Sau 15 năm tổ chức hoạt động lớp học tình thương, đến nay trên địa bàn thị xã Thuận An, tỉnh Bình Dương đã có hơn 270 học sinh là con em của thanh niên công nhân, người lao động tham gia theo học. Các lớp học đã đáp ứng nhu cầu thực tế của xã hội, góp phần vào công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em.
 
Lớp học tình thương của thị xã hiện được tổ chức ở phường Lái Thiêu, An Thạnh, Bình Nhâm, An Phú và Vĩnh Phú. 05 lớp học tình thương được sắp xếp có khối buổi sáng và khối buổi tối, các em học trong tuần từ thứ 2 đến thứ 6 và được cấp phát miễn phí sách, vở, dụng cụ học tập; việc quản lý các tài liệu, dụng cụ học tập theo hình thức “lấy cũ đổi mới”.
 
Lực lượng giáo viên đứng lớp là các bạn đoàn viên thuộc các chi đoàn giáo viên, các bạn thanh niên tình nguyện, cán bộ đề án, sinh viên các trường đại học  và cán bộ công chức của thị xã Thuận An.
 
Hầu hết các giáo viên đến với lớp học bằng tinh thần tự nguyện và hướng đến mục đích mang con chữ đến cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn dù gặp nhiều trở ngại về thời gian tổ chức lớp học (thường vào các buổi tối) và sự luân chuyển trong công việc. Được sự hỗ trợ động viên của lãnh đạo địa phương và tình yêu đối với các em học sinh, lớp học luôn có được một lực lượng nòng cốt duy trì giảng dạy trong suốt 15 năm qua. Tổng số giáo viên thường xuyên đứng lớp gần 30 người, trong đó lực lượng nòng cốt gắn bó lâu dài là 10 người.
 
Với sự quan tâm, tạo điều kiện, lớp học tình thương đã chia sẻ những tâm tư và nguyện vọng của thanh niên công nhân, người lao động đến thị xã Thuận An lập nghiệp và sinh sống.
 
Chị Nguyễn Thị Thắm (quê Tiền Giang) chia sẻ: “Vì cuộc sống vợ chồng tôi phải tha phương để lao động kiếm sống. Đứa con gái 7 tuổi của tôi phải theo ba mẹ nên nghỉ học. Ngày đến Bình Dương tôi luôn mong muốn cho con đi học để biết chữ mà không có điều kiện. Nay được các bạn đoàn viên thanh niên địa phương vận động, tôi đã cho con đến lớp học tình thương và cho bé theo học, đến nay bé đã biết đọc và biết viết chữ tôi mừng lắm”.
 
Để thực hiện công tác xóa mù chữ, phổ cập tiểu học, nội dung học tập của các em theo chương trình giáo dục phổ thông của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Trong đó, lấy công tác giáo dục đạo đức, kỹ năng phòng chống bạo hành trẻ em, kỹ năng tự bảo vệ là một nội dung then chốt trong giáo dục cộng đồng.
 
Với hoạt động lớp học tình thương, 15 năm qua, Đoàn thanh niên thị xã Thuận An đã tập hợp và tác động các phương pháp giáo dục cộng đồng cho hơn 800 trẻ em lang thang, cơ nhỡ. Ngoài ra đã có 10 em hoàn thành chương trình bậc tiểu học và đăng ký học tại Trung tâm Giáo dục thường xuyên - kỹ thuật - hướng nghiệp thị xã, 8 em được giới thiệu sang học các lớp chính quy.
 
Cùng với chương trình dạy học, nhiều chương trình sinh hoạt Đội cũng được tổ chức, như: sinh hoạt đầu tuần, sinh hoạt tập thể, trò chơi, kể chuyện, văn nghệ, cắt tóc miễn phí hàng tuần tại Spa tóc Triệu. Không chỉ vậy, các em lớp học tình thương còn tham gia hội trại, lễ hội dành cho thiếu nhi và tham quan di tích lịch sử… để giáo dục ý thức, điều chỉnh hành vi, chăm sóc cho các em.
 
Xuất phát từ thực tiễn lớp học tình thương gặp khó khăn về kinh phí, đội ngũ giáo viên, chương trình học và ý thức của một số phụ huynh chưa cao nên việc trẻ đến lớp không nhiều, dẫn đến nhiều lớp học đã không duy trì được lâu dài. Qua đó, Đoàn thanh niên thị xã đã chủ động thực hiện công tác xã hội hóa thông qua các mạnh thường quân, nhà hảo tâm và các thanh niên tình nguyện tham gia xóa mù chữ.
 
Chị Huỳnh Thị Thu Thủy - Phó Bí thư Thị Đoàn - Chủ tịch Hội đồng Đội thị xã cho biết: “Muốn thực hiện tốt công tác giáo dục trẻ em phải biết dựa vào cộng đồng, hàng năm, Đoàn Thanh niên và Hội đồng Đội cơ sở tham mưu đưa vào Nghị quyết của Đảng bộ, Hội đồng nhân dân địa phương về nội dung công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em. Trên cơ sở đó, xây dựng kế hoạch, chương trình phối hợp với các ngành trong bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em của địa phương”.
 
“Đoàn thanh niên cơ sở là lực lượng nòng cốt trong việc triển khai thực hiện mô hình giáo dục cộng đồng cho trẻ em lang thang, cơ nhỡ thông qua lớp học. Đồng thời, xây dựng đội thanh niên tình nguyện thực hiện công tác giáo dục cộng đồng cho trẻ em với số lượng thường trực là 30 bạn. Bên cạnh đó tổ chức tập huấn cho đội hình tình nguyện về phương pháp tiếp cận trẻ em, sự tham gia của trẻ em; phương pháp giảng dạy và các kỹ năng sinh hoạt tập thể, tâm lý trẻ em…”, Chị Huỳnh Thị Thu Thủy nói.
 
Tại Bình Dương mô hình lớp học tình thương còn được triển khai hiệu quả tại thị xã Dĩ An và thành phố Thủ Dầu Một.
 
Thông qua lớp học với mong muốn cộng đồng cùng chung tay để các lớp học tình thương tạo điều kiện cho trẻ em được học tập, định hướng và giáo dục nhân cách các em theo 5 điều Bác Hồ dạy, giúp các em trở thành những người công dân có ích cho đất nước và xã hội.
 
Nguyễn Tuấn