Sân chơi cho thiếu nhi luôn là nỗi băn khoăn, lo lắng của các bậc phụ huynh và toàn xã hội mỗi dịp hè. 3 tháng hè là 3 tháng dài đằng đẵng với nỗi lo con chơi ở đâu cho an toàn của các bậc phụ huynh. Cũng chính vì thiếu sân chơi, các em không biết chơi ở đâu nên dẫn đến tình trạng tỷ lệ đuối nước, tai nạn thương tích, trẻ em bị mắc chứng bệnh trầm cảm, tự kỷ ngày càng gia tăng sau mỗi dịp hè. Với chức năng, nhiệm vụ của mình thì tổ chức Đoàn, Đội đã làm gì để cùng với toàn xã hội tạo ra nhiều không gian vui chơi, giải trí hơn nữa cho thanh thiếu nhi.

Thiếu sân chơi, trẻ biết làm sao!

            Tình trạng thiếu nhi "khát" sân chơi hiện nay không chỉ diễn ra ở thành phố mà ngay cả ở nông thôn, nơi tưởng chừng như không gian rộng mở, có sẵn các điểm vui chơi. Nhiều địa phương khi quy hoạch các thiết chế văn hóa ở cơ sở lại không chú ý đến viêc dành quỹ đất dành cho việc xây dựng các điểm vui chơi giải trí cho thiếu nhi. Cứ vào mỗi dịp hè về các em thiếu nhi lại "ngơ ngác" không biết tìm đâu ra được điểm vui chơi gần chỗ mình ở và phù hợp với nhu cầu, mong muốn của bản thân. Hiện nay, hệ thống các Cung, Nhà thiếu nhi, Trung tâm hoạt động thanh thiếu nhi trên toàn quốc mới chỉ đáp ứng được một phần nhỏ nhu cầu tiếp cận các hoạt động vui chơi giải trí cho thiếu nhi. Chỉ có những em thiếu nhi ở những khu vực thành thị gần các Cung, Nhà thiếu nhi, Trung tâm hoạt động thanh thiếu nhi mới có điều kiện tiếp cận được với các hoạt động vui chơi giải trí do những đơn vị này tổ chức. Các em thiếu nhi ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa tuy có không gian rộng mở hơn nhưng lại thiếu sự định hướng, chỉ bảo của người lớn trong việc tham gia các hoạt động vui chơi giải trí. Các em thường tự phát tụ tập theo các nhóm rồi tham gia vào các hoạt động vui chơi tại những địa điểm không an toàn, gây mất an toàn và nguy hiểm đến tính mạng của bản thân như: Đi tắm tại các hồ, ao, con sông lớn, đá bóng, chơi đùa trên đường, chơi những trò chơi nguy hiểm dễ bị tại nạn thương tích.....Nhiều em do bạn bè lôi kéo, rủ rê đã sa các tệ nạn xã hội như nghiện hút, đánh bạc, tham gia vào các hoạt động vi phạm pháp luật. Nhiều em ở cả thành thị lẫn nông thôn đang "hoang phí" những ngày hè vào những trò chơi game online độc hại, bạo lực trên mạng internet. Các em hàng ngày chìm đắm, đắm đuối trong "thế giới ảo" với những cuộc chinh chiến liên miên, bất tận, với những hành động chém giết, hận thù trong một không gian ngập tràn tính bạo lực, phi nhân tính. Nghiện game online cùng với chứng bệnh trầm cảm, tự kỷ đang là căn bệnh đáng báo động với giới trẻ.

(Nguồn internet)

Những con số đáng báo động về số lượng trẻ em bị đuối nước, trẻ em bị tai nạn thương tích, trẻ em bị trầm cảm, tự kỷ đã khiến cho người lớn chúng không thể không xót xa, đau lòng. Theo Vụ Sức khỏe bà mẹ và trẻ em (Bộ Y tế), hàng năm vào dịp hè luôn gia tăng các vụ chết đuối do ngạt nước. Bình quân trong 3 tháng hè, mỗi tháng cả nước có khoảng 300 vụ đuối nước ở trẻ. Còn theo thống Cục bảo vệ chăm sóc trẻ em, Bộ Lao động-Thương binh- Xã hội ở Việt Nam, mỗi năm hơn 7.300 em tử vong do tai nạn thương tích, trung bình 20 trẻ tử vong/ngày và số trẻ em tai nạn thương tích năm sau cao hơn năm trước. Trong khi đó, với chứng bệnh tự kỷ, trầm cảm, con số này còn cao hơn hẳn với khoảng 200.000 trẻ mắc bệnh tự kỷ, cứ 166 trẻ thì có 01 trẻ bị chứng bệnh tự kỷ, trầm cảm ở mức độ khác nhau. Một phần nguyên nhân của thực trạng trên chính là do các em thiếu các sân chơi an toàn, lành mạnh.

            Tuy nhiên, có một điều hết sức nghịch lý là hiện nay nhiều sân chơi của thiếu nhi đã và đang bị người lớn biến thành quán nhậu, sân chơi tennis, chợ tạm... hoặc chuyển đổi sang mục đích khác để có thể thu lợi nhuận. Dư luận xã hội cũng đã lên tiếng phán đối trước hành động không tốt này của người lớn. Trong Diễn đàn tiếng nói trẻ em với các mục tiêu vì trẻ em do Cục Bảo vệ và chăm sóc trẻ em tổ chức, một bé phát biểu: “Thưa các cô các chú, sân tennis của người lớn nhiều hơn sân chơi của chúng cháu…” Nhiều Khu chung cư mọc lên nhưng lại quên mất việc phải xây dựng cho trẻ em một khu vực vui chơi. (Mà điều này đã được quy định Nghị định số 71/2010/NĐ-CP của Thủ tướng Chính phủ về Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hanh Luật Nhà ở).

(Ảnh: sử dụng từ báo điện tử dân trí)

(Ảnh: sử dụng từ báo điện tử dân trí)

Theo phản ánh của Báo điện tử Tienphongonline thì hiện nay ở Hà Nội nhiều điểm vui chơi của thiếu nhi trong các khu Chung cư bị người lớn "chiếm đoạt" sử dụng sang mục đích khác. Sân chơi của khu nhà G ở tập thể Thành Công quận Đống Đa- Hà Nội từ lâu đã bị lấn chiếm xây nhà trái phép, phần còn lại trở thành bãi trông xe. Ở phường Ngọc Khánh, Giảng Võ khoảnh sân có gắn biển hiệu “Sân vui chơi trẻ em” nhưng đã biến thành “chợ cóc”....Bên cạnh, nhiều điểm vui chơi tuy có các trang thiết bị vui chơi như cầu trượt, xích đu, nhà chòi... nhưng không được quản lý, sử dụng hợp lý dẫn đến tình trạng để hoen gỉ, hỏng hóc.

(Ảnh: sử dụng từ tienphongonline)

Giải pháp nào cho sân chơi dành cho thiếu nhi?

Trước thực trạng trên, nhằm định hướng lâu dài cho việc quy hoạch, xây dựng các điểm vui chơi giải trí cho thanh thiếu nhi trên toàn quốc, Trung ương Đoàn đã phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao, Du lịch tham mưu cho Chính phủ ban hành Quyết định số 2164/QĐ - TTg ngày 11/11/2013 về việc phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở giai đoạn 2013 - 2020. Từ khi ban hành, các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương cũng đã có sự quan tâm hơn đến việc quy hoạch, dành quỹ đất cho việc xây dựng điểm vui chơi giải trí cho thanh thiếu nhi.

Nhận thức rõ vai trò, trách nhiệm của mình trong việc tạo ra các sân chơi lành mạnh, bổ ích cho thiếu nhi, những năm qua tổ chức Đoàn, Đội đã có nhiều Kế hoạch, chương trình hành động góp phần cùng với toàn xã hội chăm lo tốt hơn nữa cho thế hệ măng non của đất nước. Nghị quyết 06/TWĐTN của Ban Chấp hành Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh khóa IX năm 2010 đã thể hiện rõ quyết tâm hành động của tổ chức Đoàn, Đội trong việc tăng cường tổ chức các hoạt động vui chơi giải trí cho thiếu niên, nhi đồng. Sau thời gian triển khai thực hiện, với những kết quả đã đạt được cũng như nhìn nhận rõ những tồn tại, hạn chế trong quá trình các cấp bộ Đoàn triển khai thực hiện, Ban Chấp hành Đoàn khóa X tiếp tục quan tâm, chỉ đạo và có kết luận ban hành Kế hoạch về việc tiếp tục tổ chức các hoạt động vui chơi giải trí cho thiếu niên, nhi đồng trong nhiệm kỳ mới  trong đó nhấn mạnh việc các cấp bộ Đoàn cần tập trung, chú trọng xây dựng các điểm vui chơi cấp xã do tổ chức Đoàn, Đội đứng ra tổ chức, quản lý. Đồng thời tuyên truyền, giáo dục cho các cơ sở Đoàn, Đội nhận thức rõ được vai trò, trách nhiệm của mình đối với việc tổ chức các hoạt động cho thiếu nhi. Từ thực tiễn trong quá trình triển khai thực hiện, Ban Bí thư Trung ương Đoàn đã thường xuyên quan tâm chỉ đạo xem xét, tổng kết, nhân rộng các mô hình hay, các sân chơi mới cho thiếu nhi. Trong hơn 5 năm qua, chính từ sự chỉ đạo sát sao của Ban Bí thư, nhiều mô hình mới như: "Học kỳ quân đội", "Học làm người có ích", “Kỳ học văn hóa, thiên nhiên & trải nghiệm Hi! Teacher”, “Học kỳ trên biển”, "Học từ thiên nhiên", "Học từ làng nghề", "Học từ dân gian", "Kỳ học màu xanh",...... từ các bước thử nghiệm đã bước đầu khẳng định giá trị và thương hiệu, khẳng định vai trò giáo dục của tổ chức Đoàn, tạo sức lan tỏa mạnh, có sức hấp dẫn thu hút sự ủng hộ của xã hội và đông đảo thiếu nhi tham gia. Trong mùa hè này, theo số báo cáo mới nhất thì các tỉnh, thành Đoàn trong cả nước đã tổ chức được 95 lớp "Học kỳ trong quân đội" và 3080 lớp giáo dục kỹ năng, giáo dục định hướng giá trị, nhân cách tốt đẹp cho thanh thiếu nhi.

Hàng năm vào dịp Hội đồng Đội Trung ương thường ban hành Hướng dẫn hoạt động hè để chỉ đạo, hướng dẫn các cơ sở Đội tăng cường tổ chức các hoạt động vui chơi giải trí cho thiếu nhi, tạo sân chơi lành mạnh, bổ ích giúp thiếu nhi có thể tham gia vui chơi, rèn luyện, học tập và trưởng thành. Năm nay, hưởng ứng Thánh hành động vì trẻ em, Hội đồng Đội Trung ương ban hành Hướng dẫn sinh hoạt hè 2015 với chủ đề “Hè vui, bổ ích, An toàn - Học ngàn điều hay” tập trung chỉ đạo, hướng dẫn cơ sở tổ chức các hoạt động phù hợp với đặc điểm tâm sinh lý lứa tuổi, đặc biệt chú ý đến những yếu tố đặc thù của từng địa phương.

Bên cạnh việc chỉ đạo, hướng dẫn cơ sở trong việc tăng cường tổ chức các hoạt động vui chơi giải trí, tạo sân chơi lành mạnh bổ ích cho thiếu nhi, trong dịp hè này Hội đồng Đội Trung ương đã chỉ đạo Trung tâm hỗ trợ và phát triển Thiếu nhi Việt Nam triển khai tạo mẫu mô hình hoạt động hè cho thiếu nhi với những sân chơi bổ ích dành cho lứa tuổi 9 đến 15 tuổi như: Trại hè thiếu nhi năm 2015 "Trải nghiệm để trưởng thành", Học kỳ Công an "Đi để biết, học để sống", hành trình trải nghiệm "Hành trình nhà thám hiểm nhỏ tuổi". Thông qua các sân chơi mang tính giáo dục này giúp cho các em thiếu nhi được rèn luyện bản lĩnh, ý chí, học hỏi được những kỹ năng sống cơ bản, thiết yếu của của cuộc sống, từng bước trưởng thành.

Hội đồng Đội Trung ương ương cũng thường xuyên chỉ đạo, hướng dẫn cơ sở tổ chức các hoạt động thăm quan dã ngoại, đến với các di tích lịch sử, văn hóa tại địa phương thông qua các “Hành trình đến với các bảo tàng, đến với các địa danh lịch sử”, “Hành trình về nguồn”; chăm sóc, tôn tạo và phát huy giá trị các khu di tích lịch sử văn hóa nhằm giáo dục về truyền thống của quê hương, đất nước cho các em. Tập trung tổ chức các hoạt động định hướng, giúp đỡ và khuyến khích các em thiếu nhi sử dụng Internet phục vụ cho nhiệm vụ học tập, vui chơi giải trí lành mạnh. Tiếp nhận, tổ chức cho các em về tham gia sinh hoạt hè tại địa phương theo mô hình câu lạc bộ sở thích, quan tâm tổ chức các loại hình trò chơi dân gian; đẩy mạnh các hoạt động thể dục thể thao, vui chơi giải trí lành mạnh...

Đối với hệ thống Cung, Nhà thiếu nhi, Trung tâm hoạt động thanh thiếu nhi tổ chức các hoạt động bồi dưỡng, phát triển năng khiếu cho thiếu nhi trong dịp hè; Tổ chức các sân chơi lưu động phục vụ cho thiếu nhi có hoàn cảnh khó khăn tại cộng đồng, quan tâm tới đối tượng thiếu nhi vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo, thiếu nhi có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; Tổ chức tốt các hoạt động vui chơi giải trí tại chỗ cho thiếu nhi, ưu tiên miễn phí cho thiếu nhi có hoàn cảnh khó khăn, đặc biệt vào các dịp kỷ niệm ngày Quốc tế thiếu nhi 1/6 và Tết Trung thu.

Có thể nói, để giải "cơn khát" sân chơi cho thiếu nhi vào dịp hè cho thiếu nhi không thể chỉ có tổ chức Đoàn, tổ chức Đội làm mà cần phải có sự chung tay vào cuộc của các ngành, các cấp và toàn xã hội.

Hoa Duẩn