“Tiếng kẻng học bài” là một mô hình thể hiện tinh thần hiếu học của người dân xứ Nghệ. Dù ra đời cách đây nhiều năm, nhưng mô hình này giờ đây lại càng phát huy hiệu quả với cách làm mơi mẻ trong thời điểm học sinh nghỉ học dài ngày để tránh dịch Covid-19.
Diễn biến phức tạp của dịch bệnh Coivd-19 khiến học sinh chưa thể đến trường. Nhằm duy trì tính tập trung, nêu cao tinh thần tự giác học bài cho các em học sinh trong thời gian ở nhà, tại nhiều địa phương, các thầy cô giáo, anh chị em chi đoàn cơ sở đã tiếp tục phát triển mô hình “Tiếng kẻng học bài”. Thể hiện tinh thần phối hợp giữa gia đình, nhà trường, xã hội trong việc thực hiện phong trào “Xây dựng xã hội học tập”. Sự tiếp nối, phát huy mô hình “Tiếng kẻng học bài” đã nhận được sự đồng tỉnh, ủng hộ của đông đảo nhân dân. 
 

 
Tại Con Cuông, để đảm bảo và duy trì chất lượng học tập của các em hoc sinh trong đợt nghỉ dịch kéo dài, bắt đầu từ ngày 16/3, các chi đoàn thực hiện “tiếng kẻng học bài”, cụ thể vào 19h30 hàng ngày Ban chấp hành chi đoàn sẽ đánh 1 tiếng kẻng để các em bắt đầu học bài và sẽ cùng với một số thầy cô đi từng nhà từng em học sinh để kiểm tra việc học tập và ôn bài của các em.
 
Đồng chí Lô Mạnh Sang, Bí thư Chi đoàn Chôm Lôm, xã Lạng Khê (Con Cuông) người trực tiếp tham gia đánh kẻng và đi kiểm tra, đôn đốc việc học cho các em học sinh chia sẻ: Thực ra mô hình “Tiếng kẻng học bài” đã được triển khai trên địa bàn từ rất lâu rồi, sau một thời gian nó đã được phát triển lên thành nhiều hình thức như nhắn tin, gọi điện nhắc nhở phụ huynh quan tâm thúc dục con em học bài. Thời gian này, do tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, các em học sinh được nghỉ học dài ngày, để duy trì tinh thần học tập cho các em, nhà trường đã phối hợp với Đoàn xã tiếp tục triển khai “Tiếng kẻng học bài”. Sau khi hồi kẻng được vang lên báo hiệu giờ học tập của các em đã đến, toàn bộ người dân trên địa bàn phải chuẩn mực thực hiện. Ngoài đường không được có học sinh nào lêu lổng, tụm năm tụm bảy chơi bời. Trong nhà phụ huynh cũng không được ca hát, nói chuyện ồn ào,... ti vi, loa đài cũng vặn nhỏ tiếng lại để tạo không gian tĩnh lặng cho các em học bài.
 
"Tiếng kẻng vang lên, giờ học bắt đầu"
 
Theo tinh thần của “Tiếng kẻng học bài”, thì mỗi khi tiếng kẻng vang lên báo hiệu giờ học bài thì các em sẽ phải tự giác ngồi vào bàn học, mọi hoạt động vui chơi giải trí đều tạm ngưng. Các bậc phụ huynh cũng cần phải phối hợp chặt chẽ trong việc nhắc nhở, giám sát con em. Mọi hoạt động giải trí của phụ huynh ở nhà trong thời gian học bài của con đều phải chấm dứt hoặc cắt giảm, nhằm tránh làm ảnh hưởng đến việc học của các em. 
 


Hay như tại xã Hương Sơn (Tân Kỳ), “Tiếng kẻng học bài” đã được duy trì lâu nay, trong thời gian này lại phát triển mạnh mẽ hơn nữa. Cứ vào mỗi buổi tối, xóm nào có kẻng thì vang lên tiếng kẻng, không thì tiếng loa truyền thanh tại nhà xóm trưởng lại phát lên thông báo nhắc nhở đã đến giờ học, đề nghị phụ huynh tắt hoặc vặn nhỏ tivi, thúc dục con em ngồi vào bàn học. 
 
Không chỉ ở xã Hương Sơn, Nghĩa Hoàn, Tân Phú huyện Tân Kỳ mà trên địa bàn Huyện Yên Thành các xã Viên Thành, Hoa Thành, Vĩnh Thành, Mỹ Thành… cũng duy trì mô hình này, tại các chi đoàn có nơi dùng kẻng, nơi dùng trống hoặc dùng loa phát thanh xóm để thông giáo giờ học bài theo quy định. Thời gian nghỉ học kéo dài, mô hình này lại càng hiệu quả hơn khi có sự chung tay vào cuộc của nhà trường và phụ huynh học sinh.  
 
Chị Nguyễn Thị Minh Nguyệt - phụ huynh học sinh ở xã Nghĩa Đồng cho biết: kể từ khi có “Tiếng kẻng học bài”, thấy các cháu tinh thần phấn chấn lên hẳn, nghe tiếng kẻng thì các cháu đều tự giác vào học chứ không để bố mẹ nhắc nhiều. 
 
Đồng chí Vi Thị Thảo, Bí thư Huyện đoàn Con Cuông cho biết: “Tiếng kẻng học bài ngoài giúp các em nâng cao ý thức tự giác học tập còn giúp em biết sắp xếp thời gian học bài của mình sao cho cân đối, hợp lý. Nhờ vậy mà việc học của các em cũng dần tốt lên rõ rệt. Thời gian tới, Ban Thường vụ Huyện đoàn sẽ đồng loạt chỉ đạo các đơn vị khơi lại mô hình này”.
 
Để duy trì mô hình “tiếng kẻng học bài”, đội “phản ứng nhanh” trên địa bàn ngoài công tác giám sát, tuyên truyền trong công tác phòng, chống dịch, đội cũng thường xuyên về từng gia đình thăm hỏi, cùng phụ huynh nhắc nhở và kèm cặp các em học bài.
 
Có thể thấy rằng “Tiếng kẻng học bài” là mô hình không mới nhưng rất có hiệu quả với thời điểm các trường đang cho học sinh nghỉ học vì dịch bệnh. Một khi mô hình này lan rộng sẽ kích thích tinh thần thi đua học tập, tạo hiệu ứng xã hội lan toả trong việc thúc đẩy truyền thống hiếu học trên quê hương.
 
Quang Thành.- TĐ Nghệ An (TN)