ĐỘI TNTP HỒ CHÍ MINH

                                                                                                  HỘI ĐỒNG TRUNG ƯƠNG                                Hà Nội, ngày 14 tháng  8  năm 2015

          ***

      Số:  236   BC/HĐĐTW

BÁO CÁO

Tổng kết công tác Đội và phong trào thiếu nhi

năm học 2014 - 2015

---------

          Năm học 2014 - 2015 là năm diễn ra nhiều hoạt động lớn kỷ niệm 85 năm Ngày thành lập Đảng cộng sản Việt Nam (3/2/1930 - 3/2/2015); 125 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2015); 70 năm thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, 25 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân (22/12/1944 - 22/12/2014); Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tổ chức kỷ niệm 100 năm Ngày sinh anh Lý Tự Trọng, người đoàn viên đầu tiên (20/10/1914 - 20/10/2014); Đội TNTP Hồ Chí Minh tổ chức Đại hội Cháu ngoan Bác Hồ các cấp và Đại hội Cháu ngoan Bác Hồ toàn quốc lần thứ VIII.

          Với chủ đề:

Măng non đất nước

Tiếp bước cha anh

Làm nghìn việc tốt

Xứng cháu Bác Hồ”

          Ngay từ đầu năm học, công tác Đội và phong trào thiếu nhi cả nước đã được các cấp bộ Đội tập trung triển khai thực hiện, nhiều phong trào thi đua sôi nổi với những hình thức đa đạng, phong phú được hướng dẫn cụ thể đến từng Liên đội tạo nên hiệu ứng tích cực trong đông đảo thiếu nhi. Kết quả được thể hiện trên các mặt như sau:

I. CÔNG TÁC CHỈ ĐẠO

1. Trung ương

Chỉ đạo đẩy mạnh cuộc vận động "Thiếu nhi Việt Nam thi đua thực hiện tốt 5 điều Bác Hồ dạy": Tập trung tổ chức Đại hội cháu ngoan Bác Hồ các cấp, Đại hội cháu ngoan Bác Hồ toàn quốc lần thứ VIII; triển khai cuộc thi "Chúng em kể chuyện Bác Hồ"; cuộc thi "Áng tem thư kể chuyện Bác Hồ"...

Hướng dẫn, chỉ đạo các cơ sở Đội phát động đợt thi đua đặc biệt chào mừng kỷ niệm 85 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, chào mừng Đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII.

Chỉ đạo từng bước đổi mới, nâng cao chất lượng sinh hoạt, tổ chức Đội: Xây dựng các mô hình điểm triển khai chương trình rèn luyện đội viên sửa đổi; hướng dẫn nâng cao chất lượng tổ chức và hoạt động của Hội đồng Đội cấp xã. Từng bước xây dựng các giải pháp phát triển công tác Đội và phong trào thiếu nhi trong các trường ngoài công lập.

Tăng cường đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ Đội các cấp: Tổ chức các lớp tập huấn cho đội ngũ cán bộ, giáo viên làm Tổng phụ trách Đội; tổ chức Hội thi giáo viên làm Tổng phụ trách Đội giỏi các cấp, Liên hoan giáo viên làm Tổng phụ trách Đội giỏi toàn quốc lần thứ I. Xây dựng và hoàn thiện chương trình đào tạo đội ngũ giáo viên Tổng phụ trách Đội.

Chỉ đạo các cơ sở Đội duy trì tổ chức có hiệu quả các hoạt động vui chơi, giải trí, giúp đỡ thiếu nhi có hoàn cảnh khó khăn: Hướng dẫn sinh hoạt hè, đồng loạt tổ chức "Ngày hội thiếu nhi Việt Nam” nhân ngày Quốc tế thiếu nhi 01/6; tổ chức "Đêm hội Trăng rằm” vào dịp Tết Trung thu; chương trình "Thắp sáng ước mơ thiếu nhi Việt Nam”; đẩy mạnh cuộc vận động "Giúp bạn đến trường” tặng quà, trao học bổng, hỗ trợ phương tiện đi lại cho thiếu nhi có hoàn cảnh khó khăn...

2. Các tỉnh, thành phố

Chủ động phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo ký kết chương trình phối hợp năm học 2014 - 2015; ban hành chương trình công tác Đội và phong trào thiếu nhi năm học 2014 - 2015; ban hành các văn bản hướng dẫn cơ sở thực hiện các nội dung trọng tâm, các phong trào, các cuộc vận động lớn trong năm học.

Phát động các đợt thi đua chào mừng Đại hội Đảng, Đại hội cháu ngoan Bác Hồ các cấp, tổ chức cuộc thi chúng em kể chuyện Bác Hồ; tổ chức thành công Đại hội cháu ngoan Bác Hồ các cấp và Đại hội cháu ngoan Bác Hồ cấp tỉnh.

Tập trung triển khai mô hình điểm về thực hiện chương trình rèn luyện đội viên trong các Liên đội năm học 2014 - 2015. Phân công cán bộ theo dõi, hướng dẫn các liên đội trong việc triển khai, kiểm tra, đánh giá công nhận hoàn thành chương trình rèn luyện đội viên.

Tích cực phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể khai thác các nguồn lực phục vụ cho công tác Đội và phong trào thiếu nhi, đặc biệt là thiếu nhi có hoàn cảnh khó khăn.

II. KẾT QUẢ THỰC HIỆN CÁC CHƯƠNG TRÌNH

1.     Chương trình "Tự hào truyền thống - Tiếp bước cha anh”

Năm học 2014 - 2015, các hoạt động giáo dục truyền thống cách mạng, bồi dưỡng lý tưởng, đạo đức, lối sống cho thiếu nhi đã được Hội đồng Đội các cấp triển khai thực hiện nhân dịp kỷ niệm các ngày lễ lớn như: 100 năm Ngày sinh anh Lý Tự Trọng, 70 năm thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, 25 năm ngày hội Quốc phòng toàn dân, 85 năm Ngày thành lập Đảng cộng sản Việt Nam, 125 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đại hội cháu ngoan Bác Hồ các cấp và Đại hội cháu ngoan Bác Hồ toàn quốc lần thứ VIII. Các nội dung sinh hoạt Đội đã được cụ thể hóa theo chủ điểm từng tháng, từng quý tạo thành chuỗi các hoạt động sôi nổi, có sức lan tỏa sâu rộng, thu hút đông đảo đội viên, thiếu niên, nhi đồng tham gia, tạo môi trường cho các em phấn đấu trở thành con ngoan, trò giỏi, đội viên tốt, cháu ngoan Bác Hồ.

Kỷ niệm 70 năm ngày thành lập quân đội nhân dân Việt Nam, Hội đồng Đội các tỉnh, thành phố đã triển khai, tổ chức nhiều hoạt động giáo dục truyền thống cho thiếu nhi: Nói chuyện, gặp gỡ các nhân chứng lịch sử, sưu tập tranh ảnh về bộ đội Cụ Hồ qua các thời kỳ, học các bài hát, điệu múa ca ngợi các chú bộ đội, ca ngợi quê hương đất nước, viết thư thăm hỏi, giao lưu kết nghĩa với các đơn vị bộ đội đóng quân trên địa bàn, dâng hương tại các nghĩa trang liệt sĩ, đi thăm tặng quà các gia đình cựu chiến binh, các gia đình thương binh, liệt sỹ.

 Các hoạt động chào mừng 100 năm ngày sinh anh hùng Lý Tự Trọng như: Thi tìm hiểu về cuộc đời và sự nghiệp, xây dựng vườn hoa Lý Tự Trọng, ủng hộ xây dựng công trình nhà bia tưởng niệm anh Lý Tự Trọng, tổ chức cho thiếu nhi xem phim Người truyền lửa”...[1] Các hoạt động giáo dục truyền thống, lịch sử, khơi dậy niềm tự hào, ý thức trách nhiệm của thế hệ măng non trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc được triển khai với nhiều hình thức phong phú, hấp dẫn.[2]

          Cuộc vận động “Thiếu nhi Việt Nam thi đua thực hiện tốt 5 điều Bác Hồ dạy” với trọng tâm là: Hội thi Chúng em kể chuyện Bác Hồ”, cuộc thi "Áng tem thư kể chuyện Bác Hồ"[3], Đại hội cháu ngoan Bác Hồ từ Liên đội đến cấp huyện, cấp tỉnh đã tạo nên một đợt thi đua đặc biệt, sôi nổi, tạo môi trường giáo dục lành mạnh để đội viên, thiếu nhi phấn đấu, tu dưỡng, rèn luyện phấn đấu trở thành con ngoan, trò giỏi, đội viên tốt, cháu ngoan Bác Hồ. Đại hội cháu ngoan Bác Hồ các cấp cũng là nơi để tổ chức Đội TNTP Hồ Chí Minh khẳng định vị trí, vai trò quan trọng của mình trong công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục và bồi dưỡng thế hệ măng non của đất nước. Trong năm học vừa qua đã có 45/63 đơn vị cấp tỉnh tổ chức Đại hội cháu ngoan Bác Hồ cấp tỉnh. Trong số đó nhiều tỉnh, thành phố đã làm tốt công tác tham mưu cho các cấp ủy Đảng, Chính quyền kịp thời tuyên dương, khen thưởng, động viên các gương cháu ngoan Bác Hồ. Một số đơn vị đã tham mưu cho UBND tỉnh tặng bằng khen cho các đội viên có thành tích xuất sắc trong công tác Đội và phong trào thiếu nhi.[4]

          Đại hội Cháu ngoan Bác Hồ toàn quốc lần thứ VIII được tổ chức từ ngày 10/6 đến ngày 13/6/2015 tại Hà Nội và Nghệ An với sự tham của 282 đại biểu thiếu nhi và hơn 70 đại biểu phụ trách đến từ 63 tỉnh, thành trong cả nước đã diễn ra với nhiều hoạt động sôi nổi và ý nghĩa như: Thăm nhà Quốc hội, Lễ báo công vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh, gặp mặt các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước, lãnh đạo Thành phố Hà Nội và tỉnh Nghệ An, giao lưu với Ban Thường vụ Trung ương Đoàn, Bộ Tư lệnh Cảnh vệ, Làng trẻ SOS, Trung tâm Khoa học Toán, Lý và Môi trường, thăm quan Văn Miếu - Quốc Tử Giám, thăm quê Bác tại Nam Đàn, Nghệ An và giao lưu với thiếu nhi Nghệ An trong chương trình “Vòng tay bè bạn”. Lễ Tuyên dương “Cháu ngoan Bác Hồ toàn quốc” được tổ chức trang trọng tối ngày 13/6/2015 tại Hà Nội, được truyền hình trực tiếp trên kênh VTV1 Đài Truyền hình Việt Nam. Tối ngày 10/6/2015, Hội đồng Đội Trung ương đã tổ chức thành công đêm Chung kết cuộc thi “Chúng em kể chuyện Bác Hồ” và trao giải cuộc thi sáng tác ca khúc chào mừng Đại hội cháu ngoan Bác Hồ toàn quốc. Kết quả 02 cuộc thi: Ban Tổ chức đã trao 1 giải nhất, 2 giải nhì, 5 giải ba cho các em tham gia vòng chung kết cuộc thi “Chúng em kể chuyện Bác Hồ”; lựa chọn và trao giải cho 8 bài hát xuất sắc tham gia cuộc thi sáng tác ca khúc chào mừng Đại hội cháu ngoan Bác Hồ, phát hành 500 CD giới thiệu 11 ca khúc xuất sắc trong cuộc thi. Trong Đại hội cháu ngoan Bác Hồ toàn quốc lần thứ VIII, Trung ương Đoàn, Hội đồng Đội Trung ương cũng đã kịp thời tham mưu Thủ tướng Chính phủ trao bằng khen cho 06 đội viên tiêu biểu đã có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua thực hiện tốt 5 điều Bác Hồ dạy thiếu nhiên nhi đồng từ năm 2010 - 2015 và cho 06 phụ trách và đã có thành tích xuất sắc trong công tác chăm sóc giáo dục thiếu niên nhi đồng và xây dựng tổ chức Đội TNTP Hồ Chí Minh từ năm 2010 - 2015.

          Đại hội cháu ngoan Bác Hồ các cấp đã tạo sức lan tỏa mạnh mẽ, thu hút sự quan tâm, ủng hộ của các cấp, ngành và toàn xã hội, tạo động lực cho các phong trào thi đua, động viên đông đảo đội viên, thiếu nhi phấn đấu học tập, rèn luyện.

          Các hoạt động tuyên truyền, giáo dục về chủ quyền biển đảo Việt Nam được tiếp tục triển khai trong thiếu nhi với các hình thức: thi Thi tìm hiểu về biển đảo, Tổ quốc,Em yêu biển đảo Việt Nam… giúp các em hiểu biết hơn về vị trí địa lí, vai trò, tầm quan trọng và tiềm năng biển đảo, giáo dục các em ý thức, trách nhiệm trong việc bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Hoạt động Hướng tới bạn nơi đảo xa”, hoạt động kết nghĩa với các bạn thiếu nhi vùng biên giới, hải đảo được các cơ sở Đội  quan tâm đẩy mạnh, góp phần chia sẻ, giúp đỡ các bạn nơi biên giới, hải đảo.[5]

Phong trào kế hoạch nhỏ với chủ đề: Vì bạn ở Trường Sa” được đông đảo thiếu nhi cả nước hưởng ứng, ủng hộ bằng nhiều hình thức: Quyên góp giấy vụn, phế liệu, chăn nuôi gia cầm, trồng rau, tiết kiệm…[6] Tính đến hết năm học, Hội đồng Đội Trung ương đã nhận được hơn 1,4 tỷ đồng từ các tỉnh, thành gửi về. Trong hành trình “Vì biển đảo quê hương năm 2015”, Hội đồng Đội Trung ương đã tổ chức trao các trang thiết bị vui chơi cho thiếu nhi 02 đảo Trường Sa Lớn và Song Tử Tây, huyện đảo Trường Sa. Đã có nhiều mô hình mới, cách làm hiệu quả như "Đàn gà Khăn quàng đỏ", "Vườn rau cho em",... một số cách làm mới như: Quyên góp sách vở, đồ dùng học tập, đồ chơi, quần áo cũ tặng các bạn...[7]

Các phong trào Nghìn việc tốt”, “Đền ơn đáp nghĩa”, “Uống nước nhớ nguồn”, Đi tìm địa chỉ đỏ”, công tác “Trần Quốc Toản”... tiếp tục được các cơ sở Đội tổ chức với các hình thức: Nhận chăm sóc nghĩa trang liệt sĩ, giúp đỡ các gia đình thương binh, liệt sĩ, gia đình có công với cách mạng, gia đình chính sách, neo đơn... Kết quả: Toàn quốc đã có hơn 983.129 gương thiếu nhi điển hình, 172.223 ngày công giúp đỡ gia đình chính sách, 184.710 ngày công tu sửa, vệ sinh nghĩa trang, đài tưởng niệm liệt sỹ, trao hàng nghìn suất quà cho các gia đình có công với các mạng, gia đình neo đơn.[8]

Hưởng ứng các hoạt động chào mừng Đại hội đồng Liên minh nghị viện thế giới tổ chức tại Việt Nam vào tháng 3/2015, thực hiện sự chỉ đạo của Ban Bí thư Trung ương Đoàn, Hội đồng Đội Trung ương đã phát động cuộc thi vẽ tranh trong thiếu nhi với chủ đề “Chúng em lớn lên cùng đất nước”. Kết quả, sau 6 tháng triển khai, cả nước đã có hơn 1 triệu tác phẩm dự thi của các em thiếu nhi. Ban tổ chức đã trao 46 giải cá nhân, 20 giải tập thể cho các cá nhân và tập thể có thành tích xuất sắc trong cuộc thi. [9]

Công tác thông tin, tuyên truyền về các phong trào và các cuộc vận động lớn của Đội đã được các phương tiện truyền thông đăng tải kịp thời và rõ nét. Đặc biệt là sự vào cuộc của các Báo của Đội: Nhi đồng, Thiếu niên Tiền phong, Tạp chí Người Phụ trách, Website Đoàn thanh niên... Các mô hình mới, các cách làm hay, các tấm gương tiêu biểu của đội viên, phụ trách Đội đã được kịp thời giới thiệu trên các tờ tin, tạp chí, bản tin của các tỉnh, thành phố góp phần đưa công tác Đội và phong trào thiếu nhi đến gần hơn với cơ sở. Nhiều hình thức giáo dục thiếu nhi thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, các mạng xã hội thu được kết quả tích cực.

Nhân dịp kỷ niệm 125 năm ngày sinh nhật Bác, Hội đồng Đội Trung ương đã xây dựng và phát hành MV “Ai yêu Bác Hồ Chí Minh hơn thiếu niên nhi đồng” với sự tham gia của 1250 thiếu nhi các tỉnh, thành phố và 50 ca sĩ, diễn viên, MC, người mẫu phát sóng trên các kênh truyền hình Việt Nam và các báo chí được đông đảo thiếu nhi và nhân dân quan tâm theo dõi, được dư luận xã hội đánh giá cao. Tháng 5/2015, Hội đồng Đội Trung ương đã chính thức ra mắt giao diện website thieunhivietnam.vn, bước đầu cung cấp các thông tin tuyên truyền và các nội dung về công tác Đội và phong trào thiếu nhi của cả nước.

2.     Chương trình "Luyện rèn tri thức - Vững bước tương lai"

Xác định học tập là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu đối với thiếu nhi, ngay từ đầu năm học, các Liên đội đã cùng Ban Giám hiệu nhà trường tổ chức nhiều hoạt động động viên, khuyến khích các em phát huy tính chủ động, sáng tạo trong tiếp thu kiến thức bài giảng; đổi mới phương pháp học tập phát huy năng khiếu, sở trường, niềm say mê của các em trong từng môn học; hướng dẫn các em biết chia sẻ, giúp đỡ nhau cùng tiến bộ.

Thông qua các đợt thi đua: “Vở sạch chữ đẹp”, “Vượt khó học tốt”, “Học chăm, học giỏi, trung thực ”, “Tiết học tốt, tuần học tốt” ... đã góp phần hình thành cho các em ý thức học tập, yêu khoa học, ham học hỏi tìm hiểu khám phá tri thức mới.

Phong trào “Em yêu khoa học” với các hình thức như: “Sân chơi khoa học”, “Hội vui học tập”, ... được tổ chức sâu rộng đã tạo động lực thúc đẩy, khuyến khích sự tìm tòi, sáng tạo của thiếu nhi. Các tổ, đội, nhóm, các câu lạc bộ học tập, các mô hình “Bạn giúp bạn”, “Đôi bạn cùng tiến”, “Vượt khó học tốt”,...  tiếp tục được duy trì đã góp phần xây dựng cho thiếu nhi phương pháp học tập tích cực, khoa học, sẵn sàng chia sẻ, giúp đỡ bạn cùng tiến bộ, giúp các em học tập hứng thú, hiệu quả hơn. Cả nước hiện có 93.199 câu lạc bộ học tập, 69.489 câu lạc bộ sở thích và 17.614 câu lạc bộ Quyền trẻ em ... Các câu lạc bộ này được các Liên đội nhân rộng và hoạt động hiệu quả với các hình thức như: Giải toán qua mạng, Ngày hội khám phá internet, Hội thi tin học trẻ, Hội thi tiếng Anh, Rung chuông vàng...; các trò chơi: Đố vui, thử trí thông minh;... các buổi sinh hoạt ngoại khóa, các buổi giáo dục ngoài giờ lên lớp, các cuộc thi “Giao thông thông minh trên internet”. [10]

Công tác hỗ trợ thiếu nhi tìm hiểu kiến thức, ứng dụng khoa học kỹ thuật, phát huy khả năng tư duy, sáng tạo được Hội đồng Đội các cấp tiếp tục quan tâm chỉ đạo. Toàn quốc đã có 52/63 tỉnh, thành phố tổ chức cho các em thiếu nhi tham gia cuộc thi "Sáng tạo trong thanh thiếu niên và nhi đồng toàn quốc lần thứ XI". [11] 100% các tỉnh tổ chức tốt Hội thi Tin học trẻ các cấp.

Chương trình “Thắp sáng ước mơ thiếu nhi Việt Nam” tiếp tục được các cơ sở Đội duy trì tổ chức và triển khai gắn với dịp kỷ niệm các ngày lễ lớn với nhiều cách làm làm cụ thể, thiết thực.[12]

Cuộc thi “Chinh phục vũ môn” toàn quốc lần thứ I, năm học 2014 - 2015 được triển khai rộng khắp từ cấp Liên đội. Sau hơn 6 tháng triển khai, dưới hình thức thi online trên website www.cuocthi.cpvm.vn, đã tạo sân chơi bổ ích, giúp các em học sinh trung học cơ sở củng cố, nâng cao kiến thức về các môn khoa học tự nhiên, văn hóa, xã hội, lịch sử, nghệ thuật,... định hướng cho các em khai thác hiệu quả internet phục vụ học tập, giải trí, hạn chế tác hại của trò chơi trực tuyến có nội dung bạo lực, không lành mạnh. Cuộc thi đã thu hút hơn 250 nghìn học sinh của các tỉnh, thành phố tham gia.[13]

Các phong trào giúp đỡ bạn nghèo, chương trình “Tiếp sức đến trường” được Hội đồng Đội các cấp quan tâm chỉ đạo với các nhiều cuộc vận động có ý nghĩa:“Vòng tay bè bạn”, “Giúp bạn vượt khó”,“Ngôi nhà Khăn quàng đỏ”... đã được thực hiện với nhiều cách làm thiết thực. [14] Công tác quyên góp và tổ chức trao tặng đồ dùng học tập, quần áo, phương tiện đến trường cho các bạn nghèo được duy trì có hiệu quả từ các quỹ: Tấm áo tặng bạn, vì bạn nghèo”, học bổng giúp bạn nghèo đến trường...[15]

Kết quả trong năm học, cả nước đã trao được 185.575 suất học bổng trị giá hơn 90.023 triệu đồng cùng nhiều sách vở, đồ dùng học tập, phương tiện đến trường tặng các bạn học sinh nghèo có hoàn cảnh khó khăn; cả nước trao tặng được 22.708 “Đàn gà khăn quàng đỏ” trị giá 13.624 triệu đồng; vận động được 250.792 thiếu nhi bỏ học, có nguy cơ bỏ học trở lại trường. [16]

3.     Chương trình "Vui khỏe an toàn - Học ngàn điều hay"

Hội đồng Đội các cấp đã tích cực cùng nhà trường và các tổ chức xã hội xây dựng môi trường giáo dục an toàn, thân thiện, thực hiện nhiều công trình măng non, thi đua làm nghìn việc tốt; tổ chức các hoạt động vui chơi giải trí, phát huy năng khiếu nghệ thuật; các hoạt động giáo dục kỹ năng kết hợp với thực hành, dã ngoại, các mô hình tập hợp thiếu nhi tham gia hoạt động tập thể, cộng đồng, phát triển thể chất, tinh thần được triển khai tạo môi trường sinh hoạt lành mạnh, từng bước trang bị, bổ sung kiến thức thực hành xã hội cho các em.

          Các phong trào thi đua xây dựng trường lớp sạch đẹp được các Liên đội đẩy mạnh tổ chức với nhiều hoạt động ý nghĩa như: trồng, chăm sóc, bảo vệ cây xanh, vườn hoa, thảm cỏ trong trường học, thu nhặt rác, vệ sinh khu vực trường học... tổ chức các hoạt động dã ngoại khám phá, tìm hiểu thiên nhiên góp phần tạo nên môi trường giáo dục thân thiện, lành mạnh cho thiếu nhi. [17]

Các hoạt động bồi dưỡng phát triển năng khiếu, thẩm mỹ, nghệ thuật, định hướng văn hóa đọc, sáng tác thơ văn tuổi học trò được Hội đồng Đội các cấp tiếp tục quan tâm chỉ đạo[18].

Công tác giáo dục kỹ năng mềm về phòng chống tệ nạn xã hội, phòng chống bạo lực học đường, phòng chống tai nạn thương tích, phòng chống đuối nước được đầu tư với nhiều mô hình hiệu quả. [19] Ngoài ra, các đơn vị cũng tập trung  tổ chức các chương trình như: Học làm người nông dân, học làm người có ích, một ngày tự lập,... Qua đó giúp các em có môi trường trải nghiệm thực tế, yêu quý giá trị lao động, rèn tính tự lập, khắc phục khó khăn, vươn lên trong cuộc sống.

Hoạt động vui Tết trung thu - Đêm hội trăng rằm được Hội đồng Đội các cấp triển khai đồng loạt vào tối 14/8 âm lịch. Dịp này, các cơ sở Đội đã làm tốt công tác xã hội hóa trong chăm sóc, bảo vệ trẻ em, phối hợp với các tổ chức xã hội trao hàng ngàn suất quà, tặng hơn 70.000  suất học bổng trị giá gần 21 tỷ đồng cho thiếu nhi có hoàn cảnh khó khăn. Nhiều đơn vị đã chủ động khai thác nguồn lực, tổ chức các chương trình: Đêm hội trăng rằm, vầng trăng cổ tích, vầng trăng yêu thương...  truyền hình trực tiếp trên Đài truyền hình địa phương nhằm phục vụ rộng rãi tới mọi đối tượng thiếu nhi. Hội đồng Đội Trung ương đã phối hợp với Đài Truyền hình Việt Nam và ngân hàng Vietcombank tổ chức thành công chương trình “Lễ hội mặt trăng - Thắp sáng ước mơ thiếu nhi Việt Nam” được truyền hình trực tiếp trên kênh VTV1 vào tối ngày 07/9 tại Cần Thơ. Chương trình đã trao 440 suất học bổng, trị giá 520 triệu đồng và 3200 suất quà cho các em thiếu nhi có hoàn cảnh khó khăn thuộc 13 tỉnh, thành phố miền Tây Nam bộ.

Chuyên đề “Xây dựng tình bạn đẹp - Nói không với bạo lực học đường” được các cơ sở Đội đầu tư xây dựng với các nội dung: tổ chức sinh hoạt ngoại khóa, sinh hoạt chuyên đề với chủ đề tình bạn; các cách ứng xử phù hợp trong học tập, vui chơi, sinh hoạt; cách xử lý tình huống khi phát sinh mâu thuẫn… [20]

Chương trình “Học kỳ quân đội” trong dịp hè tiếp tục được các tỉnh, thành phố phối hợp với Bộ chỉ huy quân sự tỉnh, các Trung đoàn, Sư đoàn đóng quân trên địa bàn tỉnh đầu tư nghiêm túc với chương trình huấn luyện đa dạng và bài bản thu hút đông đảo thiếu nhi tham gia. [21]

Hoạt động phối hợp với ngành Lao động - Thương binh - Xã hội phát huy quyền tham gia của trẻ em được tổ chức rộng rãi với các nội dung thiết thực: Tổ chức các diễn đàn lắng nghe trẻ em nói, tọa đàm góp ý sửa đổi Luật trẻ em… Nhân ngày Quốc tế thiếu nhi 1/6 Hội đồng Đội Trung ương đã phối hợp với Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam tổ chức “Lễ tuyên dương thiếu nhi nghèo vượt khó một số tỉnh miền núi phía Bắc” và phát động “Tháng hành động Vì trẻ em” tại Yên Bái. Tại Lễ tuyên dương, Ban tổ chức đã trao 200 xuất học bổng trị giá 200 triệu đồng cùng nhiều phần quà giá trị cho các em thiếu nhi nghèo vượt khó đến từ các tỉnh: Yên Bái, Lào Cai, Tuyên Quang, Hà Giang, Sơn La, Lạng Sơn.

Các mô hình giáo dục kỹ năng thực hành công tác xã hội, các sân chơi, trại hè kỹ năng trải nghiệm, trại sáng tác văn học, lớp học dân vũ, các câu lạc bộ thể dục thể thao... được Hội đồng Đội các cấp tổ chức và quản lý chặt chẽ, nội dung phong phú, bổ ích và lành mạnh, thu hút đông đảo thiếu nhi tham gia, kịp thời đáp ứng với nhu cầu thực tiễn và phù hợp với tâm lí lứa tuổi. Các hoạt động vui chơi giải trí, văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao được các Liên đội tiếp tục tổ chức sôi nổi, rộng khắp. Hoạt động của các đội tuyên truyền măng non, phát thanh măng non, phóng viên nhỏ, cây bút nhỏ tuổi... được duy trì với các nội dung tuyên truyền phong phú: Tổ chức các buổi tọa đàm góp ý sửa đổi luật bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, phổ biến giáo dục pháp luật, bảo vệ môi trường, phòng chống tệ nạn xã hội, tuyên dương các gương người tốt, việc tốt trong học tập và công tác Đội, phổ biến các phong trào thi đua trong Liên đội.

4. Chương trình “Xây dựng Đội vững mạnh - Cùng tiến bước lên Đoàn”

Công tác xây dựng Đội, bồi dưỡng nâng cao chất lượng đội viên tiếp tục được các cấp bộ Đội quan tâm chỉ đạo và thực hiện phù hợp với điều kiện tại địa phương; tập trung triển khai các mô hình điểm về thực hiện chương trình rèn luyện đội viên sửa đổi; triển khai hướng dẫn hoạt động nhi đồng trong giai đoạn mới; hướng dẫn nội dung sinh hoạt dưới cờ; hướng dẫn nâng cao chất lượng tổ chức và hoạt động của Hội đồng Đội cấp xã; công tác tập huấn kỹ năng, nghiệp vụ được duy trì, cơ sở vật chất dành cho hoạt động Đội được đầu tư, nâng cấp; phương thức hoạt động Đội được cải tiến góp phần xây dựng tổ chức Đội ngày càng vững mạnh.

Hội đồng Đội Trung ương đã tập trung nghiên cứu, chỉ đạo các giải pháp trong các mảng công việc mới, khó, tăng cường tập huấn nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ phụ trách Đội: Tập huấn chức danh chủ tịch Hội đồng Đội cấp huyện, tập huấn hoạt động thiếu nhi ở địa bàn dân cư, tổ chức trại huấn luyện Kim Đồng... tổ chức Tọa đàm “Xây dựng giải pháp triển khai công tác Đội và phong trào thiếu nhi trong các trường ngoài công lập” tại Hà Nội vào ngày 12/5/2015 cho 50 đại biểu đại diện Ban giám hiệu, Tổng phụ trách Đội các trường ngoài công lập thuộc các tỉnh, thành phố: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Quảng Ninh, Yên Bái, Phú Thọ, Hải Dương; Phối hợp với Học viện Thanh thiếu nhi  tổ chức Hội thảo “Đào tạo bồi dưỡng cán bộ làm công tác thiếu nhi và cán bộ phụ trách đội trong giai đoạn hiện nay” vào ngày 11/5/2015 với 50 đại biểu tham gia.

4.1. Công tác nhi đồng

Công tác nhi đồng được các Liên đội cụ thể hóa theo chủ đề, chủ điểm từng tháng. Nội dung sinh hoạt tiếp tục được đầu tư đổi mới bám sát với Hướng dẫn hoạt động nhi đồng trong giai đoạn mới của Hội đồng Đội Trung ương.

Hàng tuần, hàng tháng sinh hoạt Sao được duy trì dưới sự hướng dẫn của phụ trách Sao và giáo viên phụ trách lớp nhi đồng. Hình thức sinh hoạt Sao nhi đồng kết hợp với giáo dục trực quan sinh động đã tạo được không khí vui tươi, sôi nổi, phát huy vai trò tự quản của đội viên và nhi đồng. Các hoạt động giao lưu, kết nghĩa giữa các Liên đội tiểu học và Trung học cơ sở tiếp tục được duy trì và thực hiện tốt. Các Liên đội tiểu học đã phát động và duy trì tốt phong trào xây dựng "Sao tự quản", "Sao chăm học", ở các lớp nhi đồng, tổ chức các hội thi “Phụ trách Sao giỏi”, “Em là phụ trách Sao”, “Sao vui của em” ... [22]

Công tác tập huấn, bồi dưỡng đội ngũ phụ trách Sao được các Liên đội thực hiện khá bài bản. Các phụ trách Sao được tập huấn nội dung sinh hoạt hàng tháng và được hướng dẫn các bài hát, trò chơi, điệu múa theo chủ đề, chủ điểm phù hợp với lứa tuổi nhi đồng. Kết quả đã tổ chức được hàng chục nghìn buổi tập huấn sinh hoạt Sao nhi đồng với hơn 70.000 lượt em tham gia.

Chương trình “Dự bị đội viên” được Hội đồng Đội các cấp triển khai thực hiện cùng với việc trang bị Sổ theo dõi rèn luyện đội viên và nhi đồng, khích lệ các em phấn đấu và xem xét kết nạp các em nhi đồng ưu tú. Lễ kết nạp Đội cho các em được tổ chức gắn với các đợt sinh hoạt tập thể, sinh hoạt chuyên đề, giúp các em cảm nhận được niềm tự hào và vinh dự khi được đứng trong hàng ngũ của Đội.

4.2. Công tác đội viên

Thực hiện sự chỉ đạo của thường trực Hội đồng Đội Trung ương, chương trình “Rèn luyện đội viên" đã được Hội đồng Đội các tỉnh, thành phố đặc biệt quan tâm thực hiện. 58/63 tỉnh, thành phố đã lựa chọn, giới thiệu được 112 Liên đội tiểu học và trung học cơ sở triển khai mô hình điểm thực hiện chương trình rèn luyện đội viên trong năm học 2014 - 2015.[23] Qua đánh giá từ cơ sở, nhiều mô hình đã nhận được sự quan tâm, đầu tư tích cực của Ban giám hiệu nhà trường. Hội đồng Đội các cấp đã có nhiều hình thức hỗ trợ và kịp thời hướng dẫn để các liên đội triển khai chương trình rèn luyện đội viên tại địa phương, đơn vị. [24]

Trong năm học vừa qua, nhiều đơn vị đã tổ chức tốt“Ngày hội công nhận hoàn thành chương trình rèn luyện đội viên”, tổ chức cấp giấy chứng nhận hoàn thành chương trình rèn luyện đội viên cho các đội viên hoàn thành các hạng. [25]

Công tác theo dõi thực hiện chương trình “Rèn luyện đội viên”, quản lý đội viên được các cơ sở Đội thực hiện đồng bộ và hiệu quả gắn với việc triển khai sổ theo dõi rèn luyện nhi đồng và đội viên. Trong năm học đã có hơn 6,4 triệu đội viên đăng ký thực hiện chương trình "Rèn luyện đội viên", có hơn 5,6 triệu em được công nhận đạt chuyên hiệu các loại.

Công tác phát triển đội viên mới được các Liên đội thực hiện đúng quy trình, đảm bảo số lượng và chất lượng. Kết quả, cả nước đã kết nạp mới cho 1.283.583 nhi đồng vào Đội và giới thiệu 645.149  đội viên trưởng thành tham gia lớp cảm tình Đoàn.

4.3. Công tác xây dựng Ban Chỉ huy Liên, Chi đội

Các hoạt động tổ chức sinh hoạt định kỳ, bồi dưỡng kỹ năng múa, hát, nghi thức Đội, sinh hoạt cộng đồng ... được duy trì giúp cho các em có thêm kỹ năng trong công tác Đội, từng bước phát huy vai trò tự nguyện, tự quản, tính chủ động sáng tạo của người cán bộ chỉ huy Đội qua các phong trào hoạt động. Nhiều mô hình hoạt động Đội được xây dựng nhằm phát huy khả năng tự quản, ý thức tự giác của từng đội viên, phát huy khả năng điều hành quản lý của các em trong Ban chỉ huy Liên - Chi đội[26].

Công tác bồi dưỡng Ban Chỉ huy Liên, Chi đội được các cơ sở Đội quan tâm đầu tư. Các cuộc thi: Chỉ huy Đội giỏi, Phụ trách Sao giỏi, Thủ lĩnh trẻ tương lai, Hội thi nghi thức mẫu... được duy trì tổ chức đã góp phần tăng cường kỹ năng chỉ huy Đội cho các em trong Ban chỉ huy Liên, Chi đội. Trong năm học, cả nước đã tổ chức được gần 20.000 lớp tập huấn cho gần 240.000 lượt em trong Ban Chỉ huy Liên, Chi đội. [27]

4.4. Công tác thiếu nhi ở địa bàn dân cư

Hoạt động thiếu nhi ở địa bàn dân cư tiếp tục nhận được sự quan tâm chăm lo của các cấp, các ngành, đoàn thể, gia đình và xã hội. Hướng dẫn nâng cao chất lượng tổ chức và hoạt động Hội đồng Đội cấp xã do Hội đồng Đội Trung ương ban hành đã được cơ sở tích cực triển khai: kiện toàn, phân công, bố trí đội ngũ cán bộ phụ trách thiếu nhi phù hợp, đáp ứng được yêu cầu tham mưu, chỉ đạo công tác Đội và phong trào thiếu nhi trong thời kỳ mới.

Các hình thức sinh hoạt: Câu lạc bộ theo sở thích, các hoạt động chăm sóc, bảo tồn các khu di tích lịch sử, bảo tàng văn hóa cách mạng ở địa phương được thực hiện có hiệu quả thông qua hoạt động của các đội thiếu nhi làm công tác xã hội, đội thiếu nhi tình nguyện, đội tuyên truyền măng non, Đội phát thanh măng non,... 

Việc xây dựng, củng cố tổ chức Đội khu vực dân tộc thiểu số, vùng tôn giáo, vùng sâu vùng xa, các hoạt động chăm sóc, bảo vệ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được các cơ sở Đội tiếp tục quan tâm, đặc biệt là trong dịp các ngày Lễ, Tết, 1/6, Tết Trung thu, dịp nghỉ hè. “Ngày hội thiếu nhi Việt Nam“ và các hoạt động khai mạc hè cho các em thiếu nhi nhân ngày Quốc tế thiếu nhi 01/6/2015 tiếp tục được các cơ sở Đội tổ chức đồng loạt.

Hoạt động của hệ thống các Cung, Nhà thiếu nhi, Trung tâm hoạt động Thanh thiếu nhi tiếp tục được các cấp bộ Đoàn, Đội quan tâm chỉ đạo với nhiều loại hình hoạt động, vui chơi, giải trí, trại huấn luyện kỹ năng, các câu lạc bộ sở thích theo nhu cầu thu hút đông đảo các đối tượng thiếu nhi tham gia. Một số Nhà thiếu nhi đã được nâng cấp, tu bổ, đầu tư bổ sung các trang thiết bị vui chơi, giải trí mới nhằm từng bước phục vụ có hiệu quả nhu cầu học tập, vui chơi, giải trí của thiếu nhi. Các hoạt động hội trại, các buổi biểu diễn văn hoá, văn nghệ, thi đấu thể thao, lễ hội đường phố, sân chơi cuối tuần… được các Nhà thiếu nhi thường xuyên tổ chức nhân ngày Quốc tế thiếu nhi 1/6, Rằm trung thu và các ngày lễ lớn được đầu tư cả về chất lượng và số lượng. Nhiều hoạt động cấp khu vực và toàn quốc được các tỉnh, thành phố đăng cai tổ chức thành công, để lại ấn tượng và dư luận xã hội tốt như: Liên hoan “Tiếng kèn Đội ta " khu vực phía Bắc tại Lạng Sơn; Liên hoan “Văn hóa thiếu nhi các dân tộc lần thứ V" tại Ninh Thuận; “Liên hoan múa rối lần thứ VIII và liên hoan đội nhóm xuất sắc lần thứ II"  tại An Giang;“Liên hoan Nghệ thuật các Cung, Nhà thiếu nhi phía Bắc" tại Hà Nội; Liên hoan “Búp Sen hồng lần thứ XXI" tại Đà Nẵng. Hệ thống các Cung, Nhà thiếu nhi, Trung tâm hoạt động Thanh thiếu nhi cả nước trong năm học vừa qua tiếp tục phát huy vai trò định hướng, phát huy năng khiếu và đáp ứng các nhu cầu vui chơi giải trí lành mạnh cho thiếu nhi.

5. Chương trình “Khăn hồng tình nguyện - Chắp  cánh yêu thương”

Nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ phụ trách thiếu nhi, năm học qua, Hội đồng Đội các cấp đã tích cực đẩy mạnh các hoạt động trong chương trình "Khăn hồng tình nguyện - Chắp cánh yêu thương"  xây dựng đội ngũ phụ trách Đội giỏi về kỹ năng nghiệp vụ, nhiệt tình, yêu trẻ, vững vàng về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; tiếp tục triển khai chương trình rèn luyện phụ trách, phối hợp với ngành giáo dục trong việc lựa chọn, bổ nhiệm giáo viên làm Tổng phụ trách Đội; bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ, từng bước tháo gỡ khó khăn về chế độ chính sách, kịp thời tuyên dương, khen thưởng, động viên các gương Tổng phụ trách Đội tiêu biểu.

Việc củng cố, kiện toàn các Câu lạc bộ phụ trách Đội, lên kế hoạch sinh hoạt hàng tháng được Hội đồng Đội các cấp quan tâm triển khai ngay khi bước vào năm học mới gắn với việc tổ chức cho phụ trách Đội đăng ký thực hiện “Chương trình rèn luyện phụ trách Đội”. Kết quả, có 80% tổng phụ trách Đội đăng ký thực hiện chương trình Rèn luyện phụ trách Đội,  9.051 phụ trách Đội được kết nạp Đảng, hơn 12.000 giáo viên được công nhận Tổng phụ trách Đội giỏi các cấp.

Phong trào “Khăn hồng tình nguyện”, cuộc vận động “Vì đàn em thân yêu”,... tiếp tục được triển khai thực hiện thường xuyên, liên tục bằng các việc làm thiết thực. [28] Toàn quốc đã có gần 30.000 công trình "Vì đàn em thân yêu", 234.000 em thiếu nhi khó khăn được đỡ đầu, giúp đỡ với tổng số tiền trị giá hàng trăm tỷ đồng.

Việc thành lập Hội đồng huấn luyện kỹ năng cán bộ Đội các cấp được Hội đồng Đội các tỉnh, thành phố quan tâm chỉ đạo. [29] Hội đồng Đội các cấp đã chủ động phối hợp với ngành giáo dục tiến hành rà soát, bổ nhiệm giáo viên làm tổng phụ trách Đội đảm bảo đúng quy trình và năng lực cán bộ[30]; phối hợp tổ chức các lớp tập huấn kỹ năng, nghiệp vụ cho lực lượng giáo viên, tổng phụ trách Đội; tổ chức tốt Hội thi Giáo viên làm tổng phụ trách Đội các cấp, giới thiệu các gương phụ trách xuất sắc kịp thời động viên, khen thưởng. Toàn quốc đã tổ chức được 1.180 lớp tập huấn bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng nghiệp vụ công tác Đội cho hơn 59.000 lượt giáo viên Tổng phụ trách Đội.

Trong năm học, Hội đồng Đội Trung ương đã phối hợp với Cục Nhà giáo, Bộ Giáo dục - Đào tạo tổ chức thành công Liên hoan giáo viên làm Tổng phụ trách Đội giỏi lần thứ nhất, năm 2015, tôn vinh 250 tấm gương tổng phụ trách Đội tiêu biểu. Tổ chức Lễ kỷ niệm 5 năm giải thưởng Cánh én hồng và trao giải thưởng Cánh én hồng năm 2015.

III. KẾT QUẢ THỰC HIỆN CÁC CHỈ TIÊU NĂM HỌC 2014 - 2015

1. Triển khai, xây dựng mới 1.000 “Tủ sách học đường” cho các Liên đội tại vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo. Kết quả đã xây dựng được 1.100 tủ sách đạt 110%.

2. Xây dựng 126 mô hình điểm triển khai “Chương trình rèn luyện đội viên” tại 63 Liên đội tiểu học, 63 Liên đội trung học cơ sở. Kết quả xây dựng được 112 mô hình đạt 89 %. [31]

3. Xây dựng 01 điểm vui chơi cho thiếu nhi tại huyện đảo Trường Sa và 500 điểm vui chơi cấp xã, phường. Kết quả đã tặng được 02 điểm vui chơi cho thiếu nhi huyện đảo Trường Sa; xây dựng được 460 điểm vui chơi cấp xã phường đạt 92%.

4. Chăm sóc giúp đỡ 100.000 thiếu nhi có hoàn cảnh khó khăn. Kết quả, đã chăm sóc giúp đỡ được 251.458 thiếu nhi có hoàn cảnh khó khăn, đạt tỷ lệ 250 %, gấp 2,5 lần.

5. 100% Hội đồng Đội cấp huyện và cấp tỉnh tổ chức hội thi “Chúng em kể chuyện Bác Hồ”. Kết quả đạt 100%.

IV. ĐÁNH GIÁ CHUNG

1. Ưu điểm

Năm học 2014 - 2015, công tác Đội và phong trào thiếu nhi cả nước đã được các cơ sở Đội triển khai với nhiều cách làm sáng tạo, đổi mới, đạt kết quả toàn diện trên các mặt, bám sát mục tiêu, thực hiện có hiệu quả chương trình năm học.

Công tác giáo dục truyền thống, đạo đức, lối sống cho đội viên, thiếu niên nhi đồng được tổ chức sôi nổi, rộng khắp, mang lại hiệu quả cao, đặc biệt là việc triển khai cuộc vận động “Thiếu nhi Việt Nam thi đua thực hiện tốt 5 điều Bác Hồ dạy” từng bước đi vào chiều sâu với nhiều hình thức triển khai đa dạng, phong phú, hiệu quả, thu hút đông đảo đội viên, thiếu nhi tham gia.

 Các phong trào Nghìn việc tốt, Kế hoạch nhỏ; các cuộc vận động: Vòng tay bè bạn, Giúp bạn đến trường, chương trình “Thắp sáng ước mơ thiếu nhi Việt Nam” được triển khai với nhiều cách làm mới, sáng tạo. Phong trào kế hoạch nhỏ được triển khai với nhiều hình thức mới, sáng tạo như: Đàn gà khăn quàng đỏ, Vườn rau cho em...

Chương trình “Rèn luyện đội viên” được Hội đồng Đội các cấp triển khai rộng khắp, đồng bộ với nhiều hình thức đăng ký, công nhận phong phú, sinh động. Một số tỉnh, thành bước đầu có sự quan tâm đầu tư triển khai các mô hình điểm để rút kinh nghiệm, nhân rộng.

Các hoạt động nhân đạo, tương thân tương ái, hỗ trợ thiếu nhi vùng sâu vùng xa, vùng biên giới, hải đảo, thiếu nhi tại các khu công nghiệp, chế xuất được quan tâm. Công tác phối hợp, vận động nguồn lực hỗ trợ công tác Đội và phong trào thiếu nhi từng bước được mở rộng, đem lại hiệu quả thiết thực. Các cấp bộ Đội có sự chủ động hơn trong vận động nguồn lực, đồng hành cùng thiếu nhi có hoàn cảnh khó khăn.

Nhiều đơn vị có sự chủ động, sáng tạo trong công tác phối hợp, tham mưu xây dựng, thực hiện cơ chế chính sách cho đội ngũ cán bộ phụ trách Đội, tạo môi trường thuận lợi cho sự phát triển của công tác Đội và phong trào thiếu nhi.

2. Hạn chế

Công tác Đội và phong trào thiếu nhi tại một số địa phương, đơn vị trong năm còn thiếu sự quan tâm đầu tư, đổi mới về nội dung và hình thức hoạt động.

Công tác nhi đồng, hướng dẫn sinh hoạt Sao nhi đồng ở một số đơn vị còn thiếu sự đầu tư về nội dung và hình thức. Nhiều nơi chưa duy trì được sinh hoạt Sao, lớp Sao nhi đồng đều đặn, nền nếp.

Việc kiểm tra, đánh giá mức độ hoàn thành Chương trình rèn luyện đội viên chưa thống nhất, có nơi còn nặng về hình thức, có nơi lại quá đơn giản chỉ lấy kết quả học tập để xét công nhận cho đội viên.

Việc tham mưu, thực hiện cơ chế chính sách cho đội ngũ cán bộ phụ trách Đội, đặc biệt là đội ngũ giáo viên Tổng phụ trách ở nhiều tỉnh, thành còn hạn chế, nhất là trong việc bố trí giảm tiết giảng để Tổng phụ trách Đội có thêm thời gian cho hoạt động Đội.

Hoạt động thiếu nhi trên địa bàn dân cư gặp nhiều khó khăn, công tác tập hợp thiếu nhi tham gia vào các hoạt động còn hạn chế, thiếu nhi ở đô thị ít tham gia hoạt động hè ở địa bàn dân cư. Đội ngũ cán bộ phụ trách, cơ sở vật chất phục vụ cho việc tổ chức các hoạt động trên địa bàn dân cư chưa đáp ứng yêu cầu.

Phong trào “Kế hoạch nhỏ” ở một số đơn vị còn triển khai máy móc, thiếu tính sáng tạo, nặng về việc cố gắng đạt chỉ tiêu mà ít quan tâm đến làm rõ ý nghĩa giáo dục của phong trào. [32]

Công tác báo cáo, số liệu tổ chức Đội, công tác thông tin hai chiều giữa một số địa phương đơn vị với Hội đồng Đội Trung ương chưa đảm bảo, ảnh hưởng tới chất lượng và tiến độ công tác Đội và phong trào thiếu nhi.

Công tác truyền thông về các phong trào, các hoạt động của Đội chưa được chú trọng, chưa thu hút được sự quan tâm của cộng đồng và các bậc phụ huynh, chưa tạo được hiệu ứng lan tỏa sâu rộng.

Cơ chế để Đoàn, Đội thực hiện vai trò giám sát, phản biện trong bảo vệ trẻ em còn chưa rõ.

3. Nguyên nhân hạn chế

Một số địa phương, đơn vị thiếu chủ động, sáng tạo trong xác định nhiệm vụ trọng tâm, triển khai các giải pháp, chương trình chưa thực sự phù hợp với điều kiện và nhu cầu của đông đảo các em đội viên, thiếu nhi.

Chất lượng cán bộ phụ trách Đội ở một số địa phương còn thiếu và yếu, luân chuyển nhanh, một số còn chưa nắm chắc chuyên môn, nghiệp vụ công tác Đội nên công tác tham mưu còn lúng túng và chưa mang lại hiệu quả cao.

Công tác phối hợp với các ngành liên quan, đặc biệt là ngành giáo dục ở một số đơn vị chưa chặt chẽ, chưa tranh thủ được sự quan tâm, ủng hộ của Ban Giám hiệu nhà trường dẫn đến khó khăn trong triển khai các mục tiêu, nhiệm vụ công tác Đội và phong trào thiếu nhi trong nhà trường. Chưa vận dụng, phát huy được các nguồn lực, cơ chế dành cho công tác Đội.

Một số cấp bộ Đoàn chưa thực sự quan tâm, đầu tư, dành nguồn lực, các điều kiện thuận lợi cho công tác Đội và phong trào thiếu nhi.

Nơi nhận:                                         

- Bộ GD & ĐT; Bộ LĐ, TB và XH;

- Ban Bí thư TW Đoàn;

- Các đồng chí UV HĐĐTW;  

- Các ban, đơn vị khối phong trào;

- Báo TNTP, Báo Nhi đồng,

  NXB Kim Đồng, Ban Phát thanh TTN;

- Trung tâm TTN TW, miền Trung, miền Nam;

- Trung tâm HDHĐ Thiếu nhi Trung ương;

- BTV Đoàn, HĐĐ các tỉnh, thành phố;

- Các Cung, Nhà thiếu nhi, Trung tâm

   hoạt động TTN các tỉnh, thành phố;

- Lưu VP HĐĐTW.

TM. HỘI ĐỒNG ĐỘI TRUNG ƯƠNG

CHỦ TỊCH

(Đã ký)

Nguyễn Long Hải

 



[1] Hà Tĩnh phối hợp Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức Cuộc thi báo tường gắn với phong trào đọc sách Lý Tự Trọng - Sống mãi tên Anh trong các liên đội trường học toàn tỉnh. Đã có 554 tác phẩm báo tường dự thi ở cấp huyện, 44 tác phẩm được chọn vào vòng thi chung khảo cấp tỉnh.

[2] Đồng Tháp triển khai mô hình: CLB thuyết minh viên Lăng cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc, Đội tuyên truyền viên tượng đài chiến thắng Gò Quản Cung, Giồng Thị Đam...

[3] Các tỉnh tổ chức tốt cuộc thi chúng em kể chuyện Bác Hồ: Hà Nội, Thái Nguyên, Hải Phòng, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Kiên Giang, Long An, Đắc Lắc.

[4] Các tỉnh tổ chức tốt Đại hội cháu ngoan Bác Hồ từ cấp cơ sở đến cấp tỉnh: Yên Bái, Lạng Sơn, Cao Bằng, Lào Cai, Điện Biên, Hà Nội, Hải Phòng, Bắc Giang, Quảng Ninh, Hải Dương, Thái Bình, Ninh Bình, Nghệ An, Quảng Bình, Bình Thuận, Hồ Chí Minh, Bến Tre, Bà Rịa - Vũng Tàu…

[5] Hà Tĩnh với mô hình: “Chào cờ - xếp hình bản đồ Tổ quốc” bồi đắp lòng yêu nước cho tuổi trẻ học đường. Bình Định với mô hình tổ chức hội trại Tuyên truyền chủ quyền biển đảo Việt Nam, Ngày hội "Tổ quốc nhìn từ biển".

[6] Các tỉnh triển khai có hiệu quả phong trào Kế hoạch nhỏ là: Thái Nguyên, Bắc Giang, Hải Phòng, Quảng Nam, Đà Nẵng, Bình Định, Bình Thuận, Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, Tây Ninh, An Giang, Cà Mau…

[7] Mô hình "Vườn rau em chăm" của tỉnh Yên Bái, xây dựng ở 52 trường Dân tộc Nội trú và Bán trú, thu hút hơn 20.000 thiếu nhi tham gia, góp phần đảm bảo rau sạch cho bữa ăn nội trú và trích một phần kinh phí vào phong trào kế hoạch nhỏ. Được chọn là công trình thanh niên tiêu biểu toàn quốc năm 2014.

[8] Tỉnh Tuyên Quang giúp đỡ được 10.632 kg gạo trao tặng cho các bạn học sinh có hoàn cảnh khó khăn, quyên góp ủng hộ 102.521 bộ quần áo, 101.230 bộ sách giáo khoa... trị giá trên 300 triệu đồng, trao tặng cho 25.361. em thiếu nhi có hoàn cảnh khó khăn, thiếu nhi vùng sâu, vùng xa trong tỉnh.

[9] Tiêu biểu là các đơn vị: Bắc Giang, Hải Dương, Hà Nội, Tuyên Quang, Thanh Hóa, Nghệ An, Đà Nẵng, Quảng Nam, Bến Tre, Long An, Đồng Tháp...

[10] Quảng Nam tổ chức cuộc thi Giao thông thông minh trên internet thu hút hơn 25.000 thiếu nhi tham gia.

[11] Tiêu biểu là các tỉnh: Yên Bái, Hà Nội, Bắc Giang, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Hồ Chí Minh.

[12] Thái Nguyên tổ chức diễn đàn trao đổi về ước mơ và lựa chọn nghề nghiệp tương lai cho học sinh khối THCS Lâm Đồng tổ chức lồng ghép chương trình “Thắp sáng ước mơ thiếu nhi Lâm Đồng” gắn với Lễ khai giảng năm học mới, trao học bổng cho gần 5.000 thiếu nhi. Hậu Giang  xây dựng được 4 căn nhà Thắp sáng ước mơ.

[13] Các tỉnh, thành phố có số lượng thí sinh tham gia đông, tổ chức tốt cuộc thi như: Thái Nguyên, Bến Tre, Quảng Ninh, Hải Dương, Bắc Giang, Phú Thọ, Thừa Thiên Huế, Bình Định...

Ngày 20/4/2015, vòng Chung kết cuộc thi Chinh phục vũ môn đã được tổ chức tại Hà Nội với 35 thí sinh tham gia. Lễ tổng kết và trao giải cuộc thi được truyền hình trực tiếp trên kênh ANTV. Ban Tổ chức đã trao gần 9000 giải thưởng trị giá 7 tỷ đồng cho các thí sinh đạt giải.

[14] Nghệ An quyên góp, ủng hộ và trao tặng 1.000 đàn gà khăn quàng đỏ trị giá 600 triệu đồng, bàn giao 01 ngôi nhà chắp cánh ước mơ tại xã Nà Ngoi, huyện Kỳ Sơn trị giá gần 400 triệu đồng, khởi công 02 ngôi nhà Bán trú trị giá gần 1,7 tỷ đồng. Lào Cai trao tặng 558 đàn gà Khăn quàng đỏ và trên 4.000 suất học bổng với tổng trị giá hơn 800 triệu đồng cho thiếu nhi có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Bến Tre bằng nhiều hình thức vận động đã xây dựng được 10 Ngôi nhà Khăn quàng đỏ.

[15] Hưng Yên tặng quà và học bổng cho hơn 18 thiếu nhi nghèo, nhiễm chất độc màu da cam với trị giá trên 132 triệu đồng. Nam Định thông qua cuộc vận động “Xe đạp giúp em tới trường” đã quyên góp và trao tặng xe đạp, quà và học bổng cho hơn 7000 thiếu nhi có hoàn cảnh khó khăn, với số tiền trị giá trên 600 triệu đồng. Long An tổ chức đêm văn nghệ gây quỹ tại huyện Cần Giuộc thu được 60 triệu đồng, trao 30 xuất học bổng, 170 cặp, 500 tập vở, bánh kẹo cho thiếu nhi có hoàn cảnh khó khăn. Trà Vinh qua phong trào “Đỡ đầu học sinh nghèo hiếu học”, có 315 liên đội nhận đỡ đầu 1.538 học sinh có hoàn cảnh khó khăn với tổng kinh phí hơn 1,3 tỷ đồng, phong trào “Góc học tập vì bạn nghèo” tặng 526 góc học tập với kinh phí hơn 300 triệu đồng.

[16] Gia Lai trao 2.628 đàn gà trị giá 481 triệu đồng; Long An 1.120 đàn gà; Thái Nguyên 1.338 đàn gà.

[17] Bình Thuận đã trồng được 2.460 cây xanh, 443 chậu hoa, thực hiện 47 cổng trường xanh - sạch - đẹp, trang bị 23 ghế đá, tổ chức 340 “Ngày thứ bảy tình nguyện ” “Ngày chủ nhật xanh ” thu hút hơn 13.000 thiếu nhi tham gia. Quảng Ninh tiếp tục duy trì và triển khai có hiệu quả mô hình “Cổng trường thiếu niên tự quản đảm bảo xanh - sạch - đẹp và ATGT”, “Đoạn đường em chăm. Triển khai mô hình “Học từ thiên nhiên”, hơn 85% liên đội xây dựng Vườn cây thuốc nam.

[18] Bình Định đã phối hợp với Hội văn học nghệ thuật tỉnh tổ chức “Trại sáng tác văn học trẻ cho thiếu nhi”. Bạc Liêu tổ chức cho thiếu nhi tìm hiểu và tập hát về các bài hát đờn ca tài tử Nam Bộ. Nghệ An xây dựng câu  lạc bộ hát dân ca ví dặm. Lạng Sơn tổ chức sân chơi “Vườn âm nhạc” cho thiếu nhi.

[19] Hà Nội triển khai mô hình Phổ cập bơi” . Điện Biên tổ chức các lớp dạy bơi phòng chống đuối nước cho hơn 200 em. Quảng Ninh triển khai mô hình sinh hoạt ngoại khóa giáo dục sức khỏe sinh sản vị thành niên Chống xâm hại tình dục”  trong các trường nội trú và bán trú. Tây Ninh triển khai mô hình Tâm sự tuổi teen”. Phú Thọ triển khai mô hình Xây dựng tình bạn đẹp cùng chống bạo lực học đường. An Giang triển khai mô hình “Trại hè dành cho con em gia đình công nhân lao động nghèo với 200 em thiếu nhi có hoàn cảnh khó khăn được sinh hoạt, học tập và rèn luyện kỹ năng sống.

[20] Tiêu biểu là các đơn vị: Phú Thọ, Quảng Nam, Khánh Hòa.

[21] Tiêu biểu là các tỉnh: Bắc Giang, Thái Nguyên, Yên Bái, Long An, Sóc Trăng, … Trung tâm Hỗ trợ phát triển thiếu nhi Việt Nam phối hợp với Học viện cảnh sát nhân dân tổ chức 02 học kỳ Công an “Đi để biết - Học để sống”  cho gần 150 học viên, trang bị cho các em các kỹ năng sống, kỹ năng an toàn.

[22] Trà Vinh tổ chức được 52 cuộc thi “Em là phụ trách Sao” với hơn 2.500 thiếu nhi tham gia. Cà Mau tổ chức được 57 cuộc thi “Ai tài - Ai khéo”, “Sao nhi đồng chăm ngoan”… thu hút hơn 14.700 nhi đồng tham gia.

[23] Các tỉnh không tham gia tập huấn và báo cáo mô hình điểm triển khai chương trình rèn luyện đội viên để Hội đồng Đội Trung ương phê duyệt gồm: Sơn La, Thừa Thiên Huế, Đồng Nai, Vĩnh Long.

[24] Một số đơn vị như: Quảng Ninh, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh... đã sáng tạo xây dựng bộ đề công nhận chuyên hiệu rèn luyện đội viên cụ thể, giảm tải các nội dung lý thuyết, tăng cường kỹ năng thực hành nhằm tạo tâm lý nhẹ nhàng, hào hứng cho đội viên khi rèn luyện.

[25] Tiêu biểu là các đơn vị: Điện Biên, Thái Nguyên, Hải Dương, Ninh Bình, Nghệ An, Quảng Bình, Phú Yên.

[26] Bình Thuận tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ, kiến thức cho 9.959 thành viên Ban Chỉ huy Liên đội và 3.703 phụ trách Đội..

[27] Lâm Đồng xây dựng và duy trì hoạt động của trên 400 câu lạc bộ “Chỉ huy Đội”; tổ chức Hội trại huấn luyện kỹ năng cho gần 200 thiếu nhi là cán bộ Ban chỉ huy liên, chi đội và 62 cán bộ phụ trách Đội trong toàn tỉnh. Tiền Giang tổ chức Hội thi Chỉ huy Đội giỏi và Liên hoan các Đội tuyên truyền măng non cho 33 chỉ huy đội xuất sắc toàn tỉnh và 11 đội TTMN tham gia. Nhiều đơn vị xây dựng và duy trì hiệu quả mô hình xây dựng ban chỉ huy Liên, Chi đội như: Hà Nam, Bắc Giang, Đà Nẵng, Hậu Giang, Cà Mau, Đồng Tháp, Bến Tre.

[28] Mô hình “Giờ học trái tim” phụ đạo cho học sinh yếu kém của thành phố Đà Nẵng; cuộc vận động “Cùng em tôi đến trường” trao học bổng, xây nhà bán trú, sân chơi cho thiếu nhi vùng sâu vùng xa của tỉnh Yên Bái.

[29] Gia Lai phối hợp với Sở Giáo dục Đào tạo tổ chức thành công Hội trại huấn luyện giáo viên tổng phụ trách Đội lần thứ nhất cho 187 trại sinh. Hải Phòng tổ chức trại huấn luyện Phạm Ngọc Đa, duy trì sinh hoạt câu lạc bộ Cánh én Hồng 01 lần/học kỳ.

[30] Tp Hồ Chí Minh tham mưu UBND thành phố ra Quyết định số 43/2014/QĐ-UBND ngày 4/12/2014 quy định về chức danh và chế độ, chính sách đối với Tổng phụ trách Đội TNTP Hồ Chí Minh trong các trường TH, THCS và trợ lý Thanh niên tại Phòng Giáo dục - Đào tạo các quận, huyện. Nghệ An ban hành hướng dẫn liên ngành về quy trình bổ nhiệm giáo viên làm tổng phụ trách Đội TNTP Hồ Chí Minh.

Các đơn vị tổ chức tốt Hội thi giáo viên làm tổng phụ trách Đội giỏi cấp tỉnh: Hải Dương, Phú Thọ, Đồng Tháp…

[31]  Các đơn vị không có mô hình điểm triển khai chương trình rèn luyện đội viên: Sơn La, Thừa Thiên Huế, Đồng Nai, Vĩnh Long.

[32] Một số tỉnh đến cuối năm học vẫn không có thông tin báo cáo về kết quả thực hiện phong trào như: Lào Cai, Hà Giang, Hưng Yên, Nam Định, Thanh Hóa, Thừa Thiên Huế, Tiền Giang, Bạc Liêu.