Chắc có lẽ nhiều người đã biết đến Nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm với cái tên thân mật đã trở thành thương hiệu của anh đó là "Bác sỹ hoa súng". Nhiều bạn trẻ thế hệ 8x chúng tôi nhớ đến anh với hình ảnh một "Bác sỹ hoa súng" thông minh, hài hước, dí dỏm lúc nào cũng vác theo cái kim tiêm to hơn người trong Chương trình gặp nhau cuối tuần của Đài truyền hình Việt Nam. Gần đây khán giá truyền hình còn biết đến "bác sỹ hoa súng" với vai trò là một nhà biên kịch của những bộ phim rất nổi tiếng được công chúng quan tâm, háo hức chờ đợi như: Mùi cỏ cháy, Nhà tiên tri.....
 
Thế hệ bố mẹ chúng tôi ngày trước cùng thời với nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm thường hay chép vào sổ lưu bút, sổ chép tay của mình những bài thơ tinh yêu lứa tuổi học trò của nhà thơ. Những người trẻ thế hệ 8x như chúng tôi cũng có nhiều bạn biết đến thơ của "Bác sỹ hoa súng" khi được anh ứng khẩu thành thơ trong "Bệnh viện tâm thần" của Gặp nhau cuối tuần.
 
Anh đến với thanh niên, đến với chi đoàn chúng tôi với một phong cách giản dị, gần gũi nhưng cách nói, cách kể, cách tiếp cận với thanh niên chúng tôi của thì anh thật nhiệt huyết, thật máu lửa. Hồ hởi, sôi nổi và "vồ vập" cứ như thanh niên ấy. Nhiều bạn đoàn viên thanh niên của chúng tôi dí dỏm nói: "Chắc ngày xưa bác sỹ hoa súng yêu cũng điên cuồng, hấp tấp lắm".
 
Bác sỹ hoa súng, nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm chụp ảnh lưu niệm với các bạn đoàn viên, thanh niên tại sinh hoạt Chuyên đề "Từ nhà trường đến chiến trường" của chi đoàn
 
Những câu chuyện, những vần thơ của anh dẫn dắt chúng tôi về với một thời hoa lửa, một thời "gác bút nghiên lên đường ra trận" của những Nguyễn Văn Thạc, Đặng Thùy Trâm, Vũ Đình Văn..... Thế hệ chúng tôi - Những người sinh ra sau khi đất nước đã hòa bình sẽ không thể hiểu hết được giá trị của cuộc sống hòa bình hôm nay nếu không được nghe những câu chuyện bi hùng của một thời hoa lửa đó do anh kể.
 
Khi tôi xem bộ phim "Mùi có cháy" do chính anh làm biên kịch, tôi đã bị ám ảnh 2 tháng với những hình ảnh tàn khốc thấm đẫm máu và nước mắt của bô phim. Tôi bị ám ảnh thực sự. Ám ảnh đến mức trong những giấc mơ tôi có thể mơ những hình ảnh tàn khốc đó. Không ám ảnh sao được khi các anh vượt qua sông Thạch Hãn mà bước dưới chân các anh là thân xác của những người đồng đội, dòng nước các đăng lặn ngụp là máu của những đồng đội mình. Không ám ảnh sao được khi nhân vật Hoàng - Lấy nguyên mẫu từ nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm đã chứng kiến lần lượt những người bạn cùng học với mình hi sinh dưới làn tên, mũi đạn của quân thù. Không ám ảnh sao được khi hôm qua những người bạn của anh còn đùa nghịch với chú ve sầu, còn đùa nghịch với lời đỏng đảnh, danh đá của quan âm thị kính mà hôm nay đã các anh đã nằm dưới nắm mồ đắp vội.
 
Những câu chuyện của anh kể đã làm chúng tôi thức tỉnh, làm chúng thấy rõ hơn bao giờ hết giá trị của cuộc sống hòa bình hôm nay. Để cuộc sống hòa bình hôm nay thế hệ cha anh đi trước đã phải đánh đổi bằng xương máu của mình. Thế hệ các anh ngã xuống cho đất nước nở hoa độc lập như ngày hôm nay.
 
Qủa thật, nếu không phải anh nói, không phải anh kể chưa chắc chúng tôi đã "thấu hiểu" được hết giá trị của cuộc sống hòa bình hôm nay. Qua những câu chuyện của anh chúng tôi như được sống lại một thời kỳ đau thương nhưng đầy hào hùng của dân tộc. Chúng tôi thấy mình cần phải có trách nhiệm hơn với quá khứ, lịch sử dân tộc. Chúng tôi thấy mình phải có trách nhiệm hơn với máu xương của cha anh đã xuống cho cuộc sống hòa bình hôm nay. Và chúng tôi - Những người thanh niên thế kỷ 21 còn cần phải cảm thấy xấu hổ khi chưa làm gì được nhiều cho tổ quốc, cho non sông, cho những người đã ngã xuống vì độc lập tự do của dân tộc.
 
HOA DUẨN