BAN CHẤP HÀNH TRUNG ƯƠNG                                                                           ĐOÀN TNCS HỒ CHÍ MINH

***

   Số: 225 - KH/TWĐTN-CTTN                                                                                      Hà Nội, ngày 16 tháng 5 năm 2024

KẾ HOẠCH
Tổ chức các
hoạt động hè dành cho thiếu nhi năm 2024

Thực hiện chương trình công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi năm 2024, chương trình công tác Đội và phong trào thiếu nhi năm học 2023 - 2024; căn cứ Kế hoạch số 183-KH/TWĐTN-TNNT ngày 28/2/2024 của Ban Bí thư Trung ương Đoàn về việc tổ chức chiến dịch thanh niên tình nguyện Hè năm 2024, Ban Bí thư Trung ương Đoàn ban hành Kế hoạch tổ chức các hoạt động Hè dành cho thiếu nhi năm 2024, cụ thể như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Hưởng ứng Tháng hành động vì trẻ em năm 2024; tiếp tục đổi mới, đa dạng hóa các phương thức hoạt động hè cho thiếu nhi, đáp ứng nhu cầu vui chơi, giải trí lành mạnh cho các em.

2. Phát huy vai trò xung kích, tình nguyện của đoàn viên, thanh niên, cán bộ phụ trách thiếu nhi trong tổ chức các hoạt động hè cho thiếu niên, nhi đồng; vận động nguồn lực xã hội tổ chức tốt các hoạt động chăm lo cho thiếu nhi có hoàn cảnh khó khăn đảm bảo cho các em có một mùa hè vui khỏe, ý nghĩa.

3. Đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền về Luật Trẻ em và các chính sách pháp luật liên quan đến trẻ em; tuyên truyền phòng, chống xâm hại, tai nạn thương tích, đuối nước trẻ em. Nâng cao hiệu quả các hoạt động tuyên truyền của tổ chức Đoàn, Đội tại địa phương, góp phần truyền tải các thông điệp, cách làm sáng tạo, hiệu quả trong công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục thiếu niên, nhi đồng.

4. Hoạt động đảm bảo được tổ chức thiết thực, hiệu quả, an toàn, có tính lan tỏa rộng rãi tới mọi đối tượng thiếu nhi; chuẩn bị chu đáo cả về nội dung và phương thức tổ chức.

II. THỜI GIAN TRIỂN KHAI

1. Thời gian tổ chức các hoạt động hè: Từ ngày 01/6 đến ngày 31/8/2024.

2. Chương trình khai mạc hè và hưởng ứng Tháng hành động vì trẻ em năm 2024

- Cấp Trung ương: tổ chức ngày 01/6/2024 tại Tỉnh Quảng Ninh (Thứ Bảy).

- Các tỉnh, thành phố: tổ chức trong khoảng thời gian từ ngày 25/5 đến ngày 02/6/2024.

2

3. Ngày cao điểm Chiến sỹ tình nguyện hỗ trợ thiếu nhi có hoàn cảnh khó khăn: tổ chức đồng loạt vào ngày 01/6/2024 (Thứ Bảy).

4. Thời gian tổ chức tổng kết các hoạt động hè

- Cấp Trung ương: dự kiến tổ chức tổng kết các hoạt động hè ngày 27/8/2024.

- Các tỉnh, thành phố: chủ động tổ chức tổng kết các hoạt động hè tại địa phương từ cuối tháng 8/2024 đến trước khi bắt đầu năm học mới 2024 - 2025.

III. MỘT SỐ CHỈ TIÊU CƠ BẢN

1. Hỗ trợ cho ít nhất 500.000 thiếu nhi có hoàn cảnh khó khăn.

2. Tổ chức 10.000 hoạt động tuyên truyền về Luật trẻ em, các chính sách pháp luật liên quan đến trẻ em.

3. Tổ chức 12.000 hoạt động tuyên truyền về phòng, chống đuối nước, tai nạn thương tích, phòng, chống xâm hại trẻ em.

4. Tổ chức 5.000 lớp dạy bơi miễn phí dành cho thiếu nhi.

5. Tổ chức 5.000 lớp bồi dưỡng năng khiếu cho thiếu nhi.

6. Tổ chức 1.000 trại hè, trại kỹ năng dành cho thiếu nhi.

7. Tổ chức 1.500 lớp bồi dưỡng, tập huấn cho cán bộ chỉ huy Đội, cán bộ phụ trách thiếu nhi.

8. Tổ chức cho 500.000 lượt thiếu nhi tham gia các hoạt động hỗ trợ nâng cao năng lực ngoại ngữ và hội nhập quốc tế.

9. Vận động, trao tặng 100 bể bơi di động, bể bơi cố định.
10. Xây dựng và trao tặng 200 nhà khăn quàng đỏ cho thiếu nhi có hoàn

cảnh khó khăn.

IV. NỘI DUNG HOẠT ĐỘNG

1. Công tác tuyên truyền

- Các cấp bộ Đoàn, Đội chủ động phối hợp với các ngành có liên quan tại địa phương triển khai tuyên truyền các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em. Tuyên truyền các hoạt động hè do tổ chức Đoàn, Hội, Đội các cấp tổ chức, nhất là các hoạt động trong Tháng hành động Vì trẻ em năm 2024 với chủ đề “Hành động thiết thực, ưu tiên nguồn lực cho trẻ em”. Đa dạng hóa phương thức tuyên truyền, đặc biệt trên các kênh thông tin, mạng xã hội của tổ chức Đoàn, Hội, Đội; phát huy hiệu quả của hệ thống truyền thanh cấp xã.

3

- Tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền về Luật Trẻ em, các chính sách pháp luật liên quan đến trẻ em cho đội ngũ cán bộ, đoàn viên, phụ trách đội, thanh thiếu nhi, phụ huynh học sinh, người chăm sóc trẻ em.

- Tập trung tuyên truyền về Chỉ thị số 28-CT/TW ngày 25/12/2023 của Bộ Chính trị về tăng cường công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; tập trung nội dung chỉ đạo ưu tiên nguồn lực để bảo đảm thực hiện quyền trẻ em và giải quyết các vấn đề về trẻ em.

- Tổ chức các hoạt động tuyên truyền về biển đảo, chủ quyền biển đảo cho học sinh, tuyên truyền về cuộc vận động “Tự hào một dải non sông”; tổ chức các hoạt động thăm hỏi, chia sẻ với gia đình, con em chiến sĩ, cán bộ đang thực hiện nhiệm vụ tại các vùng biển, đảo.

- Tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức, kỹ năng của trẻ em, gia đình, cộng đồng về tham gia không gian mạng an toàn; phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em, đuối nước, tai nạn giao thông; thông báo, tố giác các hành vi xâm hại, bạo lực trẻ em, bóc lột sức lao động trẻ em. Tuyên truyền tới các khu dân cư, gia đình có trẻ em về các biện pháp phòng ngừa, hỗ trợ, can thiệp để bảo vệ trẻ em kịp thời, hiệu quả, nhất là phòng chống xâm hại tình dục và bạo lực trẻ em.

- Tuyên truyền các thông điệp và khẩu hiệu truyền thông của Tháng hành động vì trẻ em, đồng thời, khẳng định vai trò của tổ chức Đoàn trong công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục thiếu niên, nhi đồng, tập trung tuyên truyền một số khẩu hiệu sau:

+ Toàn Đoàn đẩy mạnh thực hiện Cuộc vận động “Vì đàn em thân yêu”.

+ Hành động thiết thực, ưu tiên nguồn lực cho trẻ em

+ Ưu tiên nguồn lực cho trẻ em để đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc

+ Bảo đảm vai trò chủ đạo của ngân sách nhà nước để thực hiện chính sách đối với trẻ em

+ Bảo đảm quyền trẻ em phải là trung tâm của chính sách, chiến lược phát triển đất nước

+ Toàn dân chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em

+ Tăng cường chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em vì sự phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc

+ Tổng đài 111 - tiếp nhận thông tin mọi lúc, bảo vệ trẻ em mọi nơi + Phòng ngừa và chấm dứt lao động trẻ em vì sự phát triển bền vững + Chăm sóc sức khỏe tâm thần để trẻ em phát triển toàn diện

4

+ Phòng, chống tai nạn, thương tích để bảo đảm quyền được sống của trẻ em

+ Gia đình, cộng đồng giám sát, trông giữ trẻ em để phòng, chống đuối nước

+ Lắng nghe trẻ em để chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em.

2. Tổ chức các hoạt động giáo dục, vui chơi, giải trí, trang bị kỹ năng cho thiếu nhi

- Phối hợp với ngành giáo dục và đào tạo, ngành lao động - thương binh và xã hội và chính quyền địa phương thực hiện tốt công tác tiếp nhận, quản lý, tổ chức sinh hoạt hè cho thiếu nhi tại địa bàn dân cư và bàn giao thiếu nhi trở lại nhà trường sau dịp hè. - Phát huy vai trò của các cơ sở Đoàn, cán bộ Đoàn, đoàn viên, thanh niên trong tổ chức các hoạt động tình nguyện gắn với tổ chức các hoạt động sinh hoạt hè cho thiếu nhi trên địa bàn dân cư. Phối hợp với ngành công an triển khai Kế hoạch số 26/KH - BCA-C07 ngày 19/01/2023 của Bộ Công an về việc triển khai thực hiện công tác phòng, chống đuối nước trẻ em của lực lượng Công an nhân dân giai đoạn 2023 - 2030. Phối hợp với ngành văn hóa, thể thao và du lịch tổ chức các hoạt động hưởng ứng phát động toàn dân tập luyện môn bơi phòng chống đuối nước cũng như trong chỉ đạo kiểm tra, rà soát việc xây dựng, bảo dưỡng hệ thống bể bơi tại các thiết chế thể dục, thể thao tại địa phương; đề xuất các cơ sở dịch vụ thể thao, du lịch có bể bơi hỗ trợ các lớp dạy bơi an toàn trong môi trường nước cho thiếu nhi.

- Tăng cường tổ chức các hoạt động giáo dục truyền thống lịch sử, văn hóa, đạo đức lối sống, các hoạt động vui chơi, giải trí; các hoạt động bồi dưỡng năng khiếu văn hóa, nghệ thuật, thể dục, thể thao; các hoạt động trải nghiệm, nâng cao năng lực ngoại ngữ dành cho thiếu nhi. Đầu tư tổ chức các chương trình trải nghiệm, trại hè, chương trình giáo dục kỹ năng cho thiếu nhi như: “Học kỳ quân đội”, “Học làm chiến sĩ công an”... Các trại hè, trại kỹ năng cần được tổ chức đảm bảo quy mô, chất lượng, an toàn, phù hợp với điều kiện thực tiễn của các địa phương, đơn vị. Chủ động kết nối các đội hình thanh niên, sinh viên tình nguyện tại địa phương hỗ trợ các em thiếu nhi ôn bài, học tập, tổ chức các hoạt động rèn luyện kỹ năng, sân chơi mang tính giáo dục cao.

- Tổ chức các hoạt động trang bị kỹ năng an toàn, tự bảo vệ và kỹ năng thoát hiểm khi gặp tình huống khẩn cấp. Hướng dẫn thiếu nhi biết và thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về an toàn giao thông, kỹ năng tham gia giao thông an toàn. Thành lập, phát huy hiệu quả vai trò của các đội hình thanh niên tình nguyện tại chỗ trên địa bàn dân cư thông qua việc triển khai các hoạt động kiểm tra, rà soát, cắm biển cảnh báo nguy hiểm tại các khu vực có nguy cơ cao dẫn đến đuối nước, tai nạn thương tích cho trẻ em. Chủ động, phối hợp với lực lượng công an xã chính quy tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn bố, mẹ, người chăm sóc trẻ em kiến thức, kỹ năng trong phòng, chống tai nạn thương tích, đuối nước.

5

Phân công cán bộ thường xuyên theo dõi, nắm bắt tình hình phòng, chống tai nạn thương tích, đuối nước trẻ em tại địa phương, cơ sở.

- Phát huy vai trò của hệ thống Cung, Nhà thiếu nhi, Trung tâm hoạt động thanh thiếu nhi trong hỗ trợ các cơ sở đoàn tại địa bàn dân cư tổ chức các hoạt động hè dành cho thiếu nhi; hướng dẫn phương pháp, nghiệp vụ, kỹ năng tổ chức hoạt động cho đội ngũ cán bộ Đoàn, Đội tại cơ sở. Phối hợp với các cơ sở Đoàn tổ chức trang bị kỹ năng phòng, chống tai nạn thương tích, đuối nước và dạy bơi cho các em thiếu nhi đang sinh hoạt tại đơn vị. Phấn đấu mỗi huyện, thị, thành đoàn tổ chức ít nhất 01 lớp dạy bơi miễn phí dành cho trẻ em trong dịp hè.

3. Tổ chức các hoạt động chăm sóc, hỗ trợ, phát huy quyền tham gia của trẻ em

- Chuẩn bị, tổ chức tốt các hoạt động tại Ngày cao điểm “Chiến sỹ tình nguyện hỗ trợ thiếu nhi có hoàn cảnh khó khăn”.

- Vận động nguồn lực xã hội hóa tổ chức các hoạt động chăm lo, hỗ trợ thiếu nhi có hoàn cảnh khó khăn; thiếu nhi ở miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; thiếu nhi là con thanh niên công nhân; thiếu nhi trong các mái ấm, nhà mở, các Trung tâm bảo trợ trẻ em. Tổ chức các hoạt động tư vấn tâm lý; hoạt động chăm sóc, nâng cao sức khỏe thể chất và tinh thần cho thiếu nhi, đặc biệt, là thiếu nhi có hoàn cảnh khó khăn, thiếu nhi mồ côi do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Phối hợp với Hội Chữ Thập đỏ, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Bảo vệ quyền trẻ em tại các địa phương tổ chức các hoạt động bảo vệ, chăm sóc, hỗ trợ trẻ em có hoàn cảnh khó khăn.

- Vận động nguồn lực xây dựng các điểm sinh hoạt, vui chơi cho thiếu nhi; công trình “Nhà vệ sinh cho em”; công trình “Không gian đọc sách, tương tác và sinh hoạt Đội”; nhà “Khăn quàng đỏ”; đầu tư xây dựng, nâng cấp các công trình trường, lớp học, nhà bán trú... Phối hợp với các ngành có liên quan, quan tâm hỗ trợ, trang bị cơ sở vật chất, vận động nguồn lực xã hội hóa xây dựng các bể bơi nhân tạo, bể bơi mini, bể bơi thông minh để dạy bơi cho trẻ em. Vận động các tổ chức, cá nhân tặng học bổng, quà, đồ dùng học tập, phương tiện đến trường, học bổng giúp các em thiếu nhi có điều kiện học tập, sinh hoạt, chuẩn bị bước vào năm học mới.

- Tổ chức các hoạt động chăm lo cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, trẻ em ở biên giới, biển đảo. Tổ chức các chương trình “Nâng bước em đến trường”, “Con nuôi đồn Biên phòng”, “Em nuôi của Đoàn” hỗ trợ các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn.

- Phối hợp với các ngành có liên quan tổ chức các hoạt động thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em vào các vấn đề của trẻ em, lấy ý kiến, nguyện vọng trẻ em thông qua mô hình “Hội đồng trẻ em”, diễn đàn trẻ em, câu lạc bộ quyền trẻ em... Phát huy vai trò của Câu lạc bộ tư vấn, trợ giúp trẻ em các cấp trong tổ chức các

6

hoạt động tư vấn, trợ giúp trẻ em trong các vụ việc có liên quan đến trẻ em và tổ chức các chiến dịch truyền thông hành động bảo vệ trẻ em. Tham mưu tổ chức các hoạt động để đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân, lãnh đạo địa phương gặp gỡ, đối thoại, lắng nghe ý kiến, nguyện vọng của trẻ em.

- Tổ chức các chương trình “Thắp sáng ước mơ thiếu nhi Việt Nam”; tuyên dương thiếu nhi có thành tích tiêu biểu trong các phong trào thi đua của tổ chức Đội TNTP Hồ Chí Minh.

4. Tổ chức các hoạt động tập huấn, bồi dưỡng cho cán bộ phụ trách Đội, chỉ huy Đội và thiếu nhi

- Tổ chức các hoạt động bồi dưỡng, tập huấn, nâng cao kiến thức, nghiệp vụ, kỹ năng công tác cho đội ngũ cán bộ phụ trách thiếu nhi, giáo viên làm Tổng phụ trách Đội. Chú trọng các chuyên đề tập huấn có tính mới, đáp ứng được đòi hỏi của công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục thiếu nhi hiện nay.

- Tổ chức các lớp tập huấn, trại huấn luyện kỹ năng, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ chỉ huy Đội, phụ trách Sao nhi đồng; phối hợp với các ngành có liên quan tổ chức các hoạt động trang bị kiến thức, kỹ năng cho các nhóm thiếu nhi nòng cốt tham gia Hội đồng trẻ em cấp tỉnh, cấp huyện; các em thiếu nhi là đại biểu tham dự phiên họp giả định “Quốc hội trẻ em” lần thứ II - năm 2024.

- Củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động và phát huy vai trò của các thành viên tham gia Hội đồng Huấn luyện kỹ năng, nghiệp vụ công tác Đội cấp tỉnh trong tham mưu tổ chức, hỗ trợ cơ sở tổ chức các hoạt động bồi dưỡng, huấn luyện cho đội ngũ cán bộ phụ trách Đội và chỉ huy Đội; lựa chọn đại biểu tham gia Trại Huấn luyện Kim Đồng toàn quốc đảm bảo về số lượng và chất lượng.

5. Một số hoạt động cấp Trung ương trong hè năm 2024

- Chương trình khai mạc hè, hưởng ứng Tháng hành động vì trẻ em năm 2024 và Ngày cao điểm “Chiến sỹ tình nguyện hỗ trợ thiếu nhi có hoàn cảnh khó khăn” vào ngày 01/6/2024 tại tỉnh Quảng Ninh.

- Tổng kết và trao giải sân chơi “Thiếu niên Việt Nam - Công dân toàn cầu” vào tháng 6/2024 tại tỉnh Bình Định.

- Chung kết sân chơi “Thiếu nhi Việt Nam - Vươn ra thế giới” vào tháng 6/2024 tại Thành phố Hà Nội.

- Chung kết sân chơi “Vươn cao ước mơ” vào tháng 6/2024 tại Thành phố Hà Nội.

- Chung kết Cuộc thi tranh biện dành cho học sinh Trung học cơ sở trong chương trình “Tuổi trẻ Việt Nam - Rèn đức luyện tài, dẫn dắt tương lai” vào tháng 6/2024 tại tỉnh Đồng Nai.

- Chung kết Cuộc thi nhảy Flashmob toàn quốc chương trình “Thiếu nhi Việt Nam, học tập tốt, rèn luyện chăm” vào tháng 7/2024 tại tỉnh Thái Nguyên.

- Trại Huấn luyện Kim Đồng cấp I khu vực phía Nam, phía Bắc, cấp III toàn quốc vào tháng 8/2024 tại Tỉnh Bến Tre, Bắc Kạn, Kiên Giang.

7

- Khai giảng, phát động chủ đề công tác Đội và phong trào thiếu nhi năm học 2024 - 2025 vào tháng 9/2024 tại tỉnh Tuyên Quang.

- Chương trình “Đêm hội trăng rằm - Thắp sáng ước mơ thiếu nhi Việt Nam”, thăm và tặng quà thiếu nhi có hoàn cảnh khó khăn nhân dịp tết Trung thu 2024 vào tháng 9/2024 tại các tỉnh, thành phố. Cấp Trung ương tổ chức tại tỉnh Đắk Lắk.

V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Cấp Trung ương

- Giao Ban Công tác Thiếu nhi - Thường trực Hội đồng Đội Trung ương là đơn vị thường trực tham mưu Ban Bí thư Trung ương Đoàn chỉ đạo triển khai hiệu quả các hoạt động hè cấp Trung ương; định hướng hoạt động cơ sở; tham mưu báo cáo kết quả triển khai các hoạt động hè dành cho thiếu nhi năm 2024.

- Văn phòng và các Ban phong trào Trung ương Đoàn: Hướng dẫn, đôn đốc các đơn vị trong cụm phụ trách triển khai các nội dung theo Kế hoạch, đồng thời tổ chức các hoạt động bảo vệ, chăm sóc, giáo dục thiếu nhi lồng ghép trong các chương trình, hoạt động của ban, đơn vị trong Chiến dịch thanh niên tình nguyện Hè.

- Các cơ quan báo chí, xuất bản, phát thanh, truyền hình trực thuộc Trung ương Đoàn tập trung các tuyến tin, bài viết tuyên truyền, lan tỏa rộng rãi các hoạt động bảo vệ, chăm sóc, giáo dục thiếu nhi của tổ chức Đoàn, Hội, Đội các cấp. Tổ chức các hoạt động giáo dục thiếu nhi thông qua các ấn phẩm sách, báo và các hoạt động trang bị kỹ năng, các sân chơi, cuộc thi dành cho thiếu nhi. Phối hợp với Ban Công tác Thiếu nhi - Thường trực Hội đồng Đội Trung ương tổ chức các chương trình tọa đàm, diễn đàn, hoạt động tuyên truyền, tư vấn tâm lý, phòng chống tai nạn thương tích, bạo lực, xâm hại trẻ em.

- Các trung tâm sự nghiệp trực thuộc Trung ương Đoàn căn cứ chức năng, nhiệm vụ của đơn vị, tổ chức các hoạt động bảo vệ, chăm sóc, giáo dục thiếu nhi; tập trung tổ chức các hoạt động tuyên truyền, các sân chơi thiếu nhi, các lớp trang bị kỹ năng thực hành xã hội, phòng chống đuối nước, tai nạn thương tích, xâm hại trẻ em trong dịp hè.

2. Các tỉnh, thành phố

- Trên cơ sở Kế hoạch này, Ban Thường vụ các tỉnh, thành đoàn, Hội đồng Đội các tỉnh, thành phố xây dựng kế hoạch triển khai các hoạt động hè phù hợp với tình hình, điều kiện tại địa phương.

- Ban Thường vụ các tỉnh, thành đoàn, Hội đồng Đội các tỉnh, thành phố: Quảng Ninh, Hà Nội, Bắc Kạn, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Bình Định, Đắk Lắk, Đồng Nai, Bến Tre, Kiên Giang tham mưu, báo cáo lãnh đạo địa phương và phối hợp với Hội đồng Đội Trung ương đăng cai tổ chức tốt các hoạt động theo Kế hoạch.

- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền về hoạt động trên các kênh truyền thông của địa phương, đơn vị góp phần tạo sự lan tỏa rộng rãi trong đội viên, thiếu nhi và toàn xã hội.

- Các đơn vị đăng ký thực hiện các chỉ tiêu, công trình phần việc dành cho thiếu nhi trong dịp hè trước ngày 25/5/2024; gửi báo cáo kết quả triển khai thực hiện các hoạt động hè về Trung ương Đoàn qua Hội đồng Đội Trung ương trước ngày 20/8/2024.

Trên đây là Kế hoạch tổ chức các hoạt động hè dành cho thiếu nhi năm 2024, Ban Bí thư Trung ương Đoàn đề nghị Ban Thường vụ các tỉnh, thành đoàn, Hội đồng Đội các tỉnh, thành nghiên cứu, chủ động phối hợp với các đơn vị liên quan trên địa bàn triển khai hiệu quả các nội dung hoạt động.