Chủ trì phiên họp thường kỳ của Ủy ban Quốc gia về trẻ em, sáng 11/1, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu các cấp, các ngành tập trung hành động quyết liệt, hiệu quả các chủ trương, chính sách về công tác trẻ em, tạo chuyển biến thực sự, nhất là những vấn đề đã tồn tại nhiều năm. Đây là nhiệm vụ chính trị trung tâm đối với tương lai của đất nước.

Tham dự phiên họp đồng chí Nguyễn Phạm Duy Trang, Bí thư BCH Trung ương Đoàn, Chủ tịch Hội đồng Đội TW, Thành viên Uỷ ban Quốc gia về trẻ em báo cáo về tình hình trẻ em và đề xuất một số giải pháp, phối hợp:
 

Trong năm 2023, Trung ương Đoàn đã chỉ đạo các cấp bộ Đoàn tham mưu, triển khai thực hiện có hiệu quả công tác phụ trách Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh, chăm sóc, giáo dục thiếu niên, nhi đồng thông qua chương trình công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi; chương trình công tác Đội và phong trào thiếu nhi; triển khai các phong trào, cuộc vận động và các sân chơi mới của của tổ chức Đội
 

Đồng thời, với việc triển khai các phong trào, hoạt động Đội, Trung ương Đoàn đã thường xuyên bám sát, cụ thể hóa các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các văn bản chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong công tác bảo vệ, chăm sóc giáo dục thiếu niên nhi đồng với các hoạt động. Kết quả: 1.304.423 thiếu nhi có hoàn cảnh khó khăn được tổ chức Đoàn các cấp hỗ trợ.

 

Ban Thường vụ Trung ương Đoàn đã triển khai Đề án “Đoàn TNCS Hồ Chí Minh thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em vào các vấn đề trẻ em giai đoạn 2023-2027” Kết luận của Ban Bí thư Trung ương Đoàn về việc tăng cường triển khai mô hình “Hội đồng trẻ em” giai đoạn 2023 - 2027.

Điểm nhấn trong năm 2023 tổ chức thành công phiên họp giả định “Quốc hội trẻ em” lần thứ I - năm 2023 với sự tham gia của 263 đại biểu thiếu nhi tiêu biểu tới từ 63 tỉnh, thành phố.

Trong năm 2023, Trung ương Đoàn đã nhận được 670 báo cáo của 63 tỉnh, thành đoàn phản ánh về các vụ việc liên quan đến trẻ em, trong đó có 267 vụ đuối nước; 151 vụ tai nạn, thương tích; 129 vụ xâm hại trẻ em.
 

 Đề xuất Ủy ban Quốc gia về trẻ em tham mưu Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành có liên quan tiếp tục rà soát, hoàn thiện và chỉ đạo thực hiện tốt các chính sách chăm lo cho trẻ em, nhất là trẻ em mồ côi, trẻ em khuyết tật, trẻ em dân tộc thiểu số, con em công nhân, người lao động.

 Đề xuất Ủy ban Quốc gia về trẻ em tham mưu Chính phủ quan tâm, đảm bảo đầy đủ các điều kiện để Trung ương Đoàn, Hội đồng Đội Trung ương và các cấp bộ Đoàn, Đội thực hiện tốt nhiệm vụ tổ chức đại diện tiếng nói, nguyện vọng của trẻ em, thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em vào các vấn đề về trẻ em.

 Đề xuất Ủy ban Quốc gia về trẻ em tham mưu Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các ngành có liên quan, đặc biệt là ngành Công an có cơ chế phối hợp cung cấp thông tin cho tổ chức Đoàn khi có sự việc liên quan đến trẻ em xảy ra trên địa bàn, đặc biệt là các vụ việc xâm hại, bạo lực, tai nạn, thương tích. Trên cơ sở đó, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh sẽ có điều kiện để chủ động tiếp cận các thông tin liên quan đến trẻ em, tham gia tốt hơn trong các hoạt động bảo vệ trẻ em, cùng với các ngành, các cấp có liên quan hỗ trợ trẻ em bị tai nạn, thương tích, nạn nhân của xâm hại.

- Đề xuất Ủy ban Quốc gia về trẻ em tham mưu Chính phủ chỉ đạo Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố tiếp tục quan tâm, bố trí nguồn ngân sách, quỹ đất, quy hoạch việc xây dựng các điểm sinh hoạt, vui chơi và các thiết chế văn hóa cho trẻ em, đảm bảo thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc không sáp nhập các Cung, Nhà Thiếu nhi với các thiết chế khác có chức năng không tương đồng; không thuyên chuyển địa điểm các Nhà Thiếu nhi ra xa khu vực trung tâm của các địa phương.

 Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội quan tâm, hỗ trợ tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ đoàn trong công tác xã hội với trẻ em, đặc biệt nhóm đối tượng trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt (14 nhóm trẻ có hoàn cảnh đặc biệt theo quy định của Luật Trẻ em). Quan tâm, hỗ trợ kinh phí, chuyên gia đào tạo, đầu tư trang thiết bị phục vụ hoạt động công tác xã hội với trẻ em.

 Bộ Giáo dục và đào tạo: Phối hợp với Trung ương Đoàn khảo sát, đánh giá tình hình chế độ chính sách cho đội ngũ giáo viên làm Tổng phụ trách Đội; thực trạng công tác Đội và phong trào thiếu nhi trong các trường ngoài công lập và quốc tế. Nghiên cứu đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, giáo dục về quyền trẻ em một cách đơn giản, dễ hiểu, tránh hình thức; đặc biệt là phổ biến về đường dây nóng tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em 111 để mọi trẻ em đều nắm được công cụ tự bảo vệ mình, kiến nghị đưa thông tin tổng đài vào bìa sách giáo khoa, bìa vở học sinh để mọi học sinh đều biết đến tổng đài. Bổ sung thêm nhiều sách về kỹ năng phòng chống tai nạn thương tích, bạo lực xâm hại trẻ em trong thư viện nhà trường và tăng thêm thời gian nghỉ để học sinh đến thư viện đọc sách.

 Bộ Tư pháp: phối hợp, hỗ trợ, nâng cao kiến thức, kỹ năng cho cán bộ đoàn cấp cơ sở về quyền trẻ em, luật trẻ em, pháp luật liên quan đến bảo vệ trẻ em.

 Bộ Y tế: phối hợp, hỗ trợ, nâng cao kiến thức, kỹ năng cho cán bộ đoàn cơ sở về sức khỏe cộng đồng, tai nạn thương tích, sức khỏe tâm thần, trẻ khuyết tật, sơ cứu ban đầu, sàng lọc... Hỗ trợ kinh phí, chuyên gia đào tạo, kết nối dịch vụ, các mô hình chăm sóc sức khỏe dựa vào cộng đồng, phương tiện kỹ thuật hỗ trợ cán bộ đoàn chăm sóc sức khỏe trẻ em.

 Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch: phối hợp, hỗ trợ nâng cao kiến thức kỹ năng tổ chức hoạt động cho trẻ em; an toàn khi tham gia hoạt động; truyền thông nâng cao nhận thức của trẻ em về việc phòng, chống các sản phẩm văn hóa đồi trụy; hoạt động xây dựng môi trường văn hóa cho trẻ em tại cộng đồng ....

 Bộ Thông tin và Truyền thông: phối hợp, hỗ trợ nâng cao kiến thức, kỹ năng cho cán bộ đoàn về sử dụng mạng an toàn cho trẻ em em và thanh thiếu niên; bắt nạt qua mạng; bảo vệ hình ảnh qua mạng; điều chỉnh tư tưởng sai lệch của trẻ em qua truyền thông...