Ngày 01/06/2021, Bộ Thông tin và Truyền thông, Tổng công ty Bưu điện Việt Nam sẽ phát hành bộ tem “Truyền thuyết Mai An Tiêm (Sự tích Quả dưa hấu)” gồm 04 mẫu tem và 01 blốc với giá mặt: 4000đ, 4000đ, 4000đ, 6000đ và 18000đ. Bộ tem được cung ứng trên mạng bưu chính công cộng từ ngày 01/6/2021 đến ngày 31/12/2022.

Bộ tem “Truyền thuyết Mai An Tiêm (Sự tích Quả dưa hấu)” gồm 04 mẫu tem và 01 blốc


Bộ tem có khuôn khổ tem: 32 x 43 (mm) và 43 x 32 (mm) và blốc: 148 x 108 (mm) do họa sĩ Tô Minh Trang (Tổng công ty Bưu điện Việt Nam) thiết kế theo bố cục dân gian đương đại, liên hoàn kết nối những nội dung chính của cốt truyện trong một không gian truyền thuyết. Các nhân vật trong bộ tem được thể hiện khái quát ước lệ thời Hùng Vương.
Theo truyền thuyết, vào đời Vua Hùng thứ 17 có một chàng trai khôi ngô, tháo vát, nhanh nhẹn nên được nhà Vua nhận làm con nuôi đặt tên là Mai An Tiêm và được Vua gả công chúa làm vợ. Sau làm phật ý Vua, bị Vua đày ra hoang đảo.
Một hôm đang đi xung quanh tìm rau rừng chàng liền bắt gặp một con chim đang ăn một loại quả lạ có màu đỏ, chàng nếm thử thì thấy thơm mát, ngon ngọt. Mai An Tiêm liền cùng vợ gieo hạt khắp nơi. Chẳng bao lâu sau vườn cây ngày càng sai trái, vỏ ngoài mỏng dần và quả ngày càng đỏ và ngọt hơn. An Tiêm đặt tên là giống quả này là dưa hấu và thường khắc chữ lên quả và thả trôi trên biển với hy vọng có thuyền buôn nào vớt được sẽ đổi được thức ăn và gạo cho gia đình.
Ở đất liền Vua Hùng được dâng cho quả lạ, khi ăn rất ngọt mát nên bèn hỏi xuất xứ. Khi biết được loại quả này là của An Tiêm trồng ngoài đảo, Vua đã đón vợ chồng An Tiêm trở lại đất liền. Khi trở lại, vợ chồng An Tiêm mang theo rất nhiều hạt giống về phân phát cho bà con và truyền dạy cách gieo trồng, chăm bón dưa hấu.
Từ đó, Mai An Tiêm được coi là ông tổ của nghề trồng dưa hấu và là người có công khai phá xây dựng đất Nga Sơn, dưa hấu Mai An Tiêm là sản vật rất nổi tiếng ở Nga Sơn, Thanh Hóa.
Ngày nay, tại xã Nga Phú, huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa có một dãy núi mang tên Mai An Tiêm, tương truyền chính là hòn đảo xưa kia vợ chồng An Tiêm đã ở đó. Dưới chân núi có đền thờ Mai An Tiêm và được nhân dân địa phương tổ chức lễ hội hàng năm từ ngày 12 đến 15 tháng Ba âm lịch.
Bộ tem nhận được sự tham góp ý kiến của Viện Sử học và Giáo sư Tiến sỹ Đoàn Thị Tình.