Sáng 14/4, tại trụ sở Trung ương Đoàn, Hội đồng Đội Trung ương làm việc với các thành viên Liên minh STEM Việt Nam.

Tham dự và chủ trì buổi làm việc có đồng chí Nguyễn Phạm Duy Trang - Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đoàn, Chủ tịch Hội đồng Đội Trung ương; đồng chí Lê Hải Long - Uỷ viên Ban thường vụ, Trưởng Ban Công tác Thiếu nhi Trung ương Đoàn, Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng Đội Trung ương; đồng chí Lê Vũ Tiến - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đoàn, Bí thư Đoàn Bộ Khoa học và Công nghệ; đại diện Báo Khoa học và Phát triển, đại diện nền tảng Triển lãm thực tế ảo TechFest247; cùng các chuyên gia là thành viên Liên minh STEM Việt Nam.

Những năm gần đây ở Việt Nam thuật ngữ “STEM” ngày càng trở nên phổ biến. Cách dùng từ STEM đang trở thành xu thế (trend). Nhiều trường học, trung tâm giáo dục trên toàn quốc đang triển khai đưa phương pháp giáo dục STEM vào chương trình đào tạo.

Giáo dục STEM (STEM education) là một cách tiếp cận liên ngành trong quá trình học, trong đó các khái niệm học thuật mang tính nguyên tắc được lồng ghép với các bài học trong thế giới thực, ở đó các bạn học sinh được áp dụng kiến thức và kỹ năng trong các lĩnh vực khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học vào trong các bối cảnh cụ thể, giúp kết nối giữa trường học, cộng đồng, nơi làm việc và các tổ chức toàn cầu, được truyền đạt đan xen và kết dính lẫn nhau cho học sinh trên cơ sở học thông qua thực hành và hướng đến giải quyết các vấn đề thực tiễn. Ngoài ra, giáo dục STEM còn chú trọng trang bị cho học sinh những kỹ năng mềm cần thiết cho sự thành công trong công việc sau này như kỹ năng cộng tác, làm việc nhóm, giải quyết vấn đề, tư duy sáng tạo, tư duy phản biện…

Tại buổi làm việc, ông Đỗ Hoàng Sơn, thành viên Liên minh STEM Việt Nam cho rằng giáo dục STEM góp phần quan trọng trong công cuộc chuyển đổi số, tuy nhiên cần chú trọng nâng cao chất lượng nội dung. Ông nhấn mạnh vai trò quan trọng của tổ chức Đoàn, Đội trong việc nâng cao nhận thức về giáo dục STEM thông qua các cuộc thi, mô hình và các phong trào xuyên suốt từ Trung ương tới cơ sở.

Các chuyên gia trong Liên minh STEM Việt Nam góp ý, Hội đồng Đội Trung ương nên xây dựng một cơ sở dữ liệu về hoạt động sáng tạo trong thiếu niên, nhi đồng. Cần có hoạt động đào tạo, tập huấn và kèm theo chương trình đào tạo, tài liệu định hướng (theo lứa tuổi, chủ đề, vùng miền), tập trung đào tạo công tác STEAM cho đội ngũ chỉ huy Đội.

PGS.TS. Đào Trí Đức, Giảng viên khoa Hoá, ĐH Sư phạm Hà Nội, thành viên Liên minh STEM Việt Nam cho rằng có ba nội dung cần làm tốt để phát triển mô hình STEM, bao gồm: “Gắn kết - Phát huy - Chia sẻ”. Trong đó, ông đề xuất Trung ương Đoàn, Hội đồng Đội Trung ương tiếp tục tổ chức những đợt hoạt động nghiên cứu, chuyên môn, cần chia sẻ những mô hình hay, những cách làm tốt và đề xuất thêm những hoạt động giờ ra chơi trải nghiệm sáng tạo… (cần bám theo khẩu hiệu Học mà chơi - chơi mà học, Học đi đôi với hành, làm trước học sau), qua đó tạo sức lan toả rộng lớn.

Cũng tại buổi làm việc, đồng chí Lê Hải Long - Uỷ viên Ban thường vụ, Trưởng Ban Công tác Thiếu nhi Trung ương Đoàn, Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng Đội Trung ương cho biết hiện nay mô hình hoạt động Đội “Giờ ra chơi sáng tạo” đã được triển khai rộng khắp trên phạm vi cả nước và đạt được hiệu quả cao. Qua buổi làm việc, đồng chí cũng mong muốn trong thời gian tới Liên minh STEM Việt Nam sẽ cùng với Hội đồng Đội Trung ương hợp tác sâu rộng hơn nữa để nâng cao chất lượng các hoạt động sáng tạo trong thiếu niên, nhi đồng trong thời gian tới.

Phát biểu kết luận, đồng chí Nguyễn Phạm Duy Trang cảm ơn sự quan tâm và đồng hành của các chuyên gia trong Liên minh STEM Việt Nam trong thời gian qua. Đồng chí cũng mong muốn trong thời gian tới Liên minh sẽ đóng góp nhiều hơn nữa về mặt chuyên môn và có sự định hướng ngay từ đầu để các chương trình, mô hình hoạt động sáng tạo của Đội thật sự trở thành ngày hội với thiếu niên, nhi đồng cả nước.