠNG

***

Số: 14-BC/HĐĐTW

 

Hà Nội, ngày 19 tháng 01  năm 2016

BÁO CÁO

Tổng kết hoạt động hệ thống các Cung, Nhà Thiếu nhi,

Trung tâm hoạt động Thanh thiếu nhi toàn quốc năm 2015 

          Năm 2015 là năm giữa nhiệm kỳ triển khai Nghị quyết Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ X, năm diễn ra Đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII và nhiều hoạt động lớn của đất nước: kỷ niệm 85 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930 - 3/2/2015); 125 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2015); 70 năm Quốc khánh Nước CHXHCN Việt Nam; Đội TNTP Hồ Chí Minh tổ chức Đại hội Cháu ngoan Bác Hồ các cấp và Đại hội Cháu ngoan Bác Hồ toàn quốc lần thứ VIII. Thực hiện chủ đề  "Thiếu nhi Việt Nam - Tự hào tiến bước dưới cờ Đảng” với sự chỉ đạo đồng bộ của các cấp bộ Đoàn, hệ thống các Cung, Nhà Thiếu nhi, Trung tâm hoạt động Thanh thiếu nhi cả nước đã nỗ lực triển khai các nhiệm vụ công tác và đạt được những kết quả cụ thể như sau:

I. CÔNG TÁC CHỈ ĐẠO

1. Trung ương

Bám sát chủ đề công tác năm, Hội đồng Đội Trung ương đã phát động đợt thi đua đặc biệt kỷ niệm 85 năm ngày thành lập Đảng và chào mừng Đại hội Đảng các cấp trong hệ thống các Cung, Nhà thiếu nhi, Trung tâm hoạt động Thanh thiếu nhi; tập trung thực hiện các giải pháp chăm lo, tạo điều kiện cho đông đảo thiếu nhi được tham gia học tập, vui chơi giải trí, bồi dưỡng và phát triển năng khiếu. Hoạt động của các Cung, Nhà thiếu nhi, Trung tâm hoạt động Thanh thiếu nhi được đưa vào đánh giá trong bộ tiêu chí chấm điểm thi đua công tác năm của các tỉnh, thành Đoàn, vừa bảo đảm tính định hướng, dẫn dắt vừa bảo đảm tính thống nhất triển khai trong toàn hệ thống. Việc xây dựng mô hình và thí điểm các hoạt động Đội theo chức năng, nhiệm vụ của hệ thống Cung, Nhà Thiếu nhi, Trung tâm hoạt động Thanh thiếu nhi đã được cụ thể hóa, triển khai đồng bộ với chương trình công tác Đội và phong trào thiếu nhi năm học.

Hội đồng Đội Trung ương đã hướng dẫn, chỉ đạo hệ thống các Cung, Nhà thiếu nhi, Trung tâm hoạt động Thanh thiếu nhi tham gia, tổ chức thành công nhiều chương trình quy mô cấp toàn quốc và khu vực như: giải Thể dục Aerobic và khiêu vũ thể thao thiếu nhi toàn quốc, Liên hoan nghệ thuật các Cung, Nhà Thiếu nhi, Trung tâm hoạt động Thanh thiếu nhi khu vực phía Bắc, Liên hoan Tiếng kèn Đội ta khu vực phía Bắc, Liên hoan Búp sen hồng khu vực phía Nam, Liên hoan Văn hóa thiếu nhi các dân tộc khu vực phía Nam...

Chỉ đạo các đơn vị tổ chức có hiệu quả các hoạt động vui chơi, giải trí, giúp đỡ thiếu nhi có hoàn cảnh khó khăn; ban hành hướng dẫn sinh hoạt hè; đồng loạt tổ chức Ngày hội thiếu nhi Việt Nam nhân dịp 1/6; Đêm hội Trăng rằm vào dịp Tết Trung thu; các hoạt động văn hóa, văn nghệ chào mừng các sự kiện, các ngày lễ lớn của đất nước và địa phương.

Công tác bồi dưỡng nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ các Cung, Nhà thiếu nhi, Trung tâm hoạt động Thanh thiếu nhi tiếp tục được tăng cường thông qua các lớp tập huấn nghiệp vụ và hoạt động của Hội đồng huấn luyện Trung ương Đội TNTP Hồ Chí Minh, Hội đồng Huấn luyện các tỉnh, thành phố. Năm 2015, Hội đồng Đội Trung ương đã chỉ đạo tổ chức tập huấn nghiệp vụ công tác Đội cho cán bộ các Cung, Nhà thiếu nhi, Trung tâm hoạt động thanh thiếu nhi tại Huế và hỗ trợ giảng dạy, hướng dẫn tổ chức các lớp tập huấn cho các tỉnh, thành.

Thực hiện chỉ đạo của Ban Bí thư Trung ương Đoàn, Hội đồng Đội Trung ương đã ban hành Quy chế Thi đua - Khen thưởng của Đội TNTP Hồ Chí Minh; tiến hành sửa đổi, bổ sung Nghi thức Đội, xây dựng 06 clip mẫu về hướng dẫn thực hành Nghi thức Đội TNTP Hồ Chí Minh để thống nhất thực hiện trong cả nước. Xây dựng đề án Hỗ trợ trang thiết bị cho Nhà Thiếu nhi khu vực, địa bàn khó khăn năm 2016 báo cáo Ban Bí Thư Trung ương Đoàn trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Năm 2015, Hội đồng Đội Trung ương đã ra mắt website chính thức với tên miền http://thieunhivietnam.vn; là kênh thông tin chính thống, thường xuyên cập nhật chủ trương chỉ đạo lớn của Trung ương; phản ánh kịp thời hoạt động của cơ sở và cung cấp các tài liệu nghiệp vụ hướng dẫn hoạt động cho hệ thống Cung, Nhà Thiếu nhi, Trung tâm hoạt động Thanh thiếu nhi cả nước.

Hội đồng Đội Trung ương đã tham mưu triển khai thực hiện một số nội dung, giải pháp trong Quyết định số 1501/QĐ-TTg ngày 28/8/2015 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống cho thanh niên, thiếu niên và nhi đồng giai đoạn 2015 - 2020”; chú trọng việc xây dựng các sân chơi cho thiếu nhi tại cộng đồng, phát huy các thiết chế văn hóa sẵn có trong việc tổ chức hoạt động cho thiếu nhi.

Ban Chủ nhiệm Câu lạc bộ Giám đốc các Cung, Nhà Thiếu nhi, Trung tâm hoạt động Thanh thiếu nhi hai miền Nam - Bắc tiếp tục được định hướng và tạo điều kiện hoạt động chủ động, tích cực và hiệu quả.  

2. Các tỉnh, thành phố

Đoàn Thanh niên, Hội đồng Đội các cấp đã chỉ đạo, định hướng hoạt động của các Cung, Nhà Thiếu nhi, Trung tâm hoạt động Thanh thiếu nhi một cách đồng bộ, chặt chẽ, tạo sự gắn kết, hỗ trợ cho công tác Đội, phong trào thiếu nhi trong và ngoài nhà trường; chỉ đạo, tạo điều kiện cho các Cung, Nhà Thiếu nhi, Trung tâm hoạt động Thanh thiếu nhi nghiên cứu, xây dựng, thí điểm, chuyển giao các mô hình hoạt động Đội có hiệu quả đến cơ sở.

Các cấp bộ Đoàn đã quan tâm chỉ đạo, phát huy vai trò, thế mạnh của các Cung, Nhà thiếu nhi, Trung tâm hoạt động Thanh thiếu nhi trong năm 2015, tổ chức nhiều hoạt động văn hóa văn nghệ chào mừng Đại hội Đảng các cấp, tổ chức sân chơi miễn phí cho thiếu nhi có hoàn cảnh khó khăn, thiếu nhi vùng sâu vùng xa, đồng bào dân tộc thiểu số, thiếu nhi tại các khu công nghiệp, chế xuất.

Cung, Nhà Thiếu nhi, Trung tâm hoạt động Thanh thiếu nhi các đơn vị đã phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo, khắc phục khó khăn, nỗ lực phấn đấu xây dựng nhiều mô hình phối hợp, tạo cơ chế xã hội hóa đầu tư, thu hút nguồn lực, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của các Cung, Nhà Thiếu nhi, Trung tâm hoạt động Thanh thiếu nhi. Phát huy vai trò hệ thống Cung, Nhà Thiếu nhi trong bồi dưỡng, rèn luyện kỹ năng, tạo ra nhiều sân chơi mới hấp dẫn, bổ ích cho thiếu nhi.

          II. KẾT QUẢ THỰC HIỆN

1. Thực hiện chức năng nghiên cứu, hướng dẫn, bồi dưỡng phương pháp hoạt động Đội ngoài giờ lên lớp và ngoài nhà trường, góp phần xây dựng tổ chức Đội vững mạnh

Năm 2015, thực hiện chức năng là trung tâm nghiên cứu, tổng kết, hướng dẫn, bồi dưỡng phương pháp công tác Đội ngoài giờ lên lớp và ngoài nhà trường, các Cung, Nhà Thiếu nhi, Trung tâm hoạt động Thanh thiếu nhi đã chủ động xây dựng kế hoạch công tác năm theo chỉ đạo của Hội đồng Đội các cấp; nghiên cứu, tổng kết và triển khai nhân rộng nhiều mô hình hoạt động có hiệu quả về cơ sở; hỗ trợ tích cực cho Hội đồng Đội các cấp trong công tác bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ công tác Đội cho đội ngũ cán bộ phụ trách và chỉ huy Đội.

Công tác bồi dưỡng, tập huấn kỹ năng, nghiệp vụ công tác Đội cho đội ngũ cán bộ phụ trách và chỉ huy Đội được các đơn vị đầu tư, chú trọng góp phần đáp ứng nhu cầu học tập, rèn luyện kỹ năng, nghiệp vụ công tác Đội cho lực lượng cán bộ phụ trách và các em đội viên trong Ban Chỉ huy liên đội, chi đội với nhiều loại hình phong phú như: trại hè, trại công nhận huấn luận viên, trò chơi lớn, các lớp tập huấn kỹ năng tổ chức hoạt động tập thể như: hát múa, trò chơi, sinh hoạt cộng đồng, sinh hoạt Sao nhi đồng... Nhiều đơn vị đã tích cực tham gia các lớp tập huấn cấp Trung ương; chủ động tham mưu, phối hợp với Hội đồng Đội tỉnh, thành phố thành lập Hội đồng huấn luyện kỹ năng, câu lạc bộ phụ trách Đội, tiêu biểu: Nhà Thiếu nhi TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Cà Mau... Tính đến tháng 12/2015, cả nước đã tổ chức được 232 lớp tập huấn cho cán bộ phụ trách Đội, 543 lớp cho đội viên Ban Chỉ huy liên, chi đội thu hút hơn 12.549 cán bộ phụ trách và 20.746 đội viên tham gia, góp phần đảm bảo triển khai, thực hiện Đề án Nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ chỉ huy Đội của Ban Bí thư Trung ương Đoàn...[1]

Công tác nghiên cứu, tổng kết, nhân rộng các mô hình hoạt động Đội tại địa phương đã được các Cung, Nhà Thiếu nhi, Trung tâm hoạt động Thanh thiếu nhi đặc biệt quan tâm. Việc cập nhật các tài liệu mới, xây dựng các mô hình sinh hoạt Sao, sinh hoạt Đội theo chủ đề, chủ điểm đã được các đơn vị thực hiện thường xuyên theo từng quý nhằm hỗ trợ các cơ sở Đội trong quá trình tổ chức các hoạt động tại liên đội.

Bên cạnh các hoạt động tại chỗ, hầu hết các đơn vị đã chủ động trong việc hỗ trợ các đơn vị Nhà Thiếu nhi cấp huyện, đặc biệt là các đơn vị chưa có Nhà Thiếu nhi và các đơn vị bạn trong việc tổ chức các lớp, trại huấn luyện kỹ năng, nghiệp vụ công tác Đội và xây dựng điểm các mô hình hoạt động Đội.[2]

100% các đơn vị đã thành lập và duy trì hoạt động có hiệu quả các đội nghi lễ. Triển khai quyết định số 25-QĐ/HĐĐTW ngày 21/8/2015 của Hội đồng Đội Trung ương về việc thực hiện Nghi thức Đội sửa đổi, đến nay, hầu hết các đơn vị đã xây dựng được đội nghi lễ chuẩn với số lượng từ 50 - 100 em, được trang bị đầy đủ về đồng phục và trang thiết bị hoạt động. Hoạt động của đội nghi lễ không chỉ góp phần tạo mẫu, hướng dẫn cơ sở thực hiện Nghi thức, nghi lễ của Đội mà còn tham gia phục vụ tốt các các hoạt động chính trị của địa phương như: Đại hội Đảng bộ tỉnh, Đại hội Cháu ngoan Bác Hồ các cấp và Đại hội Cháu ngoan Bác Hồ toàn quốc lần thứ VIII, Đại hội thi đua yêu nước các cấp... Đội nghi lễ ở các Cung, Nhà Thiếu nhi đã có sự phát triển về số lượng và nâng cao chất lượng, thường xuyên duy trì hoạt động biểu diễn trống, kèn cộng đồng chào mừng các ngày lễ lớn của địa phương, đất nước đồng thời tích cực giao lưu, học tập lẫn nhau về việc phát triển đội nghi lễ thông qua các “Liên hoan tiếng kèn Đội ta” cấp khu vực. Nét mới trong năm 2015 là một số đơn vị đã tổ chức sân chơi “Biểu diễn kèn, trống cộng đồng” trên đường phố và các địa điểm đông dân cư vừa giới thiệu được mô hình hoạt động Đội đến với cộng đồng, xã hội vừa tạo sân chơi cho các em thiếu nhi trong đội nghi lễ. Các đơn vị tiêu biểu trong mô hình này là: Nhà Thiếu nhi Hải Dương, Quảng Bình, Bình Phước, TP Hồ Chí Minh...

Xác định được vai trò của các câu lạc bộ, đội, nhóm nòng cốt trong tổ chức sinh hoạt Đội và phong trào thiếu nhi, năm 2015, các Cung, Nhà Thiếu nhi, Trung tâm hoạt động Thanh thiếu nhi đã tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện phát triển và nâng cao chất lượng hoạt động của các câu lạc bộ Phóng viên nhỏ, Quyền trẻ em. Các mô hình này đã góp phần phát huy vai trò tự quản, phát huy quyền tham gia của các em, là diễn đàn để các em thể hiện tiếng nói, đóng góp xây dựng hoạt động Đội và phong trào thiếu nhi phù hợp với lứa tuổi và nhu cầu của các em. Câu lạc bộ phụ trách Đội, chỉ huy Đội đã được thành lập và duy trì hoạt động tại nhiều địa phương, đơn vị nhằm tổ chức các hoạt động, sân chơi bổ ích cho thiếu nhi trên địa bàn. Bên cạnh đó, câu lạc bộ phóng viên nhỏ, câu lạc bộ kỹ năng, câu lạc bộ khiêu vũ thể thao, câu lạc bộ sở thích ... tiếp tục được duy trì và phát triển, góp phần phát huy vai trò tự quản, quyền tham gia của trẻ em.

2. Công tác tập hợp thiếu nhi thông qua việc thực hiện chức năng tổ chức các hoạt động văn hoá, văn nghệ, thể dục thể thao, vui chơi, giải trí, tạo môi trường giáo dục thiếu nhi phát triển toàn diện

Trong năm 2015, hệ thống Cung, Nhà thiếu nhi, Trung tâm hoạt động Thanh thiếu nhi các cấp đã mở rộng nhiều loại hình vui chơi, giải trí phù hợp với nhu cầu và nguyện vọng của thiếu nhi, thu hút đông đảo thiếu nhi tới tham gia, được xã hội ghi nhận ủng hộ. Các hoạt động liên hoan, văn hoá, văn nghệ, thể dục, thể thao được tổ chức thường xuyên nhân các ngày lễ, kỷ niệm lớn của đất nước, của Đảng, của dân tộc, kỷ niệm ngày thành lập Đoàn, thành lập Đội, ngày sinh nhật Bác, ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam... được các Cung, Nhà Thiếu nhi tổ chức công phu, hấp dẫn, thu hút đông đảo các em thiếu nhi tham gia, tạo sân chơi bổ ích, giúp các em thiếu nhi được giao lưu, học hỏi và thể hiện tài năng, nâng cao tri thức của mình, đồng thời góp phần giáo dục truyền thống cách mạng, bồi dưỡng và khơi dậy lòng tự hào dân tộc, tinh thần yêu nước trong thiếu nhi, nâng cao công tác tuyên truyền, giáo dục của tổ chức Đội.

Các hoạt động chào năm mới, chào mừng Đại hội Đảng các cấp, Đại hội Cháu ngoan Bác Hồ các cấp và Đại hội Cháu ngoan Bác Hồ toàn quốc lần thứ VIII, kỷ niệm 70 năm Cách mạng tháng Tám và quốc khánh 2/9 và các sự kiện trọng đại của địa phương, đất nước được Cung, Nhà Thiếu nhi, Trung tâm hoạt động Thanh thiếu nhi tích cực hưởng ứng tham gia như: đợt thi đua đặc biệt kỷ niệm 85 năm ngày thành lập Đảng và chào mừng Đại hội Đảng các cấp, cuộc thi “Chúng em kể chuyện Bác Hồ”, cuộc thi “Áng tem thư kể chuyện Bác Hồ”[3]

Các hoạt động liên hoan, biểu diễn văn hóa, văn nghệ, hội trại, hội thi… được tổ chức công phu, hấp dẫn, thu hút đông đảo các em thiếu nhi trên địa bàn tham gia, điển hình như: Lễ khai mạc hè và Tháng hành động vì trẻ em tổ chức vào dịp 1/6, "Đêm hội trăng rằm"  tổ chức đồng loạt vào ngày 14/8 âm lịch tại các Cung, Nhà Thiếu nhi trong toàn quốc với nhiều hình thức phong phú như thi làm đèn lồng, trang trí mâm cỗ... Tính riêng dịp Tết Trung thu, các Cung, Nhà Thiếu nhi, Trung tâm hoạt động Thanh thiếu nhi đã thu hút hơn 5 triệu lượt thiếu nhi đến vui chơi, sinh hoạt.

Các cuộc thi đàn và hát dân ca, biểu diễn thời trang, liên hoan các ban nhạc, tiếng hát măng non, liên hoan múa rối được các đơn vị thường xuyên tổ chức theo các chủ đề, chủ điểm gắn với kỷ niệm các ngày lễ của đất nước như: Ngày Quốc khánh Nước CHXHCN  Viêt Nam (02/9), Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11… và trong dịp hè. Đội nghệ thuật măng non được các đơn vị đặc biệt quan tâm đào tạo, bồi dưỡng, thường xuyên xây dựng các chương trình nghệ thuật có chất lượng cao đảm bảo phục vụ biểu diễn chào mừng các sự kiện lớn của địa phương, đất nước, phục vụ thiếu nhi khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa, các khu vực khó khăn.

Các cuộc Liên hoan, giao lưu như: “Liên hoan Tiếng kèn Đội ta khu vực phía Bắc”; “Liên hoan nghệ thuật các Cung, Nhà Thiếu nhi, Trung tâm hoạt động Thanh thiếu nhi khu vực phía Bắc”, giải “Thể dục Aerobic và khiêu vũ thể thao thiếu nhi toàn quốc”, “Liên hoan Văn hóa thiếu nhi các dân tộc khu vực phía Nam lần thứ V”, “Liên hoan múa rối lần thứ VIII, trò chơi dân gian lần thứ VI và CLB đội, nhóm năng khiếu xuất sắc lần thứ II khu vực phía Nam”, “Liên hoan Búp Sen hồng” … được các Cung, Nhà Thiếu nhi, Trung tâm hoạt động Thanh thiếu nhi tích cực hưởng ứng, tham gia với chất lượng được nâng cao, tạo tiếng vang và sức lan tỏa lớn. Thông qua các hoạt động cấp khu vực này, tạo điều kiện để các Cung, Nhà Thiếu nhi được giao lưu, học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm, nâng cao chất lượng hoạt động.[4]

Mô hình tập huấn múa hát tập thể và dân vũ cho cán bộ Đoàn, Hội, Đội, cán bộ Nhà Thiếu nhi cũng như các em thiếu niên nhi đồng tiếp tục được các Cung, Nhà Thiếu nhi, Trung tâm hoạt động Thanh thiếu nhi chú trọng tổ chức nhằm đẩy mạnh các hình thức tổ chức sinh hoạt tập thể, xây dựng lực lượng nòng cốt về hoạt động kỹ năng cho các câu lạc bộ, đội, nhóm ở các cơ sở Đoàn, Hội, Đội thông qua loại hình múa dân vũ và sinh hoạt cộng đồng, thường xuyên tham gia biểu diễn tại các sự kiện lớn của địa phương.[5]

Năm 2015, hoạt động thể dục, thể thao tại các Cung, Nhà Thiếu nhi, Trung tâm hoạt động Thanh thiếu nhi đã được duy trì và tổ chức có hiệu quả. Nhiều câu lạc bộ được thành lập và hoạt động sôi nổi, thu hút đông đảo các em thiếu nhi tham gia như: cờ vua, cầu lông, bóng bàn, võ thuật, aerobic, khiêu vũ thể thao… Các hoạt động đồng diễn thể dục nhịp điệu, thi đấu thể thao với các bộ môn như: bóng đá mini, bóng bàn, cầu lông, đá cầu, cờ vua, Taekwondo, biểu diễn võ thuật, bơi lội thường xuyên được các đơn vị tổ chức. Nhiều đơn vị đạt kết quả cao trong các cuộc thi tại địa phương, khu vực.[6]

Hoạt động vui chơi, giải trí được các nhà thiếu nhi tăng cường đầu tư về chất lượng và đa dạng về hình thức, chủng loại các phương tiện phục vụ thu hút các em thiếu nhi vào sinh hoạt. Bên cạnh việc tiếp tục duy trì và nâng cấp các phương tiện vui chơi giải trí ngoài trời nhiều đơn vị đã mạnh dạn đầu tư các trò chơi mới, phù hợp, hấp dẫn đối với thiếu nhi, miễn phí vé vui chơi cho các em thiếu nhi có hoàn cảnh khó khăn; tăng cường các hoạt động tại điểm vui chơi cộng đồng, các sân chơi lưu động tại các khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo. Các hoạt động trải nghiệm sáng tạo được tổ chức thường xuyên nhằm hỗ trợ các em tinh thần ham học hỏi, say mê nghiên cứu, từng bước tiếp cận với khoa học sáng tạo nhằm phát triển tư duy, trí tuệ và năng lực nghiên cứu cho các em.[7]

Hoạt động giáo dục bồi dưỡng kỹ năng cho thiếu nhi được các Cung, Nhà Thiếu nhi, Trung tâm hoạt động Thanh thiếu nhi tiếp tục triển khai với nhiều mô hình hay, hấp dẫn và tổng kết, chuyển giao các mô hình hoạt động hiệu quả về cơ sở thu hút đông đảo thiếu nhi tham gia như: mô hình Học kỳ trong quân đội, trại hè trải nghiệm, trại hè xanh, sân chơi sẵn sàng.... Theo thống kê năm 2015, các Cung, Nhà Thiếu nhi, Trung tâm hoạt động Thanh thiếu nhi đã tổ chức được 583 lớp, trại huấn luyện kỹ năng cho 160.958 thiếu nhi. [8] Các lớp học kỹ năng sống, trại huấn luyện kỹ năng thực hành xã hội, các buổi tọa đàm, tư vấn pháp luật, các mô hình sáng tạo: “Sân chơi cuối tuần”, “Sân chơi cộng đồng” được nhân rộng và hoạt động có hiệu quả từ cấp tỉnh xuống các cơ sở… Các hoạt động trên không chỉ tạo ra các địa chỉ vui chơi bổ ích, an toàn cho thiếu nhi, mà còn góp phần không nhỏ vào việc định hướng các nhu cầu vui chơi giải trí lành mạnh cho trẻ em, giúp các em không bị lôi, kéo sa đà vào các tai tệ nạn xã hội.

Công tác tập hợp thiếu nhi thông qua các cuộc thi vẽ tranh, ngày hội nhằm tuyên truyền, nâng cao kiến thức về an toàn giao thông cho thiếu nhi tiếp tục được các đơn vị tổ chức. Nhiều đơn vị tổ chức cuộc thi với chủ đề “Thiếu nhi với an toàn giao thông” như: Hải Dương, Ninh Bình, An Giang, Tây Ninh, Đắk Lắk… có đơn vị tổ chức các cuộc thi, ngày hội về an toàn giao thông với các hình thức phong phú: rung chuông vàng, các trò chơi vận động - ghép biển báo giao thông như: Phú Yên, Bình Dương…

Mô hình câu lạc bộ phóng viên nhỏ được các đơn vị duy trì có hiệu quả, tiếp tục là sân chơi lành mạnh, bồi dưỡng kỹ năng viết, nói cho thiếu nhi vừa là diễn đàn để các em thể hiện suy nghĩ, tiếng nói của mình. Câu lạc bộ luôn là đội nòng cốt xây dựng các chương trình phát thanh măng non của tỉnh và là tuyên truyền viên tích cực trong nhà trường, trên địa bàn dân cư. Nhiều bài viết của các em được đăng tải trên các tạp chí, báo của Trung ương và đơn vị như: Tạp chí Người phụ trách, báo Thiếu niên Tiền phong, báo Nhi đồng… góp phần đa dạng các chuyên mục trên các báo và các chương trình truyền hình dành cho lứa tuổi thiếu nhi. Các tập san, trang tin tiếp tục được ban biên tập tại các đơn vị quan tâm đổi mới về nội dung và hình thức thể hiện, ngày càng gần gũi với thiếu nhi, thực sự trở thành người bạn của các em; vừa khuyến khích khả năng sáng tác của các em vừa giới thiệu mô hình hoạt động hiệu quả tại cơ sở, góp phần xây dựng tổ chức Đội TNTP Hồ Chí Minh vững mạnh. [9]

Nhiều đơn vị đã chú trọng xây dựng văn hóa đọc cho thiếu nhi thông qua việc đầu tư, nâng cấp thư viện, trang bị thêm nhiều đầu sách thuộc các lĩnh vực phù hợp với lứa tuổi thiếu nhi, thường xuyên tổ chức ngày hội đọc sách, vườn trí thức, phối hợp với thư viện tỉnh mở phòng đọc miễn phí cho thiếu nhi… Bên cạnh việc phục vụ nhu cầu đọc sách tại chỗ, các đơn vị còn thường xuyên tổ chức các tủ sách, túi sách lưu động, đưa sách đến phục vụ thiếu nhi tại các điểm trường, các xã, các điểm văn hoá, vui chơi ở các khu dân cư để các em thiếu nhi có hoàn cảnh khó khăn có điều kiện đọc sách và khám phá tri thức. Mô hình câu lạc bộ đọc sách tiếp tục được duy trì theo hướng mở rộng với nhiều hình thức như: thi kể chuyện theo sách, giao lưu, tọa đàm, đa dạng hóa đầu sách dưới hình thức quyên góp…nhằm động viên, khuyến khích, hình thành thói quen đọc sách trong thiếu nhi.[10]

3. Thực hiện chức năng phát hiện, bồi dưỡng năng khiếu cho thiếu nhi

Công tác phát hiện, bồi dưỡng đào tạo năng khiếu cho thiếu nhi tiếp tục được các Cung, Nhà Thiếu nhi, Trung tâm hoạt động Thanh thiếu nhi duy trì và đẩy mạnh. Trong năm 2015, hệ thống các Cung, Nhà Thiếu nhi, Trung tâm hoạt động Thanh thiếu nhi cả nước đã tổ chức được hơn 10.054 lớp năng khiếu, thu hút hơn 352.984 lượt thiếu nhi tham gia.[11] Mô hình đào tạo các lớp “mầm non năng khiếu”,” bán trú năng khiếu” được một số đơn vị áp dụng thử nghiệm, bước đầu đạt được kết quả tốt, được phụ huynh và ngành giáo dục đánh giá cao

Nhằm nâng cao chất lượng hoạt động và phát triển năng khiếu cho thiếu nhi, ngay từ đầu năm các đơn vị đã hoạch định những mô hình đào tạo phù hợp để áp dụng với điều kiện thực tế của đơn vị, đồng thời phối hợp với các cơ sở Đội tuyển chọn những hạt nhân nòng cốt; thí điểm tổ chức mô hình “mầm non năng khiếu”, “bán trú năng khiếu” thường xuyên và theo kỳ nghỉ hè…

Các lớp bồi dưỡng năng khiếu ngắn hạn, dài hạn được các đơn vị tuyển sinh liên tục. Sau mỗi khóa học có kiểm tra, đánh giá, tổng kết, xếp loại, khen thưởng những học viên xuất sắc. Thông qua các khóa đào tạo này để phát hiện và tuyển chọn những em có năng khiếu vào các câu lạc bộ, đội, nhóm tiếp tục bồi dưỡng tài năng cho các em về âm nhạc, múa, thanh nhạc, bóng bàn, cờ vua, bơi lội, võ thuật… Các lớp học năng khiếu về các loại hình nghệ thuật, thể dục, thể thao, trò chơi dân gian như: hát dân ca, nhạc cụ dân tộc như đàn bầu, sáo trúc, đàn tranh, đàn nguyệt, võ thuật... tiếp tục được các Cung, Nhà Thiếu nhi duy trì, đầu tư xây dựng góp phần giữ gìn bản sắc, giá trị văn hoá dân tộc[12].

Phát huy kết quả của những năm qua, năm 2015, ngoài việc chú trọng mở các lớp đào tạo trong lĩnh vực văn hoá, văn nghệ, thể dục thể thao để tạo phong trào, các Cung, Nhà Thiếu nhi, Trung tâm hoạt động Thanh Thiếu nhi các cấp đã tiếp tục quan tâm đầu tư các bộ môn, các lĩnh vực có tính thiết thực, mang tính chiều sâu, phù hợp với nhu cầu của trẻ em và xu thế phát triển chung như: vi tính, tin học, lớp khiêu vũ quốc tế, dân vũ, Aerobic… đặc biệt là các lớp ngoại ngữ được các đơn vị không ngừng hoàn thiện, đổi mới, phấn đấu theo hướng đạt chuẩn quốc tế về chất lượng được các bậc phụ huynh nhiệt tình ủng hộ.[13]

Công tác phát hiện năng khiếu thông qua các cuộc thi văn nghệ, thể dục thể thao tiếp tục là phương thức được các đơn vị duy trì có hiệu quả. Một số đơn vị áp dụng các hình thức mới trong công tác bồi dưỡng năng khiếu cho thiếu nhi như: tổ chức các buổi gặp mặt, nói chuyện giữa thiếu nhi với các văn, nghệ sỹ nổi tiếng và các cựu cán bộ làm công tác thiếu nhi để ôn lại truyền thống, tiếp nối niềm tin và nhiệt huyết cho thế hệ trẻ.[14]

Các hoạt động hỗ trợ, bồi dưỡng năng khiếu cho thiếu nhi tại vùng sâu, vùng xa, các khu vực khó khăn, không có Nhà Thiếu nhi được các đơn vị quan tâm, triển khai thực hiện thông qua hoạt động của Câu lạc bộ phụ trách, câu lạc bộ khăn hồng tình nguyện tại các Nhà Thiếu nhi và các cuộc liên hoan văn nghệ tại cơ sở. Nhiều Nhà Thiếu nhi cấp tỉnh thường xuyên tổ chức các hoạt động về với thiếu nhi vùng sâu, vùng xa như: Nhà Thiếu nhi Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, Kiên Giang, Trung tâm học tập, sinh hoạt TTN tỉnh Tây Ninh…

Việc chọn cử những giáo viên, cộng tác viên giỏi chuyên môn, vững nghiệp vụ giảng dạy cho các em luôn được các đơn vị quan tâm nhằm đáp ứng yêu cầu ngày càng cao trong công tác đào tạo, bồi dưỡng năng khiếu cho thiếu nhi. Các hoạt động dự giờ, trao đổi phướng pháp, kinh nghiệm giảng dạy, thống nhất, hoàn chỉnh bộ tài liệu chuẩn cho các lớp năng khiếu phù hợp với lứa tuổi của thiếu nhi đã được các đơn vị chú trọng triển khai thực hiện.[15]

Cơ sở vật chất phục vụ cho các lớp đào tạo, bồi dưỡng năng khiếu cho thiếu nhi đã được các đơn vị đầu tư như: phòng học đàn và các bộ môn nhạc cụ dân tộc, phòng học tin học và khai thác công nghệ thông tin, các dụng cụ, đồ dùng học tập các môn thể thao, nghệ thuật…

4. Các hoạt động Quốc tế và công tác xã hội, nhân đạo, từ thiện

Năm 2015, hoạt động giao lưu quốc tế tiếp tục được quan tâm đẩy mạnh, từng bước xây dựng tinh thần giao lưu, học tập, tình đoàn kết hữu nghị trong các hoạt động hợp tác, trao đổi kinh nghiệm với các nước trong và ngoài khu vực. Các hoạt động xã hội, nhân đạo, từ thiện tiếp tục được tổ chức rộng khắp ở Cung, Nhà Thiếu nhi, Trung tâm hoạt động Thanh thiếu nhi trong cả nước theo với tinh thần “Vì đàn em thân yêu” của Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ X, đã trở thành hoạt động thường niên, mang tính thường xuyên, liên tục, góp phần giúp đỡ các em thiếu nhi có hoàn cảnh khó khăn, hỗ trợ các đơn vị vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo trong việc tổ chức các hoạt động chăm lo cho thiếu nhi.

Các đơn vị đã xây dựng kế hoạch trao đổi kinh nghiệm, tổ chức các hoạt động đón tiếp, giao lưu với các nước bạn sang thăm và làm việc với các đơn vị tại địa phương thông qua các hoạt động biểu diễn văn nghệ và tọa đàm. Một số đơn vị còn chủ động đăng ký kết nghĩa với các đơn vị giảng dạy nước ngoài để nâng cao công tác đào tạo, bồi dưỡng của đơn vị.[16]

Nhiều đơn vị tích cực tham gia các đoàn giao lưu, học tập kinh nghiệm tại nước ngoài do Trung ương và tỉnh tổ chức. Thông qua chương trình, các đại biểu đã được trao đổi kinh nghiệm, học tập cách quản lý, mô hình hoạt động của các trung tâm vui chơi, giải trí dành cho thanh thiếu nhi, tìm hiểu nền văn hóa, di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh của các nước.[17]

Nhiều đơn vị đã tổ chức các chương trình giao lưu, biểu diễn nghệ thuật gây quỹ, trao học bổng, tặng quà, phương tiện phục vụ cho sinh hoạt, học tập cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn và trẻ em gặp thiên tai ở các địa phương... Cuộc vận động “Đàn gà Khăn quàng đỏ”, cuộc vận động “Giúp bạn đến trường” do Hội đồng Đội Trung ương phát động được các đơn vị nhiệt tình hưởng ứng và triển khai có hiệu quả.

Các hoạt động miễn phí vui chơi và miễn, giảm học phí các môn năng khiếu cho thiếu nhi có hoàn cảnh khó khăn thường xuyên được các đơn vị duy trì tổ chức như: lớp học tình thương, tặng vé xem phim, vé bơi lội miễn phí dành cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn; các buổi giao lưu, biểu diễn văn nghệ cho trẻ em khuyết tật, trẻ em ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo…[18]

Công tác tham mưu trong việc huy động nguồn lực, tổ chức các hoạt động xã hội dành cho trẻ em ở vùng sâu, vùng xa được tổ chức hiệu quả. Tính đến tháng 12/2015, hệ thống Cung, Nhà Thiếu nhi, Trung tâm hoạt động Thanh thiếu nhi toàn quốc đã huy động được hơn 33,634 tỷ đồng để hỗ trợ thiếu nhi. [19]

5. Công tác tổ chức bộ máy, cán bộ, cơ sở vật chất

Công tác củng cố, xây dựng bộ máy tổ chức các Cung, Nhà Thiếu nhi, Trung tâm hoạt động Thanh thiếu nhi được tăng cường. Các đơn vị đã tiến hành rà soát chất lượng, từ đó điều chỉnh, phân công nhiệm vụ phù hợp với khả năng, năng lực của cán bộ; duy trì đầu tư kinh phí, cử cán bộ tham gia các lớp tập huấn, đào tạo theo chuyên ngành, nâng cao trình độ chính trị và chuyên môn, nghiệp vụ.

Đội ngũ lãnh đạo của hệ thống Nhà Thiếu nhi ngày càng được trẻ hóa, chất lượng được nâng lên rõ rệt, có trình độ quản lý và chuyên môn cao, phần lớn đều trưởng thành từ phong trào, có trình độ đại học và sau đại học. Công tác nâng cao trình độ, năng lực quản lý cho đội ngũ lãnh đạo từ các phòng được các đơn vị chú trọng; thường xuyên cử cán bộ tham gia học tập trong các khóa học quản lý.

Các hoạt động rà soát, đánh giá, phân loại cán bộ được các đơn vị định kỳ kiểm tra vào đầu năm góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ năng động, nhiều sáng tạo trong việc tổ chức hoạt động, nâng cao hiệu quả hoạt động của các đơn vị.

Đội ngũ cộng tác viên được các đơn vị tuyển chọn với các tiêu chí riêng, phù hợp với đặc điểm của từng địa phương, đơn vị. Những kết quả hoạt động đạt được trong thời gian qua của các Nhà Thiếu nhi đã phản ánh sinh động chất lượng của đội ngũ cán bộ, cộng tác viên đang công tác tại các đơn vị hiện nay.

Công tác chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho cán bộ, cộng tác viên cũng được các đơn vị chú trọng, đảm bảo đúng quyền lợi cho người lao động, xây dựng nội bộ đoàn kết trong cơ quan.

Các Cung, Nhà Thiếu nhi tiếp tục tích cực tham mưu thực hiện Quyết định số 2164/QĐ - TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 11/11/2013 về Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở giai đoạn 2013 - 2020; chủ động trong tham mưu tổ chức tốt các hoạt động vui chơi, giải trí cho thiếu nhi tại địa phương với nhiều hoạt động thiết thực, phù hợp với từng đối tượng thiếu nhi và điều kiện kinh tế xã hội của địa phương; tham mưu với các cấp uỷ Đảng, chính quyền, Đoàn thanh niên tại địa phương trong việc hỗ trợ nguồn lực, cơ sở vật chất phục vụ hoạt động của các đơn vị và xây dựng quy hoạch hệ thống Nhà Thiếu nhi cấp huyện.[20]

Nhiều đơn vị đã chủ động khai thác các nguồn lực xã hội và công tác xã hội hóa các hoạt động phục vụ nhu cầu vui chơi, giải trí cho thiếu nhi, phạm vi quy mô nâng cao chất lượng hoạt động, tăng cường các hoạt động mang tính sáng tạo hiện đại như các hoạt động khoa học kỹ thuật, công nghệ thông tin; chủ động tham mưu và xã hội hóa, vận động các đơn vị hỗ trợ kinh phí nâng cấp sửa đổi và đầu tư mới nhiều hạng mục phục vụ cho các hoạt động của đơn vị.[21]

III. ĐÁNH GIÁ CHUNG

1. Ưu điểm

Các Cung, Nhà Thiếu nhi, Trung tâm hoạt động Thanh thiếu nhi đều bám sát chương trình công tác năm của Hội đồng Đội Trung ương, chú trọng tổ chức các hoạt động gắn với thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu công tác đã đề ra.

Các hoạt động tập trung, cấp khu vực được triển khai với quy mô lớn, đầu tư, dàn dựng công phu, tạo dư luận xã hội tốt, để lại dấu ấn cho thiếu nhi.

Chất lượng hoạt động của các đơn vị khá đồng đều, đảm bảo thực hiện các yêu cầu, nhiệm vụ của địa phương, đơn vị.

Việc giao lưu, kết nghĩa giữa các đơn vị tiếp tục được duy trì, nhân rộng, tạo sự gắn bó giữa các đơn vị, góp phần nâng cao chất lượng hoạt động trong toàn hệ thống.

Các đơn vị đã phát huy tốt vai trò nòng cốt trong việc tổ chức các hoạt động tại địa phương và nâng cao hiệu quả sử dụng và phát huy tối đa công năng của các cơ sở vật chất tại các đơn vị.

2. Tồn tại, hạn chế

Việc đầu tư xây dựng và định hướng hoạt động hệ thống Cung, Nhà Thiếu nhi, Trung tâm hoạt động Thanh thiếu nhi ở một số đơn vị còn yếu, dẫn tới chưa phát huy hết tiềm năng của các Cung, Nhà Thiếu nhi, Trung tâm hoạt động Thanh thiếu nhi.

Một số địa phương, các Nhà Thiếu nhi cấp huyện có quyết định thành lập nhưng không có trụ sở, cơ sở vật chất, có nơi có bộ máy, có trụ sở nhưng chưa đi vào hoạt động, nhiều đơn vị để cơ sở vật chất hư hỏng, xuống cấp; trình độ cán bộ quản lý chưa phù hợp, chưa đáp ứng được yêu cầu. Nhiều đơn vị chỉ có Nhà Thiếu nhi cấp tỉnh, chưa có Nhà Thiếu nhi cấp huyện nên sân chơi cho các em ở vùng sâu, vùng xa còn thiếu, vẫn còn sự chênh lệch giữa thiếu nhi thành thị và nông thôn...     

Cơ sở vật chất, trang thiết bị của một số Cung, Nhà Thiếu nhi, Trung tâm hoạt động Thanh thiếu nhi xuống cấp, ảnh hưởng lớn đến việc nâng cao chất lượng và khả năng đáp ứng nhu cầu sinh hoạt, học tập của thiếu nhi. Việc duy trì, bảo dưỡng, kiểm tra, sửa chữa trang thiết bị hoạt động thiếu đồng bộ. Trang thiết bị để triển khai hoạt động giáo dục ở bộ môn ngoại ngữ, tin học, năng khiếu ở một số đơn vị còn thiếu, gây khó khăn cho các đơn vị trong việc triển khai đào tạo các bộ môn này.

Đội ngũ cán bộ Nhà Thiếu nhi dù được quan tâm, nhưng ở nhiều đơn vị còn thiếu, chưa đủ để thực hiện các nhiệm vụ của đơn vị; một số đơn vị còn duy trì mô hình lãnh đạo kiêm nhiệm nên không đủ quỹ thời gian cho hoạt động của Nhà Thiếu nhi.

Hoạt động vui chơi, giải trí cho thiếu nhi nghèo, thiếu nhi có hoàn cảnh khó khăn có nơi chưa được tổ chức thường xuyên, liên tục. Hầu hết các đơn vị đều chưa quan tâm đầu tư nhiều trong việc phát hiện, bồi dưỡng năng khiếu cho thiếu nhi dân tộc ở những vùng khó khăn. Hoạt động ở một số Cung, Nhà Thiếu nhi trong những dịp cao điểm như dịp hè, dịp lễ, tết không đáp ứng đủ nhu cầu của thiếu nhi.

Kinh phí tự chủ của các đơn vị còn hạn chế, nguồn thu chủ yếu thông qua các lớp tuyển sinh năng khiếu; các điểm vui chơi tư nhân ngày càng phát triển gây khó khăn cho các đơn vị trong thu hút, tập hợp thiếu nhi.

Các hoạt động cấp khu vực vẫn có tình trạng đơn vị đăng ký nhưng không tham gia, nội dung tham gia không đúng quy định gây khó khăn cho đơn vị đăng cai hoạt động.

Năm 2015, hoạt động của hệ thống các Cung, Nhà Thiếu nhi, Trung tâm hoạt động Thanh thiếu nhi các cấp trong cả nước có bước phát triển khá toàn diện, tổ chức hoạt động có quy mô, cách làm sáng tạo, bám sát chủ đề công tác năm đem lại hứng thú cho các em học sinh. Công tác tuyên truyền, giáo dục truyền thống được quan tâm, đẩy mạnh; các hoạt động phối hợp, xã hội hóa, vận động nguồn lực để tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao, hỗ trợ các em trong đời sống tiếp tục duy trì thường xuyên, kịp thời, từng bước trở thành “Ngôi nhà chung” của thiếu nhi; là trung tâm giáo dục ngoài nhà trường, góp phần thực hiện có hiệu quả công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục thiếu niên, nhi đồng.

 

Nơi nhận:

- Ban Bí thư TWĐ (để báo cáo);

- Bộ VHTT&DL, Bộ GD&ĐT

- Bộ LĐTB & XH (để p/h);

- Các đ/c UV HĐĐTW;

- HĐĐ các tỉnh, thành phố;

- Cung, NTN, TTHĐTTN các tỉnh, TP;

- Lưu VP HĐĐTW.

TM. HỘI ĐỒNG ĐỘI TRUNG ƯƠNG

CHỦ TỊCH

(Đã ký)

Nguyễn Long Hải

Bí thư BCH Trung ương Đoàn



[1] NTN Yên Bái tham mưu tổ chức 03 lớp tập huấn cho 110 cán bộ và 170 em thiếu nhi thuộc BCH Liên – Chi đội, NTN Việt Đức (Nghệ An) tổ chức 23 lớp tập huấn cho 500 đội viên và 150 cán bộ phụ trách, NTN Đồng Nai thành lập Hội đồng huấn luyện tổ chức 08 lớp tập huấn “Kỹ năng làm lớp trưởng, Chi đội trưởng” cho 1003 em đội viên, NTN Lâm Đồng tổ chức Hội trại huấn luyện kỹ năng hoạt động Đội cho 250 cán bộ phụ trách và đội viên, NTN Tiền Giang tổ chức 11 lớp tập huấn cho 360 TPT Đội cấp tỉnh và 02 chuyên đề công tác thiếu nhi cho 162 cán bộ phụ trách, NTN TP Hồ Chí Minh tổ chức trại công nhận huấn luận viên công tác Đội thành phố lần I, NTN Quảng Trị phối hợp với HĐĐ tỉnh tổ chức hội thảo” Thực trạng và giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động NTN các cấp”; NTN Cà Mau ra mắt Câu lạc bộ kỹ năng Nhà Thiếu nhi….                                  

[2] NTN Hà Giang xây dựng và biểu diễn màn đồng diễn Nghi thức Đội với chủ đề “Những mầm non trên đá”, Nhà Thiếu nhi Đồng Nai duy trì hoạt động hướng dẫn Nghi thức Đội cho các địa phương trong tỉnh…

[3] NTN Thái Nguyên tổ chức liên hoan nghệ thuật măng non “Em là mầm non của Đảng”, NTN Phú Thọ tổ chức dạ hội “Thiếu nhi đất Tổ tiến bước dưới cờ Đoàn”, đội nghệ thuật măng non CTN Hải Phòng tham gia biểu diễn 60 chương trình phục vụ các nhiệm vụ chính trị của thành phố, Nhà VHTN TP Thanh Hóa liên tục phục vụ nghệ thuật cho “Chuỗi các hoạt động văn hóa” phục vụ năm Du lịch quốc gia tại Thanh Hóa, Trung tâm hoạt động TTN tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức chương trình nghệ thuật “Nắng tháng ba” và khai mạc tuần lễ văn hóa thể thao thanh thiếu nhi tỉnh Thừa thiên Huế, NTN Đà Nẵng tổ chức Hội thi văn nghệ “Em hát cùng mùa xuân”, NTN Đồng Tháp tổ chức Hội thi vẽ tranh “Khai bút mừng xuân Ất Mùi”, Trung tâm sinh hoạt TTN Trà Vinh tổ chức đêm hội “Hoa xuân đất nước”, TT hoạt động TTN Vĩnh Long tổ chức sinh hoạt truyền thống “Tự hào chiến thắng vinh quang”, triển lãm hơn 700 hình ảnh về Đảng, Bác Hồ, biển đảo quê hương, đất nước và địa phương nhân kỷ niệm 40 năm ngày giải phóng miền Nam. Các đơn vị triển khai tốt cuộc thi “Áng tem thư kể chuyện Bác Hồ” , “Chúng em kể chuyện Bác Hồ”: Yên Bái, Thanh Hóa, Tiến Giang, Sóc Trăng, Kiên Giang, Đồng Tháp, Đồng Nai……

[4] Giải Thể dục Aerobic và khiêu vũ thể thao thiếu nhi toàn quốc có 15 đội thể dục Aerobic và 45 đôi nhảy Khiêu vũ thể thao với sự tham gia của 200 vận động viên thiếu nhi, huấn luyện viên, cán bộ phụ trách thiếu nhi đến từ 17 đơn vị; Liên hoan nghệ thuật nghệ thuật các Cung, Nhà Thiếu nhi, Trung tâm hoạt động Thanh thiếu nhi khu vực phía Bắc tại Hà Nội với sự tham gia của hơn 200 em đến từ 27 tỉnh, thành phố; Liên hoan Tiếng kèn Đội ta khu vực phía Bắc tại Lạng Sơn có 26 đơn vị tham gia; Liên hoan Văn hóa thiếu nhi các dân tộc khu vực phía Nam tại Ninh Thuận với sự tham gia của hơn 1000 thiếu nhi và phụ trách của 22 đơn vị; Liên hoan Búp Sen hồng lần thứ XXI tại Đà Nẵng với sự tham gia của hơn 2000 thiếu nhi và phụ trách của 42 đơn vị phía Nam. …

[5] Tiêu biểu nhu: CTN Hà Nội, NTN Hà Giang, NTN Điện Biên, NTN Quảng Trị, NTN Khánh Hòa, NTN Bình Dương,… Trung tâm hoạt động TTN Vĩnh Phúc tham mưu tỉnh đoàn xây dựng kế hoạch tổ chức “Liên hoan dân vũ tỉnh Vĩnh Phúc lần thứ I năm 2015, Trung tâm TTN Thừa Thiên Huế tổ chức ngày hội “Tôi yêu tổ quốc tôi” xếp hình cờ tổ quốc từ 1.200 đoàn viên, NTN Gia Lai tổ chức 02 cuộc giao lưu “Dân vũ học đường” cho học sinh khối Tiểu học và THCS, NTN Đồng Nai tổ chức “Liên hoan dân vũ, múa tập thể”, “Liên hoan các nhóm nhảy hiện đại”, TP Hồ Chí Minh tổ chức Liên hoan Thể dục cổ động quy tụ gần 680 thiếu nhi của 24 quận, huyện tham gia, Nhà thiếu nhi Cà Mau tổ chức Liên hoan dân vũ “Vũ điệu tuổi thơ”...

[6] CTN Hà Nội tổ chức giải cờ vua thiếu nhi Hà Nội mở rộng lần thứ IV; NTN Hồ Chí Minh tổ chức Liên hoan võ nhạc các Nhà Thiếu nhi quận, huyện; NTN Hòa Bình tổ chức giải bóng bàn chào Xuân cho 53 em đại diện các câu lạc bộ trên thành phố; TT HĐTTN tỉnh Bình Định tổ chức giải bóng đá thiếu niên tỉnh Bình Định tranh cúp FLC lần thứ I, năm 2015; NTN Đồng Nai tổ chức giải Taekwondo mở rộng năm 2015; Nhà VHTN Đắk Lắk tổ chức giải bóng đá Fustal thiếu niên các lớp năng khiếu và các câu lạc bộ thể thao …

[7] NTN Lâm Đồng đầu tư hơn 120.000.000đ để bổ sung các trang, thiết bị vui chơi ngoài trời cho thiếu nhi; TTHĐTTN tỉnh Vĩnh Long đề nghị bổ sung, thay mới dụng cụ trò chơi nhà banh, thay kính phòng múa…NTN Đồng Nai tổ chức Hội thi Sáng tạo robot năm 2015 và Hội thi “Sáng tạo đồ chơi từ phế liệu”, Tp Hồ Chí Minh tổ chức Hội thi lập trình và lắp ráp robot, CTN Hà Nội tổ chức Hội thi Sáng tạo kỹ thuật công nghệ và Ngày hội Khoa học kỹ thuật thiếu nhi thủ đô lần thứ  I, Tây Ninh tổ chức 01 lớp dạy nghề kỹ thuật cho 60 học viên …

[8] TT VHTT TTN tỉnh Tuyên quang tổ chức “Trại huấn luyện kỹ năng sinh hoạt hè trên địa bàn dân cư năm 2015”, NTN Kim Đồng tổ chức miễn phí lớp rèn luyện kỹ năng sống với chủ đề “Chìa khóa thành công”, Trung tâm TTN tỉnh Ninh Bình tổ chức 03 khóa học kỹ năng sống “Học làm người có ích” thu hút gần 500 thiếu nhi tham gia, NTN Bình Thuận tổ chức Trại hè “Rèn luyện kỹ năng sống”, NTN Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức 7 trại kỹ năng công tác Đội, Nhà Thiếu nhi Gia Lai tổ chức 02 chương trình “Ngày kỹ năng” cho các em thiếu nhi Tiểu học, Nhà VHTTN tỉnh Đắk Lắk tuyển chọn được 02 em tham gia khóa huấn luyện hành trình “Lãnh đạo trẻ tương lai” do HĐĐ tỉnh tổ chức, NTN An Giang tổ chức trò chơi lớn cấp tỉnh với chủ đề “Tuổi trẻ thế hệ Bác Hồ” nhân dịp kỷ niệm 125 năm ngày sinh nhật Bác, NTN Long An tổ chức “Sân chơi chủ điểm”, NTN Bắc Giang , NTN Bình Thuận tổ chức Liên hoan các đội tuyên truyền măng non, Trung tâm học tập sinh hoạt TTN Tây Ninh tổ chức hội trại tâp huấn kỹ năng “chúng em là chiến sỹ giải phóng quân”…

[9] NTN Bắc Giang phát hành bản tin “Ngôi nhà tuổi thơ”, NTN Yên Bái với “Bản tin thiếu nhi Yên Bái”, NTN Quảng Bình tổ chức Trại hè Phóng viên nhỏ, CTN Lào Cai phát hành 2400 cuốn “Bản tin tuổi hoa Lào Cai”, TT hoạt động TTN Vĩnh Phúc phát hành và cấp miễn phí 700 cuốn bản tin Măng non Vĩnh Phúc, NTN Việt Đức với tập san “Tuổi hoa thành Vinh”, NTN Quảng Trị phát hành bản tin “Mầm xanh”; NTN Quảng Ngãi phát hành 300 bản tin “Tuổi thơ Quảng Ngãi – Xuân Ât Mùi”, TT hoạt động TTN tỉnh Bình Định phối hợp với Hội văn học nghệ thuật tỉnh tổ chức “Trại sáng tác văn học, nghệ thuật trẻ cho thanh thiếu niên”, NTN Đồng Nai tổ chức Trại sáng tác thơ văn tuổi học trò tỉnh Đồng Nai lần thứ VI, in ấn và phát hành 500 tập san giới thiệu các tác phẩm đạt giải cao của trại…

[10] NTN Hà Giang phối hợp với thư viện tỉnh mở phòng đọc miễn phí cho thiếu nhi trong 02 tháng hè, NTN Sơn La phối hợp với các đơn vị tổ chức Ngày hội đọc sách chào mừng 40 năm thống nhất đất nước với chủ đề “Đọc sách cho ngày mai”, Trung tâm hoạt động TTN Hà Tĩnh duy trì và nâng cao chất lượng hoạt động của Câu lạc bộ thơ văn Hoa thạch thảo, TP Hồ Chí Minh duy trì sân chơi “Sách - kho tàng kiến thức” vào sáng chủ nhật cuối tháng….

[11]CTN Lào Cai tổ chức 44 lớp/17 bộ môn năng khiếu (tăng 4 lớp so với năm 2014), NTN Bình Thuận tổ chức 193 lớp với 29 bộ môn năng khiếu thu hút 3.595 thiếu nhi tham gia, Lâm Đồng tổ chức 464 lớp với 17 bộ môn, TT HĐ TTN Vĩnh Long tổ chức 491 lớp thu hút 9.747 lượt học viên, TT học tập sinh hoạt TTN Tây Ninh mở 166 lớp năng khiếu với gần 3000 học viên …

[12]Tiêu biểu là các NTN Hà Giang, Yên Bái, Bắc Giang, Hưng Yên, Gia Lai, Cao Bằng, Kom Tum, Bình Thuận, Lâm Đồng, Bà Rịa  Vũng Tàu, Tây Ninh …

[13] NTN Phùng Ngọc Liêm phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Bạc Liêu cùng các huyện, thị xã đưa loại hình năng khiếu Aerobic và giáo dục kỹ năng sống vào các trường mầm non, tiểu học và trung học co sở trên toàn tỉnh, TT TTN Thừa Thiên Huế phối hợp với nhóm ETA4 - English Throuh Academics athietvcs and the Art abroad (Hoa Kỳ) tổ chức dạy tiếng Anh miễn phí cho gần 1000 thiếu nhi, NTN Khánh Hòa giảng dạy theo bản quyền của Cambridge English – là cơ sở giảng dạy có số học viên đông nhất và chất lượng cao nhất của tỉnh...

[14]CTN Hà Nội tổ chức Ngày hội Vòng tay yêu thương cho trẻ em mắc chứng tự kỷ thu hút gần 1000 thiếu nhi và phụ huynh, NTN Hòa Bình tổ chức cuộc thi vẽ tranh “Em yêu biển đảo Việt Nam, yêu quê hương Hòa Bình”, NVHTN Đắk Lắk thử nghiệm chương trình “Ứng phó với tình huống nguy hiểm”, NTN Điện Biên tổ chức Hội thi “Tiếng hát măng non tỉnh Điện Biên lần thứ I”, NTN Bến Tre tổ chức sân chơi kỹ năng “Ngày hội toàn thắng”, NTN Gia Lai tổ chức Ngày hội trò chơi dân gian, NTN Đồng Tháp tổ chức Hội trại thể thao văn hóa cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, NTN Đồng Nai tổ chức tìm hiểu Luật bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em sửa đổi, chuyên đề Kỹ năng giao tiếp học đường, nhiều đơn vị phối hợp với Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tổ chức diễn đàn Lắng nghe trẻ em nói như: Vĩnh Phúc, Ninh Kiều (Cần Thơ), Phú Yên, Đắk Nông, NTN thành phố Hồ Chí Minh duy trì phòng tư vấn tâm lý cho thiếu nhi, Tây Ninh phối hợp với các đơn vị tổ chức tư vấn chăm sóc sức khỏe cộng đồng…

[15] TP Hồ Chí Minh bước đầu hoàn thiện và thống nhất chương trình giảng dạy các lớp năng khiếu tại NTN và triển khai đến 24 NTN quận huyện với 6 bộ môn…

[16] TT HĐTTN Vĩnh Phúc tiếp đón và giao lưu với đoàn đại biểu thiếu niên Liên Bang Nga; CTN Hà Nội tổ chức chương trình giao lưu, trao đổi kinh nghiệm về mô hình đào tạo ngoài nhà trường với đoàn phụ trách thiếu nhi Viêng Chăn – Lào, phối hợp cùng Trung tâm Văn hóa Hàn Quốc tại Việt Nam tổ chức chương trình giao lưu văn hóa Việt Hàn…; NVHTN Việt Đức thăm và làm việc với Trường Nghệ thuật thiếu nhi Bareben (Đức) và ký biên bản ghi nhớ tiến tới kết nghĩa với Nhà hát OK-Live và Trường nghệ thuật thiếu nhi Barleben (Đức); TT hoạt động TTN tỉnh Bình Định tham gia hoạt động tập huấn kỹ năng do tỉnh đoàn phối hợp với Trường Giáo dục kỹ năng sống Outward Bound Việt Nam và trường Giáo dục kỹ năng sống Outward Bound Singapore tổ chức; NTN TP Hồ Chí Minh tiếp đón và giao lưu với thành đoàn thành phố Thượng Hải – Trung Quốc;  TTHĐ TTN Phú Yên giao lưu với đoàn thiếu nhi nước Nga …

[17]  Tiêu biểu như: Hải Dương, Kiên Giang, Bà Rịa - Vũng Tàu….

[18] NTN Hải Dương phát hành 12.000 vé bơi và 2000 vé vui chơi miễn phí cho thiếu nhi toàn tỉnh; NTN Hà Nam giảm 50% học phí cho con các gia đình chính sách, hộ nghèo; NTN Quảng Bình miễn giảm học phí cho 400 thiếu nhi có hoàn cảnh khó khăn, trao 350 phần quà trị giá 175 triệu đồng…

[19] CTN Lào Cai vận động xây nhà bán trú cho học sinh xã Tả Thắng, huyện Mường Khương, Lào Cai với tổng số tiền 60 triệu đồng; NTN Hòa Bình tổ chức giao lưu văn nghệ, tặng quà cho 50 thiếu nhi khó khăn huyện Cao Phong, TT hoạt động TTN tỉnh Ninh Bình tổ chức chương trình “Khăn hồng tình nguyện” – thăm, tặng quà cho thiếu nhi nghèo và gia đình chính sách tổng trị giá 20 triệu đồng; Thừa Thiên Huế tặng quà cho 1000 thiếu nhi có hoàn cảnh khó khăn, khuyết tật, trẻ chịu ảnh hưởng chất độc da cam – dioxin; NTN Khánh Hòa vận động các đơn vị tặng quà cho trẻ em cơ nhỡ nhân dịp Tết Trung thu cho 1000 em tại các mái ấm trên toàn tình tổng giá trị 300 triệu; Phú Yên nhận đỡ đầu 8 em học sinh có hoàn cảnh khó khắn với tổng trị giá 10,5 triệu đồng; Đắk Lắk vận động trao 50 suất học bổng “Tiếp sức đến trường”; Ban Chủ nhiệm CLB Nghiệp vụ phía Nam tặng công trình “Vì đàn em thân yêu” trị giá 40 triệu đồng/công trình cho thiếu nhi nghèo tỉnh Cao Bằng, Bình Định và Bạc Liêu; NTN Cà Mau tặng 10 chiếc xe đạp (mỗi chiếc trị giá 1.150.000đ), NTN Bà Rịa - Vũng Tàu trao tặng 50 chiếc xe đạp với tổng trị giá 62.500.000đ cho thiếu nhi nghèo nhân dịp 1/6; NTN TP Hồ Chí Minh cùng NTN An Giang đã tổ chức chuyến công tác xã hội phục vụ vui chơi và tặng quà cho thiếu nhi huyện Tịnh Biên và huyện Tri Tôn tỉnh An Giang với tổng trị giá 140 triệu đồng…

[20] TP Hồ Chí Minh xây dựng trụ sở mới cho 05 NTN với kinh phí từ 60 tỷ đến 143 tỷ, các NTN cấp huyện tại Đồng Nai được sửa chữa, nâng cấp; An Giang đã hoàn thiện đề án xây dựng hệ thống Nhà Thiếu nhi cấp huyện...

[21] CTN Hà Nội trang trí lại khuôn viên ngoài trời chào mừng kỷ niệm 60 năm ngày thành lập, NTN Yên Bái được UBND tỉnh phê duyệt dự án “Cải tạo, nâng cấp, mở rộng diện tích vui chơi khuôn viên NTN”, NTN TP Hồ Chí Minh vinh dự đón tượng Bác Hồ với thiếu nhi từ UBND TP về NTN, nâng cấp nhà truyền thống thành nhà truyền thống Đội TNTP Hồ Chí Minh thành phố HCM; Nhà VHTN tỉnh Băc Giang đầu tư, nâng cấp 01 sân bóng đá mini cỏ nhân tạo; Trung tâm TTN tỉnh Ninh Bình được đầu tư 01 bộ loa máy trị giá hơn 800 triệu đồng; NTN Việt Đức được đầu tư, nâng cấp, cải tạo hội trường, lắp đặt điều hòa…với mức kinh phí hơn 1,8 tỷ đồng; Trung tâm học tập, sinh hoạt TTN Tây Ninh trang bị thêm cơ sở vật chất (sân khấu lắp ráp, đèn sân khấu…) và sửa chữa các vật dụng, cơ sở hạ tầng với tổng kinh phí hơn 166 triệu đồng từ nguồn thu sự nghiệp của đơn vị…