ĐỘI TNTP HỒ CHÍ MINH

 

HỘI ĐỒNG TRUNG ƯƠNG

***

Số:  232  - KH/HĐĐTW

Hà Nội, ngày  05 tháng 10  năm 2016

KẾ HOẠCH

Tuyên truyền và triển khai Luật trẻ em năm 2016,

Quyết định 1235/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt

Chương trình thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em vào các vấn đề trẻ em giai đoạn 2016 - 2020 và các văn bản về công tác

bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em

-----------

Thực hiện Chương trình công tác Đội và phong trào thiếu nhi năm học 2016 - 2017, để tuyên truyền, triển khai có hiệu quả các văn bản mới liên quan đến công tác trẻ em, Hội đồng Đội Trung ương xây dựng Kế hoạch tuyên truyền và triển khai Luật trẻ em năm 2016, Quyết định 1235/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em vào các vấn đề trẻ em giai đoạn 2016 - 2020 (sau đây gọi tắt là Quyết định 1235) và các văn bản mới về công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em, cụ thể như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Tuyên truyền sâu rộng nội dung cơ bản của Luật trẻ em năm 2016, Quyết định 1235 và các văn bản mới về công tác trẻ em nhằm nâng cao nhận thức của cán bộ phụ trách, đội viên, thiếu niên, nhi đồng, góp phần nâng cao chất lượng công tác Đội và phong trào thiếu nhi.

2. Xây dựng các mô hình cụ thể về bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em ở cơ sở phù hợp với thiếu nhi theo các nội dung Đoàn, Đội được phân công.

3. Hoạt động cần được triển khai rộng rãi, mang tính giáo dục cao, thu hút sự tham gia của đông đảo thiếu nhi và phụ trách Đội; đảm bảo các quyền của trẻ em, nhất là quyền tham gia của trẻ em vào các vấn đề trẻ em.

II. NỘI DUNG

1. Tuyên truyền, phổ biến Luật trẻ em năm 2016, Quyết định 1235 và các văn bản mới về công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em

1.1. Nội dung tuyên truyền, phổ biến

- Tầm quan trọng của Luật trẻ em và các văn bản mới về bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em; khẳng định sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đối với công tác này.

- Những nội dung mới quan trọng của Luật trẻ em (khái niệm trẻ em, nguyên tắc thực hiện quyền trẻ em và những hành vi bị nghiêm cấm; các quyền và bổn phận của trẻ em; việc bảo đảm thực hiện chăm sóc và giáo dục trẻ em; bảo vệ trẻ em; sự tham gia của trẻ em vào các vấn đề về trẻ em; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cơ sở giáo dục, gia đình, cá nhân trong việc thực hiện quyền và bổn phận của trẻ em); trong đó đặc biệt chú trọng đến các nội dung trong Chương V, Điều 77 quy định Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh là tổ chức đại diện tiếng nói, nguyện vọng của trẻ em và giám sát việc thực hiện quyền trẻ em theo ý kiến, nguyện vọng của trẻ em.

- Nội dung các Nghị định, Thông tư quy định chi tiết và Hướng dẫn thực hiện Luật trẻ em sẽ được ban hành trong năm 2017.

- Những nội dung cơ bản của Quyết định 1235/QĐ-TTg ngày 03/8/2015 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em vào các vấn đề về trẻ em giai đoạn 2016 - 2020; trong đó chú trọng các mục tiêu cụ thể của Chương trình; các dự án triển khai trong Chương trình, đặc biệt là Dự án 3, triển khai thí điểm mô hình “Hội đồng trẻ em” tại 05 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

1.2. Hình thức tuyên truyền, phổ biến

1.2.1. Tổ chức các hội nghị tuyên truyền, phổ biến Luật trẻ em và các văn bản quy phạm pháp luật về bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em

* Cấp Trung ương: Đã tổ chức quán triệt Luật trẻ em năm 2016 và Quyết định 1235 tại Hội nghị tổng kết công tác Đội và phong trào thiếu nhi năm học 2015 - 2016; triển khai nhiệm vụ năm học 2016 - 2017, ngày 18-19/7/2016 tại Cần Thơ.

* Cấp tỉnh

- Thành phần: Cán bộ chủ chốt Hội đồng Đội cấp tỉnh, cấp huyện, báo cáo viên cấp tỉnh; một số giáo viên làm tổng phụ trách Đội và trẻ em tiêu biểu.

- Hình thức: Tổ chức lồng ghép trong các Hội nghị tập huấn, giao ban, Hội nghị báo cáo viên.

* Cấp huyện

- Thành phần: Cán bộ chủ chốt Hội đồng Đội cấp xã, cán bộ phụ trách thiếu nhi, giáo viên làm tổng phụ trách Đội trên địa bàn huyện và một số trẻ em tiêu biểu.

- Hình thức: Tổ chức lồng ghép trong các Hội nghị tập huấn, họp giao ban, các nội dung họp có đối tượng liên quan.

* Cấp cơ sở

- Hình thức: Tuyên truyền trên hệ thống bảng tin, loa phát thanh tại địa phương. Trong các nhà trường, tổ chức phổ biến, thông tin về Luật trẻ em, các văn bản quy phạm pháp luật về trẻ em trong tiết sinh hoạt dưới cờ đầu tuần và các buổi sinh hoạt Đội, sinh hoạt Sao.

* Về thời gian: Tập trung triển khai trong 02 năm 2016, 2017; trước và sau khi Luật trẻ em năm 2016 có hiệu lực (01/6/2017).

1.2.2. Tuyên truyền thông qua các hoạt động của Đội

- Tổ chức các đợt truyền thông về Luật trẻ em năm 2016, Chương trình thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em vào các vấn đề của trẻ em ở cơ sở, các hoạt động bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em lồng ghép với hoạt động của Hội đồng Đội các cấp như: Ngày hội "Thiếu nhi vui, khỏe" trong các trường Tiểu học và "Tiến bước lên Đoàn" trong các trường THCS nhân kỷ niệm ngày thành lập Đoàn; các hoạt động kỷ niệm ngày thành lập Đội TNTP Hồ Chí Minh; "Ngày hội thiếu nhi Việt Nam” nhân dịp ngày Quốc tế thiếu nhi 1/6, Tháng hành động "Vì trẻ em”, "Đêm hội trăng rằm” nhân dịp Tết Trung thu...; lồng ghép tuyên truyền trong các buổi sinh hoạt Đội hàng tuần, hàng tháng; các Hội nghị, diễn đàn, hội thảo, tập huấn cho đội ngũ cán bộ chỉ huy Đội, giáo viên làm Tổng phụ trách Đội, cán bộ phụ trách Đội...

- Xây dựng giáo trình, tài liệu hướng dẫn, tổ chức tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng, nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ chỉ huy Đội, cán bộ phụ trách Đội, cán bộ chuyên trách Đoàn, Đội các cấp về Luật trẻ em năm 2016, Chương trình thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em vào các vấn đề của trẻ em.

- Tổ chức các buổi hội thảo, tọa đàm, sinh hoạt chuyên đề về Luật trẻ em năm 2016, quyền tham gia của trẻ em cho các cán bộ chỉ huy Đội, cán bộ phụ trách Đội và các thành viên “Hội đồng trẻ em”.

- Khuyến khích các cơ sở Đội tổ chức thi tìm hiểu về Luật trẻ em năm 2016, Chương trình thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em vào các vấn đề trẻ em giai đoạn 2016 - 2020 thông qua hình thức thi viết, thi trắc nghiệm, trực tuyến, sân khấu hóa, các hình thức tuyên truyền có sự tham gia của chính các em đội viên, thiếu nhi thông qua các Đội Tuyên truyền măng non, Câu lạc bộ Phóng viên nhỏ, Cây bút tuổi hồng...

1.2.3. Tuyên truyền trên hệ thống phát thanh, truyền hình, báo chí và mạng Internet

- Hội đồng Đội các cấp chủ động phối hợp với ngành Lao động - Thương binh và Xã hội và các đơn vị báo chí, phát thanh, truyền hình xây dựng kế hoạch truyền thông cụ thể của đơn vị mình trên các phương tiện thông tin đại chúng; duy trì việc tuyên truyền trên các tờ thông tin nội bộ, bản tin công tác Đoàn, Đội; xây dựng các ấn phẩm tuyên truyền đặc biệt vào dịp kỷ niệm ngày Quốc tế thiếu nhi 1/6, Tháng hành động "Vì trẻ em”...

- Các đơn vị báo chí thuộc Trung ương Đoàn xây dựng các trang, mục, tin, bài phản ánh về Luật trẻ em năm 2016, Chương trình thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em vào các vấn đề trẻ em giai đoạn 2016 - 2020 trên các ấn phẩm báo chí, Cổng Thông tin điện tử Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, website thieunhivietnam.vn, website, tờ tin, bản tin thanh niên, nội san của các tỉnh, thành đoàn, các Cung, Nhà thiếu nhi, Trung tâm hoạt động thanh thiếu nhi. Khuyến khích các đơn vị xây dựng các công cụ tuyên truyền mới (như infographic, video clip...) trên mạng xã hội, đặc biệt là facebook.

2. Nâng cao năng lực thực hiện Luật trẻ em năm 2016, Quyết định 1235 và các văn bản mới về công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em trong các cơ sở Đội

2.1. Thực hiện các nhiệm vụ được quy định trong Luật trẻ em và Quyết định 1235

- Hội đồng Đội Trung ương phối hợp với các cơ quan chức năng của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội xây dựng Nghị định và các văn bản dưới luật để cụ thể hóa Luật trẻ em năm 2016.

- Chỉ đạo 05 tỉnh, thành phố Yên Bái, Hà Nội, Quảng Ninh, Bình Định, thành phố Hồ Chí Minh thí điểm triển khai mô hình “Hội đồng trẻ em”; ra mắt và tổ chức hoạt động của Hội đồng trong 6 tháng đầu năm 2017 (có Đề án riêng). Hội đồng Đội các cấp hằng năm tham mưu để lãnh đạo cấp ủy, chính quyền, đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp gặp gỡ, đối thoại với trẻ em. Hội đồng Đội Trung ương nghiên cứu, xây dựng kế hoạch cụ thể để tham mưu tổ chức cho các đại biểu Quốc hội tiếp xúc với trẻ em. Tổ chức các hình thức tham vấn, lấy ý kiến của trẻ em về chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, hoạt động của Đoàn, Đội các cấp; việc thực hiện quyền trẻ em.

2.2. Nâng cao chất lượng hệ thống tổ chức và lực lượng cán bộ của Đoàn, Đội làm nhiệm vụ bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em

- Trong trường học, tập trung duy trì và nâng cao chất lượng sinh hoạt Đội, tận dụng hiệu quả tiết sinh hoạt ngoài giờ lên lớp cho hoạt động Đội; chú trọng để thiếu nhi phản ánh tiếng nói của mình về những vấn đề liên quan. Thúc đẩy hoạt động tự quản của các Liên đội, Chi đội và của chính đội viên; hướng dẫn, phát huy để thiếu nhi thể hiện tiếng nói và thực hiện các quyền của mình, đặc biệt là quyền tham gia, thông qua sự hướng dẫn của giáo viên chủ nhiệm (phụ trách chi đội) và giáo viên làm tổng phụ trách Đội. Tiếp tục đầu tư giải pháp để phát triển tổ chức Đội và củng cố hoạt động Đội, phong trào thiếu nhi trong các trường ngoài công lập, các trường có yếu tố nước ngoài.

- Trên địa bàn dân cư, tiếp tục tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương triển khai thực hiện tốt Quyết định số 34/2014/QĐ-TTg ngày 30/5/2014 của Thủ tướng Chính phủ về “Quy định tiêu chuẩn xã, phường, thị trấn phù hợp với trẻ em”; đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ phù hợp với đội ngũ cán bộ phụ trách thiếu nhi ở địa bàn dân cư; đưa nội dung phản ánh những kiến nghị, đề xuất của trẻ em, những vấn đề liên quan đến trẻ em vào nội dung làm việc của Hội đồng Đội các cấp, thông qua cơ chế hoạt động của Hội đồng Đội để phản ánh nguyện vọng, quyền lợi chính đáng của trẻ em với các cấp ủy đảng, chính quyền cùng cấp.

- Trong công tác cán bộ, tiếp tục đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ cho cán bộ phụ trách thiếu nhi, trong đó chú trọng vào việc bảo vệ trẻ em, giám sát, phản ánh ý kiến của trẻ em; phối hợp với ngành Giáo dục và Đào tạo thực hiện tốt công tác tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng và từng bước tham mưu để ban hành văn bản quy phạm pháp luật mới về tiêu chuẩn, chế độ, chính sách cho giáo viên làm Tổng phụ trách Đội.

2.3. Phát triển, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của hệ thống Cung, Nhà Thiếu nhi, Trung tâm hoạt động thanh thiếu nhi; củng cố các điểm vui chơi giải trí cho thiếu nhi trên địa bàn dân cư

- Tham mưu cấp ủy, chính quyền dành quỹ đất và đầu tư xây dựng Cung, Nhà Thiếu nhi cấp tỉnh và cấp huyện (đối với những nơi chưa có Nhà Thiếu nhi); tiếp tục xây dựng các điểm vui chơi, giải trí cho thiếu nhi trên địa bàn dân cư, phấn đấu đến năm 2021, 100% tỉnh, thành phố có Cung, Nhà Thiếu nhi, Trung tâm hoạt động Thanh thiếu nhi, 100% huyện, thị, thành phố thuộc tỉnh có Nhà Thiếu nhi hoặc điểm vui chơi giải trí cho thiếu nhi.

- Tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động của các thiết chế và các điểm vui chơi, giải trí hiện có; phát huy hiệu quả của các mô hình câu lạc bộ, tổ, đội, nhóm trong thiếu nhi đang hoạt động hiệu quả như Đội tuyên truyền măng non, câu lạc bộ Phóng viên nhỏ, câu lạc bộ Quyền trẻ em… thông qua đó để các em thể hiện quan điểm, nguyện vọng của mình.

2.4. Phát huy hiệu quả hệ thống truyền thông của Đoàn, Đội phục vụ cho công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục thiếu niên, nhi đồng

- Nâng cao chất lượng nội dung hệ thống báo chí của Đội; mở thêm các tuyến bài, chuyên trang, chuyên mục phản ánh về các vấn đề liên quan đến trẻ em, đặc biệt là các kiến nghị, kết quả giải quyết kiến nghị của trẻ em, các hoạt động tiếp xúc giữa đại biểu dân cử với trẻ em; phát huy vai trò đội ngũ phóng viên nhỏ làm cộng tác viên cho các báo, tạp chí của Đoàn.

- Tăng cường ứng dụng mạng xã hội và truyền thông đa phương tiện để tập hợp ý kiến, định hướng, phản ánh nguyện vọng, mong muốn của thiếu nhi. Xuất bản hoặc tái bản các đầu sách có giá trị giáo dục, định hướng thiếu nhi. Phối hợp với các tổ chức xã hội và các đơn vị chức năng xây dựng, sản xuất các trò chơi giáo dục trực tuyến, diễn đàn, chuyên mục dành cho thiếu nhi trên truyền hình.

2.5. Tăng cường phối hợp với các ban, bộ, ngành, đoàn thể trong giám sát, tham gia phản biện xã hội về các vấn đề liên quan đến trẻ em

Phối hợp với các ngành liên quan tổ chức giám sát chuyên đề; tham mưu cho tổ chức Đoàn phối hợp với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam giám sát xã hội về thực hiện quyền trẻ em tại địa phương. Đưa các phản ánh, kiến nghị của trẻ em và việc thực hiện quyền trẻ em vào nội dung làm việc định kỳ của Hội đồng Đội Thiếu niên tiền phong Hồ Chí Minh, Ban Chấp hành Đoàn các cấp. Lồng ghép nội dung trong quá trình đi thực tế, kiểm tra, giám sát công tác Đội và phong trào thiếu nhi hằng năm tại các địa phương, đơn vị. Phối hợp với Văn phòng Ủy ban Quốc gia về thanh niên Việt Nam tiến hành giám sát về các vấn đề liên quan đến trẻ em.

2.6. Tăng cường các hoạt động của Đội trong bảo vệ, chăm sóc trẻ em

- Tổ chức diễn đàn “Xây dựng tình bạn đẹp - Nói không với bạo lực học đường” các cấp lồng ghép trong các giờ sinh hoạt dưới cờ, sinh hoạt Đội;  xây dựng các sân chơi thiếu nhi, sân chơi cuối tuần, các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao… nhằm tạo môi trường lành mạnh, thân thiện, giáo dục kỹ năng sống, thúc đẩy việc thực hiện Quyền trẻ em

- Hướng dẫn cơ sở triển khai thí điểm mô hình “Bàn giao, quản lý trẻ em phòng chống tai nạn thương tích trong dịp hè” và “Kỹ năng phòng chống đuối nước trẻ em cho cán bộ Đoàn, Đội” trong các cơ sở Đội.

- Xây dựng mô hình đội, nhóm thanh niên tình nguyện tham gia tuyên truyền, hướng dẫn phòng chống tai nạn thương tích trẻ em gắn với hoạt động Mùa hè thanh niên học sinh, sinh viên tình nguyện về các vùng sâu, vùng xa, vùng kinh tế khó khăn tổ chức khám chữa bệnh, vệ sinh môi trường, tuyên truyền về phòng chống tai nạn thương tích, hướng dẫn nhân dân và trẻ em các biện pháp sơ cấp cứu khi xảy ra tai nạn thương tích.

- Duy trì mô hình Đội Tuyên truyền măng non trong các cơ sở Đội. Trang bị, bổ sung kiến thức cho các thành viên đội tuyên truyền măng non về Quyền trẻ em, phòng chống tai nạn thương tích, phòng chống HIV/AIDS, phòng chống bạo lực học đường, phòng chống bệnh tật học đường, bảo vệ môi trường…  

- Tổ chức các hoạt động dạy bơi, học bơi cho thiếu nhi trong dịp hè do Đoàn thanh niên cấp xã, giáo viên dạy thể dục và thanh niên tình nguyện tổ chức vào mùa hè. Xây dựng các bể bơi di động bằng những vật liệu đơn giản tại các ao hồ, sông dạy trẻ em tập bơi, tổ chức các cuộc thi bơi cho thiếu nhi.

- Phối hợp với các tổ chức xã hội tổ chức các hoạt động hỗ trợ giúp đỡ trẻ em bị nhiễm và ảnh hưởng bởi HIV/AIDS, bị đối xử và kỳ thị do cha, mẹ tử vong bởi HIV/AIDS, trẻ em mồ côi, bị bỏ rơi, trẻ em bị bạo lực, xâm hại...

- Vận động giúp đỡ trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, trẻ em vùng sâu, vùng xa thông qua các phong trào do Đội tổ chức như: Thắp sáng ước mơ thiếu nhi Việt Nam, Đêm hội trăng rằm, Giúp bạn đến trường, Kế hoạch nhỏ... chăm lo đến trẻ em nhân dịp Tết Trung thu, Tết thiếu nhi (1/6), Tết Nguyên đán.

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1.     Trung ương

- Hội đồng Đội Trung ương tham mưu cho Ban Bí thư Trung ương Đoàn xây dựng và trình cấp có thẩm quyền phê duyệt Đề án về “Tổ chức và hoạt động đại diện tiếng nói, nguyện vọng của trẻ em” trong năm 2017; tham mưu Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành có liên quan đảm bảo cơ chế hoạt động cho tổ chức đại diện tiếng nói, nguyện vọng của trẻ em theo Điều 77, Luật trẻ em 2016.

- Chỉ đạo xây dựng điểm mô hình “Hội đồng trẻ em” tại các tỉnh, thành phố: Yên Bái, Quảng Ninh, Hà Nội, Bình Định, Tp Hồ Chí Minh.

- Phối hợp với Cục Bảo vệ, chăm sóc trẻ em, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội xây dựng và cung cấp tài liệu tuyên truyền về Luật trẻ em năm 2016; Chương trình thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em vào các vấn đề trẻ em giai đoạn 2016 - 2020 cho các cơ sở Đội.

- Phối hợp với Cục Bảo vệ, chăm sóc trẻ em tổ chức Diễn đàn trẻ em các cấp, xây dựng mô hình “Bàn giao, quản lý trẻ em phòng chống tai nạn thương tích trong dịp hè”, tổ chức các lớp tập huấn về kỹ năng phòng chống đuối nước, phòng chống tai nạn thương tích cho đội ngũ cán bộ phụ trách Đội; Tổ chức tập huấn, nâng cao năng lực cho các thành viên “Hội đồng trẻ em” tại 05 tỉnh, thành phố xây dựng mô hình điểm.

- Tổ chức ít nhất 03 Hội thảo cấp khu vực Bắc, Trung, Nam cho đội ngũ cán bộ phụ trách Đội và Ban chỉ huy liên Đội tuyên truyền về Luật trẻ em năm 2016 và Chương trình thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em vào các vấn đề trẻ em.

- Cụ thể hóa việc triển khai Luật trẻ em năm 2016 và Chương trình thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em vào các vấn đề trẻ em giai đoạn 2016 - 2020 thành tiêu chí thi đua trong Chương trình công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi năm 2017 và các năm tiếp theo.

- Phân công bộ phận thường trực nắm bắt các hoạt động triển khai Luật trẻ em năm 2016 và triển khai Quyết định 1235 ở cơ sở. Tham mưu thực hiện chức năng, nhiệm vụ đại diện tiếng nói, nguyện vọng của trẻ em và giám sát việc thực hiện quyền trẻ em theo ý kiến, nguyện vọng của trẻ em.

- Tổ chức kiểm tra, đánh giá hiệu quả của các mô hình thực hiện quyền tham gia của trẻ em ở cơ sở.

2. Các tỉnh, thành phố

- Xây dựng Kế hoạch tuyên truyền và triển khai Luật trẻ em năm 2016, triển khai Quyết định 1235 về Chương trình thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em vào các vấn đề trẻ em giai đoạn 2016 - 2020 phù hợp với địa phương, đơn vị.

- Tham mưu cho cấp ủy Đảng, chính quyền quan tâm, tạo điều kiện hỗ về kinh phí tổ chức hoạt động trong triển khai Luật trẻ em năm 2016 và thực hiện Quyết định 1235 ở cơ sở. Tích cực huy động các nguồn lực xã hội, cộng đồng để triển khai các mô hình thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em.

- Chủ động phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội và các cơ quan có liên quan trong tuyên truyền phổ biến và triển khai Luật trẻ em năm 2016, triển khai Quyết định 1235 ở cơ sở.

- Tổ chức các lớp tập huấn tuyên truyền nguồn cho cán bộ phụ trách Đội và Ban chỉ huy liên Đội về Luật trẻ em năm 2016, Chương trình thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em vào các vấn đề trẻ em giai đoạn 2016 - 2020.  

- Phân công cán bộ theo dõi việc triển khai thực hiện chức năng, nhiệm vụ đại diện tiếng nói, nguyện vọng của trẻ em và giám sát việc thực hiện quyền trẻ em theo ý kiến, nguyện vọng của trẻ em tại địa phương, đơn vị.

Nội dung kết quả công tác tuyên truyền và triển khai thực hiện Luật trẻ năm 2016 và triển khai Quyết định 1235  đề nghị các tỉnh, thành phố đưa  vào Báo cáo sơ kết học kỳ I và Báo cáo tổng kết năm học (đối với Hội đồng Đội cấp tỉnh); trong Báo cáo 6 tháng và cuối năm (đối với hệ thống Cung, Nhà thiếu nhi, Trung tâm hoạt động Thanh thiếu nhi).

Trên đây là Kế hoạch tuyên truyền và triển khai Luật trẻ em năm 2016 và thực hiện Quyết định 1235 về Chương trình thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em vào các vấn đề của trẻ em giai đoạn 2016 - 2020 và các văn bản về công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em của Hội đồng Đội Trung ương, đề nghị Hội đồng Đội các tỉnh, thành phố tham mưu cho Ban Thường vụ Đoàn cùng cấp và triển khai thực hiện.

Nơi nhận:

- Ủy ban VH,GD,TN, TN và NĐ của QH;

- Văn phòng Chính phủ;

- Bộ Lao động, Thương binh & Xã hội;

- Bộ Giáo dục và Đào tạo;

- Ban Bí thư Trung ương Đoàn;

- Cục BV,CS trẻ em, Bộ LĐ,TB&XH;

- Vụ CT HSSV, Bộ GD&ĐT

- Các ban, đơn vị TW Đoàn;

- Các đồng chí Ủy viên Hội đồng Đội TW;

- Các cơ quan báo chí thuộc TW Đoàn;

- Các tỉnh, thành đoàn, đoàn trực thuộc;

- Hội đồng Đội các tỉnh, thành phố;

- Các Cung, NTN, TT HĐ TTN;

- Lưu VP HĐĐTW.

TM. HỘI ĐỒNG ĐỘI TRUNG ƯƠNG

CHỦ TỊCH

(đã ký)

Nguyễn Long Hải

Bí thư BCH Trung ương Đoàn