Phiên họp giả định Quốc hội trẻ em vừa giúp các em hiểu được hoạt động của Quốc hội, vai trò của đại biểu Quốc hội; vừa phát huy quyền tham gia của các em vào các vấn đề của trẻ em.

Ngày 23/8, tại Hà Nội, Ban cố vấn và Ban Tổ chức Phiên họp giả định Quốc hội trẻ em lần thứ I, năm 2023 đã họp rà soát công tác chuẩn bị tổ chức Phiên họp.

Đồng chí Nguyễn Phạm Duy Trang - Bí thư T.Ư Đoàn, Chủ tịch Hội đồng Đội T.Ư chủ trì buổi làm việc của Ban tổ chức Phiên họp giả định Quốc hội trẻ em

Hơn 40.000 phiếu trả lời khảo sát của thiếu nhi

Thông tin tại buổi làm việc, đồng chí Lê Hải Long - Ủy viên BTV, Trưởng Ban Công tác thiếu nhi T.Ư Đoàn, Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng Đội T.Ư cho biết, Phiên họp giả định Quốc hội trẻ em lần thứ nhất sẽ có sự tham gia của 263 trẻ em và 63 phụ trách đến từ 63 tỉnh, thành phố. Các đại biểu thiếu nhi có độ tuổi từ 11 - 16, với kết quả học tập, rèn luyện tốt, tích cực tham gia công tác Đội và các hoạt động xã hội. Đặc biệt, các đại biểu trẻ em đảm bảo tính đại điện về giới tính, dân tộc, tài năng và có sự tham gia của trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt…

Phiên họp sẽ tập trung vào 02 chủ đề chính là “Phòng, chống tai nạn thương tích, bạo lực, xâm hại, trẻ em” và “Bảo vệ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng”. Đây là những vấn đề đang được trẻ em và toàn xã hội đặc biệt quan tâm trong giai đoạn hiện nay.

Đồng chí Lê Hải Long - Ủy viên BTV, Trưởng Ban Công tác thiếu nhi T.Ư Đoàn, Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng Đội T.Ư thông tin về công tác chuẩn bị tổ chức Phiên họp

Để chuẩn bị cho phiên họp, T.Ư Đoàn đã chỉ đạo, hướng dẫn các tỉnh, thành có mô hình Hội đồng trẻ em cấp tỉnh, cấp huyện tổ chức kỳ họp Hội đồng trẻ em theo 2 chủ đề của phiên họp. Đồng thời, các tỉnh, thành đoàn cũng tổ chức cho đại biểu trẻ em của đơn vị mình được tiếp xúc, lắng nghe, tổng hợp ý kiến của trẻ em trên địa bàn liên quan đến 02 chủ đề của phiên họp.

Bên cạnh đó, T.Ư Đoàn đã xây dựng bộ câu hỏi và triển khai khảo sát ý kiến của trẻ em về 2 chủ đề tại phiên họp bằng hình thức trực tuyến và trực tiếp trên phạm vi toàn quốc. Tính đến ngày 22/8, T.Ư Đoàn đã tiếp nhận được 40.050 phiếu trả lời của trẻ em các tỉnh, thành phố.

Đồng chí Vũ Minh Đạo - Vụ trưởng Vụ Văn hóa, giáo dục, Văn phòng Quốc hội phát biểu tại buổi làm việc của Ban cố vấn Phiên họp giả định Quốc hội trẻ em

Dự kiến Phiên họp giả định Quốc hội trẻ em lần thứ nhất sẽ diễn ra từ ngày 08-10/8 tại Hà Nội. Trong chương trình, các đại biểu sẽ vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh, tham quan Bảo tàng Quốc hội; chia 08 tổ thảo luận 02 nội dung chủ đề của phiên họp.

Phiên họp toàn thể Quốc hội trẻ em sẽ diễn ra vào sáng 10/8. Phiên họp do trẻ em điều hành, có sự tham dự của Lãnh đạo Quốc hội và các ban, bộ, ngành Trung ương.

Các thành viên Ban Tổ chức tham gia buổi làm việc

Phát huy quyền tham gia trẻ em vào các vấn đề của trẻ em

Tại 02 buổi làm việc, các thành viên của Ban cố vấn và Ban tổ chức Phiên họp giả định Quốc hội trẻ em cơ bản thống nhất về chương trình do T.Ư Đoàn dự thảo; đồng thời có nhiều ý kiến đóng góp về nội dung, chương trình, cách thức tổ chức, công tác truyền thông, hậu cần… với mục tiêu để các em nói lên được tiếng nói của mình, được đóng vai như một đại biểu Quốc hội thực sự.

Phát biểu kết luận buổi làm việc, đồng chí Nguyễn Phạm Duy Trang – Bí thư T.Ư Đoàn, Chủ tịch Hội đồng Đội T.Ư đánh giá cao các ý kiến đóng góp rất giá trị, trách nhiệm, tâm huyết vào các nội dung trong công tác chuẩn bị tổ chức Phiên họp.

Theo đồng chí Nguyễn Phạm Duy Trang, tại Phiên họp giả định Quốc hội trẻ em, các em không chỉ đóng vai các đại biểu Quốc hội, mà đây là mô hình giúp các em được tiếp cận, tìm hiểu hoạt động, cách thực vận hành phiên họp Quốc hội cũng như vai trò của một đại biểu Quốc hội thực sự. “Dù đóng vai nhưng các em sẽ mang tâm thế của đại biểu Quốc hội; ý kiến, kiến nghị, giải pháp là của chính các em”, đồng chí Nguyễn Phạm Duy Trang nhấn mạnh.

Bí thư T.Ư Đoàn, Chủ tịch Hội đồng Đội T.Ư cũng cho rằng, phải làm thế nào để Quốc hội đến gần với người dân hơn, cũng như thông tin để người dân hiểu được quan điểm, chính sách của Đảng, Nhà nước đối với công tác trẻ em; việc thực hiện Luật Trẻ em 2016, phát huy quyền tham gia của trẻ em vào các vấn đề của trẻ em.

Từ những đóng góp, đề xuất của các em sẽ là cơ sở để các Ban, Bộ, Ngành Trung ương hoàn thiện các cơ chế, chính sách bảo vệ, chăm lo, giáo dục trẻ em, phát huy tốt nhất trí tuệ, tài năng của các em./.

Kiều Anh