ĐỘI TNTP HỒ CHÍ MINH

HỘI ĐỒNG TRUNG ƯƠNG

***

Số:   15   - BC/HĐĐTW

 

 

BÁO CÁO

Tổng kết hoạt động hệ thống Nhà Thiếu nhi toàn quốc năm 2016

--------

          Năm 2016 diễn ra nhiều sự kiện quan trọng của đất nước, của Đoàn, Đội: Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng Cộng sản Việt Nam; bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp; kỷ niệm 85 năm Ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh (26/3/1931 - 26/3/2016); 75 năm Ngày thành lập Đội TNTP Hồ Chí Minh (15/5/1941 - 15/5/2016); 60 năm Ngày truyền thống Hội LHTN Việt Nam. Với chủ đề Ươm mầm tài năng đất nước”, hệ thống Nhà Thiếu nhi cả nước đã có nhiều nỗ lực trong triển khai các nhiệm vụ công tác và đạt được những kết quả cụ thể như sau:

I. CÔNG TÁC THAM MƯU, CHỈ ĐẠO

1. Trung ương

Hội đồng Đội Trung ương đã ban hành Chương trình hoạt động của hệ thống Nhà thiếu nhi với các trọng tâm nhằm nâng cao chất lượng hoạt động, tạo điều kiện cho thiếu nhi được tham gia học tập, vui chơi giải trí, bồi dưỡng và phát triển năng khiếu. Việc xây dựng mô hình và thí điểm các hoạt động Đội theo chức năng, nhiệm vụ của hệ thống Nhà Thiếu nhi đã được cụ thể hóa, triển khai đồng bộ với chương trình công tác Đội và phong trào thiếu nhi năm học. Hội đồng Đội Trung ương đã hướng dẫn, chỉ đạo hệ thống Nhà thiếu nhi tham gia, tổ chức thành công nhiều chương trình quy mô cấp toàn quốc và khu vực. Trong xây dựng chính sách pháp luật và các chương trình, dự án hỗ trợ cho công tác thiếu nhi, Hội đồng Đội Trung ương đã tham mưu phê duyệt và triển khai Đề án “Hỗ trợ trang thiết bị cho các Nhà thiếu nhi khu vực, địa bàn khó khăn năm 2016”.

Công tác kiểm tra, giám sát trong năm 2016 được tăng cường, chú trọng góp phần phát hiện, nhân rộng kịp thời những mô hình hay, cách làm hiệu quả; định hướng, hỗ trợ chỉ đạo điều chỉnh những vấn đề khó khi cần thiết. Trong năm, Hội đồng Đội đã tổ chức các đoàn kiểm tra, nắm bắt cơ sở gắn với khảo sát hoạt động của hệ thống Nhà Thiếu nhi cấp huyện tại một số tỉnh, thành phố[1].

Công tác thông tin, tuyên truyền trong năm 2016 được đẩy mạnh. Website http://thieunhivietnam.vn tiếp tục cập nhật, đăng tải nhiều tin bài về hoạt động của hệ thống Nhà Thiếu nhi các cấp, là kênh thông tin nhanh chóng, kịp thời các chủ trương công tác lớn của Hội đồng Đội Trung ương tới cơ sở. 

2. Các tỉnh, thành phố

Đoàn Thanh niên, Hội đồng Đội các cấp đã chỉ đạo, định hướng, hỗ trợ hoạt động của hệ thống Nhà Thiếu nhi một cách đồng bộ, chặt chẽ, tạo sự gắn kết, góp phần nâng cao chất lượng công tác Đội, phong trào thiếu nhi trong và ngoài nhà trường. Ban Chủ nhiệm Câu lạc bộ Giám đốc hệ thống Nhà Thiếu nhi hai miền Nam - Bắc tiếp tục được định hướng và tạo điều kiện hoạt động chủ động, tích cực và hiệu quả. Các Cung, Nhà Thiếu nhi, Trung tâm hoạt động thanh thiếu nhi đã nghiên cứu, xây dựng, thí điểm, chuyển giao các mô hình hoạt động Đội có hiệu quả đến cơ sở; chủ động triển khai chương trình công tác năm theo định hướng của Hội đồng Đội Trung ương và nhiệm vụ chính trị tại địa phương; tích cực xã hội hóa, thu hút nguồn lực hỗ trợ cho hoạt động của đơn vị, tạo ra nhiều sân chơi mới hấp dẫn, bổ ích; là nòng cốt cho các hoạt động của thiếu nhi tại địa phương.

II. KẾT QUẢ THỰC HIỆN

1. Các hoạt động lớn trong năm 2016

Nhân kỷ niệm 85 năm ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, 75 năm ngày thành lập Đội TNTP Hồ Chí Minh, các Cung, Nhà thiếu nhi, Trung tâm hoạt động Thanh thiếu nhi các tỉnh, thành phố chủ động phối hợp với Hội đồng Đội các cấp tổ chức nhiều hoạt động chào mừng với các hình thức phong phú, đa dạng, tích cực tham gia biểu diễn nghệ thuật phục vụ Lễ kỷ niệm của Tỉnh đoàn, Hội đồng Đội tỉnh tổ chức, như Liên hoan nghệ thuật trống kèn; Hội trại “Rạng ngời trang sử Đội”; Ngày hội “Chúng em làm thủ lĩnh”; “Tuần Văn hóa - Thể thao thanh thiếu nhi”, Hội trại “Tiến bước dưới cờ Đoàn”, thi tìm hiểu “85 năm - Tự hào những trang sử Đoàn”[2]

Năm 2016 cũng diễn ra nhiều hoạt động quy mô lớn, thu hút đông đảo thiếu nhi tham gia, tạo dấu ấn đậm nét với cộng đồng xã hội, tiêu biểu là Festival Nhà Thiếu nhi toàn quốc lần thứ VI, năm 2016 tổ chức tại Khánh Hòa từ ngày 26 đến 30/6/2016, được chọn là 1 trong 10 hoạt động tiêu biểu trong công tác Đoàn và phong trào thiếu nhi toàn quốc. Đây là một sân chơi lớn được tổ chức định kỳ nhằm tạo ra hoạt động chung của hệ thống Nhà Thiếu nhi; thông qua đó, đội ngũ lãnh đạo, quản lý và cán bộ chuyên môn, nghiệp vụ Nhà Thiếu nhi được gặp gỡ, trao đổi, học tập lẫn nhau về kinh nghiệm công tác; các em thiếu nhi được biểu dương lực lượng, đua sức, tranh tài bằng các môn năng khiếu mà các em được học tập, rèn luyện trong thời gian tham gia hoạt động ở Nhà Thiếu nhi các cấp. Festival năm nay có sự tham gia của 59 Cung, Nhà Thiếu nhi, Trung tâm hoạt động Thanh thiếu nhi và hơn 2.000 thiếu nhi trong cả nước. Bên cạnh các nội dung thi truyền thống, năm nay, Festival có thêm các nội dung mới như Chỉ huy Đội giỏi, Hùng biện tiếng Anh, thi đấu cầu lông, bóng bàn tuổi 15… Các hoạt động bên lề Festival cũng diễn ra rất phong phú, đặc biệt, đã có 02 kỷ lục Việt Nam được xác lập tại đây, đó là "Màn đồng diễn có nhiều thiếu nhi tham gia nhất" "Số lượng thiếu nhi tham gia Yoga cười nhiều nhất trong cùng một thời điểm" với tổng số trên 5.000 lượt thiếu nhi phối hợp thực hiện. Kết thúc Festival, Ban Bí thư Trung ương Đoàn, Hội đồng Đội Trung ương đã khen thưởng cho 26 đơn vị xuất sắc toàn đoàn, trao bằng khen giải A toàn đoàn cho 25 đơn vị; trao Huy chương cho 5 nội dung thi đấu. Ban Tổ chức cũng đã tiến hành đấu giá 25 bức tranh do các em thiếu nhi vẽ được số tiền 50 triệu đồng để trao tặng cho Nhà Thiếu nhi tỉnh Điện Biên khắc phục khó khăn sau vụ hỏa hoạn ngày 14/6.

Các hoạt động cấp khu vực của Ban Chủ nhiệm Câu lạc bộ hai miền và các đơn vị đăng cai chủ động chuẩn bị tốt. Liên hoan “Tiếng kèn Đội ta” khu vực phía Bắc tại Quảng Ninh và khu vực phía Nam tại Lâm Đồng đã hội tụ 69 Nhà Thiếu nhi - Trung tâm hoạt động Thanh thiếu nhi các tỉnh, thành phố, quận huyện với hơn 3.000 thiếu nhi của các Đội Nghi thức, Nghi lễ tham gia. Các đơn vị đều có sự đầu tư, dàn dựng công phu, tính nghệ thuật cao, tạo sức hấp dẫn. Bên cạnh đó, ngoài các nội dung thi đấu, biểu diễn tại Liên hoan, các đại biểu còn được thăm quan các di tích lịch sử, văn hóa, danh lam, thắng cảnh và tham gia các hoạt động xã hội có ý nghĩa.[3]

Với chủ đề “Bình Dương nơi gặp gỡ tuổi thơ”, Liên hoan “Búp sen hồng” lần thứ XXII, năm 2016 được Tỉnh đoàn, Nhà Thiếu nhi tỉnh Bình Dương đăng cai tổ chức. Liên hoan diễn ra từ ngày 19/7 đến ngày 22/7/2016 tại thành phố Thủ Dầu Một và 8 huyện, thị xã trong tỉnh Bình Dương với nhiều hoạt động ý nghĩa và bổ ích, thu hút 61 đoàn đại biểu các Nhà Thiếu nhi, trung tâm hoạt động thanh thiếu nhi của 25 tỉnh, thành phố khu vực phía Nam, với 300 tiết mục ca múa nhạc đặc sắc của các vùng miền. Ngoài chương trình nghệ thuật của các đơn vị, các em thiếu nhi tham gia Liên hoan còn được tham gia nhiều hoạt động ý nghĩa như: viếng Nghĩa trang liệt sĩ tỉnh Bình Dương và tham gia diễu hành biểu dương lực lượng, thi diễn, tham quan các địa điểm nổi tiếng của Bình Dương, tham gia các hoạt động giao lưu: vẽ tranh, trò chơi dân gian, trò chơi vận động, ẩm thực; tham gia các hoạt động xã hội, cộng đồng, giúp đỡ các bạn có hoàn cảnh khó khăn, thực hiện trao tặng công trình ngôi nhà “Búp Sen Hồng” cho 01 thiếu nhi có hoàn cảnh khó khăn tại xã An Thái - huyện Phú Giáo với tổng trị giá 50 triệu đồng.

 Nhằm tuyên dương các gương Phụ trách tài năng, tạo sân chơi lành mạnh, bổ ích, thiết thực và đoàn kết trong lực lượng phụ trách trong hệ thống  Nhà Thiếu nhi, Liên hoan Phụ trách tài năng các Nhà Thiếu nhi, Trung tâm hoạt động Thanh thiếu nhi khu vực phía Nam lần VI - năm 2016 đã diễn ra từ ngày 25-27/4/2016 tại Long An với chủ đề “Sông Vàm kết nối yêu thương”, với sự tham gia của 49 đoàn đại biểu đến từ 25 tỉnh, thành phố khu vực phía Nam. Trong 3 ngày hoạt động, các đại biểu đã được trải nghiệm nhiều nội dung phong phú và đa dạng, được tham gia các hoạt động như: dựng lều trại; Hội nghị chuyên đề “Giáo dục nhân cách cho Thiếu nhi trong Nhà Thiếu nhi, quan điểm và phương pháp”; đêm hội giao lưu lửa trại, giao lưu văn hóa văn nghệ; trò chơi lớn, tuyên dương Phụ trách tài năng, trao tặng học bổng cho các em thiếu nhi có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn thành phố Tân An, tham quan các danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử tại tỉnh Long An.

Liên hoan Trung tâm hoạt động Thanh thiếu nhi phía Nam là một trong những hoạt động định kỳ được tổ chức hai năm một lần. Liên hoan năm nay được diễn ra trong 03 ngày, từ ngày 20 - 22/10/2016 tại Trà Vinh với sự tham gia của 12 đơn vị và hơn 400 cán bộ phụ trách đến từ các Trung tâm hoạt động Thanh Thiếu nhi phía Nam. Đến với liên hoan, đại biểu được tham gia nhiều nội dung thiết thực ý nghĩa như: Tọa đàm "Nâng cao chất lượng hoạt động của Câu Lạc bộ Nghiệp vụ thông qua các mô hình nhằm thu hút thanh niên tham gia"; Liên hoan nghệ thuật với chủ đề “Tự hào truyền thống ngàn năm”; triển lãm ảnh giới thiệu những mô hình hay, hoạt động tiêu biểu của các đơn vị; trò chơi dân gian, lễ hội ẩm thực; đồng diễn dân vũ, múa hát cộng đồng, flashmob. Ngoài ra các đơn vị còn thực hiện công tác xã hội; thăm quan tìm hiểu các di tích, danh lam thắng cảnh trên địa bàn…  

2. Thực hiện chức năng nghiên cứu, hướng dẫn, bồi dưỡng phương pháp hoạt động Đội ngoài giờ lên lớp và ngoài nhà trường, góp phần xây dựng tổ chức Đội vững mạnh

Năm 2016, hệ thống Nhà Thiếu nhi đã phát huy tốt chức năng là trung tâm nghiên cứu, tổng kết, hướng dẫn, bồi dưỡng phương pháp công tác Đội ngoài giờ lên lớp và ngoài nhà trường, đã tổ chức nhiều hoạt động cụ thể gắn với từng hoạt động chuyên môn; đầu tư, nghiên cứu tổ chức nhiều hoạt động góp phần thúc đẩy chất lượng hoạt động Đội, phong trào thiếu nhi trong và ngoài nhà trường; hỗ trợ tích cực cho Hội đồng Đội các cấp trong công tác bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ công tác Đội cho đội ngũ cán bộ phụ trách và chỉ huy Đội.

Công tác bồi dưỡng, tập huấn kỹ năng, nghiệp vụ công tác Đội cho đội ngũ cán bộ phụ trách và chỉ huy Đội trong năm 2016 được các đơn vị đầu tư, chú trọng. Nhiều đơn vị đã tổ chức tập huấn kỹ năng, nghiệp vụ công tác Đội cho Ban Chỉ huy liên đội, chi đội và phụ trách Đội với nhiều nội dung phong phú. Các câu lạc bộ phụ trách Đội, câu lạc bộ chỉ huy Đội tiếp tục được các đơn vị thành lập và duy trì. Tính đến tháng 12/2016, cả nước đã có 238 câu lạc bộ phụ trách và câu lạc bộ chỉ huy Đội sinh hoạt tại các Nhà Thiếu nhi với 8.879 thành viên; tổ chức được 205 lớp tập huấn cho cán bộ phụ trách Đội, 669 lớp cho đội viên Ban Chỉ huy liên, chi đội thu hút hơn 18.619 cán bộ phụ trách và 19.301 đội viên tham gia[4].

Các mô hình điểm triển khai Chương trình rèn luyện đội viên được tổ chức bài bản, phong phú như "Ngày hội công nhân chuyên hiệu rèn luyện đội viên", hội trại kỹ năng, hội thi... Thông qua các trò chơi, phần thi hấp dẫn, các chuyên hiệu rèn luyện đội viên được lồng ghép khéo léo, hấp dẫn thiếu nhi tham gia Ngày hội được tổ chức bài bản, hấp dẫn, lồng ghép khéo léo các nội dung chuyên hiệu vào những bài tập, trò chơi hấp dẫn, thu hút đông đảo thiếu nhi tham gia[5]. Hoạt động của đội nghi lễ tại các Nhà Thiếu nhi tiếp tục duy trì và hoạt động hiệu quả. Hiện nay, 100% Nhà Thiếu nhi cấp tỉnh đã thành lập và duy trì hiệu quả hoạt động của đội nghi lễ, xây dựng đội nghi lễ chuẩn phục vụ các hoạt động chính trị của địa phương, được các cấp, các ngành ghi nhận, đánh giá cao. Các lớp tập huấn về trống, kèn thường xuyên được đơn vị tổ chức, góp phần nâng cao chất lượng hoạt động của đội nghi lễ tại các Liên đội.[6]

Năm 2016, hệ thống Nhà Thiếu nhi đã tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện phát triển và nâng cao chất lượng hoạt động của các câu lạc bộ Phóng viên nhỏ, câu lạc bộ Quyền trẻ em. Các mô hình này đã góp phần phát huy vai trò tự quản, phát huy quyền tham gia của các em, là diễn đàn để các em thể hiện tiếng nói, đóng góp xây dựng hoạt động Đội và phong trào thiếu nhi phù hợp với lứa tuổi và nhu cầu của các em. Câu lạc bộ phụ trách Đội, chỉ huy Đội đã được thành lập và duy trì hoạt động tại nhiều địa phương, đơn vị nhằm tổ chức các hoạt động, sân chơi bổ ích cho thiếu nhi trên địa bàn. Bên cạnh đó, câu lạc bộ kỹ năng, câu lạc bộ khiêu vũ thể thao, câu lạc bộ sở thích ... tiếp tục được duy trì và phát triển, góp phần phát huy vai trò tự quản, quyền tham gia của trẻ em.

Bên cạnh các hoạt động tại chỗ, hầu hết các đơn vị đã chủ động trong việc hỗ trợ các đơn vị Nhà Thiếu nhi cấp huyện, thường xuyên tổ chức giao ban định kỳ với các Nhà Thiếu nhi quận, huyện để tăng cường nắm bắt hoạt động cũng như triển khai, định hướng, giới thiệu các mô hình hoạt động hiệu quả cho Nhà Thiếu nhi cấp huyện. Tiêu biểu như: Nhà Thiếu nhi thành phố Hồ Chí Minh, Nhà Thiếu nhi tỉnh Kiên Giang...

2. Công tác tập hợp thiếu nhi thông qua việc thực hiện chức năng tổ chức các hoạt động văn hoá, văn nghệ, thể dục thể thao, vui chơi, giải trí, tạo môi trường giáo dục thiếu nhi phát triển toàn diện

Trong năm 2016, hệ thống Nhà Thiếu nhi toàn quốc đã mở rộng nhiều loại hình vui chơi, giải trí phù hợp với nhu cầu và nguyện vọng của thiếu nhi, thu hút đông đảo thiếu nhi tới tham gia, được xã hội ghi nhận ủng hộ. Các hoạt động liên hoan, văn hoá, văn nghệ, thể dục, thể thao được tổ chức thường xuyên nhân các ngày lễ, kỷ niệm lớn của đất nước, của Đảng, của dân tộc, kỷ niệm ngày thành lập Đoàn, thành lập Đội, ngày sinh nhật Bác, ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam... được các đơn vị tổ chức công phu, hấp dẫn, thu hút đông đảo các em thiếu nhi tham gia, tạo sân chơi bổ ích, giúp các em thiếu nhi được giao lưu, học hỏi và thể hiện tài năng, nâng cao tri thức của mình, đồng thời góp phần giáo dục truyền thống cách mạng, bồi dưỡng và khơi dậy lòng tự hào dân tộc, tinh thần yêu nước trong thiếu nhi, nâng cao công tác tuyên truyền, giáo dục của tổ chức Đội.

Các hoạt động chào năm mới, mừng Đảng mừng xuân, chào mừng thành công Đại hội Đảng các cấp và các sự kiện trọng đại của địa phương, đất nước được hệ thống Nhà Thiếu nhi tích cực hưởng ứng tham gia góp phần làm nên thành công chung của đơn vị như: đợt thi đua đặc biệt kỷ niệm 85 năm ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, 75 năm ngày thành lập Đội TNTP Hồ Chí Minh, 60 ngày truyền thống Hội LHTN Việt Nam…[7]

Các Nhà Thiếu nhi luôn quan tâm nghiên cứu, tìm hiểu để duy trì và mở rộng các loại hình vui chơi, giải trí phù hợp với nhu cầu, nguyện vọng của thiếu nhi; tích cực đẩy mạnh hoạt động phối hợp với các đơn vị trên địa bàn để tổ chức các hoạt động văn hóa văn nghệ, các hội thi, liên hoan nghệ thuật cho thiếu nhi vừa tạo sân chơi vừa phát hiện, bồi dưỡng năng khiếu cho thiếu nhi. Các hoạt động liên hoan, biểu diễn văn hóa, văn nghệ … được tổ chức công phu, hấp dẫn, thu hút đông đảo các em thiếu nhi trên địa bàn tham gia, điển hình như: Lễ khai mạc hè và Tháng hành động vì trẻ em tổ chức vào dịp 1/6, "Đêm hội trăng rằm" tổ chức đồng loạt vào ngày 14/8 âm lịch tại các Cung, Nhà Thiếu nhi trong toàn quốc với nhiều hình thức phong phú như thi trang trí mâm cỗ, lễ rước đèn... Đặc biệt, không chỉ tổ chức thiếu nhi đang sinh hoạt, học tập tại Nhà Thiếu nhi, các đơn vị còn thành lập các đội hình lưu diễn phục vụ thiếu nhi tại các địa bàn khó khăn, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo[8]. Các cuộc Liên hoan, giao lưu như cấp khu vực và toàn quốc được hệ thống Nhà Thiếu nhi tích cực hưởng ứng, tham gia, tạo tiếng vang và sức lan tỏa lớn, góp phần nâng cao chất lượng hoạt động của các đơn vị trong hệ thống Nhà Thiếu nhi.

Các cuộc thi đàn và hát dân ca, trò chơi dân gian, biểu diễn thời trang, liên hoan múa rối, dân vũ, tuyên truyền măng non được các đơn vị đẩy mạnh, thường xuyên tổ chức theo các chủ đề, chủ điểm gắn với kỷ niệm các ngày lễ của đất nước và trong dịp hè vừa góp phần gìn giữ, phát huy những giá trị nghệ thuật truyền thống vừa tạo cơ hội cho các em tiếp cận được những bộ môn nghệ thuật mới, hấp dẫn, phù hợp với thiếu nhi. Đội nghệ thuật măng non được các đơn vị đặc biệt quan tâm đào tạo, bồi dưỡng, thường xuyên xây dựng các chương trình nghệ thuật có chất lượng cao đảm bảo phục vụ biểu diễn chào mừng các sự kiện lớn của địa phương, đất nước, phục vụ thiếu nhi khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa, các khu vực khó khăn.[9]

Năm 2016, hoạt động thể dục, thể thao tại hệ thống Nhà Thiếu nhi được duy trì và tổ chức có hiệu quả thông qua việc đầu tư, nâng cấp phòng tập, tuyển dụng đội ngũ cán bộ giảng dạy có trình độ chuyên môn cao. Nhiều câu lạc bộ được thành lập và hoạt động sôi nổi, thu hút đông đảo các em thiếu nhi tham gia như: cờ vua, cầu lông, bóng bàn, võ thuật… Các hoạt động thi đấu thể thao với các bộ môn như: bóng đá mini, bóng bàn, cầu lông, đá cầu, cờ vua, Taekwondo, biểu diễn võ thuật, bơi lội thường xuyên được các đơn vị tổ chức. Nhiều đơn vị đạt kết quả cao trong các cuộc thi tại địa phương, khu vực, đặc biệt tại Festival Nhà thiếu nhi toàn quốc lần thứ VI, năm 2016.[10]

Hoạt động vui chơi, giải trí được các nhà thiếu nhi tăng cường đầu tư về chất lượng và đa dạng về hình thức, chủng loại các phương tiện phục vụ thu hút các em thiếu nhi vào sinh hoạt. Bên cạnh việc tiếp tục duy trì và nâng cấp các phương tiện vui chơi giải trí ngoài trời như: nhà hơi, xe lửa, tô tượng… nhiều đơn vị đã mạnh dạn đầu tư các trò chơi mới, phù hợp, hấp dẫn đối với thiếu nhi, miễn phí vé vui chơi cho các em thiếu nhi có hoàn cảnh khó khăn; tăng cường các hoạt động tại điểm vui chơi cộng đồng, các sân chơi lưu động tại các khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo. Các hoạt động trải nghiệm sáng tạo được tổ chức thường xuyên nhằm hỗ trợ các em tinh thần ham học hỏi, say mê nghiên cứu, từng bước tiếp cận với khoa học sáng tạo nhằm phát triển tư duy, trí tuệ và năng lực nghiên cứu cho các em.[11]

Hoạt động giáo dục bồi dưỡng kỹ năng cho thiếu nhi được hệ thống Nhà Thiếu nhi tiếp tục triển khai, duy trì với nhiều mô hình hay, hấp dẫn và tổng kết, chuyển giao các mô hình hoạt động hiệu quả về cơ sở thu hút đông đảo thiếu nhi tham gia như: mô hình Học kỳ trong quân đội, trại hè trải nghiệm, trại hè xanh, sân chơi sẵn sàng.... Thực hiện chỉ tiêu thi đua năm 2016, hệ thống Nhà Thiếu nhi đã tổ chức được 324 trại hè, trại sáng tác và 290 lớp huấn luyện kỹ năng cho 56.324 thiếu nhi. Các lớp học kỹ năng, trại huấn luyện kỹ năng thực hành xã hội, các buổi tọa đàm, tư vấn pháp luật, các mô hình sáng tạo: “Sân chơi cuối tuần”, “Sân chơi cộng đồng”, diễn đàn trẻ em được nhân rộng và hoạt động có hiệu quả từ cấp tỉnh xuống các cơ sở, vừa tạo ra các địa chỉ vui chơi bổ ích, an toàn cho thiếu nhi, vừa góp phần không nhỏ vào việc định hướng vui chơi giải trí lành mạnh và thực hiện các quyền, bổn phận trẻ em, nhất là quyền tham gia.[12]

Công tác tập hợp thiếu nhi thông qua các cuộc thi vẽ tranh, triển lãm mỹ thuật, các ngày hội, cuộc thi nhằm tuyên truyền, nâng cao kiến thức về an toàn giao thông, bảo vệ môi trường, phòng chống bạo lực học đường… [13] cho thiếu nhi tiếp tục được các đơn vị quan tâm tổ chức. Mô hình câu lạc bộ phóng viên nhỏ, câu lạc bộ thơ, văn, trại sáng tác văn học được các đơn vị duy trì có hiệu quả. Các đơn vị đã tổ chức nhiều hoạt động thiết thực giúp các em có những cảm nhận, sáng tạo mới trong sáng tác như: thăm quan, sinh hoạt chuyên đề, nói chuyện với các nhà thơ, nhà văn… Các tập san, trang tin tiếp tục được ban biên tập tại các đơn vị quan tâm đổi mới về nội dung và hình thức thể hiện, ngày càng gần gũi với thiếu nhi, thực sự trở thành người bạn của các em; vừa khuyến khích khả năng sáng tác của các em vừa giới thiệu mô hình hoạt động hiệu quả tại cơ sở, góp phần xây dựng Đội vững mạnh.

Việc xây dựng văn hóa đọc và thói quen đọc sách cho thiếu nhi được các đơn vị quan tâm thông qua việc đầu tư thông qua các hoạt động như cải tạo khu vui chơi đọc sách, bổ sung thêm các đầu sách; tổ chức ngày hội đọc sách, vườn trí thức, mở phòng đọc miễn phí… Ngoài ra, các đơn vị còn thường xuyên tổ chức các tủ sách, túi sách lưu động, đưa sách đến phục vụ thiếu nhi tại các điểm trường, các xã, các điểm văn hoá, vui chơi ở các khu dân cư, tặng sách cho thiếu nhi miền núi, khu vực khó khăn. Mô hình câu lạc bộ đọc sách tiếp tục được mở rộng nhằm động viên, khuyến khích, hình thành thói quen đọc sách trong thiếu nhi.[14]

3. Thực hiện chức năng phát hiện, bồi dưỡng năng khiếu cho thiếu nhi

Trong năm qua, là hoạt động mang tính mũi nhọn, công tác phát hiện, bồi dưỡng đào tạo năng khiếu cho thiếu nhi tiếp tục được hệ thống Nhà Thiếu nhi duy trì và đẩy mạnh. Hoạt động được tổ chức đa dạng, mamg tính chuyên nghiệp cao trên các lĩnh vực; nhiều loại hình đào tạo, bồi dưỡng đã thu hút sự tham gia của thiếu nhi, tạo môi trường thuận lợi để thiếu nhi thể hiện khả năng, phát triển năng khiếu của mình. Tính đến tháng 12/2016, hệ thống các Nhà Thiếu nhi đã tổ chức được 8.369 lớp năng khiếu, thu hút hơn 266.717 lượt thiếu nhi tham gia[15].  Mô hình đào tạo các lớp “mầm non năng khiếu”, “bán trú năng khiếu” của một số đơn vị tổ chức thí điểm đã được nhiều đơn vị nhân rộng triển khai, bước đầu thu được kết quả tích cực.

Các Nhà Thiếu nhi trên cả nước đã xây dựng những mô hình đào tạo phù hợp, đổi mới trong công tác tuyển sinh và phương pháp giảng dạy để áp dụng phù hợp với điều kiện thực tế của đơn vị, đồng thời phối hợp với các cơ sở Đội tuyển chọn những hạt nhân nòng cốt. Các lớp bồi dưỡng năng khiếu ngắn hạn, dài hạn được các đơn vị tuyển sinh liên tục. Bên cạnh đưa một số nội dung mới trong đào tạo năng khiếu, các đơn vị cũng thường xuyên duy trì các loại hình nghệ thuật dân gian nhằm bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của quê hương như: đưa các làn điệu dân ca vào bộ môn thanh nhạc, bộ môn múa bổ sung thêm nội dung múa dân gian đương đại, múa bale, nhảy hiphop, zumba, đưa nội dung đào tạo MC (dẫn chương trình) vào bộ môn đào tạo... Trong mỗi khóa học có kiểm tra, đánh giá, tổng kết, xếp loại, khen thưởng những học viên xuất sắc. Công tác quản lý lớp học được nghiên cứu, lấy ý kiến phụ huynh và học sinh để tiếp tục đổi mới về phương pháp, nội dung và hình thức quản lý, phát huy tối đa sức sáng tạo của giáo viên và học sinh[16]. Công tác phát hiện năng khiếu thông qua các cuộc thi văn nghệ, thể dục thể thao tiếp tục là phương thức được các đơn vị duy trì có hiệu quả và tiếp tục được đổi mới như: tổ chức các buổi gặp mặt, nói chuyện giữa thiếu nhi với các văn, nghệ sỹ nổi tiếng và các cựu cán bộ làm công tác thiếu nhi để ôn lại truyền thống, tiếp nối niềm tin và nhiệt huyết cho thế hệ trẻ.[17]

Các hoạt động hỗ trợ, bồi dưỡng năng khiếu cho thiếu nhi tại vùng sâu, vùng xa, các khu vực khó khăn, không có Nhà Thiếu nhi được các đơn vị quan tâm, triển khai thực hiện thông qua hoạt động của Câu lạc bộ phụ trách, câu lạc bộ khăn hồng tình nguyện tại các Nhà Thiếu nhi và các cuộc liên hoan văn nghệ tại cơ sở. Nhiều Nhà Thiếu nhi cấp tỉnh thường xuyên tổ chức các hoạt động về với thiếu nhi vùng sâu, vùng xa.

Cùng với việc đào tạo, bồi dưỡng năng khiếu, công tác chăm sóc, giảng dạy ở bộ môn mẫu giáo năng khiếu và các trường mầm non năng khiếu ngày càng được các đơn vị tập trung đầu tư, hoạt động hiệu quả, được phụ huynh và các đơn vị giáo dục đánh giá cao. Các bé được chăm lo toàn diện về sức khỏe, phát hiện và đào tạo năng khiếu cũng như nâng cao hiểu biết về thế giới xung quanh.[18]

Việc chọn cử những giáo viên, cộng tác viên giỏi chuyên môn, vững nghiệp vụ giảng dạy cho các em luôn được các đơn vị quan tâm nhằm đáp ứng yêu cầu ngày càng cao trong công tác đào tạo, bồi dưỡng năng khiếu cho thiếu nhi. Các hoạt động dự giờ, trao đổi phương pháp, kinh nghiệm giảng dạy, thống nhất, hoàn chỉnh bộ tài liệu chuẩn cho các lớp năng khiếu phù hợp với lứa tuổi của thiếu nhi đã được các đơn vị chú trọng triển khai thực hiện.

Cơ sở vật chất phục vụ cho các lớp đào tạo, bồi dưỡng năng khiếu cho thiếu nhi được nhiều đơn vị đầu tư như: phòng học đàn và các bộ môn nhạc cụ dân tộc, phòng học tin học và khai thác công nghệ thông tin, các dụng cụ, đồ dùng học tập các môn thể thao, nghệ thuật…

4. Các hoạt động quốc tế và công tác xã hội, nhân đạo, từ thiện

Hoạt động giao lưu quốc tế tiếp tục được các đơn vị chú trọng, mở rộng, chủ động giao lưu, học tập, tình đoàn kết hữu nghị trong các hoạt động hợp tác, trao đổi kinh nghiệm với các nước trong và ngoài khu vực. Các hoạt động xã hội, nhân đạo, từ thiện tiếp tục được tổ chức rộng khắp ở hệ thống Nhà Thiếu nhi cả nước với tinh thần “Vì đàn em thân yêu” của Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ X, đã trở thành hoạt động thường niên, mang tính thường xuyên, liên tục, góp phần giúp đỡ các em thiếu nhi có hoàn cảnh khó khăn, hỗ trợ các đơn vị vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo trong việc tổ chức các hoạt động chăm lo cho thiếu nhi.

Các đơn vị đã xây dựng kế hoạch trao đổi kinh nghiệm, tổ chức các hoạt động đón tiếp, giao lưu với các nước bạn sang thăm và làm việc với các đơn vị tại địa phương thông qua các hoạt động biểu diễn văn nghệ và tọa đàm. Trung ương Đoàn, Hội đồng Đội Trung ương tổ chức Đoàn đại biểu tham gia chương trình gặp gỡ hữu nghị thiếu nhi Việt Nam - Lào năm 2016. Một số đơn vị còn chủ động đăng ký kết nghĩa với các đơn vị giảng dạy nước ngoài để nâng cao công tác đào tạo, bồi dưỡng của đơn vị.[19]

Công tác xã hội, nhân đạo được hệ thống Nhà Thiếu nhi quan tâm, thường xuyên tổ chức các hoạt động biểu diễn văn hóa, văn nghệ, vui chơi giải trí miễn phí. Bên cạnh đó, tại các hoạt động lớn của hệ thống, các đơn vị tham gia đã tích cực đóng góp, ủng hộ kinh phí để thực hiện công tác xã hội: 59 đơn vị tham gia Festival Nhà Thiếu nhi toàn quốc đã trao tặng Nhà Thiếu nhi tỉnh Điện Biên 50 triệu đồng để khắc phục khó khăn sau tai nạn ngày 14/6; các Nhà Thiếu nhi, Trung tâm hoạt động Thanh thiếu nhi khu vực phía Nam thực hiện 2 công trình “Vì đàn em thân yêu” năm 2016 trị giá 80.000.000đ để trang bị kèn đồng cho Trung tâm hoạt động Thanh Thiếu nhi tỉnh Đăk Nông và Nhà Thiếu nhi huyện Bù Đăng tỉnh Bình Phước; Ban cố vấn các Nhà Thiếu nhi khu vực phía Nam đã vận động các mạnh thường quân quyên góp tiền để xây dựng mới 2 điểm trường cho 2 đơn vị: thôn Nặm Nịch, xã Thanh Đức, huyện Vị Xuyên và thôn Sà Lủng, xã Lũng Táo, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang với tổng trị giá 260.000.000VNĐ; Nhà Thiếu nhi tỉnh Đồng Nai trao tặng 02 Ngôi nhà khăn quàng đỏ cho thiếu nhi có hoàn cảnh khó khăn trong tỉnh.

Các hoạt động miễn phí vui chơi và miễn, giảm học phí các môn năng khiếu cho thiếu nhi có hoàn cảnh khó khăn thường xuyên được các đơn vị duy trì tổ chức như: lớp học tình thương, tặng vé xem phim, vé bơi lội miễn phí dành cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn; các buổi giao lưu, biểu diễn văn nghệ cho trẻ em khuyết tật, trẻ em ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo…[20]

Công tác tham mưu trong việc huy động nguồn lực, tổ chức các hoạt động xã hội dành cho trẻ em ở vùng sâu, vùng xa được tổ chức hiệu quả ở các đơn vị Nhà Thiếu nhi trong cả nước, góp phần xã hội hoá công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em. Các hoạt động xã hội không chỉ dừng lại ở việc thăm hỏi, tặng quà… mà nhiều đơn vị còn giúp đỡ thiếu nhi vùng sâu, vùng xa nâng cao kiến thức về tin học, ngoại ngữ, âm nhạc như: Nhà Thiếu nhi tỉnh Hà Giang, Cung Văn hóa Thiếu nhi tỉnh Quảng Ninh, Nhà Thiếu nhi tỉnh Đồng Nai... Tính đến tháng 12/2016, hệ thống Cung, Nhà Thiếu nhi, Trung tâm hoạt động Thanh thiếu nhi toàn quốc đã huy động được 14 tỷ 415 triệu đồng để hỗ trợ thiếu nhi. [21]

5. Công tác tổ chức bộ máy, cán bộ, cơ sở vật chất

Công tác củng cố, xây dựng bộ máy tổ chức hệ thống Nhà Thiếu nhi được tăng cường. Các đơn vị đã tiến hành rà soát chất lượng, từ đó điều chỉnh, phân công nhiệm vụ phù hợp với khả năng, năng lực của cán bộ, thực hiện đúng quy trình bổ nhiệm cán bộ, duy trì hoạt động thường xuyên của các đoàn thể tại các đơn vị.

Nhằm đáp ứng yêu cầu ngày càng cao và đổi mới hoạt động, công tác tổ chức bộ máy, cán bộ được lãnh đạo các đơn vị chú trọng kiện toàn, nâng cao chất lượng đội ngũ chuyên trách. Đội ngũ lãnh đạo của hệ thống Nhà Thiếu nhi ngày càng được trẻ hóa, chất lượng được nâng lên rõ rệt, có trình độ quản lý và chuyên môn cao, phần lớn đều trưởng thành từ phong trào, có trình độ đại học và sau đại học. Các hoạt động nâng cao trình độ, năng lực quản lý cho đội ngũ lãnh đạo từ các phòng được các đơn vị chú trọng; thường xuyên cử cán bộ tham gia học tập trong các khóa học quản lý. Các hoạt động rà soát, đánh giá, phân loại cán bộ được thực hiện tốt; đội ngũ cộng tác viên thường xuyên được bổ sung, đáp ứng yêu cầu công việc. Nhiều đơn vị đã xây dựng quy chế làm việc, quy chế chi tiêu nội bộ và quản lý tài sản, thường xuyên thực hiện chế độ thông tin, báo cáo theo quy định; tổ chức sắp xếp các phòng làm việc, lớp năng khiếu, khu vui chơi giải trí hợp lý, hiệu quả, đảm bảo an toàn. Đời sống vật chất và tinh thần cho cán bộ, cộng tác viên cũng được các đơn vị chú trọng, đảm bảo đúng quyền lợi cho người lao động, xây dựng nội bộ đoàn kết trong cơ quan. Công tác đào tạo, bồi dưỡng đoàn viên, công đoàn viên ưu tú tạo nguồn giới thiệu cho Đảng được các đơn vị chú trọng.

Là đơn vị đặc thù thường xuyên tổ chức các hoạt động phong trào, phục vụ các sự kiện mang tính chính trị tại địa phương, nhiều đơn vị đã được đầu tư, vận động xã hội hóa để sửa chữa, trang bị cơ sở vật chất cho đơn vị. Nhiều đơn vị đã chủ động khai thác các nguồn lực xã hội và công tác xã hội hóa các hoạt động phục vụ nhu cầu vui chơi, giải trí cho thiếu nhi, phạm vi quy mô nâng cao chất lượng hoạt động, tăng cường các hoạt động mang tính sáng tạo hiện đại như các hoạt động khoa học kỹ thuật, công nghệ thông tin; chủ động tham mưu và xã hội hóa, vận động các đơn vị hỗ trợ kinh phí nâng cấp sửa đổi và đầu tư mới nhiều hạng mục phục vụ cho các hoạt động của đơn vị.[22]

Năm 2016, thực hiện Nghị quyết số 39 - NQ/TW ngày 17 tháng 4 năm 2015 của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, một số nhà Thiếu nhi đã được sát nhập vào Trung tâm hoạt động Thanh Thiếu nhi, một số đơn vị đang xây dựng đề án sát nhập như: Nhà Thiếu nhi tỉnh Quảng Ngãi nay là Trung tâm hoạt động Thanh thiếu nhi Diên Hồng, tỉnh Quảng Ngãi, Nhà Thiếu nhi tỉnh Đồng Tháp nay là Trung tâm hoạt động Thanh thiếu nhi tỉnh  Đồng Tháp, Cung Thiếu nhi Cào Cai, Nhà Thiếu nhi tỉnh Cà Mau...

III. ĐÁNH GIÁ CHUNG

1. Ưu điểm

Hệ thống Nhà Thiếu nhi toàn quốc bám sát chương trình công tác năm của Hội đồng Đội Trung ương, chú trọng tổ chức các hoạt động gắn với thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu công tác đã đề ra. Các hoạt động tập trung, hoạt động cấp khu vực và toàn quốc được triển khai với quy mô lớn, đầu tư dàn dựng công phu, giới thiệu nét đặc trưng riêng của từng đơn vị, thể hiện được tinh thần giao lưu, học tập, chia sẻ nhiều kinh nghiệm chuyên môn trong công tác thiếu nhi thông qua các hoạt động, tạo dư luận xã hội tốt, để lại dấu ấn cho thiếu nhi. Chất lượng hoạt động của các đơn vị khá đồng đều, đảm bảo thực hiện các yêu cầu, nhiệm vụ của địa phương, đơn vị. Các đơn vị luôn chủ động giao lưu, gắn kết các thành viên, các đơn vị, chia sẻ học tập, hỗ trợ lẫn nhau trong công tác chuyên môn nghiệp vụ, góp phần nâng cao chất lượng hoạt động trong toàn hệ thống. Ban chủ nhiệm câu lạc bộ nghiệp vụ hai miền Nam, Bắc hoạt động hiệu quả, có sự gắn kết, thể hiện rõ vai trò, trách nhiệm, tính chủ động trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ và mục tiêu hoạt động của Câu lạc bộ. Các đơn vị đã phát huy tốt vai trò nòng cốt trong việc tổ chức các hoạt động tại địa phương và nâng cao hiệu quả sử dụng, phát huy tối đa công năng của các cơ sở vật chất tại các đơn vị.

2. Tồn tại, hạn chế

Trong năm 2016, một số Nhà Thiếu nhi sửa chữa trụ sở (Hà Nội, Đà Nẵng, thành phố Hồ Chí Minh...) và di chuyển địa điểm hoạt động mới (Trà Vinh) nên mặt bằng tổ chức hoạt động tập trung thiếu nhi cũng như các hoạt động bồi dưỡng năng khiếu, tổ chức văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao gặp khó khăn. Việc sát nhập, chuyển đổi Nhà Thiếu nhi thành Trung tâm hoạt động thanh thiếu nhi ở một số đơn vị đã làm ảnh hưởng đến các hoạt động chăm lo, phát triển và bồi dưỡng năng khiếu cho thiếu nhi tại địa phương, hạn chế trong quá trình sử dụng cơ sở vật chất, các thiết chế vui chơi dành cho thiếu nhi. Một số địa phương, các Nhà Thiếu nhi cấp huyện có quyết định thành lập nhưng không có trụ sở, cơ sở vật chất, có nơi có bộ máy, có trụ sở nhưng chưa đi vào hoạt động, nhiều đơn vị để cơ sở vật chất hư hỏng, xuống cấp; trình độ cán bộ quản lý chưa phù hợp, chưa đáp ứng được yêu cầu. Nhiều đơn vị chỉ có Nhà Thiếu nhi cấp tỉnh, chưa có Nhà Thiếu nhi cấp huyện nên sân chơi cho các em ở vùng sâu, vùng xa còn thiếu, vẫn còn sự chênh lệch giữa thiếu nhi thành thị và nông thôn... Các điểm vui chơi, trung tâm bồi dưỡng năng khiếu tư nhân ngày càng phát triển tạo áp lực cho các đơn vị trong thu hút, tập hợp thiếu nhi.

Việc đầu tư xây dựng và định hướng hoạt động hệ thống Nhà Thiếu nhi ở một số đơn vị còn yếu, chưa phát huy hết tiềm năng của các Cung, Nhà Thiếu nhi, Trung tâm hoạt động Thanh thiếu nhi. Các hoạt động cấp khu vực vẫn có tình trạng đơn vị đăng ký nhưng không tham gia, nội dung tham gia không đúng quy định gây khó khăn cho đơn vị đăng cai hoạt động.

Đội ngũ cán bộ Nhà Thiếu nhi dù được quan tâm, nhưng ở nhiều đơn vị còn thiếu, chưa đủ để thực hiện các nhiệm vụ của đơn vị; một số đơn vị còn duy trì mô hình lãnh đạo kiêm nhiệm nên không đủ quỹ thời gian cho hoạt động của Nhà Thiếu nhi. Kinh phí tự chủ của các đơn vị còn hạn chế, nguồn thu chủ yếu thông qua các lớp tuyển sinh năng khiếu; các khoản nộp thuế của các đơn vị chưa có sự thống nhất.

Năm 2016 phản ánh hoạt động của hệ thống các Nhà Thiếu nhi sôi nổi như một bức tranh nhiều màu sắc của thiếu nhi, nhiều mô hình hiệu quả thiết thực. Mỗi vùng miền, mỗi Nhà Thiếu nhi đều thể hiện thế mạnh riêng trong công tác tập hợp, phát hiện, bồi dưỡng năng khiếu cho thiếu nhi, giúp các em hình thành phát triển và hoàn thiện nhân cách….Công tác tuyên truyền, giáo dục truyền thống được quan tâm, đẩy mạnh; các hoạt động phối hợp, xã hội hóa, vận động nguồn lực để tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao, hỗ trợ các em trong đời sống tiếp tục duy trì thường xuyên, kịp thời, từng bước trở thành “Ngôi nhà chung” của thiếu nhi; là trung tâm giáo dục ngoài nhà trường, góp phần thực hiện có hiệu quả công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục thiếu niên, nhi đồng.

Nơi nhận:

- Ban Bí thư TWĐ (để báo cáo);

- Bộ VHTT&DL, Bộ GD&ĐT

- Bộ LĐTB & XH (để p/h);

- Các đ/c UV HĐĐTW;

- HĐĐ các tỉnh, thành phố;

- Cung, NTN, TTHĐTTN các tỉnh, thành phố;

- Lưu VP HĐĐTW.

TM. HỘI ĐỒNG ĐỘI TRUNG ƯƠNG

CHỦ TỊCH

(đã ký)

Nguyễn Long Hải

Bí thư BCH Trung ương Đoàn

[1] Hà Giang, Yên Bái, Phú Thọ, Hòa Bình, Cao Bằng, Hải Phòng, Hà Nam, Thanh Hóa, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Bình Định, Khánh Hòa, Tây Ninh, Bình Phước, Đồng Nai, Long An, Bến Tre, Kiên Giang, An Giang, Cà Mau.

[2] Cung Thiếu nhi Hà Nội; Nhà Văn hóa Thanh thiếu nhi tỉnh Đắk Lắk; Nhà Thiếu nhi Bà Rịa - Vũng Tàu; Trung tâm hoạt động TTN tỉnh Đắk Nông; Nhà Thiếu nhi tỉnh Đồng Nai

[3] Liên hoan khu vực phía Bắc gồm 26 đơn vị với hơn 1000 thiếu nhi tham gia. Liên hoan khu vực phía Nam gồm 43 đơn vị với 2000 thiếu nhi tham gia. Ban Tổ chức Liên hoan khu vực phía Nam đã trao tặng một căn nhà nhân ái trị giá 30 triệu đồng cho thiếu nhi  nghèo vượt khó tỉnh Lâm Đồng…

[4] Nhà Thiếu nhi tỉnh Yên Bái đăng cai tổ chức Liên hoan Nghi thức Đội và phụ trách Sao giỏi năm 2016; Trung tâm VHTT TTN Tuyên Quang tổ chức 03 lớp tập huấn cho Chỉ huy Đội giỏi; NTN thành phố Hồ Chí Minh tổ chức 6 lớp tập huấn chuyên môn cho các Nhà Thiếu nhi quận huyện, tập huấn cho cán bộ chỉ huy Đội theo từng khối; Cung Thiếu nhi Lạng Sơn duy trì hoạt động của CLB Chỉ huy Đội gồm 120 thành viên; Nhà Văn hóa Thiếu nhi quận Ninh Kiều (Cần Thơ) phối hợp với Hội đồng Đội thành phố tổ chức tập huấn nghi thức cho cán bộ chỉ huy Đội tại 32 trường TH và THCS; Trung tâm hoạt động TTN Vĩnh Phúc phối hợp với Hội đồng Đội tỉnh tổ chức Hội thi Nghi thức Đội, phụ trách Sao giỏi năm học 2015 - 2016; Trung tâm hoạt động TTN Hà Tĩnh chủ trì tập huấn cho 29 lớp tập huấn cho cán bộ phụ trách, Trung tâm Văn hóa Thể thao Thanh thiếu nhi tỉnh Tuyên Quang tổ chức Hội thi “Nghi thức Đội - Chỉ huy Đội giỏi” toàn tỉnh năm 2016…                                  

[5] Cung Văn hóa Thiếu nhi Hải Phòng tổ chức chuyên đề tạo mẫu cấp thành phố “Ngày hội công nhận chuyên hiệu rèn luyện đội viên và dự bị đội viên”; Nhà Thiếu nhi thành phố Đà Nẵng thường xuyên tổ chức các chuyên đề về phương pháp xây dựng Đội, Ngày hội công nhận chuyên hiệu rèn luyện đội viên và chỉ đạo điểm mô hình ” Nhật ký làm theo lời Bác”...

[6] Nhà Thiếu nhi thành phố Thanh Hóa tổ chức tập huấn “Tiếng trống Đội ta” cho các trường TH và THCS; Nhà Thiêu nhi tỉnh Hà Giang giúp 05 Liên đội khu vực thành phố thành lập đội nghi thức nòng cốt; Nhà Thiếu nhi tỉnh Khánh Hòa xây dựng 03 đội nghi lễ vệ tinh tại các trường THCS trong thành phố...

[7] Cung Thiéu nhi Lạng Sơn tham gia đón đoàn thanh niên Trung Quốc tham gia Liên hoan thanh niên Việt Nam - Trung Quốc lần thứ II tại Lạng Sơn; Nhà Thiếu nhi Thái Nguyên xây dựng chương trình văn nghệ phát sóng trên đài phát thanh - truyền hình tỉnh nhân dịp Tết Nguyên đán; Nhà Thiếu nhi thành phố Thanh Hóa xây dựng chương trình văn nghệ biểu diễn phục vụ Chuỗi hoạt động văn hóa chào mừng 55 năm kết nghĩa Thanh Hóa - Hội An; Các NTN Bình Thuận, Quảng Trị, An Giang, Bình Phước… tổ chức chương trình văn hóa nghệ thuật đặc sắc mừng xuân cho thanh thiếu nhi và nhân dân.

[8] Nhà Thiếu nhi Thái Nguyên tổ chức Liên hoan “Vũ điệu tuổi thơ”,  Nhà Văn hóa Thiếu nhi tỉnh Bắc Giang tổ chức sân chơi “Vườn âm nhạc”, Nhà Văn hóa Thiếu nhi Việt Đức (Nghệ An) phối hợp tổ chức cuộc thi “Tìm kiếm tài năng nhí”, duy trì tổ chức hội thi “Tiéng hát hoa phượng đỏ”, Nhà Văn hóa Thiếu nhi thành phố Nam Định tổ chức Liên hoan “Tiếng hát Vàng Anh”, Nhà Thiếu nhi tỉnh Khánh Hòa duy trì trung tâm múa rối “Tuổi ngọc”, Nhà Thiếu nhi tỉnh Lâm Đồng tổ chức Liên hoan ca múa nhạc “Giai điệu mùa hè” lần thứ IV, Trung tâm hoạt động TTN tỉnh Lai Châu tổ chức Hội thi “Hát – múa – nhạc cụ” lần thứ  III, năm 2016; Trung tâm hoạt động TTN Thừa Thiên Huế phối hợp với Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh tổ chức chương trình Đêm hội trăng rằm lần thứ XIII với chương trình nghệ thuật “Đời sống không già vì có chúng em”, Nhà Thiếu nhi tỉnh Bến Tre tổ chức Hội thi “Chúng em cùng vào bếp”, Trung tâm Văn hóa Thể thao TTN tỉnh Kon Tum phối hợp với Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh tổ chức chương trình “Vui Tết Trung thu cùng thiếu nhi vùng sâu, vùng xa”; Trung tâm sinh hoạt Thanh thiếu nhi tỉnh Tà Vinh tổ chức Hội trại Trẻ em nghèo vượt khó - học giỏi và Lễ khai mạc Tháng Hành động Vì trẻ em năm 2016…

[9] Cung Văn hóa TTN tỉnh Bắc Ninh tổ chức Liên hoan “Bé khỏe, bé tài năng”, Liên hoan Aerobic thiếu nhi, Liên hoan Hiphop “99 city Jam Vol 4”; Cung Văn hóa Thiếu nhi thành phố Hải Phòng tổ chức giải “Khiêu vũ thể thao thiếu nhi năm 2016”, Trung tâm hoạt động TTN tỉnh Vĩnh Phúc tổ chức giải Khiêu vũ thể thao cho thiếu nhi, Trung tâm VH-TT TTN tỉnh Tuyên Quang tổ chức Liên hoan thiếu nhi hát dân ca và trình diễn trò chơi dân gian năm 2016; Nhà Thiếu nhi TP Huế tổ chức Liên hoan thời trang giấy “Sắc màu tuổi thơ”, Trung tâm hoạt động TTN tỉnh Phú Yên tổ chức Ngày hội ẩm thực và trò chơi dân gian, Trung tâm hoạt động TTN tỉnh Đắk Nông tổ chức Liên hoan nhóm nhảy Aerobic - Hiphop - Nhảy hiện đại, Trung tâm hoạt động TTN tỉnh Bình Phước hỗ trợ tổ chức  “Liên hoan các làn điệu dân ca và trờ chơi dân gian”, Nhà Thiếu nhi An Giang tổ chức Liên hoan tuyên truyền măng non với chủ đề “Thiếu nhi tham gia bảo vệ nước và môi trường”, Trung tâm hoạt động TTN tỉnh Vĩnh Long tổ chức Hội thi viết thư pháp và sân chơi “Tặng chữ ngày xuân”, Trung tâm sinh hoạt, học tập TTN tỉnh Tây Ninh tổ chức Hội thi “Vũ điệu mùa xuân”

[10] Trung tâm hoạt động TTN tỉnh Ninh Bình tổ chức giải bóng bàn trẻ thiếu niên, nhi đồng; Nhà Thiếu nhi Hưng Yên tổ chức các lớp dạy bơi miễn phí cho thiếu nhi; Trung tâm VH-TT TTN tỉnh Nam Định tổ chức Hội diễn võ thuật các câu lạc bộ;Nhà Văn hóa thiếu nhi thành phố Huế tổ chức giải cờ vua “Kỳ thủ nhí”; Nhà Thiếu nhi tỉnh Bình Thuận tổ chức giải bóng đá “Em là mầm non thể thao” tỉnh Bình Thuận lần thứ II; Nhà Thiếu nhi TP Hồ Chí Minh tổ chức Liên hoan Thể dục các Nhà Thiếu nhi toàn thành, Nhà Thiếu nhi Kiên Giang tổ chức Tuần lễ văn hóa thể thao thiếu nhi 01/6 …

[11] NTN tỉnh Quảng Bình đầu tư, bổ sung thiết bị vui chơi giải trí trị giá 250 triệu đồng, Nhà Thiếu nhi tỉnh Lâm Đồng đầu tư hơn 250 triệu đồng bổ sung các trang thiết bị vui chơi miễn phí cho thiếu nhi, Trung tâm học tập, sinh hoạt TTN tỉnh Tây Ninh bảo trì, thay thế, sửa chữa các thiết bị và trang bị thêm bộ lọc di động cho bể bơi … 

[12] Nhà Thiếu nhi Hòa Bình phối hợp tổ chức Diễn đàn trẻ em cấp tỉnh; Cung Thiếu nhi Hà Nội tổ chức Hội thảo “Giáo dục giới tính và sự định hướng cho trẻ”, hội thảo chuyên đề “Nhóm trị liệu kỹ năng xã hội”; Nhà Thiếu nhi tỉnh An Giang tổ chức tuyên truyền “Chống hành vi xâm phạm và tự bảo vệ bản thân”; Nhà Thiếu nhi tỉnh Bình Dương tổ chức Học kỳ công an lần thứ III, năm 2016; Nhà Thiếu nhi tỉnh Đồng Nai tổ chức học tập chuyên đề “Tác hại của ma túy”, trại dã ngoại, trại kỹ năng sống “Trải nghiệm để lớn khôn”, Trung tâm hoạt động TTN tỉnh Bình Định tổ chức Hành trình trải nghiệm và chương trình “Một ngày trải nghiệm làm cảnh sát phòng cháy chữa cháy”; Nhà Thiếu nhi TP Hồ Chí Minh tổ chức Liên hoan CLB Sáng tạo kỹ thuật các Nhà Thiếu nhi toàn thành mở rộng, Trung tâm sinh hoạt, học tập TTN tỉnh Tây Ninh tổ chức trại hè thiếu nhi với chủ đề “180 năm - Tự hào Tây Ninh quê em”

[13] Nhà Thiếu nhi tỉnh Bắc Giang tổ chức Cuộc thi vẽ tranh “Thiếu nhi Bắc Giang với bạo lực học đường”; Cung Thiếu nhi Hà Nội tổ chức triễn lãm tranh “Sắc màu tuổi thơ năm 2016”; Nhà Thiếu nhi quận Ninh Kiều (Cần Thơ) tổ chức diễn đàn trẻ em với chủ đề “Gia đình hạnh phúc, Bảo vệ môi trường, An toàn giao thông”; Nhà Thiếu nhi tỉnh Bình Thuận tổ chức cuộc thi vẽ tranh “Nét cọ tuổi thơ” lần thứ XIV năm 2016, Nhà Thiếu nhi tỉnh Bến Tre tổ chức hội thi vẽ tranh “Ước mơ tuổi thơ quê Dừa”, Nhà Văn hóa TTN tỉnh Đắk Lắk tổ chức mô hình hoạt động “Vẽ theo nhạc”, Trung tâm hoạt động thanh thiếu nhi Diên Hồng tỉnh Quảng Ngãi phối hợp tổ chức trại sáng tác mỹ thuật tuổi học trò với chủ đề “Khoảng trời tuổi thơ”, Trung tâm hoạt động TTN tỉnh Đồng Tháp phối hợp tổ chức Hội thi thiếu nhi vẽ tranh hưởng ứng ngày môi trường thế giới (5/6) với chủ đề “Tiếng gọi thiên nhiên và hành động của chúng ta”

[14] Nhà Thiếu nhi tỉnh Quảng Bình tổ chức Trại hè phóng viên nhỏ; CLB phóng viên nhỏ tỉnh Nam Định và Thái Bình tổ chức giao lưu dịp kỷ niệm 75 năm ngày thành lập Đội; Nhà Thiếu nhi tỉnh Phú Thọ tổ chức thi “Em là hướng dẫn viên du lịch thành phố Việt Trì”; Nhà Văn hóa Thiếu nhi Bắc Giang duy trì bản tin “Ngôi nhà tuổi thơ”, phát thanh “Tiếng nói tuổi thơ”; Cung Thiếu nhi Lào Cai phát hành bản tin Tuổi hoa Lào Cai; Nhà Thiếu nhi thành phố Huế tổ chức cuộc thi viêt “Cây bút tuổi hồng” cho học sinh Tiểu học và THCS…; Nhà Thiếu nhi tỉnh Quảng Trị phát hành 02 tập tin “Mầm xanh Quảng Trị”; Nhà Thiếu nhi tỉnh Yên Bái phối hợp cải tạo khai thác đồi cọ thành điểm vui chơi đọc sách với mô hình “Đọc sách và âm nhạc”, Nhà Thiếu nhi tỉnh Kiên Giang tăng cường 500 đầu sách và phát hành 10.323 thẻ đọc các loại; Nhà Thiếu nhi Thái Nguyên phối hợp với thư viện thành phố tổ chức Ngày hội đọc sách; Câu lạc bộ phóng viên nhỏ tỉnh Phú Yên sinh hoạt định kỳ vào chủ nhật hàng tuần, phát hành Tập san Tuổi thơ Phú Yên…

[15]CTN Lào Cai tổ chức 44 lớp/17 bộ môn năng khiếu (tăng 4 lớp so với năm 2014), NTN Bình Thuận tổ chức 193 lớp với 29 bộ môn năng khiếu thu hút 3.595 thiếu nhi tham gia, Lâm Đồng tổ chức 464 lớp với 17 bộ môn… TT HĐ TTN Vĩnh Long tổ chức 491 lớp thu hút 9.747 lượt học viên, TT học tập sinh hoạt TTN Tây Ninh mở 166 lớp năng khiếu với gần 3000 học viên …

[16] Cung Văn hóa Thiếu nhi thành phố Hải Phòng mở các lớp năng khiếu tự chọn, xây dựng mô hình Trung tâm ươm mầm tài năng ; Cung Thiếu nhi Lào Cai phối hợp với các trường TH và THCS tuyển sinh 32 học sinh lớp năng khiếu nguồn…

[17] Nhà Văn hóa Thiếu nhi tỉnh Bắc Giang tổ chức cho thiếu nhi giao lưu với nhạc sỹ Trương Quang Lục; Nhà Thiếu nhi thành phố Hồ Chí Minh duy trì hoạt động 18 đội, nhóm, câu lạc bộ; 

[18] Nhà Văn hóa Thiếu nhi Việt Đức duy trì hoạt động nhóm lớp bán trú với 130 học sinh, Nhà Thiếu nhi Sơn La phối hợp với trường mầm non Chiềng Lề (thành phố Sơn La) mở 7 lớp năng khiếu cho học sinh, Nhà Thiếu nhi tỉnh Sóc Trăng duy trì lớp mầm non Kitty với 850 lượt học sinh trong năm 2016; Cung Thiếu nhi tỉnh Lạng Sơn duy trì lớp mầm no n năng khiếu với 195 trẻ, Nhà Thiếu nhi tỉnh Kiên Giang duy trì hoạt động của trường mẫu giáo Lê Hồng Phong, Trường mầm non Tinh Hoa thuộc Trung tâm hoạt động Thanh thiếu nhi tỉnh Phú Yên duy trì hoạt động với số lượng 200 cháu/7lớp, Nhà Thiếu nhi An Giang đảm bảo công tác nhận nuôi dạy trẻ của trường mầm non Sen Hồng…

[19] NTN Việt Đức (TP. Vinh, tỉnh Nghệ An) tham gia tích cực trong các hoạt động giao lưu văn nghệ của chương trình gặp gỡ hữu nghị thiếu nhi Việt Nam – Lào; Nhà Thiếu nhi tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu tổ chức chương trình giao lưu đón đoàn chủ tịch Viện hàn lâm Taekwondo thế giới đến thăm tỉnh, tổ chức giao lưu thiếu nhi Việt - Nga nhân ngày quốc tế Thiếu nhi 01/6, Nhà Thiếu nhi tỉnh Hòa Bình tổ chức giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm giáo dục thiếu nhi với giáo viên bang Texas, Mỹ; đội nghi lễ măng non Cung Thiếu nhi Hà Nội giao lưu với đoàn nghi lễ học sinh trường Jurong West Secondary- Singapore., Nhà Thiếu nhi thành phố Hồ Chí Minh cử đoàn đại biểu tham dự chương trình giao lưu thiếu nhi 3 nước Việt Nam - Lào - Campuchia…

[20] Nhà Thiếu nhi tỉnh Hà Giang tổ chức 08 buổi “Sân chơi cuối tuần” miễn phí cho thiếu nhi vào thứ 7 hàng tuần trong 2 tháng hè; Nhà Thiếu nhi Thái Nguyên tặng 1000 vé bơi miễn cho thiếu nhi dịp 01/6, Nhà Thiếu nhi thành phố Nam Định miễn học phí cho gần 200 em thuộc diện gia đình chính sách, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; Nhà Thiếu nhi tỉnh Quảng Trị đào tạo miễn phí cho 150 em học sinh có hoàn cảnh khó khăn, giảm học phí cho các em thường xuyên tham gia sinh hoạt; Nhà Thiếu nhi tỉnh Tiền Giang miễn học phí cho 14 lớp loại hình năng khiếu, kỹ năng; Trung tâm học tập, sinh hoạt TTN tỉnh Tây Ninh tổ chức Sân chơi tuổi thơ cho thiếu nhi vùng biên giới xã Tân Phú, huyện Tân Châu; Nhà Thiếu nhi tỉnh Đồng Nai tặng 75 đàn gà khăn quàng đỏ cho 10 đội viên trong tỉnh, 200 mũ bảo hiểm cho thiếu nhi huyện Xuân Lộc… 

[21] Nhà Văn hóa Thiếu nhi Việt Đức  phối hợp với phòng Lao động – Xã hội thành phố Vinh tặng 100 suất quà cho các em thiếu nhi mồ côi, nạn nhân chất độc da cam; Nhà Thiếu nhi tỉnh Hải Dương ủng hộ các tỉnh bão lũ với số tiền 20 triệu đồng; Trung tâm hoạt động TTN tỉnh Bình Phước trao tặng 300 phần quà với tổng trị giá 75 triệu đồng cho thiếu nhi có hoàn cảnh khó khăn đang  sinh hoạt tại Trung tâm và các em học sinh lớp học tình thương trên địa bàn thị xã Đồng Xoài; Nhà Thiếu nhi thành phố Hồ Chí Minh tặng quà cho 25 đơn vị là các mái ấm, nhà mở, trường khuyết tật, chuyên biệt, Nhà Thiếu nhi tỉnh Khánh Hòa vận động tài trợ trao quà cho thiếu nhi có hoàn cảnh khó khăn trong tỉnh với tổng giá trị 600 triệu đồng; Nhà Thiếu nhi tỉnh Bình Dương ủng hộ hơn 50 triệu đồng gửi về UBMTTQ tỉnh để kịp thời cứu trợ đồng bào các tỉnh bị ảnh hưởng bởi lũ lụt …

[22] Cung Văn hóa Thiếu nhi Hải Phòng đầu tư phòng thu âm tại Cung trị giá 500 triệu đồng; , Trung tâm hoạt động Thanh thiếu nhi tỉnh Bình Phước đang xây dựng bể bơi với diện tích 1.600m2; Nhà Văn hóa Thanh thiếu nhi tỉnh Đắk Lắk  được trang bị hệ thống âm thanh và sân khấu với công suất lớn, Trung tâm hoạt động thanh thiếu niên tỉnh Nam Định cải tạo, sửa chữa cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị với tổng trị giá 400 triệu đồng, Nhà Thiếu nhi tỉnh Tiền Giang xây dựng mới công trình công viên nước mini 3000 m2 trị giá trên 10 tỷ đồng….