ĐỘI TNTP HỒ CHÍ MINH

HỘI ĐỒNG TRUNG ƯƠNG

***

          Số: 203 - CTr/HĐĐTW

 

          Hà Nội, ngày 24 tháng 8 năm 2018

CHƯƠNG TRÌNH

Công tác Đội và phong trào thiếu nhi năm học 2018 – 2019

Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ XI; trên cơ sở chương trình phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Chương trình công tác đoàn, phong trào thanh thiếu nhi năm 2018, định hướng công tác năm 2019 của Ban Bí thư Trung ương Đoàn, Hội đồng Đội Trung ương ban hành Chương trình công tác Đội và phong trào thiếu nhi năm học 2018 – 2019, cụ thể như sau:

  1. CHỦ ĐỀ NĂM HỌC

Thiếu nhi Việt Nam

Học tập tốt, rèn luyện chăm

 

II. TRỌNG TÂM CÔNG TÁC

1. Triển khai hiệu quả các giải pháp về công tác phụ trách Đội TNTP Hồ Chí Minh và bảo vệ, chăm sóc, giáo dục thiếu niên, nhi đồng trong Nghị quyết Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ XI. Thúc đẩy việc lắng nghe tiếng nói, nguyện vọng của trẻ em; kịp thời lên tiếng trước các hành vi vi phạm quyền và xâm hại trẻ em.

2. Tổ chức cho thiếu nhi thực hiện tốt phong trào“Thiếu nhi Việt Nam thi đua làm theo 5 điều Bác Hồ dạy” trong đó tập trung các giải pháp tạo môi trường để thiếu nhi thi đua trong học tập và rèn luyện.

3. Triển khai Chương trình “Rèn luyện đội viên” giai đoạn 2018 – 2022.

4. Tăng cường các giải pháp nâng cao chất lượng cho đội ngũ cán bộ chỉ huy Đội và phụ trách Đội.

5. Tập trung xây dựng, củng cố, chấn chỉnh, nâng cao chất lượng tổ chức, hoạt động Đội trong và ngoài nhà trường, nhất là Hội đồng Đội cấp xã. Phát huy vai trò của hệ thống Nhà Thiếu nhi các cấp trong thực hiện chức năng phương pháp công tác Đội.

III. MỘT SỐ CHỈ TIÊU NĂM HỌC 2018 – 2019

1. 100% liên đội tổ chức cho các em đội viên, thiếu nhi đến với địa chỉ đỏ.

2. Mỗi Liên đội hỗ trợ ít nhất 10 thiếu nhi; mỗi quận, huyện, thị thành hỗ trợ ít nhất 50 thiếu nhi; mỗi tỉnh, thành phố hỗ trợ ít nhất 200 thiếu nhi có hoàn cảnh khó khăn.

3. Mỗi Hội đồng Đội cấp huyện xây dựng mới được ít nhất 01 điểm sinh hoạt, vui chơi cho thiếu nhi trên địa bàn.

4. 100% Liên đội thành lập và tổ chức hoạt động hiệu quả Câu lạc bộ tuyên truyền về phòng, chống đuối nước và tai nạn, thương tích trẻ em. Thành lập 100 tủ sách hướng dẫn kỹ năng an toàn cho thiếu nhi.

5. 100% Hội đồng Đội cấp huyện và cấp tỉnh tổ chức tập huấn nâng cao năng lực thực hiện quyền trẻ em cho cán bộ Chỉ huy Đội và thiếu nhi nòng cốt.

6. Hội đồng Đội cấp tỉnh có ít nhất 01 công trình “Vì đàn em thân yêu”.

7. 100% Hội đồng Đội cấp tỉnh có mô hình, hoạt động tổ chức các hoạt động trải nghiệm, thúc đẩy phong trào “Em yêu khoa học”, “giờ ra chơi trải nghiệm, sáng tạo” cho thiếu nhi.

8. Hội đồng Đội cấp tỉnh tổ chức ít nhất 01 hoạt động cho thiếu nhi gặp gỡ, tiếp xúc với lãnh đạo cấp ủy, chính quyền, đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân.

IV. NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP                  

1. Triển khai thực hiện phong trào “Thiếu nhi Việt Nam thi đua làm theo 5 điều bác Hồ dạy”

1.1. Thiếu nhi Việt Nam – Yêu tổ quốc, yêu đồng bào

- Giáo dục thiếu nhi hiểu biết về lịch sử, truyền thống cách mạng của dân tộc, của Đảng Cộng sản Việt Nam, của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Đội TNTP Hồ Chí Minh và của địa phương gắn với các hoạt động “Hành trình đến các địa chỉ đỏ” trong các dịp kỷ niệm ngày lễ lớn trong năm. Đa dạng hóa các hình thức giới thiệu về di tích lịch sử, cách mạng, các nhân vật lịch sử trên kênh thông tin của Đoàn, Đội. Triển khai cuộc thi xây dựng MV hát quốc ca tại các địa chỉ đỏ với chủ đề “Em yêu Tổ quốc Việt Nam”. Tổ chức các hoạt động diễn đàn “Thiếu nhi Việt Nam – Vâng lời Bác dạy” gắn với các hoạt động kỷ niệm 50 năm thực hiện Di chúc của Bác Hồ; kỷ niệm 100 năm ngày sinh đồng chí Đức Thanh.

- Phối hợp với ngành giáo dục và đào tạo chỉ đạo các liên đội thống nhất thực hiện lễ chào cờ theo nghi thức Đội TNTP Hồ Chí Minh, sinh hoạt Liên đội dưới cờ hằng tuần để giáo dục, định hướng cho thiếu nhi về tình yêu quê hương, đất nước. Tuyên truyền, giáo dục về chủ quyền biển đảo cho thiếu nhi. Phát động, triển khai và hướng dẫn thiếu nhi có những việc làm cụ thể hướng về biển đảo; thăm hỏi, động viên cán bộ, chiến sĩ đang làm nhiệm vụ và thiếu nhi sinh sống tại các đảo và quần đảo của Việt Nam.

- Hướng dẫn thiếu nhi tích cực tham gia công tác “Trần Quốc Toản”, tri ân người có công, chia sẻ cùng bạn có hoàn cảnh khó khăn, tích cực tham gia các hoạt động an sinh xã hội.

1.2. Thiếu nhi Việt Nam – Học tập tốt, lao động tốt

- Phối hợp với ngành giáo dục và đào tạo tổ chức các hoạt động định hướng cho thiếu nhi thực hiện nghiêm túc nề nếp học đường; giữ kỷ luật trong giờ học, trung thực trong thi cử; phát huy tính chủ động, sáng tạo và đề cao vai trò tự học tập, tu dưỡng, tự rèn luyện của mỗi đội viên, thiếu nhi. Tiếp tục duy trì và nâng cao hiệu quả hoạt động của các câu lạc bộ, đội, nhóm học tập; khuyến khích thiếu nhi tích cực, chủ động trang bị ngoại ngữ và kiến thức xã hội.

- Tổ chức các phong trào, hoạt động thi đua học tốt; hướng dẫn các em phát huy khả năng sáng tạo trong các hoạt động giờ ra chơi trải nghiệm; tích cực, chủ động trang bị những kiến thức về ngoại ngữ, tin học; phát huy tính sáng tạo, đam mê nghiên cứu khoa học của thiếu nhi thông qua các hoạt động giờ ra chơi trải nghiệm sáng tạo trong các liên đội, cuộc thi “Em yêu khoa học”, cuộc thi “Sáng tạo trẻ”, “Tin học trẻ”, “Hành trình khoa học”; định hướng cho các em sử dụng, khai thác Internet phục vụ nhu cầu học tập, giải trí lành mạnh.

- Tổ chức các hoạt động hình thành thói quen đọc sách, phát triển văn hóa đọc trong thiếu nhi; triển khai chương trình “Đọc sách cho tương lai”; trang bị tủ sách măng non cho các liên đội vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo; tiếp tục tổ chức trại sáng tác thơ văn tuổi học trò.

- Đa dạng hóa các hình thức định hướng nghề nghiệp, trải nghiệm nghề nghiệp cho học sinh bậc trung học cơ sở, định hướng các em lựa chọn trường phù hợp với năng khiếu, năng lực của mình.

- Phát triển các loại hình câu lạc bộ văn hoá, văn nghệ, thể dục thể thao, các đội tuyên truyền măng non trong nhà trường, ở các Nhà thiếu nhi và ở địa bàn dân cư, tạo môi trường lành mạnh, an toàn để thiếu nhi sinh hoạt, rèn luyện sức khoẻ, phát triển năng khiếu. Lồng ghép nội dung giáo dục văn hóa dân gian vào trong các hoạt động, sinh hoạt của Đội. Khuyến khích các em tìm hiểu và học các câu hò, điệu hát dân ca của địa phương, hướng dẫn các em tham gia các trò chơi dân gian, các hoạt động vui chơi bổ ích, an toàn trong các dịp quốc tế thiếu nhi 1/6, Tết Trung thu…

- Nhân rộng các mô hình mới trong rèn luyện kỹ năng xã hội cho thiếu nhi, tập trung vào các kỹ năng tự bảo vệ bản thân và kỹ năng thoát hiểm khi gặp tình huống khẩn cấp. Tiếp tục nâng cao chất lượng và triển khai các mô hình giáo dục kỹ năng có hiệu quả như: „Học kỳ quân đội“, „Học kỳ công an“, trại kỹ năng“Trải nghiệm để trưởng thành”,“Trải nghiệm sáng tạo khoa học”. Phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể triển khai hiệu quả đề án “Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh tham gia phòng, chống đuối nước cho trẻ em”. Đa dạng hoá các loại hình hoạt động, sinh hoạt văn hoá, thể thao, vui chơi giải trí cho thiếu nhi tại nơi công cộng, khu dân cư, khu tập thể. Thực hiện đồng bộ việc bàn giao quản lý trẻ em trong dịp hè, phòng chống đuối nước và tai nạn thương tích tại các địa phương đơn vị.

1.3. Thiếu nhi Việt Nam – Đoàn kết tốt, kỷ luật tốt

- Tổ chức các hoạt động kỷ niệm 60 năm phong trào “Kế hoạch nhỏ”; nghiên cứu đổi mới nội dung, hình thức triển khai phong trào, nâng cao hiệu quả các hoạt động giáo dục thiếu nhi về ý thức tiết kiệm, bảo vệ môi trường, tinh thần sẻ chia với bạn bè. Tổ chức các hoạt động giao lưu, kết nghĩa giữa các liên đội ở đô thị với các liên đội vùng cao, vùng sâu, vùng biên giới hải đảo; khuyến khích thiếu nhi nhận giúp đỡ bạn nghèo; nâng cao chất lượng phong trào “Đôi bạn cùng tiến”; quyên góp ủng hộ thiếu nhi tại các trung tâm nuôi dưỡng trẻ em đặc biệt khó khăn, thiếu nhi ở vùng bị thiên tai, lũ lụt; tích cực tham gia xây dựng “Ngôi nhà Khăn quàng đỏ”.

- Giáo dục cho thiếu nhi ý thức chấp hành pháp luật, nội quy, quy định của trường, lớp; phòng chống các tệ nạn xã hội, hướng dẫn các em thực hiện tốt Điều lệ và Nghi thức Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh. Tiếp tục tổ chức sinh hoạt chuyên đề “Xây dựng tình bạn đẹp, nói không với bạo lực học đường.

- Nâng cao chất lượng hoạt động của đội „Chiến sỹ an ninh nhỏ tuổi“ gắn với việc xây dựng mô hình „Hòm thư giúp bạn“, „Trường lớp không ma tuý“, mở các hòm thư phát giác “Địa chỉ đen “ tại các trường học, trên địa bàn khu dân cư nhằm tuyên truyền, phát hiện, tố giác hành vi và người xâm hại trẻ em, phát hiện trẻ em mắc tệ nạn xã hội để có biện pháp giáo dục, ngăn chặn.

- Tổ chức các hoạt động giao lưu giữa thiếu nhi Việt Nam với thiếu nhi các nước, đặc biệt là với các nước có chung đường biên giới. Định kỳ tổ chức các hoạt động giao lưu với thiếu nhi Trung Quốc, trại hè hữu nghị thiếu nhi Việt Nam – Lào tại Việt Nam và tại Lào, giao lưu thiếu nhi Việt Nam – Campuchia, tham gia các trại hè quốc tế, các hoạt động gặp gỡ, giao lưu giữa thiếu nhi Việt Nam với thiếu nhi các nước trên thế giới. Mở rộng quan hệ hợp tác với các tổ chức của trẻ em tại các quốc gia, các tổ chức quốc tế để trao đổi kinh nghiệm, huy động nguồn lực phục vụ cho công tác Đội, phong trào thiếu nhi.

1.4. Thiếu nhi Việt Nam – Giữ gìn vệ sinh thật tốt

- Tổ chức các hoạt động tạo môi trường để thiếu nhi rèn luyện ý thức và thói quen giữ gìn vệ sinh cá nhân; biết cách trang bị kiến thức sơ cấp cứu cơ bản trong nhà trường.

- Hướng dẫn và tổ chức cho thiếu nhi xây dựng cảnh quan môi trường học đường xanh, sạch, đẹp; bảo vệ, trồng và chăm sóc cây xanh, vườn hoa, thảm cỏ trong trường học và ở cộng đồng. Tiếp tục triển khai Chương trình giáo dục về môi trường cho thiếu nhi với tên gọi “Mizuiku – Em yêu nước sạch”; triển khai Ngày hội sắc màu với chủ đề “Vườn trường mơ ước của em”.

- Duy trì hoạt động của các „Đội tuyên truyền măng non“, „Đội sao đỏ“ trong công tác tuyên truyền bảo vệ môi trường, an toàn vệ sinh thực phẩm và giữ gìn trật tự an toàn giao thông đặc biệt khu vực cổng trường vào giờ tan học.

1.5. Thiếu nhi Việt Nam – Khiêm tốn, thật thà, dũng cảm

- Đa dạng hoá các hình thức giáo dục của Đội thông qua các kênh truyền thông, thông tin, qua sách báo và các tác phẩm văn học nhằm góp phần tạo ra môi trường văn hoá, giúp thiếu nhi hình thành các giá trị nhân cách tốt đẹp, bồi dưỡng ước mơ, khát vọng vươn lên trong cuộc sống. Tổ chức hoạt động sinh hoạt dưới cờ “Mỗi tuần một câu chuyện đẹp để cổ vũ cái tốt, giúp thiếu nhi tránh xa cái xấu, giáo dục, định hướng những giá trị tốt đẹp cho thiếu nhi như lễ phép, hiếu thảo với ông bà, cha mẹ; hòa nhã, thân ái với bạn bè…

- Giáo dục thiếu nhi đức hy sinh, lòng dũng cảm, tính trung thực trong học tập, sinh hoạt và trong đời sống hàng ngày thông qua việc đẩy mạnh giới thiệu các gương điển hình tiên tiến. Đa dạng hoá các hình thức động viên khen thưởng các gương thiếu nhi có thành tích tốt trong học tập, rèn luyện. Tổ chức tuyên dương và nhân rộng các gương đội viên, thiếu nhi tiêu biểu. Tổ chức tuyên dương cháu ngoan Bác Hồ các cấp.

- Tổ chức các hoạt động, chương trình diễn đàn “Xây dựng văn hóa ứng xử trong nhà trường” gắn với việc tích cực tham gia cuộc thi “Nét đẹp thầy trò” do Hội đồng Đội Trung ương phát động.

- Tăng cường tổ chức các hoạt động bồi dưỡng tâm hồn, thắp sáng ước mơ, khát vọng vươn lên trong cuộc sống thông qua các tác phẩm văn học nghệ thuật, tác phẩm điện ảnh, âm nhạc đáp ứng yêu cầu, thị hiếu nghệ thuật của các em thiếu nhi nhằm góp phần tạo ra môi trường văn hoá, giúp thiếu nhi hình thành các giá trị nhân cách tốt đẹp.

- Tăng cường các hoạt động truyền thông cho thiếu nhi về tác hại của ma túy, bia rượu, các chất kích thích và tệ nạn xã hội; triển khai các chương trình giáo dục giới tính, chăm sóc, giáo dục sức khỏe sinh sản, phòng chống HIV/AIDS trong thiếu nhi. Phối hợp định hướng cho thiếu nhi sử dụng đồ chơi an toàn, tránh xa các trò chơi độc hại; khai thác hiệu quả mạng xã hội, ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ nhu cầu học tập. Phối hợp với các ngành giúp đỡ, giáo dục, cảm hóa thiếu niên chậm tiến.    

2. Công tác xây dựng Đội

2.1. Công tác nhi đồng

- Tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động nhi đồng theo chủ đề, chủ điểm từng tháng, từng quý. Củng cố và thành lập các Sao Nhi đồng ngay từ đầu năm học; tăng cường công tác đỡ đầu giữa đội viên khối Trung học cơ sở với các Sao nhi đồng; nâng cao chất lượng hoạt động của Sao Nhi đồng tự quản.

- Đẩy mạnh việc thực hiện chương trình „Dự bị đội viên“; nâng cao chất lượng hoạt động của Sao Nhi đồng; tập trung tháo gỡ những khó khăn trong công tác Phụ trách sao, nội dung hình thức sinh hoạt và cơ chế phối hợp giữa giáo viên làm Tổng gmạnh việc thực hiện Chương trình dự bị đội viên“nh hoạt.ông qua những hình thức sinh hoạt đa dạng, phù hợp với nhu cầu tâphụ trách Đội, phụ trách sao với giáo viên chủ nhiệm trong tổ chức hoạt động nhi đồng.

- Quan tâm đầu tư lựa chọn, đào tạo bồi dưỡng nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ phụ trách Sao thông qua các hoạt động tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng, nghiệp vụ công tác nhi đồng; các cuộc thi „Búp măng xinh“, liên hoan „Phụ trách Sao giỏi“

2.2. Công tác đội viên

- Thực hiện đúng quy trình bồi dưỡng, kết nạp đội viên; giúp các em thiếu niên hiểu được ý nghĩa và nhiệm vụ của mình khi được đứng trong hàng ngũ của Đội. Chú trọng đổi mới hình thức kết nạp Đội, tạo cho các em ấn tượng, tình cảm với tổ chức Đội, khơi dậy niềm tự hào khi được là đội viên, từ đó tạo được không khí thi đua trong học tập và rèn luyện. Khuyến khích các cơ sở Đội tổ chức Lễ kết nạp đội viên tại các khu di tích lịch sử, cách mạng của địa phương. Tránh tình trạng kết nạp đội viên một cách ồ ạt, qua loa, hình thức.

- Triển khai thực hiện Chương trình Rèn luyện đội viên giai đoạn 2018 – 2022, tiếp tục nghiên cứu, triển khai “Ngày hội công nhận hoàn thành chương trình rèn luyện đội viên” và mô hình Rèn luyện đội viên trực tuyến phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương, đơn vị. Chủ động tham mưu lồng ghép, tích hợp việc triển khai Chương trình Rèn luyện đội viên với việc triển khai các hoạt động ngoài giờ lên lớp trong nhà trường.  

- Đổi mới phương thức sinh hoạt Đội theo hướng thiết thực, phù hợp, phát huy quyền tham gia trong các hoạt động Đội gắn với các hoạt động giáo dục, rèn luyện kỹ năng thực hành xã hội, trải nghiệm sáng tạo, nâng cao chất lượng đội viên. Làm tốt công tác phân loại đội viên lớn, tập trung giúp đỡ, bàn giao đội viên đã trưởng thành để tiếp tục bồi dưỡng, phát triển đoàn viên.

2.3. Công tác xây dựng liên đội, chi đội

- Hướng dẫn các Liên đội, Chi đội tổ chức Đại hội Đội theo đúng yêu cầu về thời gian, nội dung, hình thức được quy định trong Điều lệ và Nghi thức Đội TNTP Hồ Chí Minh. Chỉ đạo tổ chức Đại hội điểm để tạo mẫu, rút kinh nghiệm trước khi tiến hành tổ chức Đại hội đồng loạt ở các cơ sở Đội.

- Nâng cao chất lượng hoạt động của các „Đội Nghi lễ“; hình thành các nhóm nòng cốt để hướng dẫn thực hành Nghi thức Đội cho đội viên nhằm giáo dục thiếu nhi tính kỷ luật, tác phong chuẩn mực của người đội viên Đội thiếu niên tiền phong Hồ Chí Minh.

- Phối hợp đề xuất với ngành giáo dục và đào tạo bố trí đủ thời lượng cho công tác Đội trong các trường học; thúc đẩy hoạt động tự quản của Ban Chỉ huy liên đội, chi đội và của chính đội viên; nâng cao vai trò của Ban phụ trách Đội trong trường học. Nghiên cứu vận dụng mô hình cuộc vận động xây dựng „Chi đội 3 tốt“ và „Liên đội 3 tốt“ (học tập tốt, phong trào tốt, tự quản tốt) phù hợp với địa phương, đơn vị.

- Nghiên cứu chỉ đạo, hướng dẫn mô hình tổ chức và hoạt động của Đội trong các trường theo chủ trương mới của ngành giáo dục và đào tạo. Tập trung đầu tư phát triển tổ chức Đội và củng cố hoạt động Đội, phong trào thiếu nhi trong các trường ngoài công lập, các trường có yếu tố nước ngoài. Từng bước đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động Đội và phong trào thiếu nhi cho phù hợp với đặc thù của các trường ngoài công lập, các trường Quốc tế, trường dân lập có yếu tố nước ngoài.

2.4. Công tác thiếu nhi trên địa bàn dân cư

- Rà soát, đánh giá thực trạng tổ chức và hoạt động của Hội đồng Đội cấp xã. Tiếp tục định hướng, tập huấn, hỗ trợ cán bộ làm công tác thiếu nhi trên địa bàn dân cư; phát huy vai trò của đội ngũ cán bộ phụ trách thiếu nhi ở địa bàn dân cư trong công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục thiếu nhi như phòng chống đuối nước, tai nạn thương tích trẻ em, bạo lực học đường, xâm hại trẻ em…

- Tạo chuyển biến tích cực trong hoạt động thiếu nhi ở địa bàn dân cư; duy trì và nhân rộng các hình thức sinh hoạt: Câu lạc bộ sở thích, Lớp học tình thương, Đội tuyên truyền măng non, các hoạt động chăm sóc phát huy các di tích lịch sử, bảo tàng văn hóa, cách mạng… nhằm hướng các em tham gia các hoạt động học tập, vui chơi giải trí và tham gia các hoạt động văn hoá, xã hội ở địa phương.

- Củng cố và phát triển điểm vui chơi dành cho trẻ em; tích cực huy động các nguồn lực xã hội phục vụ công tác chăm sóc, giáo dục thiếu nhi và tổ chức các phong trào, sân chơi dành cho thiếu nhi ở cơ sở; chủ động tham mưu cho các cấp chính quyền đầu tư cơ sở vật chất và xây dựng điểm vui chơi dành cho trẻ em.

- Phát huy vai trò hoạt động của hệ thống nhà thiếu nhi các cấp trong thực hiện chức năng phương pháp công tác Đội, xây dựng, thí điểm, nhân rộng các mô hình hoạt động Đội có hiệu quả về cơ sở.

2.5. Công tác xây dựng Ban Chỉ huy Đội

- Quan tâm bồi dưỡng, huấn luyện đội ngũ cán bộ chỉ huy Đội, duy trì tốt nề nếp sinh hoạt, hoạt động của các câu lạc bộ “Chỉ huy Đội”. Tổ chức các lớp tập huấn, trại huấn luyện kỹ năng, nghiệp vụ và phương pháp hoạt động Đội cho đội ngũ cán bộ chỉ huy Đội; đổi mới, tăng cường tính hấp dẫn của chương trình tập huấn, giúp các em phát huy tốt vai trò tự quản, chủ động, sáng tạo trong các hoạt động của Đội.

- Tuyên dương, khen thưởng, nhân rộng các gương điển hình Chỉ huy Đội giỏi thông qua các cuộc thi, giải thưởng, các hình thức động viên cụ thể như „Chỉ huy Đội giỏi“,“Lãnh đạo trẻ tương lai”, tạo động lực cho các em tích cực tham gia công tác Đội và phong trào thiếu nhi.

2.6. Công tác xây dựng đội ngũ cán bộ phụ trách thiếu nhi

- Tham mưu thực hiện tốt cơ chế, chính sách cho đội ngũ cán bộ phụ trách Đội. Phối hợp triển khai thực hiện tốt Điều lệ Hội thi Giáo viên làm Tổng phụ trách Đội giỏi các cấp nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ phụ trách Đội giỏi về chuyên môn, nghiệp vụ, nhiệt tình, yêu trẻ, tháo gỡ khó khăn cho đội ngũ phụ trách thiếu nhi các cấp theo hướng gắn chặt quyền lợi với trách nhiệm và hiệu quả trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao; đa dạng hoá các hình thức đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ cho cán bộ phụ trách Đội.

- Hội đồng huấn luyện Trung ương tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ, Trại huấn luyện Kim Đồng để đào tạo cán bộ cho cơ sở. Thường xuyên cập nhật những nội dung, thông tin mới giúp đội ngũ giáo viên làm Tổng phụ trách Đội có đủ kỹ năng, phương pháp tiếp cận đáp ứng nhu cầu nguyện vọng của thiếu nhi và thực tiễn công tác Đội và phong trào thiếu nhi giai đoạn hiện nay.

- Xây dựng và tổ chức có hiệu quả hoạt động của các câu lạc bộ „Phụ trách thiếu nhi“, Câu lạc bộ „Phụ trách giỏi“, mô hình „Liên đội phụ trách“; bình chọn, giới thiệu các gương phụ trách xuất sắc đề nghị xét trao giải thưởng „Cánh Én hồng“.

- Nâng cao chất lượng sự phối hợp giữa ngành Giáo dục và Hội đồng Đội các cấp trong công tác phân công công việc, thực hiện chế độ, chính sách cho đội ngũ giáo viên làm Tổng phụ trách Đội, các chương trình đào tạo Tổng phụ trách Đội và cán bộ Đội hàng năm. Quan tâm các hình thức tuyên dương, tôn vinh và nhân rộng các tấm gương phụ trách Đội nhiệt tình yêu trẻ, có nhiều đóng góp đối với công tác Đội và phong trào thiếu nhi. Chú trọng tới công tác phát triển Đảng và chăm lo quyền lợi chính trị cho đội ngũ phụ trách Đội.

3. Công tác bảo vệ, chăm sóc thiếu niên, nhi đồng, đại diện tiếng nói, nguyện vọng của trẻ em

- Tiếp tục tuyên truyền, triển khai Luật Trẻ em và các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến trẻ em. Hội đồng Đội Trung ương tham mưu Ban Bí thư Trung ương Đoàn xây dựng Đề án tổ chức đại diện tiếng nói, nguyện vọng của trẻ em. Các cấp bộ đoàn phân công cán bộ, thành lập các tổ, đội, nhóm nòng cốt nắm bắt tình hình trẻ em và phối hợp xử lý thông tin được phản ánh từ Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em 111; định kỳ hằng quý báo cáo tình hình trẻ em với Đoàn cấp trên và báo cáo đột xuất khi có vấn đề phát sinh trên địa bàn. Kịp thời lên tiếng bảo vệ trẻ em và kiến nghị xử lý các hành vi xâm hại quyền trẻ em.

- Định kỳ hằng quý tổ chức các hoạt động lấy ý kiến tham gia của trẻ em đối với các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước, địa phương, đơn vị; các chương trình, kế hoạch công tác lớn của Đoàn, Đội các cấp có liên quan đến các em. Định kỳ 6 tháng một lần tổng hợp ý kiến, nguyện vọng của trẻ em, gửi văn bản tới các cơ quan có liên quan đề nghị xem xét, giải quyết và theo dõi, đôn đốc việc giải quyết ý kiến, nguyện vọng của trẻ em. Định kỳ hằng năm, Hội đồng Đội Trung ương tham mưu Trung ương Đoàn tổng hợp tình hình trẻ em, kết quả giải quyết các ý kiến của trẻ em và kết quả thực hiện nhiệm vụ tổ chức đại diện tiếng nói, nguyện vọng trẻ em gửi báo cáo các cơ quan chức năng.

- Định hướng, hỗ trợ, nhân rộng các mô hình phát huy quyền tham gia của trẻ em như “Hội đồng trẻ em”; câu lạc bộ quyền trẻ em, câu lạc bộ phóng viên nhỏ, đội tuyên truyền măng non… Hội đồng Đội Trung ương tham mưu để lãnh đạo Đảng, Nhà nước định kỳ hằng năm gặp mặt thiếu nhi tiêu biểu. Hội đồng Đội các cấp tham mưu để lãnh đạo cấp ủy, chính quyền định kỳ hằng năm gặp mặt, đối thoại và lắng nghe ý kiến của các em.

- Định kỳ hằng năm tổ chức, phối hợp tổ chức hoặc tham gia các đoàn giám sát liên ngành về việc thực hiện quyền trẻ em tại các địa phương, cơ quan, đơn vị. Mở rộng quan hệ hợp tác với các tổ chức của trẻ em tại các quốc gia, các tổ chức quốc tế.

- Tham mưu Ban Bí thư Trung ương Đoàn xây dựng và triển khai kế hoạch thực hiện cuộc vận động “Vì đàn em thân yêu” giai đoạn 2018 – 2022. Tổ chức các hoạt động chăm lo, hỗ trợ thiếu nhi, nhất là trong Tháng hành động vì trẻ em, trung thu, Tết nguyên đán. Huy động nguồn lực hỗ trợ, giúp đỡ thiếu nhi có hoàn cảnh khó khăn, trong đó tập trung chăm lo cho con em công nhân, người lao động từ nông thôn ra các đô thị, khu công nghiệp, khu chế xuất. Tiếp tục hỗ trợ, giúp đỡ, vận động thiếu nhi có hoàn cảnh khó khăn đến trường. Phối hợp với ngành giáo dục và đào tạo nắm rõ số lượng và tìm hiểu nguyên nhân học sinh bỏ học, có nguy cơ bỏ học; chủ động giúp đỡ các em quay lại trường.

- Tổ chức tốt các hoạt động tiếp nhận thiếu nhi về sinh hoạt trên địa bàn dân cư; các hoạt động vui chơi, sinh hoạt cho thiếu nhi và bàn giao thiếu nhi trở lại trường học sau dịp hè. Tham mưu cho Đoàn hướng dẫn, tổ chức cho thiếu nhi sinh hoạt hè tại địa phương. Hằng năm, mỗi quận, huyện, thị, thành phố thuộc tỉnh hoặc xã, phường, thị trấn có hình thức tổ chức trại hè cho thiếu nhi.

- Chủ động tham mưu cho cấp ủy, chính quyền tiến hành rà soát, đánh giá hiện trạng, xây dựng tiêu chí và yêu cầu, điều kiện các điểm sinh hoạt, vui chơi cho thiếu nhi trên địa bàn dân cư. Hội đồng Đội các cấp tham mưu để cấp bộ Đoàn cùng cấp phối hợp với ngành Văn hoá, Thể thao và Du lịch phát triển các thiết chế văn hoá, thể thao dành riêng cho thiếu nhi hoặc thiếu nhi tham gia sử dụng, hưởng thụ.

V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Trung ương

- Thường xuyên chỉ đạo, hướng dẫn, định hướng cơ sở tổ chức các hoạt động trọng tâm trong chương trình công tác Đội và phong trào thiếu nhi năm học 2018 – 2019. Nghiên cứu ban hành các chủ trương, biện pháp tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho cơ sở trong triển khai công tác Đội. Tích cực phối hợp với các bộ, ngành liên quan tham mưu cho Đảng, Nhà nước ban hành các chủ trương, khai thác có hiệu quả các nguồn lực cho công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục thiếu niên nhi đồng; tham mưu cơ chế, chính sách, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của đội ngũ giáo viên làm tổng phụ trách Đội, hoạt động của hệ thống Cung, Nhà Thiếu nhi.

- Đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát, nắm bắt tình hình công tác Đội và phong trào thiếu nhi ở địa phương, tập trung vào các đơn vị còn khó khăn, các đơn vị xây dựng mô hình điểm trong một số lĩnh vực công tác.

- Mở rộng công tác truyền thông về những chủ trương chính sách liên quan đến trẻ em; kịp thời động viên khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em và xây dựng Đội vững mạnh.

2. Địa phương

- Căn cứ chương trình công tác Đội và phong trào thiếu nhi năm học 2018 – 2019 của Hội đồng Đội Trung ương, Hội đồng Đội các tỉnh, thành phố chủ động xây dựng chương trình năm học cụ thể, thiết thực, phù hợp với tình hình của địa phương, đơn vị. Có nội dung thi đua cho từng đợt hoạt động cao điểm, từng chương trình cụ thể gắn với tiêu chí thi đua năm học do Trung ương Đoàn, Hội đồng Đội Trung ương ban hành.

- Tổ chức phát động chủ đề năm học gắn với Lễ Khai giảng năm học 2018 – 2019.

- Chủ động làm tốt công tác tham mưu, phối hợp với các cấp uỷ Đảng, chính quyền, các ngành, đoàn thể trong thực hiện chủ đề năm học 2018 – 2019.

- Gửi báo cáo sơ kết công tác Đội và phong trào thiếu nhi học kỳ I năm học 2018 – 2019 trước ngày 30/11/2018; báo cáo tổng kết công tác Đội và phong trào thiếu nhi năm học 2018 – 2019 trước ngày 10/6/2019. Gửi hồ sơ đề nghị khen thưởng năm học 2018 – 2019 trước ngày 20/7/2019.

V. MỘT SỐ HOẠT ĐỘNG LỚN CẤP TOÀN QUỐC

- Lễ phát động chủ đề năm học 2018 – 2019 (tháng 9/2018).

- Cuộc thi Em yêu khoa học “Tài năng công nghệ nhí” (tháng 9/2018 – tháng 4/2019).

- Ngày hội sắc màu với chủ đề “Vườn trường mơ ước của em” năm 2018 tại 3 khu vực: miền Bắc, miền Trung, miền Nam (tháng 9 -12/2018).

- Chương trình “Đọc sách vì tương lai” (tháng 9/2018 – tháng 3/2019).

- Diễn đàn “Xây dựng nét đẹp văn hóa ứng xử trong nhà trường” gắn với cuộc thi“Nét đẹp thầy trò” (tháng 10/2018 – tháng 5/2019).

- Chương trình “Đêm hội trăng rằm – Thắp sáng ước mơ thiếu nhi Việt Nam”, hành trình “Trung thu miền sông nước”, thăm và tặng quà thiếu nhi có hoàn cảnh khó khăn (tháng 10/2018).

- Trại hè thiếu nhi Việt Nam – Lào tại Lào (tháng 11/2018).

- Cuộc thi MV hát Quốc ca tại các địa chỉ đỏ với chủ đề “Em yêu Tổ quốc Việt Nam” (tháng 10/2018 – tháng 5/2019).

- Liên hoan Festival Phụ trách thiếu nhi toàn quốc và trao giải thưởng “Cánh Én hồng” cho giáo viên làm Tổng phụ trách Đội năm học 2017 – 2018 (tháng 11/2018).

- Hội nghị giao ban Chủ tịch Hội đồng Đội, sơ kết học kỳ I năm học 2018 – 2019 và tổng kết hoạt động hệ thống Nhà Thiếu nhi toàn quốc năm 2018 (tháng 01/2019).

- Triển khai cuộc thi tìm hiểu và sưu tập Tem bưu chính (tháng 1 – 5/2019).

- Ngày hội “Thiếu nhi vui khỏe – Tiến bước lên Đoàn” trong các Liên đội Tiểu học và THCS gắn với các hoạt động về nguồn, định hướng, hướng nghiệp cho học sinh (tháng 3/2019).

- Chương trình giáo dục về môi trường mang tên “Mizuiku – Em yêu nước sạch” (từ tháng 3/2019 – hết năm học).

- Lễ kỷ niệm 78 năm Ngày thành lập Đội TNTP Hồ Chí Minh gắn với Kỷ niệm 50 năm thực hiện Di chúc Bác Hồ và trao giải thưởng “Kim Đồng” năm học 2018 – 2019 (tháng 5/2019).

- Trại Huấn luyện Kim Đồng cấp I và cấp II toàn quốc tại 2 khu vực miền Bắc và miền Nam (tháng 6,7/2019).

- Liên hoan Thiếu nhi nghèo vượt khó toàn quốc. Tổ chức để thiếu nhi tham gia Liên hoan gặp mặt lãnh đạo Đảng và Nhà nước (tháng 7/2019).

- Tổng kết công tác Đội và phong trào thiếu nhi năm học 2018 – 2019, triển khai nhiệm vụ năm học 2019 – 2020, trao Giải thưởng “Cánh Én hồng” năm học 2018 – 2019 (tháng 7/2019).

Căn cứ Chương trình công tác Đội và phong trào thiếu nhi năm học 2018 – 2019, Hội đồng Đội các cấp, các Cung, Nhà Thiếu nhi, Trung tâm hoạt động Thanh thiếu nhi chủ động xây dựng chương trình công tác, kế hoạch hoạt động của địa phương, đơn vị; thực hiện nghiêm túc công tác thông tin, báo cáo theo quy định.

       

Nơi nhận:                                         

- Ban Dân vận, Ban Tuyên giáo, Văn phòng TW Đảng;        

-UB VH, GD, TN, TN & NĐ của QH;

- Bộ GD & ĐT; Bộ LĐ, TB và XH;

- Ban Bí thư TW Đoàn;

- Các đồng chí UV HĐĐTW;  

- Các ban, đơn vị khối phong trào;

- Báo TNTP, Báo Nhi đồng,

  NXB Kim Đồng, Ban Phát thanh TTN;

- Trung tâm TTN TW, miền Trung, miền Nam;

- Trung tâm HDHĐ Thiếu nhi Trung ương;

- BTV Đoàn, HĐĐ các tỉnh, thành phố;

- Các Cung, Nhà thiếu nhi, Trung tâm

  hoạt động TTN các tỉnh, thành phố;

- Lưu VP HĐĐTW.

TM. HỘI ĐỒNG ĐỘI TRUNG ƯƠNG

CHỦ TỊCH

(Đã ký)

Nguyễn Ngọc Lương

Bí thư BCH Trung ương Đoàn