Trong những năm qua, cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội, các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em luôn được các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương trong tỉnh quan tâm, triển khai thực hiện đồng bộ, nhiều hoạt động tập trung góp phần bảo vệ quyền trẻ em, thúc đẩy trẻ em thực hiện quyền tham gia các vấn đề của trẻ em được quan tâm từ gia đình, cộng đồng và xã hội.
Việc huy động và sử dụng các nguồn lực thực hiện mục tiêu vì trẻ em ngày càng có hiệu quả; chăm sóc sức khỏe, bảo đảm dinh dưỡng cho trẻ em từng bước được cải thiện đáng kể; chất lượng giáo dục được nâng lên rõ rệt; nhiều công trình hoạt động văn hóa, vui chơi, giải trí dành cho trẻ em được tỉnh, huyện đầu tư xây dựng…, góp phần thực hiện bảo đảm các quyền cơ bản của trẻ em.
Trong 10 năm qua, các cấp, các ngành có liên quan của tỉnh Lâm Đồng đã ban hành trên 150 văn bản các loại để chỉ đạo, hướng dẫn triển khai thực hiện công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em. Hàng năm, tổ chức kịp thời các hoạt động dành cho trẻ em nhân Tháng hành động vì trẻ em, Ngày Quốc tế Thiếu nhi, Tết Trung thu, Tết Nguyên đán; tổ chức diễn đàn trẻ em; gặp mặt, biểu dương trẻ em các cấp; kêu gọi vận động và tiếp nhận nguồn lực xã hội hóa từ Quỹ Bảo trợ trẻ em, các tổ chức trong và ngoài nước, các cá nhân có tấm lòng hảo tâm… kịp thời hỗ trợ, giải quyết những vấn đề bức thiết về trẻ em.
Công tác kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em đã được các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể, địa phương trong tỉnh thực hiện thường xuyên, nghiêm túc; Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh tổ chức giám sát 10 năm việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng chống xâm hại trẻ em trên địa bàn tỉnh; Sở Lao động Thương binh và Xã hội đã phối hợp với các sở, ngành là thành viên Ban Điều hành hệ thống bảo vệ, chăm sóc trẻ em các cấp tổ chức 14 lượt kiểm tra, giám sát; 2 lượt thanh tra việc thực hiện chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em...
Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh và các đoàn thể chính trị - xã hội, các huyện, thành phố phối hợp chỉ đạo, hướng dẫn lực lượng báo cáo viên, tuyên truyền viên ở cơ sở tổ chức các hoạt động tuyên truyền theo chuyên đề hoặc lồng ghép nội dung tuyên truyền kiến thức, kỹ năng về công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em trong các buổi sinh hoạt chi bộ, đoàn thể, cơ quan, đơn vị, tổ dân phố, khu dân cư…
Xử lý nghiêm minh các trường hợp vi phạm quyền trẻ em. Theo dõi tình hình, nắm bắt thông tin về trẻ em trên địa bàn, tổ chức thăm hỏi động viên gia đình và trẻ em, phối hợp chăm sóc sức khỏe y tế, hỗ trợ kinh phí và tư vấn pháp lý cho gia đình, nhằm giúp trẻ ổn định cuộc sống, tinh thần và bảo đảm các quyền của trẻ em được thực hiện theo luật định.
Giai đoạn 2012 – 2022, từ cấp tỉnh đến cấp huyện, cấp xã đã tổ chức trên 500 hội thi, tọa đàm, hoạt động sinh hoạt hè gắn với các chủ đề được trẻ em và xã hội quan tâm đã có trên 60 nghìn lượt trẻ em tham gia. Tổ chức ký kết các chương trình, kế hoạch phối hợp liên ngành giữa Sở Lao động Thương binh và Xã hội với các sở, ngành: Giáo dục và Đào tạo, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên… về công tác bảo vệ, phòng chống xâm hại và tai nạn, thương tích, phòng chống đuối nước trẻ em trên địa bàn tỉnh, nhằm giảm thiểu đến mức thấp nhất tình trạng trẻ em bị xâm hại và tai nạn, thương tích xảy ra trên địa bàn tỉnh.
Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Lâm Đồng đã kịp thời ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các sở, ngành, địa phương về việc tăng cường bảo vệ, chăm sóc trẻ em trong đại dịch Covid-19 và phòng chống xâm hại, tai nạn thương tích ở trẻ em. Vận động kinh phí, tổ chức thăm và tặng trên 2.000 suất quà cho trẻ em điều trị Covid-19 với tổng số tiền trên 2 tỷ đồng. Kêu gọi vận động tài trợ từ các tổ chức phi chính phủ nước ngoài với tổng kinh phí trên 20 tỷ đồng để hỗ trợ cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, khó khăn trên địa bàn tỉnh thông qua các chương trình, dự án.
Tuy nhiên, sự phối hợp và vấn đề an toàn của trẻ em ở 3 môi trường “gia đình, nhà trường và xã hội” chưa thật sự bảo đảm, vẫn còn trẻ em bị xâm hại, bạo lực. Trẻ em vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng khó khăn chưa được tiếp cận nhiều với các hoạt động vui chơi, giải trí.
Năm nay, với chủ đề “Chung tay bảo vệ trẻ em, hãy lên tiếng phòng chống xâm hại, bảo lực trẻ em”, UBND tỉnh Lâm Đồng đã ban hành văn bản triển khai thực hiện Tháng hành động vì trẻ em năm 2022, tăng cường trách nhiệm của các ngành, các cấp, sự phối hợp thực hiện các biện pháp phòng ngừa, hỗ trợ, can thiệp để bảo vệ trẻ em kịp thời, hiệu quả, nhất là trong gia đình. Quan tâm, tạo điều kiện, vận động nguồn lực để mọi trẻ em có một mùa hè an toàn lành mạnh. Thời gian thực hiện từ ngày 01/6 đến 30/6/2022.
Các cấp, các ngành tiếp tục đẩy mạnh công tác truyền thông để tăng cường nhận thức, kỹ năng của trẻ em, gia đình, cộng đồng về bảo vệ trẻ em, thông báo, tố giác các hành vi xâm hại, bảo lực trẻ em, bóc lột sức lao động trẻ em; tuyên truyền về Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em (số 111), fanpage truyền hình Vì trẻ em VTV1 đến các tầng lớp Nhân dân.
Bảo đảm kỳ nghỉ hè an toàn, lành mạnh và phòng, chống Covid-19 cho trẻ em. Tổ chức các hoạt động vui chơi, giải trí, thể dục thể thao và các hoạt động chăm sóc trẻ em nhân Tháng hành động vì trẻ em, Ngày Quốc tế Thiếu nhi 01/6, Tết Trung thu, Tết Nguyên đán, Ngày Gia đình Việt Nam, Ngày toàn dân đưa trẻ em đến trường… Vận động nguồn lực, kêu gọi toàn xã hội tham gia công tác chăm sóc, giáo dục, bảo vệ trẻ em… và hãy lên tiếng phòng chống xâm hại, bạo lực trẻ em.