ĐỘI TNTP HỒ CHÍ MINH

 

HỘI ĐỒNG TRUNG ƯƠNG

***

Số:  35  HD/HĐĐTW

 

Hà Nội, ngày  08   tháng 3 năm 2017

             

HƯỚNG DẪN

Xây dựng thí điểm mô hình “Hội đồng trẻ em” cấp tỉnh, thành phố

giai đoạn 2017 - 2020

---------

           Căn cứ Luật Trẻ em năm 2016; căn cứ Quyết định số 1235/QĐ-TTg ngày 03/8/2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc “Phê duyệt Chương trình thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em vào các vấn đề về trẻ em giai đoạn 2016 - 2020”; được sự đồng ý của Ban Bí thư Trung ương Đoàn, Hội đồng Đội Trung ương hướng dẫn Hội đồng Đội các tỉnh, thành phố xây dựng thí điểm mô hình "Hội đồng trẻ em" giai đoạn 2017 - 2020 cụ thể như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

             1. Thành lập và vận hành “Hội đồng trẻ em” cấp tỉnh - Một hình thức tổ chức hoạt động thiếu nhi mới do chính trẻ em trực tiếp điều hành nhằm nâng cao năng lực cho trẻ em trong việc thực hiện quyền tham gia vào các vấn đề liên quan đến trẻ em theo quy định của pháp luật.  

           2. Thông qua việc vận hành mô hình Hội đồng trẻ em giúp các cơ quan, tổ chức có liên quan đến trẻ em hoàn thiện quá trình xây dựng luật pháp, hoạch định chính sách và ra quyết định về trẻ em.

           3. Đẩy mạnh công tác truyền thông, nâng cao nhận thức của toàn xã hội về thực hiện Luật Trẻ em, các quyền của trẻ em, đặc biệt là quyền tham gia. Tạo sự quan tâm, hỗ trợ và trách nhiệm của cộng đồng, xã hội trong việc hiện thực hóa các quyền của trẻ em.

II. TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA HỘI ĐỒNG TRẺ EM

1.Nguyên tắc chung

- Hội đồng trẻ em là nhóm đại diện cho trẻ em để định kỳ bày tỏ ý kiến, nguyện vọng, trao đổi, đối thoại với đại diện Hội đồng nhân dân các cấp về các vấn đề liên quan đến trẻ em tại địa phương.

- Hội đồng trẻ em gồm các ủy viên do các em tự bình bầu lập ra, đại diện tiếng nói của trẻ em tại địa phương, đơn vị.

- Hội đồng trẻ em tổ chức và hoạt động theo nguyên tắc tự nguyện, tự quản, có sự hướng dẫn của Ban Tham vấn.

- Các quyết định của Hội đồng trẻ em phải được thông qua tại phiên họp và có sự đồng ý của trên 50% thành viên Hội đồng.

- Nhiệm kỳ của Hội đồng trẻ em theo nhiệm kỳ của Hội đồng nhân dân tỉnh. (Trong giai đoạn thí điểm, nhiệm kỳ Hội đồng trẻ em được xác định từ khi thành lập đến hết năm 2020. Sau đó, Hội đồng Đội tỉnh tiến hành tổng kết mô hình và tham mưu lập Hội đồng trẻ em nhiệm kỳ mới sau kỳ bầu cử Hội đồng nhân dân các cấp năm 2021).

           2. Cơ cấu tổ chức và số lượng thành viên

           Tùy thuộc diện tích, số đầu mối, số lượng thiếu nhi trên địa bàn để xác định số lượng thành viên Hội đồng từ 33 - 55 Ủy viên. Cơ cấu như sau:

- Chủ tịch Hội đồng:      01 em thiếu nhi.

- Phó Chủ tịch Hội đồng:         02 - 04 em thiếu nhi.

- Các Ủy viên: Từ 30 - 50 em thiếu nhi bảo đảm tính đại diện cho các quận, huyện, thị, thành phố trực thuộc, có cơ cấu hợp lí về giới tính, dân tộc, độ tuổi, khối lớp. Ủy viên Hội đồng có thể giới thiệu từ: Cán bộ chỉ huy liên - chi đội; thành viên các câu lạc bộ quyền trẻ em, phóng viên nhỏ; thành viên các đội tuyên truyền măng non, phát thanh măng non; thiếu nhi có hoàn cảnh đặc biệt, khó khăn, thiếu nhi dân tộc, nhập cư, thiếu nhi các nhà mở, mái ấm; thiếu nhi tiêu biểu trong học tập, thực hiện các quyền trẻ em, hoạt động Đội và công tác xã hội; thiếu nhi tài năng trong các lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật, có ảnh hưởng tích cực trong thiếu nhi tại địa phương…

Ban thường trực Hội đồng gồm Chủ tịch và các Phó Chủ tịch Hội đồng do kỳ họp thứ  I của Hội đồng bầu nên, là cơ quan điều hành các công việc của Hội đồng dưới sự giúp đỡ của Ban Tham vấn.

Căn cứ vào năng lực của các thành viên và nhiệm vụ trong từng thời kỳ, Ban thường trực Hội đồng phân công nhiệm vụ cho từng Ủy viên hoặc xây dựng các ban, tiểu ban, nhóm, các mảng công việc cụ thể để triển khai hoạt động.

3. Tiêu chuẩn, điều kiện và quy trình thành lập Hội đồng

3.1. Tiêu chuẩn

- Trẻ em gái và trẻ em trai từ 09 đến dưới 16 tuổi.

- Có phẩm chất đạo đức tốt, thành tích học tập tốt (Tiểu học: Hoàn thành xuất sắc, Trung học cơ sở: Giỏi).

- Có kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng thuyết trình tốt và tích cực tham gia các hoạt động xã hội.

3.2. Điều kiện tham gia

- Tự nguyện đăng ký tham gia Hội đồng trẻ em.

- Được đồng ý tiến cử của tổ chức cơ sở Đội và người phụ trách Đội.

 

- Được sự đồng ý của cha, mẹ hoặc người giám hộ.

- Bảo đảm sức khỏe và thời gian tham gia Hội đồng trẻ em.

3.3. Quy trình thành lập Hội đồng

- Bước 1: Ban Thường vụ Tỉnh đoàn ra quyết định thành lập Ban vận động thành lập Hội đồng trẻ em cấp tỉnh. Ban có từ 07 - 15 thành viên trong đó có đại diện lãnh đạo Tỉnh đoàn, Hội đồng Đội tỉnh, cán bộ phụ trách thiếu nhi, cán bộ một số sở, ngành liên quan và đại diện thiếu nhi tham gia (số thiếu nhi tham gia Ban vận động không ít hơn 1/3 số thành viên Ban vận động, do Hội đồng Đội tỉnh chọn cử từ các em thiếu nhi tiêu biểu có điều kiện tham gia). 

                  - Bước 2: Ban vận động xây dựng tiêu chuẩn, phân bổ cơ cấu thiếu nhi tham gia Hội đồng trẻ em, gửi về Đoàn Thanh niên, Hội đồng Đội cấp huyện, Cung, Nhà Thiếu nhi, Trường Đội, Trung tâm hoạt động Thanh thiếu nhi và các đơn vị trực thuộc.

- Bước 3: Các đơn vị được phân bổ cơ cấu tổ chức cho các em ứng cử, đề cử. Các em thiếu nhi ứng cử, đề cử, trình bày chương trình hành động của mình tại cấp liên đội hoặc đơn vị chọn cử.

- Bước 4: Căn cứ thành tích và phần trình bày của thiếu nhi, các liên đội hoặc đơn vị chọn cử lập danh sách giới thiệu thiếu nhi tham gia Hội đồng trẻ em lên Hội đồng Đội và Phòng Giáo dục và Đào tạo cấp trên tổng hợp gửi về Hội đồng Đội tỉnh.

- Bước 5: Ban vận động họp, rà soát tiêu chuẩn, quy trình bình chọn, thống nhất lập danh sách thiếu nhi tham gia Hội đồng trẻ em cấp tỉnh; đồng thời chuẩn bị dự thảo Quy chế làm việc của Hội đồng. Đồng chí Bí thư Tỉnh đoàn ra quyết định thành lập Hội đồng trẻ em (tùy điều kiện thực tế, các tỉnh có thể đề nghị Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân, giám đốc Sở Nội vụ hoặc giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội ra quyết định thành lập hoặc công nhận Hội đồng).  

- Bước 6: Tổ chức Lễ ra mắt Hội đồng trẻ em, Hội đồng thông qua Quy chế làm việc và đi vào hoạt động.

* Hàng năm, Hội đồng trẻ em cấp tỉnh sẽ tổ chức rà soát, kiện toàn những vị trí Ủy viên khuyết do lớn tuổi hoặc không đảm bảo tiêu chuẩn, điều kiện tiếp tục tham gia Hội đồng.

4. Các phiên họp của Hội đồng

4.1. Thời gian: Hội đồng trẻ em họp 1 năm 02 lần, trước kỳ họp của Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố.

4.2. Nội dung: Theo các chuyên đề được thống nhất từ Chương trình hoạt động của Hội đồng trẻ em, tập trung vào các nội dung chính sau:

- Thực trạng thực hiện quyền của trẻ em, đặc biệt là quyền tham gia của trẻ em ở địa phương, đơn vị.

- Phản ánh, đấu tranh với những hành vi vi phạm quyền trẻ em tại địa phương.

- Việc thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em tại địa phương.

- Các vấn đề xã hội tại địa phương liên quan đến trẻ em.

4.3. Hình thức, tiến trình

Trẻ em phát biểu, thảo luận, tranh luận theo mô hình một phiên làm việc của Hội đồng nhân dân. Sau khi trẻ em phản ánh ý kiến, đại diện Ban Tham vấn phát biểu, tư vấn các kiến nghị của trẻ em. Lãnh đạo Tỉnh đoàn, Hội đồng Đội tỉnh phát biểu tổng hợp ý kiến.

5. Điều kiện hỗ trợ trẻ em tham gia hoạt động của Hội đồng

- Tổ chức Đoàn, Đội phối hợp với ngành Lao động - Thương binh và Xã hội tham mưu cho cấp ủy, chính quyền các cấp và đơn vị nơi trẻ em sinh hoạt hỗ trợ, tạo điều kiện về thời gian, phương tiện đi lại, kinh phí (nếu cần thiết) đối với trẻ em tham gia Hội đồng.

- Đơn vị nơi có trẻ em là Ủy viên tham gia Hội đồng sinh hoạt, học tập định kỳ hằng tháng hoặc hằng quý tổ chức các hoạt động để trẻ em phản ánh tâm tư, nguyện vọng, kiến nghị. Giúp Ủy viên Hội đồng tổng hợp kiến nghị, đề xuất của trẻ em, gửi về Thường trực Hội đồng trẻ em cấp tỉnh.

6. Lãnh đạo Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố làm việc với Hội đồng trẻ em

Tỉnh đoàn, Hội đồng Đội tỉnh có trách nhiệm đề xuất để lãnh đạo Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố định kỳ làm việc với Hội đồng trẻ em. Cụ thể:

6.1. Thời gian: 1 năm 01 lần, trước kỳ họp cuối năm của Hội đồng nhân dân tỉnh.

6.2.  Nội dung:

- Thông báo kết quả giải quyết những kiến nghị của Hội đồng trẻ em trong năm vừa qua.

- Tiếp nhận các ý kiến của Hội đồng trẻ em để chỉ đạo thực hiện trong năm tới.

6.3. Tiến trình:

- Đại diện Hội đồng trẻ em báo cáo kết quả hoạt động của Hội đồng và các Ủy viên Hội đồng trong năm, tổng hợp kết quả các kỳ họp và các kiến nghị của Hội đồng trẻ em.

- Đại diện Hội đồng nhân dân tỉnh thông báo kết quả tiếp nhận và giải quyết các kiến nghị của Hội đồng trẻ em trong năm.

- Các em thiếu nhi trong Hội đồng phát biểu ý kiến, đề xuất, kiến nghị.

- Lãnh đạo Hội đồng nhân dân tỉnh phát biểu, kết luận.

* Ban Tham vấn của Hội đồng trẻ em có trách nhiệm phối hợp với Văn phòng Hội đồng nhân dân tỉnh chuẩn bị nội dung làm việc của lãnh đạo Hội đồng nhân dân tỉnh với Hội đồng trẻ em.

III. TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA BAN THAM VẤN

Ban Tham vấn Hội đồng trẻ em do Ban Thường vụ Tỉnh đoàn quyết định thành lập, có nhiệm vụ trực tiếp định hướng hoạt động và thường xuyên hướng dẫn, hỗ trợ tổ chức các hoạt động của Hội đồng trẻ em, cùng nhiệm kỳ với Hội đồng trẻ em.

1. Số lượng, cơ cấu Ban Tham vấn: từ 07 - 15 người.

- Trưởng Ban Tham vấn: Đồng chí Chủ tịch Hội đồng Đội tỉnh, thành phố.

- Phó Trưởng Ban Tham vấn:

+ Đại diện lãnh đạo Sở Lao động, Thương binh và Xã hội.

+ Đại diện lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo.

+ Đại diện lãnh đạo Ban Văn hóa xã hội, Hội đồng nhân dân tỉnh.

+ Đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Đội tỉnh.

- Thành viên Ban Tham vấn: Đại diện các sở, ban, ngành có liên quan đến trẻ em, ban giám hiệu các trường, Cung, Nhà thiếu nhi, các chuyên gia trong lĩnh vực trẻ em, các văn nghệ sĩ hoạt động trong lĩnh vực trẻ em, giáo viên làm Tổng phụ trách Đội tiêu biểu.

2. Hội nghị Ban Tham vấn

2.1. Thời gian: Họp 1 năm 02 lần, trước kỳ họp Hội đồng trẻ em.

2.2. Nội dung:

- Rà soát kết quả thực hiện các kiến nghị của trẻ em tại kỳ họp Hội đồng trước.

- Chuẩn bị nội dung cho kỳ họp Hội đồng trẻ em.

2.3. Hình thức:

- Họp cùng Hội đồng trẻ em tại các phiên họp với đại diện Hội đồng nhân dân tỉnh.

- Họp chuyên đề (có thể mở rộng thành phần, đối tượng).

- Họp đột xuất (nếu cần).

3. Hoạt động thường xuyên của Ban Tham vấn

Đầu mối duy trì hoạt động thường xuyên của Ban Tham vấn là thường trực Hội đồng Đội tỉnh, thành phố, có trách nhiệm điều phối chung hoạt động của Ban Tham vấn phát huy vai trò của các thành viên trong Ban Tham vấn công tác ở các giới, các ngành và giữ liên hệ thường xuyên với Ban thường trực Hội đồng trẻ em để triển khai các hoạt động.

IV. TRÁCH NHIỆM CỦA BAN THƯỜNG VỤ TỈNH ĐOÀN, HỘI ĐỒNG ĐỘI CÁC TỈNH, THÀNH PHỐ ĐƯỢC LỰA CHỌN THÍ ĐIỂM

- Phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Giáo dục và Đào tạo thống nhất phương án chi tiết xây dựng mô hình “Hội đồng trẻ em” cấp tỉnh. Hoàn thiện hồ sơ báo cáo Hội đồng Đội Trung ương trước 20/3/2017 (theo Công văn số 20 -CV/HĐĐTW ngày 20/2/2017 của Hội đồng Đội Trung ương)

- Ra mắt “Hội đồng trẻ em” của tỉnh và đi vào hoạt động trước ngày 01/6/2017.

- Hàng năm tổ chức các lớp tập huấn nâng cao năng lực cho các thành viên “Hội đồng trẻ em”.

- Phân công cán bộ nắm bắt thực tế hoạt động của các thành viên “Hội đồng trẻ em” tại địa phương đơn vị.

- Tích cực tuyên truyền về hoạt động của mô hình trên các phương tiện thông tin đại chúng, website đoàn thanh niên các cấp, website thieunhivietnam.vn.

- Định kỳ báo cáo quá trình hoạt động và kết quả hoạt động của “Hội đồng trẻ em” về Hội đồng Đội Trung ương  06 tháng (trước ngày 15/6), 01 năm (trước ngày 30/12) hàng năm.

Đây là mô hình hoạt động mới trong việc thực hiện Luật trẻ em và thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em vào các vấn đề của trẻ em, đề nghị Hội đồng Đội các tỉnh, thành phố triển khai thực hiện. Mọi thông tin, báo cáo đề nghị gửi về Văn phòng Hội đồng Đội Trung ương theo địa chỉ: 62 Bà Triệu, Hoàn Kiếm, Hà Nội; điện thoại: 04.62631999 (số máy lẻ: 617, 618);  email: hoidongdoitw@gmail.com.

Nơi nhận:

- Ban Bí thư TW Đoàn (để b/c);

- Lãnh đạo Bộ LĐ, TB & XH (để b/c);

- HĐND 05 tỉnh, TP (để p/h chỉ đạo);

- Tỉnh đoàn, HĐĐ 05 tỉnh (để p/h);

- Các đ.c UV HĐĐTW khóa XII;

- Cục Bảo vệ, chăm sóc TE (để t/h);

- Các Ban khối phong trào

và báo của Đoàn (để p/h);

- Lưu VP HĐĐTW.

TM. HỘI ĐỒNG ĐỘI TRUNG ƯƠNG

CHỦ TỊCH

(đã ký)

 

Nguyễn Long Hải

Bí thư BCH Trung ương Đoàn