Hơn 260 trẻ em tiêu biểu toàn quốc sẽ quy tụ về thủ đô tham gia phiên họp giả định 'Quốc hội trẻ em'. Lần đầu tiên, trẻ em có mặt tại hội trường Diên Hồng để góp tiếng nói về phòng chống bạo lực, xâm hại và bảo vệ an toàn cho trẻ trên mạng.

Lần đầu tiên có một phiên họp giả định ''Quốc hội trẻ em'' nhằm tiếp tục triển khai thực hiện các hoạt động thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em vào các vấn đề về trẻ em - Ảnh minh họa: CÁT TIÊN

Lần đầu tiên có một phiên họp giả định 'Quốc hội trẻ em' nhằm tiếp tục triển khai thực hiện các hoạt động thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em vào các vấn đề về trẻ em - Ảnh minh họa: CÁT TIÊN

Trước phiên họp giả định "Quốc hội trẻ em" lần thứ nhất, các bạn nhỏ tiêu biểu được lựa chọn là đại biểu dự phiên họp chia sẻ cảm xúc với Tuổi Trẻ Online.

Đồng thời, góp tiếng nói, suy nghĩ với hai chủ đề chính gồm: "Bảo vệ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng", "Phòng, chống tai nạn thương tích, bạo lực, xâm hại trẻ em".

Tạo ra thế hệ trẻ thông thái, tự tin sử dụng mạng an toàn

Đặng Cát Tiên (14 tuổi, Trường THCS Thái Nguyên, tỉnh Khánh Hòa):

Được trở thành một trong số những đại biểu nòng cốt tham dự phiên họp là niềm vinh dự và tự hào với Đặng Cát Tiên vì em được đại diện tiếng nói, nguyện vọng của trẻ em tỉnh mình và cả nước.

Đặng Cát Tiên

Đặng Cát Tiên

Năm 2018, Việt Nam có hơn 706.000 vụ báo cáo về hình ảnh, video trẻ bị xâm hại tình dục trên không gian mạng. Con số này rất đáng báo động. Làm sao để giúp trẻ em biết bảo vệ bản thân, có kỹ năng sống, trong đó có kỹ năng tham gia môi trường mạng?

Theo em, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần tăng cường giáo dục, nâng cao nhận thức về an toàn trực tuyến cho trẻ em. Tích hợp chương trình giảng dạy về an toàn trực tuyến vào giáo trình học đường để tạo ra một thế hệ trẻ thông thái, tự tin và biết sử dụng mạng an toàn.

Cần có các chính sách, quy định rõ ràng tiêu chuẩn nội dung với từng lứa tuổi cũng như áp dụng các biện pháp xử lý vi phạm để đánh dấu sự không khoan nhượng đối với việc xâm hại trẻ em trên mạng.

Hãy lấy "công nghệ trị công nghệ". Tức là thúc đẩy việc chế tạo, áp dụng các chương trình, phần mềm phục vụ cho việc chặn, lọc, quản lý dữ liệu. Đồng thời, cần phải có "vắc xin số" cho người dân, đặc biệt là giới trẻ.

Giúp phụ huynh quản lý hoạt động của trẻ trên mạng

Phan Thị Bảo Kim

Phan Thị Bảo Kim

Phan Thị Bảo Kim (học sinh lớp 9 Trường THCS Nguyễn Trãi, Đà Nẵng):

Em đã sẵn sàng và rất tự tin để tham gia phiên họp. Với chủ đề "Bảo vệ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng", em mong muốn giới thiệu phần mềm giúp phụ huynh quản lý hoạt động của con em mình trên môi trường mạng.

Phần mềm hoạt động theo cơ chế dễ hiểu là kết nối gián tiếp điện thoại của phụ huynh và trẻ em. Khi trẻ truy cập vào các trang web xấu hay thông tin, hình ảnh phản cảm thì phần mềm sẽ ngay lập tức thông báo đến điện thoại của phụ huynh, lúc này phụ huynh sẽ là người xử lý và giải quyết.

Đổi mới cách thức truyền tải, phù hợp với tâm lý trẻ em

 

Nguyễn Khánh Linh (Trường THPT Quang Trung, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình):

Khi được giả định vào vai đại biểu Quốc hội, chúng em sẽ đưa ra ý kiến, kiến nghị tới các cô chú lãnh đạo về hai chủ đề chính. Đó là những vấn đề sát sao, thiết thực nhất với tình hình, thực trạng của trẻ em hiện nay.

Nguyễn Khánh Linh

Nguyễn Khánh Linh

Em cũng sẽ lắng nghe, tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội giả định, từ đó tìm ra những biện pháp thiết thực nhằm thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em. Đồng thời đổi mới cách thức truyền tải, phù hợp với tâm lý và xu hướng tiếp nhận thông tin của trẻ em hiện nay.

Em hy vọng tinh thần và ngọn lửa của thiếu nhi ngày càng được nâng cao hơn nữa với sự hỗ trợ, quan tâm của các bộ, ban, ngành thông qua các đề xuất, ý kiến của các bạn thiếu nhi là đại biểu Quốc hội giả định.

Quan tâm nhiều hơn đến vấn đề bạo lực, xâm hại trẻ em

Võ Lê Thục Anh (Trường THCS Tây Sơn, Đà Nẵng):

Võ Lê Thục Anh

Võ Lê Thục Anh

Khi được lựa chọn là đại biểu giả định, em đã tìm hiểu thông tin, khảo sát nguyện vọng và vấn đề của các bạn thiếu nhi trong khu vực nơi em sinh sống để hoàn thiện phần ý kiến trình lên các cô chú lãnh đạo.

Đặc biệt em trăn trở với chủ đề bảo vệ trẻ an toàn trên môi trường mạng, trong đó làm sao để trẻ em khu vực miền núi, vùng sâu vùng xa có điều kiện tiếp thu với sự tiến bộ của công nghệ thông tin. Nếu không được tiếp cận thì làm sao các bạn có sự hiểu biết, có khả năng tránh khỏi các rủi ro trên không gian mạng?

Bên cạnh đó, em rất mong các ban, bộ, ngành, đặc biệt là Bộ Thông tin và Truyền thông, các công ty công nghệ phát triển các phần mềm có khả năng phát hiện, cảnh báo thông tin xấu, độc dành cho trẻ em.

Với chủ đề "Phòng chống tai nạn thương tích, bạo lực, xâm hại trẻ em", em mong muốn toàn xã hội quan tâm nhiều hơn đến vấn đề này vì nó không chỉ ảnh hưởng đến thể chất mà còn làm tổn hại đến tinh thần của trẻ. Lâu dần sẽ gây nên vết thương trong tâm hồn rất khó để chữa lành.

Em rất mong các cơ quan có thẩm quyền chỉ đạo triển khai các biện pháp, kênh truyền thông nhằm nâng cao nhận thức của cha mẹ, người chăm sóc trẻ em. Tuyên truyền rộng rãi đến mọi người về các hình thức tiếp cận, chiêu trò của tội phạm, từ đó trang bị cho trẻ em các kỹ năng, giáo dục giới tính.

Hơn 260 đại biểu dự phiên họp giả định "Quốc hội trẻ em"

Ngày mai 8-9, hơn 260 đại biểu trẻ em tiêu biểu trên toàn quốc sẽ tụ hội về thủ đô Hà Nội dự phiên họp giả định "Quốc hội trẻ em" lần thứ nhất năm 2023.

Đây là lần đầu tiên có một phiên họp giả định "Quốc hội trẻ em" do Trung ương Đoàn, Hội đồng Đội trung ương chủ trì, phối hợp với Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, Văn phòng Quốc hội tổ chức nhằm tiếp tục triển khai thực hiện các hoạt động thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em vào các vấn đề về trẻ em.

Theo lịch trình, ngày 9-9 đại biểu sẽ vào dâng hương tại Đài tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ Bắc Sơn, vào lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh, tham quan Bảo tàng Quốc hội và tập huấn các kỹ năng tham gia phiên họp giả định.

Ngày 10-9 sẽ diễn ra phiên toàn thể phiên họp giả định "Quốc hội trẻ em" tại hội trường Diên Hồng, tòa nhà Quốc hội.

Đặng Vũ Hùng