Ngày ngày 20 tháng 3 năm 2013 Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và Hội Nhà văn đã ký chương trình liên tịch số 02 CTPH - TWĐ - HNVVN về “Tăng cường các hoạt động sáng tác văn học nhằm giáo dục, bồi dưỡng tâm hồn và phát triển văn hóa đọc cho thiếu nhi”. Để đánh giá, tổng kết lại quá trình triển khai thực hiện chương trình phối hợp, Hội đồng Đội Trung ương phối hợp Hội Nhà văn Việt Nam, Báo Thiếu niên Tiền phong, Nhà xuất bản Kim Đồng tổ chức Hội nghị sơ kết 2 năm thực hiện chương trình phối hợp liên tịch giữa Trung ương Đoàn với Hội Nhà văn Việt Nam và Gặp mặt các nhà văn viết cho thiếu nhi vào ngày 28/8/2015. Nhân dịp này, Ban Biên tập website thieunhivietnam.vn trân trọng giới thiệu bài viết về những suy nghĩ, trăn trở, cũng như hành trình phát triển văn học thiếu nhi Việt Nam qua các thời kỳ của Nhà văn Lê Phương Liên- Một trong những cây bút xuất sắc có nhiều đóng góp cho văn học thiếu nhi đương đại.

          Văn học dành cho trẻ em là một bộ phận của nền Văn hóa trẻ em và của cả nền Dân trí hiện tại.Có nhiều suy nghĩ khá bi quan về Văn hóa trẻ em nói chung và văn học trẻ em Việt Nam hiện nay, có không ít băn khoăn về Văn học trẻ em Việt Nam chúng ta hiện nay đang quá yếu ớt trước sức cạnh tranh nhập khẩu ồ ạt văn hóa nước ngoài. Sáng tác của các nhà văn trong nước  thật như “châu chấu đá xe" so với số lượng sách ,tranh ảnh, phim hoạt hình, các kênh truyền hình, băng đĩa âm nhạc, trò chơi điện tử … dành cho trẻ em có nguồn gốc nước ngoài đang tràn ngập thị trường. Những nhận xét ấy đều phần nào có lý và chính là nỗi trăn trở của tất cả những ai tâm huyết với Văn học thiếu nhi. Sáng tạo cho thiếu nhi hôm nay là sự cố gắng đổi mới hết mình, là sự bươn chải để đưa văn học thiếu nhi Việt Nam vượt ra biển lớn,là tấm lòng hết sức thuỷ chung với phong cách nghệ thuật:Viết cho thiếu nhi là sáng về nhận thức và trong về nghệ thuật.

(Cố Nhà văn Tô Hoài và Nhà văn Lê Phương Liên trao đổi với bạn đọc về văn học thiếu nhi) 

    Văn học dành cho trẻ em ở Việt Nam vốn khởi đầu là một nền văn học truyền miệng.Từ ngàn xưa, những câu chuyện cổ tích , những bài hát ru vẫn được truyền từ đời này sang đời khác trong sinh hoạt gia đình, làng xóm của người Việt Nam. Đó chính là " dòng sữa ngôn ngữ" dịu ngọt nuôi dưỡng tâm hồn trẻ em nước Việt.

    Khi bước vào tuổi nhi đồng, những bài đồng dao gắn liền với những trò chơi dân gian như Dung dăng dung dẻ, Rồng rắn lên mây…là những hình thức sinh hoạt cộng đồng tùy từng vùng miền, mỗi nơi có một sắc thái riêng đều tạo nên không gian năng động giúp trẻ em phát triển thể lực và trí tuệ hồn nhiên trong sáng.Trải qua hàng trăm năm lịch sử nền tín ngưỡng bản địa thuần Việt cùng với tư tưởng Phật giáo, Lão giáo và Nho giáo được truyền bá trong đời sống tinh thần của người Việt đã tạo nên một nền tảng văn hóa phương Đông gắn bó con người (Nhân) với Trời (Thiên) và Đất nước biển cả sông núi (Địa) với quan niệm " vạn vật hữu linh" ( tất cả mọi vật đều có linh hồn), đời sống tâm hồn trẻ em Việt Nam được ông bà cha mẹ giáo dưỡng trong gia đình từ lúc mang thai (thai giáo) cho đến lúc trưởng thành chính là gốc rễ văn hóa để trẻ em tiếp thu thấm nhuần nền văn học dân tộc và cả nền văn minh toàn nhân loại.

     Văn học Việt Nam chúng ta vào đầu thế kỷ XX đã có sự chuyển biến rất lớn, tiếp thu ảnh hưởng của văn học phương Tây du nhập vào Việt Nam qua sự truyền bá của nền giáo dục thực dân Pháp, các nhà văn Việt Nam chúng ta vốn có nền  tảng văn hóa tư tưởng phương Đông vững chắc tồn tại hàng nghìn năm do đó khi  bước  vào "cuộc đối đầu" với văn hóa phương Tây thế hệ các nhà văn lớp trước với lòng yêu nước nồng nàn và một bản lĩnh văn hóa mạnh mẽ đã tạo ra cả một thời kỳ văn học rực rỡ. Năm 1941, tác phẩm Dế mèn phiêu lưu ký của nhà văn Tô Hoài ra đời, đánh dấu bước mở đầu  của dòng chảy Văn học thiếu nhi Việt Nam. Hình ảnh chú Dế Mèn từ một cậu Dế ngông nghênh, hoang dã hay gây sự bắt nạt kẻ yếu hơn mình rồi bị bắt thành "một tù nhân đánh nhau mua vui" tưởng như rồi Dễ sẽ thành "tội phạm"…Nhưng không Dế đã được cụ Xiến Tóc dạy cho một bài học, Dế đã tỉnh ngộ bởi tấm lòng vốn là người thiện của mình, để rồi trở thành một chàng Dế rắn rỏi nhân hậu đi du lịch khắp nơi để cổ động thế giới đại đồng " muôn loài kết thành anh em". Câu chuyện tưởng tượng về những con vật bé nhỏ như con giun cái dế ở miền nhiệt đới  "bùn lầy nước đọng" đã hiển hiện sáng ngời nhờ tư tưởng nhân văn của văn hóa Việt Nam kết đọng trong ngòi bút của nhà văn Tô Hoài. Ở đây chúng ta cùng nhận thấy rõ rằng, chính nhờ tiếp thu sáng tạo tư tưởng văn hóa mới từ tổ chức Văn hóa Cứu quốc ( một tổ chức cách mạng bí mật dưới sự lãnh đạo của Đảng )mà nhà văn Tô Hoài đã viết nên tác phẩm có giá trị rất cao này.  Cho đến nay tác phẩm Dế mèn phiêu lưu ký không chỉ trở thành người bạn thân thiết của trẻ em Việt Nam mà còn được dịch và xuất bản ở nhiều nước trên thế giới.

       Năm 1945, Cách mạng Tháng Tám thành công, nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ra đời, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất quan tâm đến văn hóa của trẻ em, bản thân Người đã viết  thư, làm thơ gửi thiếu niên nhi đồng, học sinh cả nước nhân dịp năm học mới và trong dịp Tết Trung thu.Trong cuộc kháng chiến Chống Pháp trên Chiến khu Việt Bắc, các nhà văn tâm huyết với trẻ em như Tô Hoài, Nguyễn Huy Tưởng, Nguyên Hồng… đã cho ra đời một loại sách cho thiếu nhi mang tên Kim Đồng. Các nhạc sĩ Lưu Hữu Phước, Phong Nhã, Phạm Tuyên… đã sáng tác nhiều bài hát thiếu nhi mở đầu một dòng âm nhạc cho thiếu nhi trong sáng. Báo Thiếu niên tiền phong đã ra những số báo đầu tiên ngày 1 /6 / 1954 và theo chân đoàn chiến sĩ trở về giải phóng thủ đô Hà Nội. Ngày 1/6/1955 Câu lạc bộ thiếu nhi Hà Nội ( Cung thiếu nhi Hà Nội ngày nay) nơi đào tạo bồi dưỡng tài năng văn học nghệ thuật trẻ em đã được thành lập. Ngày 17/6/ 1957 Nhà xuất bản Kim Đồng, nhà xuất bản đầu tiên dành riêng cho trẻ em Việt Nam đã ra đời. Hội liên hiệp Văn học nghệ thuật Việt Nam đã có Tiểu ban Văn nghệ thiếu nhi ( 1957) do nhạc sĩ Lưu Hữu Phước phụ trách. ( Có tài liệu bằng chứng).  Xin phép nhắc lại hàng loạt các sự kiện lịch sử trên đây để nói lên từ rất sớm Đảng, Nhà nước, Đoàn Thanh niên đã rất coi trọng công việc xây dựng một nền văn học cho thanh thiếu nhi Việt Nam. Chính nhờ sự quan tâm toàn diện triệt để này cả một phong trào văn học nghệ thuật cho thiếu nhi rộng lớn đã phát triển rất mạnh mẽ trên miền Bắc từ 1955 đến 1975.

      Nhìn lại quá trình phát triển của Văn học thiếu nhi Việt Nam trong hơn 60 năm qua, chúng ta nhận thấy rằng những tác phẩm văn học thiếu nhi xuất sắc ra đời bao giờ cũng là kết quả của sự quan tâm trân trọng các tài năng văn nghệ của các cơ quan chức năng lãnh đạo trong đó đặc biệt là Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh ( Trước đó là Đoàn TN Cứu quốc, Đoàn TN Lao động…). Riêng bản thân tôi không bao giờ quên năm 1971, khi ấy tôi mới 20 tuổi được NXB Kim Đồng in cuốn sách đầu tiên, và được mời đi dự Hội nghị viết văn trẻ của Hội Nhà văn Việt Nam, được Trung ương Đoàn TNLĐ VN mời dự gặp mặt thân mật và được đ/ c Vũ Quang ( bí thư thứ nhất TƯĐ lúc đó) mời lên phát biểu ý kiến.Tôi mong sao các tác giả trẻ hiện nay cũng được quan tâm chăm sóc tạo điều kiện phát triển như tôi ngày ấy.

   Khi nhìn lại hơn 60 năm phát triển của Văn học thiếu nhi Việt Nam chúng ta, bên cạnh việc quan tâm chỉ đạo tạo điều kiện của các cơ quan chức năng, một yếu tố quyết định chính là sự nỗ lực sáng tạo, tâm huyết lao động quên mình của các thế hệ nhà văn mới có thể tạo nên một dòng chảy mạnh mẽ có tác dụng lớn lao đến đời sống tâm hồn của hàng triệu trẻ em Việt Nam. Khi nhìn lại những tác phẩm xuất sắc nhất của dòng văn học thiếu nhi Việt Nam, chúng ta luôn nhận thấy nổi bật lên yếu tố dẫn đến sự thành công của các tác phẩm đó là việc kết hợp hài hòa giữa tình yêu quê hương đất nước thấm đẫm tâm hồn văn hóa dân tộc với việc học hỏi tiếp thu hòa nhập văn hóa nước ngoài. Đất rừng phương Nam của nhà văn Đoàn Giỏi, Quê nội của nhà văn Võ Quảng, Chuyện hoa chuyện quả của nhà thơ Phạm Hổ, Góc sân và khoảng trời của nhà thơ Trần Đăng Khoa… tất cả những trang văn thơ xanh tươi mãi với thời gian đó chính là hình ảnh quê hương, đất nước kết đọng lại thành thơ văn. Nhà văn nhà thơ sống gắn bó với tình cảm gia đình cha mẹ ông bà ,tình mẹ con, tình yêu con người nhân hậu như tuyển tập thơ văn Bầu trời trong quả trứng của nhà thơ Xuân Quỳnh.Văn học thiếu nhi là tiếng nói yêu thương của chính những người học trò yêu nhà trường yêu thầy cô giáo, khao khát học tập và vươn lên đó chính là những lời văn, lời thơ trong sáng trong bài thơ Đi học ( Hương rừng) của Minh Chính, Những tia nắng đầu tiên- Khi mùa xuân đến của Lê Phương Liên… dòng văn viết về đời sống sinh hoạt học trò trong sáng còn được phát triển mạnh mẽ sau này với bộ sách Kính Vạn hoa ( 45 tập ) của Nguyễn Nhật Ánh.

    Trong những năm tháng đất nước ta đổi mới và hội nhập với văn hóa toàn cầu, thế hệ thiếu nhi ngày nay được hưởng thụ rất nhiều món ăn tinh thần phong phú , tuy nhiên làm sao có thể tiếp tục tạo ra một thời kỷ mới của văn học thiếu nhi Việt Nam, để một thế hệ tác giả mới xuất hiện đủ tỏa sáng hấp dẫn bạn đọc trẻ tuổi trong nước và đủ sức vươn ra sánh vai các cường quốc năm châu?

    Phải chăng nhìn lại những thành công của các thế hệ đi trước, tôi mong mỏi trước hết là sự quan tâm phối hợp hoạt động của Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh (cùng các cơ quan báo chí xuất bản của TƯĐ như NXB Kim Đồng, Báo Thiếu niên tiền phong, báo Nhi Đồng) và Hội Nhà văn Việt Nam ( nên có một bộ phận tư vấn là Ban Văn học thiếu nhi trực thuộc Ban chấp hành).  Sự phối hợp lãnh đạo cấp trung ương như vậy sẽ có ý nghĩa lớn với mọi hoạt động trong cả nước.

    Về phía các nhà văn  nhất là đội ngũ tác giả trẻ đang sung sức sáng tác chúng ta "dù có đi bốn phương trời" vẫn đau đáu với quê hương, với cội nguồn, với gia đình cha mẹ ông bà, những người bạn từ thời thơ ấu… đấy chính là cái nôi văn hóa tinh thần để chúng ta chắp cánh bay lên trong các sáng tạo mới mang hương sắc của thời đại mới.Trong 10 năm gần đây ( từ 2006 đến nay), Văn học thiếu nhi chúng ta đã nhận được một nguồn động viên tài trợ quý giá từ nước bạn Đan Mạch trong "Dự án hỗ trợ văn học thiếu nhi Việt Nam- Đan Mạch ", dự án này do NXB Kim Đồng là đơn vị chủ lực thực hiện. Nhờ có Dự án này mà các tác giả người viết và người vẽ cho thiếu nhi ở Việt Nam được tiếp xúc học hỏi các chuyên gia Đan Mạch hướng dẫn sáng tác. Cũng nhờ có Dự án mà những chuyến đi thực tế "Chuyến tầu kể chuyện" đã được đến với nhiều vùng miền trong cả nước. Cũng nhờ có Dự án mà những Cuộc vận động sáng tác đã liên tiếp được phát động, nhiều tác giả mới đã được phát hiện và nhận được các giải thưởng cao, tạo nên một phong cách viết cho thiếu nhi mới trên không gian đọc sách của trẻ em hiện nay. Tuy nhiên chúng ta cũng không khỏi băn khoăn là vì sao những sáng tác mới kết quả của "Dự án hỗ trợ văn học thiếu nhi Việt Nam - Đan Mạch " chưa tạo ra một sực hấp dẫn mạnh mẽ và có sức lan tỏa trong giới trẻ hiện nay? Theo thiển ý của tôi, phải chăng là bản sắc dân tộc Việt Nam thâm sâu cội rễ nghìn năm chưa thật sự được thăng hoa với phương pháp sáng tác mới?

    Có thể nói rằng chưa bao giờ các nhà văn Việt Nam lại có nhiều điều kiện giao lưu với văn học thế giới như hiện nay. Bên cạnh việc đón tiếp các bạn nước ngoài đến giao lưu tại Việt Nam, các tác giả có điều kiện đi nước ngoài gặp gỡ trao đổi kinh nghiệm sáng tác với bạn bè trên thế giới, có thể kể ra đây một số chuyến đi của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh tới Thụy Điển, Thái Lan…nhà văn Nguyễn Ngọc Thuần được mời đi Thụy Điển.Trong khuôn khổ Dự án hỗ trợ VHTN Việt Nam- Đan Mạch, đã có hai chuyến đi của các nhà văn và họa sĩ trẻ Việt Nam được sang thăm và học tập tại Đan Mạch trong một thời gian ngắn. Từ năm 2011, Nhà xuất bản Kim Đồng đã tham gia AFCC ( Asian Festival of Children’s Content) được tổ chức tại Singapore vào dịp cuối tháng 5 đầu tháng 6 hàng năm.

Là một người viết đã trải qua sự thăng trầm của dòng chảy văn học thiếu nhi, tôi cảm nhận thấy rằng, càng đọc nhiều văn học thiếu nhi thế giới, càng được tiếp xúc với những giá trị tinh hoa của nhân loại tôi lại càng thấy rõ hơn cái hay cái đẹp vốn có của nguồn cội văn học dân gian Việt Nam. Càng có điều kiện được đi ra ngoài các nước Âu, Á, Úc…tôi lại càng thấy vẻ đẹp độc đáo riêng biệt của đất nước Việt Nam.Càng hiểu văn hóa và phong tục tập quán của các dân tộc khác trên thế giới, tôi càng hiểu rõ hơn cái hay, cái dở và niềm khao khát của dân tộc mình.Chính vì vậy, tôi nhận thức rằng sự hội nhập chỉ khiến mình được soi gương vào các nền văn hóa khác và thấy rõ hơn bản sắc của chính mình. Sự sáng tạo đổi mới không phải là sự bắt chước rập khuôn chạy theo các phương pháp sáng tác nước ngoài. Sự sáng tạo của người sau khi đi du ngoạn, chính là sự quy hồi trở lại chính mình, ở một bước cao hơn, ở một vòng tròn rộng hơn. Những sáng tác của tôi trong thời kỳ hội nhập vừa qua chính là sự quy hồi trở về chính mình với một vòng rộng hơn, một tầng nhận thức sâu sắc hơn.

  Tham gia phong trào Văn học thiếu nhi Việt Nam từ tuổi 20 tới nay đã tới tuổi lục tuần, tôi tự ý thức rằng thế hệ cầm bút chúng tôi sẽ chuẩn bị "lui về tuyến sau" để một thế hệ mới lên "cầm cờ xung trận". Tôi luôn tin tưởng ở các bạn trẻ, các bạn sẽ làm nên một thời kỳ văn học thiếu nhi mới hiện đại hơn và thấm sâu bản sắc dân tộc Việt Nam. Về phía tôi và những người "muôn năm cũ" sẽ luôn ở bên các bạn, luôn đồng hành với các bạn bằng lao động nghệ thuật , bằng tác phẩm đến với những bạn đọc yêu quý của chúng ta,

Mùa thu 2015

LPL