1. Năm 2021 đánh dấu 80 năm Ngày thành lập Đội TNTP Hồ Chí Minh, là người đứng đầu của Hội đồng Đội T.Ư, cảm xúc của anh như thế nào (hoặc anh đánh giá như thế nào) về chặng đường 80 năm hình thành và phát triển của tổ chức Đội?
Tôi nghĩ là cá nhân tôi và rất nhiều anh chị từng gắn bó, phụ trách thiếu nhi đều có chung một cảm xúc, đó là tự hào
Chúng ta tự hào về những truyền thống vẻ vang và những thành tựu mà Đội TNTP Hồ Chí Minh cùng thiếu nhi cả nước đã đạt được trong 80 năm qua. Từ ngày 15/5/1941, khi Hội Nhi đồng Cứu quốc (tổ chức tiền thân của Đội TNTP Hồ Chí Minh) được thành lập với 5 đội viên đầu tiên do anh Kim Đồng làm đội trưởng, trải qua 80 năm xây dựng và trưởng thành, tổ chức Đội và từng đội viên, thiếu niên, nhi đồng trên khắp mọi miền Tổ quốc đã hoàn thành xuất sắc sứ mệnh lịch sử được Đảng và Bác Hồ giao phó, hăng hái thi đua, góp phần công sức nhỏ bé vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, bảo vệ Tổ quốc và ra sức thi đua học tập, rèn luyện, tiếp tục hành trình cùng đất nước trong công cuộc phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, hội nhập quốc tế.
Chúng ta cũng tự hào về những phong trào thiếu nhi vừa sôi nổi, vừa thiết thực, vui tươi và gần gũi với các em đã được Đội TNTP Hồ Chí Minh tổ chức trong suốt 80 năm qua, từ đó, tạo môi trường giúp thiếu nhi thêm yêu quê hương, đất nước; tự hào về truyền thống hào hùng của dân tộc; biết ơn các thế hệ cha anh đi trước; thi đua học tập, rèn luyện theo 5 điều Bác Hồ dạy, phấn đấu trở thành đoàn viên Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, mà nhiều phong trào trong số đó có sức sống lâu bền, gắn với kỷ niệm không thể nào quên của các thế hệ thiếu nhi.
Chúng ta cũng tự hào về những công trình lịch sử của Đội đóng góp cho sự nghiệp cách mạng của đất nước do chính các em thiếu nhi đóng góp bằng sự tiết kiệm hằng ngày của mình, như đoàn tàu Thống Nhất, nhà máy nhựa Thiếu niên tiền phong, Khách sạn Khăn Quàng Đỏ, khu di tích lịch sử Kim Đồng...
Chúng ta càng tự hào hơn khi lịch sử Đội 80 năm qua cũng vang danh những anh hùng thiếu nhi tuổi trẻ tài cao, dũng cảm quên mình vì nghĩa cả, như Kim Đồng, Dương Văn Nội, Phạm Ngọc Đa, Vừ A Dính, K’Pa K’Lơng... và rất nhiều bạn nhỏ đạt thành tích xuất sắc trong học tập và rèn luyện, đạt giải cao trong các kỳ thi trong nước và quốc tế, mang vinh quang về cho Tổ quốc.
Chúng ta hết sức vui mừng trước sự lớn mạnh của tổ chức Đội TNTP Hồ Chí Minh. Từ 5 đội viên đầu tiên, nay cả nước đã có hơn 12 triệu đội viên, thiếu niên và nhi đồng đang sinh hoạt trong hơn 26 ngàn Liên đội. Bằng các hoạt động của mình, Đội đã tập hợp hầu hết các em trong độ tuổi, là đội hậu bị tin cậy của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, là lực lượng giáo dục trong và ngoài nhà trường, cùng hướng đến mục tiêu xây dựng con người mới.
nhân tôi trong quá trình làm công tác Đội đã có cơ hội tiếp xúc với rất nhiều anh chị cán bộ phụ trách, và thực sự rất ấn tượng với những tâm huyết, tình cảm của các anh chị vì đàn em thân yêu. Có những người dành trọn sự nghiệp của mình làm công tác thiếu nhi. Có nhiều anh chị sẵn sàng hi sinh thời gian của mình bên gia đình, khắc phục khó khăn cả về vật chất và tinh thần để cống hiến cho công tác Đội. Tuy khó khăn, vất vả, nhưng lòng nhiệt tình, yêu trẻ, đam mê công tác thì không bao giờ vơi cạn trong các anh chị. Chính những điều đó đã làm nên những thành công bền vững của công tác Đội và phong trào thiếu nhi cả nước. Tổ chức Đội của chúng ta tự hào và may mắn vì có những cán bộ như thế.
2. Với lời dặn tuổi nhỏ làm việc nhỏ, trong nhiều năm qua, tổ chức Đội đã có những phong trào, hoạt động nào để tạo cơ hội cho trẻ em được góp sức nhỏ của mình cho cộng đồng, thưa anh?
Giáo dục thiếu nhi có thể được thực hiện bằng nhiều phương pháp, cách thức, nhưng tựu trung lại, có 2 môi trường giáo dục chính là trong nhà trường và ngoài nhà trường. Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Đội TNTP Hồ Chí Minh thực hiện nhiệm vụ giáo dục thiếu nhi thông qua cả 2 môi trường này, trong nhà trường thông qua hoạt động của Liên đội, chi đội; ngoài nhà trường thông qua hoạt động của Đoàn, Đội trên địa bàn dân cư, hệ thống Cung, Nhà thiếu nhi, Trung tâm hoạt động thanh thiếu nhi. Ở cả hai môi trường đó, phương pháp hiệu quả nhất đối với tổ chức Đoàn là thông qua phong trào, bởi phong trào xuất phát từ thực tiễn của cuộc sống để đáp ứng nhu cầu, lợi ích và nguyện vọng của thiếu nhi; là nơi để các em rèn luyện và trưởng thành.
Điểm đặc biệt trong các phong trào của thiếu nhi là các phong trào của Đội đều có thời gian triển khai trong hàng chục năm và có sức sống lâu bền trong thiếu nhi, tiêu biểu như công tác Trần Quốc Toản triển khai được 73 năm; phong trào Kế hoạch nhỏ triển khai được 63 năm; phong trào Nghìn việc tốt triển khai được 58 năm… Đến thời điểm hiện nay, nhìn chung các phong trào vẫn được tổ chức tốt tại cơ sở và đem lại hiệu quả cao. Trong đó, phong trào “Thiếu nhi Việt Nam thi đua làm theo 5 điều Bác Hồ dạy” là phong trào xuyên suốt, nội dung bao trùm nhiều mặt công tác quan trọng của tổ chức Đội. Trong thời gian vừa qua, các nội dung của phong trào được lồng ghép chỉ đạo trong chương trình công tác các năm học. Các trọng tâm của phong trào được đưa thành giải pháp chỉ đạo trong các chương trình công tác của Đội nhằm tạo môi trường, điều kiện để thiếu nhi phấn đấu học tập, rèn luyện, đạt được danh hiệu “Cháu ngoan Bác Hồ”. Định kỳ cuối mỗi năm học, các Liên đội tổ chức bình xét, tuyên dương thiếu nhi đạt danh hiệu “Cháu ngoan Bác Hồ”; cấp tỉnh tổ chức Đại hội Cháu ngoan Bác Hồ định kỳ 2 năm hoặc 5 năm 1 lần; cấp Trung uơng tổ chức Đại hội Cháu ngoan Bác Hồ 5 năm 1 lần để tuyên dương các em thiếu nhi tiêu biểu trong thực hiện 5 điều Bác Hồ dạy.
Có thể nói, phong trào “Thiếu nhi Việt Nam thi đua làm theo 5 điều Bác Hồ dạy” là phong trào lớn, xuyên suốt và được triển khai đều đặn, có hiệu quả trong toàn hệ thống Đội. Đã có nhiều mô hình hay, cách làm mới, sáng tạo, hiệu quả, được cộng đồng xã hội đánh giá cao. Danh hiệu “Cháu ngoan Bác Hồ” thực sự là một danh hiệu cao quý, là mục tiêu phấn đấu của các em đội viên, thiếu niên, nhi đồng trong học tập và rèn luyện. Thông qua phong trào, các em có thêm nhiều điều kiện để thi đua học tập, tìm hiểu, thực hiện tốt 5 điều Bác Hồ dạy; nghiên cứu, tìm hiểu những tư liệu, những tác phẩm văn học, nghệ thuật và điện ảnh tiêu biểu về cuộc đời, sự nghiệp, tư tưởng của Bác để từ đó tạo ra niềm tin, sự đoàn kết thống nhất, nâng cao vai trò, trách nhiệm của lớp măng non đất nước trong thời kỳ mới, khơi dậy trong thiếu nhi niềm tự hào về truyền thống vẻ vang của Đảng, của dân tộc gắn với cuộc đời, sự nghiệp và tấm gương đạo đức của Bác Hồ. Đã có hàng chục triệu lượt thiếu nhi tiêu biểu trong thực hiện 5 điều Bác Hồ dạy đã được tuyên dương các cấp, là những bông hoa đẹp trong vườn hoa nghìn việc tốt của thiếu nhi cả nước.
3. Hiện nay, trong tình hình dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, sức khoẻ và sự an toàn của trẻ nhỏ cần được quan tâm và bảo vệ như thế nào, thưa anh?
Trong những ngày gần đây, chúng ta thấy dịch bệnh Covid-19 đang tái bùng phát trở lại và có diễn biến phức tạp, cả nước ta đang đồng lòng và quyết tâm cao nhất thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Chính phủ để nhanh chóng đẩy lui dịch bệnh. Trẻ em, học sinh là những đối tượng bị ảnh hưởng rất lớn do dịch bệnh, việc học tập, vui chơi, giải trí của các em bị xáo trộn, nhiều địa phương hiện đang cho học sinh các cấp nghỉ học, ngừng các dịch vụ không thiết yếu để thực hiện các biện pháp phòng ngừa lây lan dịch bệnh. Để có thể đảm bảo chăm lo, bảo vệ tốt nhất cho trẻ em, học sinh, hiện nay, Trung ương Đoàn, Hội đồng Đội Trung ương đã và đang tổ chức rất nhiều hoạt động, cụ thể
Một là, tăng cường tuyên truyền, vận động người dân, thanh thiếu nhi chấp hành nghiêm túc chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh về phòng chống dịch Covid-19; thực hiện tốt quy tắc 5K để phòng ngừa dịch bệnh, trong đó Đội TNTP Hồ Chí Minh đã có nhiều sản phẩm, hoạt động tuyên truyền, hướng dẫn thiếu nhi, phụ huynh phòng chống dịch, như giữ vệ sinh môi trường trong và quanh nhà, vật dụng, đồ chơi của trẻ; rửa tay thường xuyên bằng xà phòng trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh, chạm vào các vật dụng công cộng, sau khi chơi đồ chơi; hạn chế ra ngoài đường và đeo khẩu trang khi đến nơi công cộng…
Hai là, hiện nay để đảm bảo yêu cầu phòng chống dịch, các em học sinh tại nhiều tỉnh, thành phố đã được nghỉ học, một số địa phương quyết định cho các em nghỉ hè sớm. Vì vậy, Đoàn, Đội đã có nhiều mô hình hướng dẫn, giúp đỡ thiếu nhi ôn luyện, tự học tại nhà; tìm kiếm tài liệu trực tuyến phục vụ cho học tập. Tổ chức các hoạt động ý nghĩa cho thiếu nhi trên mạng xã hội. Đơn cử, các hoạt động kỷ niệm 80 năm ngày thành lập Đội đã được chuyển hướng từ tổ chức trực tiếp thành tổ chức trực tuyến, với nhiều mô hình, cách làm hay như thi tìm hiểu trực tuyến, thi sáng tác video clip về truyền thống Đội… Những cách làm đó góp phần tạo môi trường để thiếu nhi rèn luyện, vui chơi giải trí lành mạnh trong điều kiện dịch bệnh, phù hợp với nhu cầu, thị hiếu của các em.
Ba là, Hội đồng Đội các cấp cũng tăng cường các hoạt động tuyên truyền, giáo dục kỹ năng phòng tránh xâm hại trẻ em trên môi trường mạng thông qua các buổi tư vấn, nói chuyện chuyên đề với các chuyên gia; xây dựng các phim ngắn giáo dục kỹ năng cho thiếu nhi; giới thiệu về Tổng đài điện thoại quốc gia Bảo vệ trẻ em (111), đường dây nóng của Trung tâm Công tác xã hội (Điện thoại: 18008079) để được hỗ trợ kịp thời về tham vấn, tư vấn, hỗ trợ cho trẻ em trong các trường hợp cần thiết.
4. Sinh ra trong thời buổi của công nghệ thông tin phát triển nhanh chóng, nhiều điều kiện tiếp cận tốt với việc học, vui chơi và phát triển, nhưng cũng nhiều cạm bẫy rình rập trẻ em mỗi ngày. Theo anh cần phải làm gì để bảo vệ trẻ em an toàn trong thế giới phẳng?
Thế giới phẳng là một khái niệm rất rộng lớn, ở đây tôi xin phép chỉ đề cập đến tác động của môi trường không gian mạng tới trẻ em.
Lợi ích mà công nghệ thông tin mang lại cho trẻ em là không thể phủ nhận, đó là khả năng tiếp cận thông tin để phục vụ cho việc học tập, rèn luyện, vui chơi giải trí và mang lại cho trẻ em một nền tảng kiến thức để kết nối và biểu đạt suy nghĩ, tâm tư, nguyện vọng của chính mình. Trẻ em và thanh thiếu niên hiện nay dành nhiều thời gian hơn trên mạng, các trường học cũng đang triển khai việc dạy và học trực tuyến cho học sinh, và đây là minh chứng rất rõ ràng cho thấy tác động của công nghệ số tới trẻ em. Được kết nối giúp giảm bớt tác động của COVID-19 lên trẻ và khuyến khích trẻ tiếp tục nhịp sống quen thuộc, nhưng nó cũng mang đến những rủi ro và nguy hiểm.
Tuy nhiên, công nghệ số vẫn có nhiều nguồn thông tin không lành mạnh, thậm chí có nội dung độc hại, bạo lực, khiêu dâm nếu không quản lý chặt chẽ để trẻ em thường xuyên tiếp cận sẽ dễ gây những tác động rất xấu và có những hành vi vi phạm pháp luật, rơi vào các tệ nạn xã hội, làm gia tăng nguy cơ trẻ em bị bóc lột, xâm hại và bạo lực trên môi trường này.
Môi trường mạng còn làm hạn chế mức độ giao lưu tình cảm giữa cha mẹ và con cái, dẫn tới lối sống ích kỷ, cá nhân, thu mình trong “thế giới ảo”, không quan tâm đến môi trường xung quanh. Đây cũng chính là nguyên nhân sâu xa làm cho số tội phạm ở lứa tuổi trẻ em ngày càng tăng, phá vỡ kết cấu bền vững của gia đình, ảnh hưởng nghiêm trọng đến nguồn nhân lực của đất nước và tạo gánh nặng cho xã hội tương lai.
Để bảo vệ trẻ em an toàn trên môi trường mang, công nghệ số cần phải có sự chung tay vào cuộc của tất cả các cấp, ngành, các cơ quan liên quan, đặc biệt là sự phối hợp chặt chẽ của gia đình, nhà trường và xã hội. Ở góc độ của tổ chức Đội TNTP Hồ Chí Minh các cấp, theo tôi chúng ta cần tăng cường các hoạt động giáo dục kỹ năng, nâng cao kiến thức về sử dụng Internet, mạng xã hội an toàn, hiệu quả cho học sinh. Tăng cường tổ chức các cuộc thi, sân chơi bổ ích trên không gian mạng; thiết kế, sản xuất các ấn phẩm truyền thông, tuyên truyền về gương người tốt, việc tốt, tìm hiểu lịch sử, các hoạt động phát triển kỹ năng và vui chơi giải trí lành mạnh phù hợp với thiếu nhi trên không gian mạng. Kết nối thường xuyên với phụ huynh, nhà trường để phối hợp hiệu quả trong việc chăm sóc, bảo vệ trẻ em, quan sát việc trẻ em sử dụng mạng, nhất là các trang mạng xã hội để kịp thời có những uốn nắn, định hướng kịp thời cho các em. Thường xuyên nâng cao khả năng tiếp cận và sử dụng công nghệ thông tin cho đội ngũ phụ trách đội, giáo viên tổng phụ trách, nhất là tại các đại bàn dân cư và trường học.
5. Thưa anh, những năm gần đây, câu chuyện xâm hại trẻ em khiến cả cộng đồng đều xót xa và đáng báo động. Anh có thể cho biết những hành động cụ thể của tổ chức Đội để đấu tranh cho thực trạng nhức nhối này?
Toàn xã hội đều rất quan tâm và bức xúc trước các vụ việc xâm hại trẻ em trong thời gian qua. Với vai trò là tổ chức đại diện tiếng nói nguyện vọng của trẻ em và giám sát việc thực hiện quyền trẻ em theo ý kiến, nguyện vọng của trẻ em theo Luật trẻ em, trong những năm qua, Trung ương Đoàn, Hội đồng Đội Trung ương đã tập trung đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, trang bị kiến thức, kỹ năng phòng chống xâm hại cho trẻ em; xuất bản các sách, cẩm nang phòng tránh xâm hại trẻ em; tổ chức cuộc thi tìm hiểu Luật trẻ em; xây dựng chuyên trang, chuyên mục tuyên truyền trên các báo Đoàn, Đội, tổ chức sinh hoạt chuyên đề, sinh hoạt dưới cờ đầu tuần v.v..; tăng cường nắm bắt, tham gia phát hiện các vụ việc xâm hại trẻ em, tai nạn thương tích thông qua tổ chức Đội các cấp trong cả nước để kịp thời hỗ trợ, giúp đỡ trẻ em là nạn nhân của các vụ việc. Các cấp bộ đoàn, Hội đồng Đội các cấp đã làm tốt việc nắm bắt thông tin, phát hiện, tố giác,  báo cáo và tham gia xử lý các vụ việc xâm hại, tai nạn, thương tích trẻ em. Để tăng cường hỗ trợ các em, các câu lạc bộ tư vấn, trợ giúp về pháp lý, tâm lý và y tế cho trẻ em đã được Đoàn, Đội thành lập từ Trung ương tới cơ sở. Ngoài ra, công tác phối hợp với các ngành có liên quan, các tổ chức, cơ quan, đơn vị trong việc đảm bảo các quyền của trẻ em được Hội đồng Đội các cấp tăng cường. Các em đã dược phát huy quyền tham gia của mình thông qua nhiều mô hình, hoạt động do Đoàn, Đội tổ chức, tiêu biểu như mô hình “Hội đồng trẻ em. Các thiết chế của Đoàn, Đội ở các cấp đã phát huy vai trò trong thiết kế, xây dựng, tổ chức thực hiện, chuyển giao các mô hình bảo vệ trẻ em, tuyên truyền phòng chống xâm hại trẻ em tại cơ sở.
6. người đứng đầu, dìu dắt thiếu nhi cả nước, điều gì anh còn trăn trở về vấn đề chăm lo, bảo vệ và phát triển trẻ em?
Những năm qua, Đảng, Nhà nước, các cấp, ngành và toàn xã hội đã rất quan tâm, dành các điều kiện tốt nhất để chăm lo, bảo vệ và phát triển trẻ em. Bên cạnh những kết quả tích cực đạt được, cá nhân tôi nhận thấy một số vấn đề còn trăn trở, cần được quan tâm, tìm các giải pháp để khắc phục. Đó là tinh trạng xâm hại trẻ em, tai nạn, thương tích trẻ em vẫn còn diễn biến rất phức tạp. Tình trạng bạo lực học đường vẫn là vấn đề nhức nhối của gia đình, nhà trường và xã hội. Vấn đề phát triển toàn diện trẻ thơ ở các khu vực khó khăn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo dù đã được quan tâm nhưng vẫn còn rất nhiều khó khăn. Các thiết chế văn hóa, các nơi sinh hoạt, vui chơi lành mạnh cho các em còn nhiều thiếu thốn. Tình trạng thiếu niên vi phạm pháp luật, tình hình ma túy dù giảm nhưng vẫn diễn biến phức tạp và đang có xu hướng trẻ hóa. Đảng, Nhà nước, các cấp, các ngành và bản thân tổ chức Đoàn, Đội cũng đang rất nỗ lực để cùng giải quyết những vấn đề này, để làm sao trẻ em có môi trường, điều kiện phát triển toàn diện, trở thành công dân có ích, nguồn nhân lực chất lượng cao cho đất nước trong tương lai.
7. Nhân kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Đội TNTP Hồ Chí Minh, anh có những gửi gắm và kỳ vọng gì cho thế hệ măng non hiện nay?
Nhân dịp tổ chức Đội của chúng ta tròn 80 tuổi, thay mặt Hội đồng Đội Trung ương, anh xin gửi tới các bạn đội viên, thiếu niên, nhi đồng cả nước sự tin tưởng và kỳ vọng về một thế hệ măng non đất nước học giỏi, chăm ngoan, năng động, sáng tạo, chủ động và tự tin hội nhập quốc tế xứng danh cháu ngoan Bác Hồ trong thời đại mới.